Gian lận trong thi cử: căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà
TCCSĐT - Giữa “tâm bão” thẩm định kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia vừa qua, dường như từ khóa “gian lận” được nhắc đến nhiều. Sự thể thế nào đang được làm rõ, nhưng có một điều “tỏ như ban ngày”, gian lận trong thi cử ở nước ta không còn là chuyện hiếm gặp.
Ngược trang lịch sử, chế độ thi cử trong thời phong kiến nước ta được khai sinh từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Duy chỉ có mục đích cao nhất, cuối cùng của các chế độ khoa cử là giống nhau: đề cao việc học, kén chọn hiền tài. Vì thế hai chữ “công danh” có sức thu hút biết bao văn nhân quân tử.
Con đường: học hành - thi cử - đỗ đạt - lập công danh - lưu tiếng thơm muôn đời trở thành kim chỉ nam, con đường tiến thân duy nhất của bất cứ một trang nam tử nào. “Bả công danh” do đó cũng có sức ám gọi đối với một phận sĩ tử bất tài, háo danh, hám lợi. Cùng với đó, có sự xuất hiện những lý do “thương tình đồng cảm” giám khảo làm lơ hay “đồng sáng tạo” với người thi đã làm nên những vụ gian lận trường thi. Lịch sử còn nhắc đến năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đánh tráo bài cho một thí sinh khác. Năm 1841 trong kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo. Trong quá trình chấm thấy nhiều bài hay nhưng bị phạm húy, tiếc một lỗi nhỏ mà đánh mất người tài, hai ông ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài thi, đỗ được 5 người.
Mặc dù sau đó, khi sự việc bị phát giác, Lê Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả. Cao Bá Quát đáng ra bị khép vào “trảm quyết” nhưng vì có nhiều công lao nên được được giảm án và bị cách chức.
Ngày nay, gian lận ngày càng tinh vi, phổ biến, gian lận trong thi cử đang từng ngày, từng giờ hiện hữu mọi ngóc ngách ở lớp học, ngành học, trường học, vùng học.
Phao thi là thứ dễ nhận thấy nhất trong bất cứ cuộc thi nào (dù chỉ là một kỳ thi giữa kỳ hay kết thúc học phần). Vì vậy, dư luận bất ngờ nhưng không quá sốc khi thấy phao thi trắng trường ở trường THPT Đồi Ngô - Bắc Giang năm 2012, hay lại tái diễn ở trường THPT Quang Trung - Hà Đông - Hà Nội một năm sau đó. Nhưng nó chỉ được coi là gian lận “sơ đẳng”, “thứ đẳng” hơn là điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính cầm tay nhiều chức năng. Nhưng dù sao, đó cũng mới chỉ là “mánh khóe” của đám “nhất quỷ, nhì ma” khi có sự “rộng lòng”, làm ngơ của thầy cô giám thị. Siêu đẳng nhưng không kém phần hạ đẳng lại là khâu cuối cùng: chấm điểm, nhập điểm. Tương lai của một thí sinh, một thế hệ lại bị xáo trộn bởi những ngòi bút bị bẻ cong khi nó dính dáng đến sự thiếu trách nhiệm và tệ hại hơn là bởi hai chữ “kim tiền”. Đỗ thành trượt, trượt bỗng nhiên đỗ, lúc chạm đỉnh, lúc chạm đáy, nguyên nhân này chắc hẳn không từ phía học sinh! Vậy từ đâu?
Khi mà bệnh thành tích, nhận diện con đường tiến thân cứ nhất thiết phải vào đại học để gia đình được mở mặt, mở mày đã dẫn tới cuộc “hội ngộ” giữa phụ huynh và những người góp phần cầm cân nảy mực. Một cuộc điện thoại, một tin nhắn vừa đến để sau đó là một lời cảm ơn được chuyển, một món quà đến tay hay một tin nhắn chuyển khoản reo lên là một cuộc thương thảo thành công. Những “suất ngon” vào những trường đứng đầu là một thử thách với những học sinh giỏi nhưng cũng có thể là miếng mồi ngon cho một sự ngã giá bên lề. Để rồi chỉ chênh nhau 0,25 điểm, giỏi có thể rớt, về nhà chăn heo ôm mộng năm sau, còn người “có điều kiện hơn” lại về đích an toàn.
Chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu khi chỉ nhìn qua điểm số? Việc lấp đầy các không gian được gọi là “trường học” bởi trẻ em, học sinh, sinh viên không thể gọi là hệ thống giáo dục quốc dân nếu như không giáo dục các em thực sự. Điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng là sự công bằng hơn ở sự cào bằng. Bất cứ hệ thống giáo dục nào thiếu đi sự tôn trọng mạnh mẽ và khách quan đến chân thực thì không thể gọi là chất lượng cao. Nó là một quá trình mới dẫn đến kết quả chứ không phải hớt ngọn mà quên gốc.
Sẽ tai hại biết bao khi một thí sinh 27 điểm đậu vào trường y, tương lai sẽ là bác sĩ nắm trong tay sinh mạng biết bao người nhưng điểm thực tế lại không qua cửa ải tú tài? Một thầy cô giáo dạy toán tương lai điểm thi không qua nổi điểm liệt nhưng vẫn được phù phép trở thành thủ khoa…? Tương lai đất nước sẽ như thế nào khi phụ thuộc vào những người như thế? Đó là nỗi lo nhưng cũng là một thực tế đáng báo động đối với sự phát triển xã hội khi có điểm thi như Hà Giang, Sơn La bị phát hiện vào năm 2018. Những năm trước đó như thế nào, còn bao nhiêu Hà Giang, Sơn La nữa sẽ bị phanh phui để lấy lại sự công bằng cho thí sinh và nhất là niềm tin cho dư luận? Nói nhiều đến nâng cao chất lượng giảng dạy nhưng chất lượng cho ai và để đạt được gì liệu đã có câu trả lời thỏa đáng. Khi niềm tin bị lung lay, người ta dễ hoài nghi tất cả. Ai giỏi, ai không, trong số hàng nghìn cử nhân tương lai có mấy mươi phần trăm đã và sẽ ngồi sai chỗ. Nền giáo dục nước nhà đang là mấy chấm khi ngành ngành, nghề nghề nói đến cách mạng 4.0. Đạo đức nhân cách của thế hệ tương lai sẽ như thế nào khi vỡ lòng đã biết đến đổi trắng thành đen, không đậu thành đậu?!
Đã đến lúc, nói đến giáo dục, chúng ta không chỉ nói tình thương, trách nhiệm mà cần đề cao sự nghiêm túc và tính công bằng. Thầy cô đừng làm ngơ, dễ dãi cho học sinh, giám thị đừng lơ là nhiệm vụ, cán bộ chấm thi và thanh tra kiểm tra làm đúng chức trách quyền hạn của mình. Hình thức xử phạt phải đủ tính răn đe mới hy vọng một sự cải cách thực sự trong cách thức thi cử hiện nay. Sự khoa học, tính phù hợp, có lộ trình trong hình thức thi cùng với tính đồng bộ trong các khâu quản lý, giám sát được đặt mức cao nhất mới góp phần lấy lại được diện mạo trong sạch cho thi cử nước nhà.
Gian lận trong thi cử vẫn luôn là điều đáng lên án. Nó là căn bệnh trầm kha nhưng không phải là không có thuốc chữa khi chúng ta muốn nó hết hẳn. Nhìn thẳng thực tế để nhận diện giáo dục nước nhà, chúng ta không tự cho phép mình bi quan yếm thế mà vẫn có thể ngẩng cao đầu khi học sinh và lá cờ Việt Nam được xướng danh trên các đấu trường trí tuệ thế giới. Nhưng đấu tranh kiên quyết với những tiêu cực, thiếu minh bạch để trả lại sự mô phạm trong trường học, trong nền giáo dục nước nhà là trách nhiệm của mỗi một công dân chứ không của một riêng ai./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-7-2018)  (29/07/2018)
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước trong tháng Bảy giảm nhẹ  (29/07/2018)
Thủ tướng thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng  (29/07/2018)
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng bầu cử Quốc hội Campuchia thành công  (29/07/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm