Vốn tín dụng chính sách - một trụ cột trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại Thái Bình
TCCS - Nhiều năm nay, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Thái Bình giúp người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có động lực vươn lên sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền với tín dụng chính sách xã hội
Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình được nâng lên rõ rệt, qua đó khẳng định, đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách có sự chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Thông tri số 43-TT/TU; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị, theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung của Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với việc giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc tuyên truyền về Chỉ thị 40-CT/TW được đẩy mạnh, nhất là qua Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Bình, đài phát thanh tại cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa nội dung Chỉ thị 40-CT/TW vào bản tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ tại 11.189 chi bộ trong toàn tỉnh; tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị 40-CT/TW trong hội nghị báo cáo viên toàn tỉnh... Trong 5 năm qua đã có 95 bài phóng sự, hơn 880 lượt tin, bài với các nội dung phản ánh về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng để chính sách nhân văn trên đi vào cuộc sống.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội được tăng cường. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, như nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh…
Đến nay, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; là một trong những chỉ tiêu thi đua của xã/phường, thị trấn/huyện, thành phố. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc bố trí chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện giúp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã bám sát nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo cụ thể, sát sao đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn xã; đôn đốc các hội, đoàn thể, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác, ủy nhiệm; chỉ đạo trưởng thôn, tổ dân phố tham gia giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tại các cuộc họp giao ban, ban đại diện cấp huyện, các thành viên là chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm báo cáo và giải trình những tồn tại về hoạt động tín dụng chính sách xã hội thuộc địa bàn quản lý. Do vậy, các thành viên là chủ tịch ủy ban nhân dân xã đều chủ động nắm chắc tình hình hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn mình.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai được tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo quần chúng nhân dân thông qua các buổi họp ban mặt trận thôn, họp thôn, sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn… Nhờ đó, các chủ trương, chính sách ưu đãi của các kênh tín dụng được người dân nắm bắt, thực hiện tương đối tốt, từ khâu triển khai chủ trương, chính sách, họp bình xét vay vốn, nhận vốn vay, sử dụng vốn vay, trả nợ gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt khác, thông qua việc giám sát của ban mặt trận thôn, trưởng thôn, ban thanh tra nhân dân giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội hoạt động bảo đảm đúng nguyên tắc, chế độ, đồng vốn đến đúng tay đối tượng thụ hưởng.
Ưu tiên dành nhiều nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Đồng chí Tô Quý Bôn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tiền Hải, cho biết, các xã trong huyện đã làm tốt việc tổ chức quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản của tỉnh, của huyện, đồng thời xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động. Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Theo đó, ban giảm nghèo các xã định kỳ hằng tháng, quý, năm đều có báo cáo Đảng ủy xã về kết quả hoạt động cũng như các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; duy trì các cuộc họp của ban giảm nghèo để triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời thực hiện phân bổ vốn đến thôn kịp thời và đúng quy trình, bảo đảm theo quy định; phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác vốn vay và các tổ tiết kiệm - vay vốn bình xét, lập hồ sơ vay vốn để giải ngân kịp thời đến các đối tượng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích; giao cho các ban quản lý tổ tiết kiệm - vay vốn chủ động thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm; đôn đốc thu hồi vốn vay đến hạn.
Đồng chí Đặng Văn Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Xương, cho biết, huyện tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã; tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời nắm bắt tình hình quản lý vốn vay, sử dụng vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý; bám sát định hướng để xây dựng kế hoạch vốn mới hằng năm; phân khai nguồn vốn về các thôn, tổ dân phố; chỉ đạo các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập danh sách hộ có nhu cầu đủ điều kiện vay vốn để ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân.
Triển khai việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT, ngày 22-2-2019, của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương. Kết quả, đến 31-7-2019, trên địa bàn huyện Kiến Xương đã và đang thực hiện cho vay 9/9 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt hơn 370 tỷ đồng, tăng trên 120 tỷ đồng, tăng 48% so trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, dư nợ bình quân hằng năm tăng 9,6%, với gần 16 nghìn hộ có dư nợ (15.946 hộ).
Thái Bình tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, sự hỗ trợ từ Ngân sách Chính sách xã hội của tỉnh, huyện, đồng thời triển khai có kết quả các sản phẩm dịch vụ nhằm huy động nguồn vốn từ các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động tiết kiệm từ các tổ chức và cá nhân. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng nhiều hơn kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 2.900 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2014 là hơn 840 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm 82,85% tổng nguồn vốn, tăng so với cuối năm 2014 là trên 408 tỷ đồng; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất gần 460 tỷ đồng, chiếm 15,76% tổng nguồn vốn, tăng so với cuối năm 2014 là gần 380 tỷ đồng đồng.
Bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn huy động tại địa phương, ủy ban nhân dân các cấp dành một phần ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với số tiền hơn 40 tỷ đồng, chiếm 1,39% tổng nguồn vốn. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh trên 29 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện hơn 11 tỷ đồng; tăng 30 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Điển hình một số địa phương bố trí nguồn vốn lớn, như thành phố Thái Bình 2.500 triệu đồng, huyện Kiến Xương 1.800 triệu đồng, huyện Đông Hưng 1.600 triệu đồng, huyện Quỳnh Phụ 1.500 triệu đồng...
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Thái Bình. Nguồn vốn tập trung ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi và kịp thời. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thái Bình thực hiện giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho hơn 220 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách để phục vụ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với số tiền hơn gần 4.100 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 59 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 71 nghìn hộ gia đình xây dựng được trên 181 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh bảo đảm môi trường; hơn 8.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên giúp 8.299 em trang trải các khoản chi phí học tập, sinh hoạt; duy trì, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; cho vay hỗ trợ xây dựng được 437 ngôi nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015”.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách còn đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nguồn vốn được tập trung triển khai tại 263 xã phục vụ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh dư nợ trên 2.700 tỷ đồng (chiếm 94,53% tổng dư nợ) với 95.308 hộ gia đình vay vốn còn dư nợ. Nguồn lực đầu tư tín dụng chính sách thực sự là công cụ hữu hiệu thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới (có 6 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 254 xã/263 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Vốn tín dụng chính sách cũng tạo chuyển biến về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, không biết cách sử dụng vốn đến việc dần sử dụng có hiệu quả nguồn vồn, có ý chí tự vươn lên; góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương. Nguồn vốn trên trở thành sinh kế quan trọng của người nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,35%.
Chỉ thị số 40-CT/TW là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững; tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên dành nhiều nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được kịp thời vay vốn; chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị hợp lý của Ngân hàng Chính sách xã hội để hoạt động tín dụng chính sách phát triển ổn định và bền vững./.
Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững  (03/11/2019)
Về phát triển nông thôn và vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn ở nước ta  (28/10/2019)
Biến đổi xã hội và đổi mới công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay  (27/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay