TCCS - Vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô trở thành mối quan tâm đặc biệt khi Hà Nội được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố/ thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Hà Nội nhận thức rõ đây là vấn đề nan giải, là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được giải quyết, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, giảm ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tích cực xác định các tác nhân gây ô nhiễm
Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2020 của Tổ chức IQAir, Thụy Sĩ (thực hiện nghiên cứu đo đạc chất lượng không khí dựa vào nồng độ các hạt bụi có hại cho phổi trong không khí) xác định, Hà Nội là “điểm nóng” về tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Nồng độ PM2,5 (những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống, 1 micron =1/10.000 cm, viết tắt là μon ) trung bình hằng năm của Hà Nội trong năm 2020 dù được cải thiện nhưng chất lượng không khí của Thủ đô vẫn cao gấp 4 lần so với mục tiêu tiếp xúc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10μg/m³, 10μg = 1/1.000.000g).
Đánh giá mức độ ô nhiễm không khí giai đoạn năm 2015 - 2020 trong Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025” nhận định: “Chất lượng không khí môi trường có dấu hiệu suy thoái, nồng độ bụi tại nhiều khu vực đã vượt mức tiêu chuẩn cho phép”. Nghiên cứu của các nhà khoa học trong giai đoạn 2000 - 2020 khẳng định, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã tồn tại từ lâu.
Trước thực trạng đó, Hà Nội ra chỉ thị cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan, tổ chức liên quan mở rộng nghiên cứu về ô nhiễm không khí, xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm nhằm đưa ra chính sách giải quyết hiệu quả và khả thi, tìm phương án cải thiện trước mắt cũng như lâu dài.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định trước hết là hệ lụy của tốc độ tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong khi kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Theo đó, nhóm nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí do con người gây ra là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ hằng ngày...
Trung tuần tháng 6-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kết hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” cho thấy sự bất ngờ trong số liệu phát thải từ việc đốt rơm rạ. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10 (đường kính từ 2,5 - 10μm) 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 (nhỏ hơn hoặc bằng 2,5μg) và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả kiểm kê vụ Đông Xuân, các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức có tổng lượng bui phát sinh lớn nhất do hoạt động đốt rơm rạ gây nên. Các quận, huyện Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao, khoảng 30% - 60%. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2.5 được coi là “sát thủ” trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học chỉ ra, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, gia tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng. Trong khi đó, đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại của bà con nông dân.
Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt... Nguyên nhân khách quan không trực tiếp gây ô nhiễm, nhưng lại tác động chính đến sự tăng - giảm chất lượng không khí của Thủ đô. Chẳng hạn, theo công văn số 53/UBND-ĐT, ngày 6-1-2021, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố, trong thời gian từ ngày 29 đến ngày 31-12-2020 gió mùa Đông Bắc tăng cường, ghi nhận tốc độ gió cao tại các trạm quan trắc không khí, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất ô nhiễm nên chất lượng không khí giữ ở mức “tốt” và “trung bình”. Tuy nhiên, khi khối không khí lạnh suy giảm, từ ngày 1 đến ngày 5-1-2021, tốc độ gió thấp trên cả khu vực gây ra điều kiện lặng gió, nền nhiệt xuống thấp, về đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ trong thời gian này.
Triển khai nhiều giải pháp cấp bách và dài hạn
Từ việc xác định các nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí, trong những năm qua, Hà Nội triển khai thực hiện đồng thời nhiều biện pháp giải quyết vấn đề này, tập trung chủ yếu vào các giải pháp sau:
Một là, kiện toàn hệ thống quan trắc không khí. Tháng 5-2020, Hà Nội tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí tự động, nâng tổng số trạm trên địa bàn lên 35. Năm 2021, để tăng cường xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc hơn nữa, trong công văn số 2015/UBND-ĐT, ngày 25-6-2021, về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 05-12-2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (quyết nghị chủ trương đầu tư dự án hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố), hoàn thiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn; tiếp tục rà soát, báo cáo đề xuất đối với các dự án nằm trong quy hoạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí, cung cấp chuỗi dữ liệu quan trắc tin cậy, liên tục tới người dân. Qua đó, người dân Thủ đô được thông tin kịp thời, biết khu vực nào có chỉ số chất lượng không khí an toàn và chưa thực sự an toàn để có những biện pháp bảo đảm sức khỏe, đồng thời ý thức hơn vai trò của bản thân trong các hoạt động gây tác động đến chất lượng không khí.
Hai là, kiểm soát ô nhiễm không khí trong hoạt động xây dựng, vệ sinh môi trường, đặc biệt tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải khác. Theo đó, ngày 18-9-2020, thành phố ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với nội dung nói trên, nhấn mạnh: Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể hướng tới mục tiêu đến ngày 1-1-2021, các địa phương không còn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và rác thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố. Trong đó yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng bảo đảm thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngay từ đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong; rà soát, vận động các cơ sở sản xuất bếp than/ than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Trước tình trạng đốt rơm rạ chưa được xử lý triệt để, tái diễn ở một số địa phương, công văn số 2015/UBND-ĐT ngày 25-6-2021 tiếp tục chỉ đạo sát sao vấn đề này. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở đang xây dựng phương án bổ sung tiêu chí “không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác” trong xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025... Đồng thời, Sở sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chính sách hỗ trợ tài chính để nông dân triển khai các giải pháp thay thế đốt rơm rạ sau mùa vụ.
Ba là, thực hiện các biện pháp trước mắt, cũng như lâu dài kiểm soát, hạn chế nguồn khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện cũ nát. Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn châu Âu đối với các phương tiện giao thông; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhất là tăng cường sử dụng các loại xe điện, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Trong công văn số 53/UBND-ĐT, ngày 6-1-2021, về việc triển khai các biện pháp cải thiện Chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo công an thành phố tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel; không bảo đảm che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường. Ngày 22-7-2021, Hà Nội ban hành Kế hoạch 172KH-UBND về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành, làm cơ sở khoa học thực tiễn để định hướng, xây dựng các giải pháp về cơ chế, chính sách gắn kết giao thông và bảo vệ môi trường, sức khỏe; đồng thời hỗ trợ các bộ, ngành Trung ương ban hành các quy định, chính sách về kiểm soát khí thải từ giao thông, thực thi các chính sách giao thông bền vững, cải thiện chất lượng không khí. Kế hoạch dự kiến được triển khai từ tháng 9-2021 (có thể lùi thời gian tùy vào tình hình dịch COVID-19) với hoạt động chính là đo kiểm khí thải, đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) sẽ chủ động đầu tư 8 bộ thiết bị đo khí thải và hỗ trợ nhân viên kỹ thuật tại 8 trạm cố định phục vụ người dân đến đo kiểm khí thải. Ngoài ra, sẽ thiết lập 34 điểm thu hồi và xử lý xe máy thải bỏ từ người dân. Người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí tới 4 triệu đồng khi thải bỏ xe cũ để thay xe mới.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng không khí ở Hà Nội có thay đổi tích cực. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nếu như năm 2019, các chỉ số AQI của Hà Nội liên tục ở ngưỡng “kém” và “xấu” vào các thời điểm giao mùa hay giai đoạn cao điểm của hoạt động giao thông, thi công xây dựng, sản xuất công nghiệp,… thì năm 2020, vấn đề này được cải thiện đáng kể. Trung tuần tháng 8-2021, không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng tốt hơn. Chỉ số AQI ghi nhận trong nhiều ngày ở mức tốt. Tuy nhiên, kết quả tại thời điểm này một phần cũng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến sản xuất công nghiệp gián đoạn, người dân hạn chế ra ngoài, lượng phương tiện tham gia giao thông giảm…
Từng bước cải thiện chất lượng môi trường, đất, nước, không khí, và giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, song việc giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn là một vấn đề nan giải. Bởi, môi trường không khí là một lĩnh vực tương đối nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên liên quan - từ công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp đến hộ gia đình. Do vậy, nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô sẽ cần những quy định từ cấp Trung ương. Kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới cũng cho thấy, kiểm soát chất lượng không khí đòi hỏi một chiến lược tổng thể, thực hiện trong nhiều năm với những nhóm giải pháp khác nhau./.
Hà Nội tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm Luật Đất đai  (02/10/2021)
Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy  (29/09/2021)
Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Hà Nội  (27/09/2021)
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn  (25/09/2021)
Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI  (22/09/2021)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên