Hà Nội phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới
TCCS - Ở nước ta hiện nay, y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp và hiệu quả nhất. Để mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở, ngành y tế Hà Nội luôn củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế cơ sở, qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu các quan điểm: “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”. Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở, như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…
Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở, thời gian qua các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động y tế tại cơ sở, như phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, duy trì thực hiện hiệu quả các chương trình y tế. Đối với các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình, quản lý bệnh không lây nhiễm, người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở… Có thể nói, mạng lưới y tế cơ sở của Hà Nội luôn được củng cố và phát triển.
Năm 2019, ngành y tế Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm tăng cường vai trò của y tế dự phòng lồng ghép với khám, chữa bệnh tại 30 trung tâm y tế quận, huyện; 53 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh và 584 trạm y tế xã, phường. Cùng với việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngành y tế thành phố Hà Nội không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; duy trì trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện an toàn tiêm chủng, phòng, chống dịch bệnh, chương trình y tế - dân số; phòng, chống HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân theo nguyên lý y học gia đình.
Công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế điểm, tổng số lượt khám chữa bệnh từ 1-1-2020 đến 30-8-2020 là 904,053 lượt người, số lượt khám trung bình tại 1 trạm y tế điểm trên địa bàn thành phố là 248 lượt người/tháng. Các trung tâm y tế đã ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện được phân công theo Kế hoạch số 124/KH-SYT, ngày 7-1-2020, của Sở Y tế Hà Nội Về cử người hành nghề và tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn; đồng thời, các trung tâm y tế rà soát điều động cán bộ tăng cường xuống trạm y tế hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, năm 2019 toàn thành phố đã triển khai 279 trạm y tế điểm, đạt 47,7%. Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2020 đã triển khai 177 trạm y tế điểm. Tích lũy năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020 toàn thành phố đã triển khai được 456 trạm y tế điểm đạt 95,19%. Về kết cấu hạ tầng, các trạm y tế điểm được đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa, bảo đảm đủ các phòng chức năng theo đúng quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Các trạm y tế được sắp xếp lại các phòng chức năng theo Quyết định số 6070/QĐ-BYT, ngày 8-10-2018, của Bộ Y tế Về việc ban hành hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng cho trạm y tế mô hình điểm. Theo đó, các phòng được bố trí phù hợp theo công năng sử dụng.
Nhờ chú trọng, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội được nâng lên rõ rệt. Năng lực dự phòng của tuyến y tế cơ sở được nâng cao, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tạo sự hài lòng cho người dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, y tế cơ sở thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, hiện có 111 bệnh viện hoạt động trên địa bàn, trong đó có 41 bệnh viện công lập trực thuộc thành phố, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành. Cùng với đó là 3.587 phòng khám tư nhân với đầy đủ các hình thức từ đa khoa đến chuyên khoa, 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã hướng dẫn cho nhân viên y tế cơ sở các cách phân biệt cúm theo mùa thông thường với COVID-19.
Đối với thành phố Hà Nội, để phát triển hệ thống y tế cơ sở, trong thời gian tới cần:
Một là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung, như truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…
Hai là, đổi mới hoạt động tại trạm y tế, nhất là các trạm y tế điểm, bao gồm bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, đái tháo đường; khám chữa bệnh,… theo nguyên lý y học gia đình. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các trung tâm y tế rà soát tham mưu ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế điểm bảo đảm theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Các trung tâm y tế bố trí đủ số lượng và cơ cấu cán bộ cho trạm y tế theo quy định, ưu tiên bác sĩ về công tác tại các trạm y tế; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu tại các trạm y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội theo nguyên lý y học gia đình…
Ba là, triển khai khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại 100% các trạm y tế, thực hiện quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ khám và quản lý sức khỏe cho người dân đi đôi với nâng cao chất lượng của hồ sơ quản lý. Để các trạm y tế triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trước mắt, các trung tâm y tế cần tăng cường luân phiên bác sĩ cho các trạm y tế còn thiếu bác sĩ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tình trạng bác sĩ phải ghi chép nhiều sổ sách, nhập số liệu… Cần kết nối và thực hành thành thạo các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tính toán để có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế, giảm chi phí phải chi trả từ tiền túi của người dân, mở rộng danh mục thuốc để người dân được hưởng lợi từ việc khám và điều trị tại trạm y tế./.
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
Tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (23/08/2020)
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công  (21/08/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm