Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam

Nguyễn Trọng Phúc PGS, TS, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
00:09, ngày 04-09-2014
TCCSĐT - Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương kết thúc, cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam để thực hiện những quy định, cam kết mang tính pháp lý của Hiệp định đã gặp những khó khăn, cản trở lớn.
Bối cảnh lịch sử của Hiệp định

Cuối năm 1953, thực dân Pháp triển khai mạnh mẽ kế hoạch quân sự Na-va - cố gắng quân sự cao nhất kể từ đầu cuộc chiến tranh với sự tiếp sức của Mỹ hòng giành thắng lợi quyết định đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Đông Dương. Từ bài học thất bại trong các chiến dịch trên chiến trường Đông Dương, trong chính giới Pháp xuất hiện xu hướng muốn kết thúc chiến tranh bằng thương lượng trực tiếp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển) ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”(1).

Đó là một khả năng thực tế để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp với sự hối thúc của Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa, dồn hết sức ở mặt trận Điện Biên Phủ. Cuộc thương lượng trực tiếp giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp đã không diễn ra. Trong khi đó, tình hình quốc tế có những diễn biến mới. Từ ngày 25-01 đến ngày 18-2-1954, tại Béc-lin (Đức), Hội nghị ngoại trưởng bốn nước Anh, Mỹ, Liên Xô và Pháp quyết định triệu tập hội nghị tại Giơ-ne-vơ vào ngày 26-4-1954 để bàn và giải quyết hai vấn đề: tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và xem xét việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Về thành phần tham dự Hội nghị, phía Liên Xô đề nghị, nếu bàn cả vấn đề Triều Tiên và Đông Dương thì phải mời Trung Quốc, trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ phản đối vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa phải là thành viên Liên hợp quốc và chưa có vai trò trong đời sống chính trị thế giới. Tuy nhiên, cuối cùng đã đạt được sự thỏa thuận mời Trung Quốc tham gia Hội nghị do đây là nước viện trợ cho cả hai cuộc chiến. Như vậy, vấn đề Việt Nam và Đông Dương đã được quốc tế hóa; các nước lớn đều có lợi ích riêng khi đến Hội nghị.

Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về vấn đề Triều Tiên diễn ra từ ngày 26-4 đến ngày 07-5-1954. Ngày 08-5, đúng một ngày sau chiến thắng vang dội của quân và dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ, Hội nghị bàn về chiến tranh Việt Nam và Đông Dương khai mạc. Cần nhắc lại rằng, đây không phải là cuộc đàm phán trực tiếp giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp mà là hội nghị của các nước lớn và mời các bên tham chiến ở Việt Nam và Đông Dương tham dự.

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đàm phán. Với 75 ngày thương lượng gồm 8 phiên họp toàn thể, 23 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hội nghị đã đi đến ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và ở Cam-pu-chia và ra Tuyên bố cuối cùng.

Hoàn cảnh quốc tế phức tạp và tính chất của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của Hội nghị, làm cho thắng lợi đạt được của Hội nghị chưa hoàn toàn như mong muốn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam. Vì thế, có những ý kiến cho rằng, kết quả cuối cùng của Hội nghị chưa thực sự phản ánh đúng thắng lợi về quân sự của Việt Nam trên chiến trường. Chẳng hạn như thỏa thuận phân tuyến, phân vùng quản lý của hai bên sau khi đình chỉ chiến sự; thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam.

Tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 của Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, nêu rõ: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng Bảy năm 1956, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban giám sát và kiểm soát quốc tế đã nói trong hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20 tháng Bảy năm 1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”.

Tính pháp lý quốc tế và cuộc đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ của nhân dân Việt Nam

Tính pháp lý quốc tế của các văn kiện được ký kết và thông qua tại hội nghị Giơ-ne-vơ là rõ ràng và cần được nhận thức đúng, tôn trọng trong thực tế.

Thứ nhất, các đại biểu, các nước tham gia hội nghị, nhất là các nước lớn cam kết tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Đó là những quyền dân tộc cơ bản phải được tôn trọng, thực hiện và bảo vệ. Thứ hai, vĩ tuyến 17 mà thực địa là sông Bến Hải chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời để phân định khu vực đóng quân của hai bên, hoàn toàn không có nghĩa là sự chia cắt lãnh thổ của nước Việt Nam. Mọi ý đồ chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam thành hai quốc gia là trái với pháp lý, trái với tinh thần và lời văn của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thứ ba, việc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế đã được quy định. Cuộc tổng tuyển cử được tiến hành tự do và bỏ phiếu kín để đi đến thống nhất đất nước.

Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công. Người nêu rõ: “Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đấu tranh để củng cố hòa bình thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí. Người khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết làm đúng những điều đã ký kết.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam để thực hiện những quy định, cam kết mang tính pháp lý của Hiệp định đã gặp những khó khăn, cản trở lớn. Với âm mưu can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam và Đông Dương, từ năm 1950, Mỹ tiếp sức cho Pháp mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược. Khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, Mỹ mưu toan thay thế Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Ngày 18-6-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên chức Thủ tướng trong Chính quyền Bảo Đại để từng bước gạt Pháp ra khỏi Việt Nam. Chỉ 5 ngày sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, ngày 26-7-1954, Phó Tổng thống Mỹ Ních-xơn (R. Nixon) đã đến Sài Gòn như sự khẳng định vai trò của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Ngày 17-8-1954, Tổng thống Mỹ D. Ai-xen-hao (D. Eisenhower) ra lệnh viện trợ trực tiếp cho các chính quyền thân phương Tây ở Đông Dương không qua Pháp. Ngoại trưởng Mỹ F. Đa-lét (F. Dulles) ngày 19-8-1954 gửi thư cho Thủ tướng Pháp M. Phran (Mendes France) nêu rõ sự cần thiết phải ủng hộ chính phủ quốc gia ở miền Nam Việt Nam. Ngày 08-9-1954, Mỹ thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), đặt miền Nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia vào khu vực bảo hộ của Hiệp ước. Ngày 29-9-1954, Chính phủ Mỹ và Pháp thỏa thuận “chống lại sự phát triển ảnh hưởng hay sự kiểm soát của phong trào Việt Minh; ủng hộ Diệm trong việc thành lập và duy trì một Chính phủ mạnh, chống cộng và theo chủ nghĩa quốc gia”. Từ ngày 01-11-1954, Mỹ viện trợ trực tiếp cho chính quyền Sài Gòn. Ngày 08-11-1954, D. Ai-xen-hao cử tướng L. Cô-lin (Colin) - Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và phối hợp với phái đoàn quân sự Mỹ (MAAG) do tướng O. Đa-ni-en (Daniel) cầm đầu. Tướng L. Cô-lin tuyên bố: “Mỹ chủ trương tăng cường lực lượng quân sự cho miền Nam Việt Nam… Mỹ sẽ huấn luyện quân đội miền Nam và 90% trang bị sẽ là của Mỹ”.

Được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã cự tuyệt thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Ngày 16-7-1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố việc tổng tuyển cử là không thể thực hiện được. Ngày 09-8-1955, chính quyền Sài Gòn chính thức bác bỏ đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tổ chức Hội nghị hiệp thương hai miền.

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ để đi tới hiệp thương hai miền, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đồng thời yêu cầu đối phương cũng phải tôn trọng và thi hành đúng Hiệp định. Ngày 06-9-1954 Bộ Chính trị Đảng ta ra Chỉ thị về tình hình mới, nhiệm vụ công tác của miền Nam, trong đó nêu rõ: “Thi hành triệt để Hiệp định đình chiến (tập kết quân đội, rút quân ra Bắc…). Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định (đòi thả hết tù binh, tù chính trị và thường dân bị bắt; chống tuyển mộ thêm ngụy binh; chống đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến; chống phá hoại cơ sở của ta…). Cần dựa vào những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ và những điều thỏa thuận ở Trung Giã mà đấu tranh với Pháp và lôi kéo dư luận”(3).

Theo đúng quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 19-7-1955, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Quốc trưởng và Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) đề nghị đại biểu hai miền mở Hội nghị hiệp thương từ ngày 20-7 để bàn việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ đề nghị đó. Ngày 17-8-1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Ngoại trưởng Anh và Liên Xô, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, yêu cầu thi hành mọi biện pháp cần thiết để Hiệp định Giơ-ne-vơ được tôn trọng và vấn đề chính trị ở Việt Nam được giải quyết trên cơ sở hiệp thương hai miền Bắc - Nam, tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước Việt Nam. Ngày 08-5-1956, hai đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ gửi thư kêu gọi Chính phủ hai miền Việt Nam thực hiện những điều khoản quân sự và chính trị của Hiệp định.

Sau khi Pháp rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ chính thức thay chân Pháp và tăng cường xây dựng chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ càng khó khăn và đứng trước những thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì đấu tranh, yêu cầu đối phương thi hành Hiệp định. Ngày 11-5-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam tiến hành hiệp thương để bàn việc tổng tuyển cử. Ngày 13-7-1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho hai đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ yêu cầu có biện pháp để tổ chức hội nghị hiệp thương bàn về tổng tuyển cử. Ngày 21-7-1956, thời hạn hai năm theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ đã qua nhưng không diễn ra tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì con đường hiệp thương hòa bình đi đến tổng tuyển cử. Phía Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng lộ rõ âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam thành hai quốc gia. Ý đồ đó được thể hiện rõ khi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23-01-1957, Mỹ đề nghị cho Nam Việt Nam và Nam Triều Tiên gia nhập Liên hợp quốc.

Ngày 18-7-1957, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho Ngô Đình Diệm đề nghị hiệp thương để bàn tổ chức tổng tuyển cử. Ngày 07-3-1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho chính quyền Sài Gòn đề nghị hai miền cử đại biểu gặp nhau bàn bạc để mau chóng hòa bình thống nhất đất nước với tinh thần hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố không bình thường hóa quan hệ hai miền. Ngày 22-12-1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đề nghị với Chính quyền Sài Gòn tiến hành gặp gỡ, thảo luận vấn đề trung lập hóa hai miền, tăng cường hợp tác kinh tế, cấm các hoạt động tuyên truyền và bình thường hóa việc đi lại.

Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam không những đã cự tuyệt thi hành những điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ mà còn trắng trợn đàn áp, trả thù những người kháng chiến, yêu nước ở miền Nam, đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Phân ban của Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn cũng bị đối phương bao vây, phong tỏa, không có điều kiện hoạt động. Tháng 5-1958, Bộ Chính trị đã quyết định rút phái đoàn liên lạc. Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, trên thực tế, cũng không thể hoạt động theo chức trách được phân công.

Cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra rất khó khăn, phức tạp. Chúng ta đã kiên trì nhưng không đạt được mục tiêu chính trị là hiệp thương hai miền Bắc - Nam để tổng tuyển cử, thống nhất nước Việt Nam năm 1956 theo quy định của Hiệp định. Hiện thực lịch sử đó đã làm nổi bật những điểm quan trọng trong nhận thức.

Một là, mặc dù thắng lợi về ngoại giao trong ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa phản ánh đúng thắng lợi về quân sự của quân đội và nhân dân Việt Nam trên chiến trường, nhất là với chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954), song Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết tâm và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định trên tất cả các điều khoản cả về quân sự và chính trị. Điều đó thể hiện thiện chí hòa bình, ý chí độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân miền Bắc Việt Nam tha thiết đi đến tổng tuyển cử để hòa bình thống nhất đất nước vào tháng 7-1956. Cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc cũng hy vọng lớn lao sau hai năm được trở về quê hương, đoàn tụ cùng gia đình. Mọi mong muốn chính đáng đó đã không được đối phương là chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn đáp lại. Khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thẳng tay đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam, thì đồng bào, đồng chí ta ở miền Nam, không còn con đường nào khác phải tiến hành đấu tranh vũ trang để đánh đổ sự thống trị tàn bạo của chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng (khóa II) (tháng 01-1959) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, đã quyết định con đường đấu tranh cách mạng cần thiết và đúng đắn ở miền Nam Việt Nam.

Hai là, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại có hệ thống Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam, âm mưu và hành động chia cắt Việt Nam thành hai nước, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, phục vụ lợi ích và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Ý đồ của Mỹ rất rõ ràng là thay thế Pháp xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Trước khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại (6-1954). Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ đã cùng chính quyền Sài Gòn không thực hiện những điều khoản về chính trị đồng thời với những điều khoản về quân sự. Mỹ đã đưa nhân viên và cố vấn quân sự cùng vũ khí, đạn dược vào miền Nam, gấp rút tăng cường lực lượng quân sự để đàn áp phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam. Sau này, Mỹ đề ra những chiến lược chiến tranh tàn bạo, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ xâm lược Việt Nam. Rõ ràng, khi đó Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam trong vai trò của kẻ xâm lược, vì lợi ích của nước Mỹ trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và quan hệ lợi ích của các nước lớn.

Nhưng âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ - Diệm đã vấp phải sức đấu tranh, tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Trải qua gần 20 năm đấu tranh gian khổ, kiên cường, nhân dân Việt Nam đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai mươi năm sau, vào tháng 7-1995, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức bình thường hóa quan hệ và giờ đây mối quan hệ đó đã được nâng lên mức đối tác toàn diện./.
______________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 168
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 322
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 274