Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao nhân dân
TCCSĐT - Cách đây 40 năm, ngày 27-01-1973 tại Pa-ri, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13-5-1968 - 27-01-1973). Trong quá trình đàm phán đó, cả thế giới đều rất ngưỡng mộ và khâm phục ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén của nhà nữ ngoại giao xuất sắc - Nguyễn Thị Bình - người con của quê hương Quảng Nam.
Một chuyên gia biểu tình
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26-5-1927, tại làng La Kham, Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng: ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà, ông ngoại là nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh.
Từ nhỏ, Nguyễn Thị Bình theo học tại trường Lycee Sisowath ở thành phố Phnôm-Pênh, thủ đô Cam-pu-chia và tốt nghiệp tú tài tại đây. Năm 1945, vừa thi hết Tú tài phần I, Nguyễn Thị Bình bắt đầu hoạt động yêu nước trong các phong trào học sinh, sinh viên, phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1948, sau khi được kết nạp Đảng, bà được giao thêm nhiệm vụ vận động phụ nữ trí thức, tham gia các hoạt động hợp pháp tại thành phố, thành lập Hội phụ nữ cấp tiến. Sau này, bà tham gia chỉ đạo các hoạt động công khai, hợp pháp tiêu biểu như cuộc chống địch giải tỏa xóm lao động Bàn Cờ, cuộc biểu tình để tang Trần Văn Ơn (ngày 09-01-1950), cuộc biểu tình phản đối tàu chiến Mỹ đến Sài Gòn. Trong các cuộc đấu tranh này, bà luôn là người có mặt ở tuyến đầu, nên đồng bào, đồng chí hoạt động nội thành thường gọi bà là “chuyên gia biểu tình”.
Tháng 4-1951, bà bị địch bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), với tội “cầm đầu gây rối, phản nghịch chống chính quyền”, sau đó bị chuyển về Khám Chí Hòa, giam gần 3 năm. Sau khi ra tù, bà tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tổ chức. Một thời gian sau, bà tập kết ra miền Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pa-ri |
Một nhà ngoại giao xuất sắc
Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) ra đời, là người giỏi tiếng Pháp, lại có trình độ và thực tiễn hoạt động chính trị, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân,… năm 1962, Nguyễn Thị Bình vinh dự được cử làm Ủy viên MTDTGPMNVN, phụ trách công tác đối ngoại. Từ đó, bà được tham dự nhiều hội nghị quốc tế và thăm nhiều nước xã hội chủ nghĩa và tiến bộ trên thế giới. Qua các hoạt động đó, bà đã góp phần nâng cao uy tín của MTDTGPMNVN tại nhiều nước trên thế giới. Đến cuối năm 1967, MTDTGPMNVN có cơ quan đại diện tại hơn hai mươi nước như Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba, Pháp, Đức, Mông Cổ,... và Cu Ba là nước đầu tiên đặt Đại sứ quán bên cạnh cơ quan MTDTGPMNVN (ngày 30-6-1967).
Cuối năm 1968, Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn trù bị, rồi Phó Trưởng đoàn của MTDTGPMNVN tham dự Hội nghị Pa-ri (Trưởng đoàn là ông Trần Bửu Kiếm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TWMTDTGPMNVN). Ngày 04-11-1968, khi vừa đến Pa-ri, bà đã phát biểu ngay về “Giải pháp 5 điểm” của MTDTGPMNVN, trong đó nhấn mạnh: 1. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấn đấu thực hiện, độc lập, dân chủ hòa bình tiến tới thống nhất Tổ quốc; 2. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam; 3. Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết; 4. Việc thống nhất Việt Nam do nhân dân Việt Nam tiến hành; 5. Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao, hòa bình, trung lập,…
Tuyên bố trên ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dư luận quốc tế. Trong hồi ký của mình, bà viết: “Ngay từ phút đó, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình hơn và có một nguồn động viên rất lớn. Tại đó, tôi đã phát biểu ngay về giải pháp 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được tất cả mọi người xung quanh hoan nghênh nhiệt liệt. Bạn bè Pháp, bà con Việt kiều hô vang: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm! Việt Nam nhất định thắng!. Lần đầu tiên giữa thủ đô tráng lệ, người dân Pa-ri bắt gặp một đoàn xe Deesse (Nữ thần) phấp phới những lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, có ô tô và mô tô của cảnh sát Pháp dẫn đường hộ tống. Ngồi trên xe, nhìn lá cờ Mặt trận, tôi không nén được bồi hồi, xúc động...”.
Sự xúc động của bà có lý do riêng. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt và tra tấn ở Sài Gòn khi đang hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Giờ đây giữa thủ đô nước Pháp, chính bà và các đồng chí của mình lại được đón tiếp với đầy đủ nghi lễ ngoại giao, trong tư thế người đại diện của nhân dân miền Nam Việt Nam đang chiến đấu và sẽ ngồi vào đàm phán với một đế quốc lớn nhất là Mỹ.
Hôm sau, tất cả các báo phát hành ở Pháp đều đăng tựa đề lớn: Đại diện của Việt cộng đã đến Pa-ri. Kèm theo đó là những tường thuật và bình luận về cuộc đón tiếp người phụ nữ đại diện của “Việt cộng” với những tình tiết thật ly kỳ: “Việt cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp bà Bình ở Pa-ri”, “Bà Bình như một bà hoàng, được đón như một quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”, “Bà Bình đã làm chấn động dư luận Pa-ri và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Pa-ri! Rất tuyệt! Thật hiếm có”,…
Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao
Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Chính phủ CMLT) được thành lập, Nguyễn Thị Bình được phân công giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ CMLT tại Hội nghị Pa-ri, thay thế đoàn Đại biểu MTDTGPMNVN.
Việc Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ CMLT tại Hội nghị Pa-ri là có chủ định. Bởi vì bà đã tốt nghiệp tú tài, rất giỏi tiếng Pháp và có quá trình hoạt động chính trị nhiều năm. Hơn nữa, trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một nước nhỏ chống lại một đế quốc lớn, mà đứng đầu phái đoàn là một người phụ nữ vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, rõ ràng tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại, như lời nhận xét của bà sau này: “Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo thì người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình”.
Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Pa-ri là một thử thách khắc nghiệt: “Hội nghị Pa-ri là một trận chiến quyết liệt, là những keo vật không đứt giữa các kỳ phùng địch thủ”. Nhưng hình ảnh “madam Bình” theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm làm cho thế giới nể trọng, nhân dân nức lòng. Trên bàn đàm phán, mọi người đều nhận thấy Nguyễn Thị Bình là một người phụ nữ mềm mại nhưng khéo léo và đầy bản lĩnh. Khoảng thời gian giữa hai kỳ họp là một khối lượng công việc lớn và đầy căng thẳng. Bà vừa tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế, đi các nước châu Á, châu Âu, châu Phi, nhất là chuẩn bị thông tin, nghiền ngẫm cách đối phó trước những đòn tấn công ngoại giao sắc bén trong các cuộc đàm phán phía trước.
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời báo chí tại Pa-ri |
Có lần, một nhà báo phương Tây hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh nhẹn trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. Câu trả lời thông minh ấy đã khiến nhà báo kia phải cứng họng. Trong quá trình đàm phán, bà luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng”.
Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết. Đây là vinh dự lớn lao trong cuộc đời hoạt động của bà, mỗi khi nhớ về sự kiện trọng đại này, bà vẫn tự hào: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Pa-ri, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30-4-1975), bà được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ giáo dục Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tháng 02-1987, bà được phân công làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hòa bình Đoàn kết hữu nghị với Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII, IX, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bà nghỉ hưu năm 2002.
Thời gian giữ chức Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Bình có nhiều đóng góp trên lĩnh vực tuyên truyền, giới thiệu về đường lối đối ngoại của Việt Nam, củng cố tăng cường hữu nghị giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế cũng như với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, bà đã góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước lớn, tạo được uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Giờ đây, ở tuổi 85, sự đóng góp của vị “sứ giả hòa bình” Nguyễn Thị Bình vẫn là biểu tượng sáng ngời về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam./.
________________
Tài liệu tham khảo:
Mặt trận dân tộc giải phóng Chính phủ cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001
Quảng Nam - những tấm gương cộng sản, tập2, Nxb. Đà Nẵng, 2010
Tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (23/01/2013)
Tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (23/01/2013)
Một số so sánh quyền con người với quyền công dân  (23/01/2013)
Một số so sánh quyền con người với quyền công dân  (23/01/2013)
Tổng Bí thư gửi điện cảm ơn tới Tổng thống Cộng hòa Italy  (23/01/2013)
- Kỳ họp thứ mười của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm