TCCS - Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rõ ràng, mục tiêu cụ thể. Để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra, Hải Phòng đang quyết tâm đổi mới tư duy, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo sức bật mới nhằm xây dựng và phát triển thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Bốc, xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng_Nguồn: Tư liệu

Xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược và tiếp tục hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế

Hải Phòng có vị trí thuận lợi, là nơi gắn kết về mặt không gian, lãnh thổ của miền Bắc, là điểm nối vùng duyên hải Đông Bắc trù phú với vùng duyên hải Nam đồng bằng sông Hồng. Hải Phòng cũng là một trong số ít các địa phương có đầy đủ cả 5 phương thức vận tải: đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường bộ cao tốc. Với vị trí giáp Quảng Ninh, Hải Phòng có thể cùng Quảng Ninh hỗ trợ nhau phát triển, nhất là trong các liên kết phát triển kinh tế biển.

Mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13-11-2021, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng”, trong đó nhấn mạnh công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP, ngày 26-11-2019, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 10 nhóm giải pháp với 42 nhiệm vụ cụ thể, nhằm thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và giao các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương liên quan cùng phối hợp với Hải Phòng thực hiện. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là những căn cứ quan trọng để Hải Phòng chủ động xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các chương trình, dự án quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư,… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phấn đấu đạt mục tiêu Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại nghị quyết, quyết định của Trung ương, Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 76-CTr/TU, ngày 8-7-2019, “Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra các chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể trên các lĩnh vực. Theo đó, Thành ủy Hải Phòng quyết liệt chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Các cấp chính quyền của thành phố tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện các công trình động lực, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác, góp phần đưa Nghị quyết số 45-NQ/TW vào cuộc sống.

Sau 3 năm thực hiện, các cơ chế, chính sách thí điểm theo Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội được triển khai hiệu quả, giúp thành phố tăng tính chủ động, kịp thời trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều nguồn lực về đất đai, vốn, thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Trong các năm 2021 và 2022, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thưởng vượt thu cho Hải Phòng và đầu tư trở lại với tổng số hơn 2.711 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân thành phố cũng ban hành các nghị quyết chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 10ha trở lên đến dưới 500ha để thực hiện 10 dự án với tổng diện tích hơn 578ha.

Bên cạnh một số kết quả bước đầu, nhìn chung, việc thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW còn thiếu chủ động, chậm ban hành thêm các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo động lực mới cho thành phố phát triển kinh tế - xã hội. Sau 5 năm, Hải Phòng mới được cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội. Những cơ chế này chưa thực sự đột phá, có tính động lực cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, vì vậy chưa trở thành điểm nhấn trong sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá cho Hải Phòng dù được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương trong Nghị quyết số 45-NQ/TW, như thành lập khu thương mại tự do; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng… nhưng chưa được triển khai, vẫn trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng.

Để tạo động lực mới cho Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế, thành phố rất cần các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo đột phá trong phát triển, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại, trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc. Nhìn lại những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khó khăn cần vượt qua, thành phố đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, chủ động phối hợp các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để xác định những vướng mắc, bất cập, những điểm “nghẽn” trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển giai đoạn mới. Trong đó, thành phố khẩn trương, chủ động đề xuất, tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45 như xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị… để sớm triển khai vào cuộc sống, tạo sự đột phá cho Hải Phòng trong phát triển với năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong cụ thể hóa định hướng theo Nghị quyết số 45-NQ/TW, hoàn thiện thể chế phát triển sẽ là cơ sở, động lực mạuh mẽ để Hải Phòng bứt phá, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Đẩy nhanh tốc độ quy hoạch, phát triển đô thị

Nâng cấp đô thị sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đề án quy hoạch chung Hải Phòng năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-3-2023 là định hướng quan trọng trong phát triển của Hải Phòng nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo động lực mới cho Hải Phòng nói riêng, vùng Bắc Bộ và cả nước nói chung…

Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đến nay, thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, tạo cho Hải Phòng vị thế trung tâm trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.

Những năm qua, đô thị trung tâm Hải Phòng không ngừng được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng riêng của thành phố cảng biển; quan tâm đầu tư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa.

Về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, thành phố Hải Phòng tăng cường chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30-3-2023, về “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng thời, chỉ đạo triển khai hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị; khởi công nhiều dự án phát triển đô thị. Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa được Hải Phòng xây dựng thành chủ đề để thực hiện trong nhiều năm. Đến nay, 7/8 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 45 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoàn thành, công bố mở và đưa vào sử dụng 3 cảng cá tại Trân Châu, Ngọc Hải và Tây Nam Bạch Long Vĩ. Thành phố hiện có 5 cảng cá và 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu neo đậu tránh trú bão cho hơn 4.000 tàu thuyền, công suất lớn nhất trên 1.000 CV; tổng lượng hàng hóa thông qua khoảng 100.000 tấn/năm.

Thành phố đã đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm: Hoàn thành dự án cải tạo vỉa hè cho 9 tuyến đường trung tâm thành phố; triển khai Chương trình xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025... Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, đầu tư, mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Hải Phòng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, góp phần phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Hiện nay, thành phố có 14 khu công nghiệp (tổng diện tích 6.105,17ha) và 13 cụm công nghiệp (tổng diện tích 519,61ha) đang hoạt động, thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 - 2023 thành phố Hải Phòng tiếp tục có những bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Thành phố Hải Phòng đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng kết nối giao thông nội đô, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông đối nội của thành phố; đồng thời, tiếp tục cải tạo, sửa chữa các tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn thành phố. Các công trình giao thông đối ngoại kết nối với các địa phương được quan tâm đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác; từng bước đưa Hải Phòng trở thành địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, việc phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa… đang dần trở thành hiện thực. Hạ tầng du lịch Hải Phòng có sự tăng trưởng đáng kể trên cả quy mô và chất lượng. Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút lượng lớn khách du lịch.

Ngày 19-4-2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 1274/QĐ-UBND, “Về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”. Chương trình triển khai trên toàn bộ phạm vi ranh giới đơn vị hành chính của thành phố, bao gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc với 7 quận nội thành, 8 huyện ngoại thành.

Theo đó, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Hải Phòng đạt khoảng 74 - 76%; mật độ dân số toàn đô thị đạt: 3.000 người - 3.500 người/km²; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố đạt 34 - 35%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị đạt 16 - ≥ 26%. Hải Phòng mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện Kiến Thụy. Khu vực nội thành bao gồm 9 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương và Kiến Thụy. Cùng với đó, Hải Phòng phát triển các đô thị An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Giai đoạn đến năm 2035, Hải Phòng tiếp tục phát triển theo hướng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt về kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; phát triển đô thị thành phố Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại II.

Giai đoạn đến năm 2040, Hải Phòng đề ra chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 80 - 86%. Thành phố mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang khu vực huyện Cát Hải, thành lập quận Cát Hải (đô thị ở hải đảo). Khu vực nội thành gồm 10 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Dương, Kiến Thụy và Cát Hải.

Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế và là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Hải Phòng sẽ giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Dây chuyền sản xuất của LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, thành phố Hải Phòng_Nguồn: baodautu.vn

Tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế

Với lợi thế, tiềm năng từ vị trí địa lý, Hải Phòng tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại, cảng biển - logistics, du lịch biển quốc tế.

Phát triển công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại

Tăng trưởng xanh đang là mục tiêu mà Hải Phòng tập trung thực hiện nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững trong hiện tại và tương lai. Điều này đang trở thành hiện thực khi có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 theo hướng đô thị xanh, thông minh và đô thị hàng hải toàn cầu…

Cùng với nỗ lực phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics theo xu hướng quốc tế, thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đặc biệt, trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển, thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, thành phố ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và kiên quyết không chấp nhận các lĩnh vực đầu tư ô nhiễm, lạc hậu, thâm dụng tài nguyên. Cùng với đó, thành phố Hải Phòng đang triển khai xây dựng nhà máy điện rác, điện gió trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia; xây dựng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành phố và các ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển, bảo đảm khả thi, đồng bộ và theo hướng phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển.

Khu công nghiệp DEEP-C và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đều đã được định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp DEEP-C đã có mặt tại Việt Nam 25 năm. Hiện tại, Khu công nghiệp DEEP-C đã thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư. Trong ba năm đại dịch COVID-19, mặc dù Hải Phòng chịu những ảnh hưởng rất lớn, nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố vẫn đạt trên 10%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Sau đại dịch, mặc dù Hải Phòng gặp thêm nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố vẫn kiên định phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Nhờ nỗ lực trong quản lý chất thải rắn, đến nay, tất cả chất thải đô thị, chất thải công nghiệp, y tế đều được thành phố thu gom, xử lý triệt để. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nông thôn lên tới 98%, chất thải nguy hại xấp xỉ 100%. Trong thời gian vừa qua, Hải Phòng đã di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nên đã cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề.

Đối với các lĩnh vực giao thông vận tải, cảng biển, thành phố Hải Phòng thay đổi phương thức vận tải hàng hóa từ vận tải khối lượng nhỏ bằng ô-tô thành vận tải khối lượng lớn bằng container, tăng cường vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng thành phố cảng xanh.
Trong nông nghiệp, thành phố Hải Phòng đang thực hiện các mô hình sản xuất khép kín, tái sử dụng, tái chế phụ phẩm, phế phẩm, phế thải nông nghiệp. Nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững tại các khu rừng, nhất là Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.

Bên cạnh đó, Hải Phòng thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ thông minh vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm giảm chi phí giao thông, giảm hiệu ứng khí nhà kính. Đặc biệt, thành phố đã phê duyệt Dự án trung tâm điều khiển tích hợp, dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động tiên tiến, hiện đại và đồng bộ từ nguồn vốn ngân sách, với mục tiêu giám sát chất lượng môi trường.

Về dịch vụ cảng biển - logistics

Là đô thị cảng biển đã hình thành đến nay được hơn 135 năm, với hơn 126km bờ biển, hơn 4.000km diện tích mặt biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông thuận lợi, Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối cảng biển - logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.

Hải Phòng có vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; được xác định là đô thị trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời là đô thị trung tâm gắn kết hoạt động kinh tế hệ thống đô thị của vùng duyên hải Bắc Bộ.

Xác định cảng biển - logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn đạt mức tăng trưởng từ 20 - 23%/năm, tỷ trọng dịch vụ logistics đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13 - 15%.

Trong đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất - nhập khẩu. Thành phố xây dựng 5 khu bến với 98 cầu bến các loại, trong đó có 52 bến cảng thuộc hệ thống các cảng biển Việt Nam với tổng chiều dài là hơn 14km cùng 8 đoạn luồng hàng hải chính, trong đó, nổi bật là khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đã được hoàn thành và đưa vào khai thác 2 bến khởi động từ tháng 5-2018, có thể tiếp nhận tàu lên tới 200.000 tấn. Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính, bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.

Theo quy hoạch, mạng lưới logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 2.500ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.

Để phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, Hải Phòng tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhất là hệ thống cảng biển. Các dự án lớn theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đều nằm trong danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 được thành phố ưu tiên bố trí và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Hướng tới trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế

Về phát triển du lịch, Hải Phòng xây dựng quần thể du lịch biển (Cát Bà - Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh của thành phố. Liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt khách.

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, xây dựng kế hoạch, quảng bá xúc tiến và hợp tác phát triển du lịch; xây dựng và ban hành các đề án như, “Đề án Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tích cực thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước.

Với lợi thế du lịch biển, quần đảo Cát Bà, sân bay quốc tế và nhiều công trình, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, hệ thống khách sạn, resort, nhà hàng ăn uống, sân golf, Hải Phòng đang ngày càng khẳng định là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Gần đây, thành phố đã chủ động triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách đồng thời chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch.

Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, Hải Phòng đang tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch lớn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, có tính chất thay đổi cốt lõi nền tảng du lịch Hải Phòng. Vì vậy, thành phố tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch. Có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt tại Đồ Sơn và Cát Bà. Từ năm 2016 đến nay, Hải Phòng thu hút đến 17 dự án phát triển du lịch, với tổng vốn đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng. Các khách sạn 5 sao lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, như: tổ hợp 2 khách sạn 5 sao của Vingroup, tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao Flamigo, khách sạn 5 sao Mgallery Cát Bà…

Du lịch Đồ Sơn cũng đang tích cực chuyển mình để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế với những sản phẩm thu hút du khách. Theo quy hoạch chung, Đồ Sơn được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế với thể thao, vui chơi giải trí, tín ngưỡng và các lễ hội biển. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó, bên cạnh tận dụng hạ tầng kết nối của khu vực, Đồ Sơn đã và đang mời gọi được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo. Trong đó, có thể kể đến Dự án Dragon Ocean Đồ Sơn với công viên nước quy mô nhất miền Bắc, sân golf link 27 hố nổi hoàn toàn trên biển, quần thể khách sạn 5 sao đã được khai trương... Nhiều dự án lớn đã và đang được đầu tư, như Khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, Dự án mở rộng Sân golf Đồ Sơn; Sân golf quốc tế BRG Ruby Tree 18 hố Đồ Sơn... Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm du lịch Đồ Sơn tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Để phát triển du lịch thực sự trở thành 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng, từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa các trọng điểm du lịch Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, thành phố xác định rõ, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lớn về phát triển hạ tầng du lịch đã và đang được triển khai trên địa bàn Đồ Sơn, Cát Bà, đảo Vũ Yên của các tập đoàn Sun Group, Geleximco, Vingroup.

Thời gian tới, cùng với các ban, bộ, ngành trung ương, thành phố Hải Phòng tập trung nghiên cứu để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội mang tính đột phá phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương. Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; hiện đại hóa đô thị, xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.