Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Thực trạng và triển vọng

TS. Doãn Công Khánh Viện Nghiên cứu Thương mại
15:26, ngày 13-01-2017
TCCSĐT - Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới Việt - Trung đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, dịch vụ, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai nước nói chung và các tỉnh vùng cao biên giới nói riêng.

Một số nét tổng quan về khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Ngày nay, thương mại qua biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực biên giới, mà đã trở thành hoạt động thương mại giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cửa khẩu biên giới đất liền đã trở thành những “cửa ngõ” - “cây cầu” trung chuyển hàng hóa giữa các nước có chung biên giới. Nhìn chung, hợp tác kinh tế qua biên giới thường hướng tới các mục tiêu: nâng cấp giao thông, thuận lợi hoá thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới. Việc thành lập các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới - khu hợp tác qua biên giới là một chiến lược, định hướng nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới không chỉ góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, thuận lợi hoá thương mại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu vực biên giới, mà còn đóng góp vào sự phát triển các chuỗi cung ứng vùng và toàn cầu.

Nội dung chủ yếu của khu hợp tác kinh tế qua biên giới bao gồm:

- Xác định các lĩnh vực hợp tác như thương mại, dịch vụ, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy hải sản…

- Cơ chế quản lý và các chính sách ưu đãi, đảm bảo đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

- Xác định các phân khu chức năng (Khu bảo thuế, Khu chế xuất, Khu gia công sản xuất, Khu dịch vụ,...).

- Cơ chế để giám sát các hoạt động như xuất nhập cảnh, hải quan, ngoại hối, kiểm nghiệm, kiểm dịch và vấn đề đơn giản hóa các thủ tục này.

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại qua biên giới Việt - Trung

Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới Việt - Trung góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, dịch vụ của hai nước nói chung và các địa phương vùng biên giới nói riêng. Nhiều tỉnh biên giới có tiềm năng về phát triển kinh tế, thương mại xét trên phương diện vị trí địa lý so với các tỉnh khác trong vùng, trong đó, quan trọng nhất chính là sự hiện diện của hệ thống các cửa khẩu trên tuyến biên giới. Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại của khu vực này trước những biến động của thị trường trong nước không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa các tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của mỗi địa phương với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại của địa phương.

Mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế của các tỉnh vùng biên giới còn hạn chế nhưng phát triển kinh tế thương mại qua biên giới sẽ mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất địa phương và đưa hoạt động kinh tế các tỉnh biên giới hội nhập với kinh tế vùng và kinh tế cả nước.

Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ chú trọng hỗ trợ các tỉnh biên giới cả về vốn đầu tư lẫn các chính sách ưu tiên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định rằng, vị trí kinh tế mà trước hết là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của các tỉnh biên giới đang được chính phủ quan tâm.

Trung Quốc là thị trường lớn, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng nhanh. Trong tương lai, quan hệ kinh tế đối ngoại giữa hai nước được phát triển ở quy mô và phạm vi lớn hơn sẽ tạo nên sức ép phát triển trước hết là phát triển các hoạt động thương mại đối với các tỉnh biên giới nói chung.

Tiềm năng lớn về du lịch của các tỉnh biên giới là một lợi thế không nhỏ trong quá trình phát triển thị trường và các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là trong bối cảnh ngày nay, khi nhu cầu giao lưu và mở rộng hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, xã hội ngày càng cao.

Hạn chế lớn nhất trong việc phát triển kinh tế, thương mại qua biên giới chính là sự phát triển thấp kém của nền sản xuất. Khu vực biên giới chủ yếu là các tỉnh nghèo, kém phát triển so với mức trung bình của cả nước, cơ sở vật chất ban đầu đang trong giai đoạn hình thành. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội không những chưa đảm bảo sản sinh ra một nền thương mại phát triển, đủ năng lực hướng dẫn cho các hoạt động sản xuất và làm năng động các yếu tố sản xuất, mà còn chưa đủ sức để hỗ trợ một nền thương mại lớn.

Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi nền kinh tế khu vực biên giới hiện nay vẫn chưa có khả năng tích lũy và vẫn phải dựa vào hỗ trợ ngân sách từ trung ương. Do đó, khả năng hình thành, phát triển các thị trường và hoạt động thương mại nhờ thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển cũng không lớn trong giai đoạn tới.

Tiềm năng phát triển công nghiệp của các tỉnh biên giới chủ yếu là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp này, các tỉnh khu vực biên giới không những sẽ gặp phải khó khăn về điều kiện giao thông (do địa hình phức tạp, suất đầu tư lên cao), mà còn vấp phải khó khăn về bài toán hiệu quả đầu tư và xu thế, yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Cùng với những khó khăn về phát triển thị trường dựa vào khả năng khai thác tiềm năng khoáng sản, là khó khăn phát triển thị trường dựa vào hoạt động chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Bởi lẽ, điều kiện địa hình phức tạp làm phát sinh hạn chế trong việc tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở chế biến ở quy mô công nghiệp.

Trong quan hệ thương mại, mặc dù về lý thuyết, cả hai bên sẽ cùng “thắng”, nhưng rõ ràng bên nào có ưu thế lớn sẽ có lợi hơn và bên kia sẽ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ mậu dịch. Xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta mặc dù có tiềm năng, nhưng hiện tại đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với các tỉnh khu vực biên giới phía Trung Quốc.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Nhằm khai thác lợi thế khu vực biên giới đất liền trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng nhau nghiên cứu xây dựng và phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Các địa phương có chung đường biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu (Việt Nam) và Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đã và đang chủ động tìm cách khai thác, phát huy lợi thế của mỗi bên, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế, cùng có lợi, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng giáp biên... Đây là những điều kiện tiền đề thuận lợi để đẩy nhanh việc triển khai các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung.

Trung Quốc và Việt Nam đang định hướng xây dựng 04 khu hợp tác kinh tế qua biên giới bao gồm: Đông Hưng - Móng Cái; Bằng Tường - Đồng Đăng; Long Bang - Trà Lĩnh và Hà Khẩu - Lào Cai nhằm tận dụng thị trường hàng hoá mà hai bên đều là nước sản xuất cũng như có thị trường lao động phong phú, triển khai thương mại chế biến xuất khẩu xuyên biên giới, thực thi chính sách tự do thương mại và đầu tư, mở rộng cửa khẩu biên giới.

Tại Quảng Ninh, khu hợp tác kinh tế qua biên giới theo quy hoạch dự kiến sẽ được chia thành 7 phân khu chức năng khác nhau, bao gồm: khu tài chính quốc tế, khu mậu dịch qua biên giới, khu du lịch qua biên giới; khu logistic hiện đại, khu sản xuất gia công xuất khẩu; khu cơ quan hành chính quản lý; khu hội chợ triển lãm quốc tế. Sau khi hoàn thiện, khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Móng Cái sẽ trở thành cửa ngõ hướng ra quốc tế, hình thành một khu vực phát triển đô thị hiện đại với không gian đặc trưng riêng, có cảnh quan đặc sắc, có các yếu tố sinh thái môi trường bền vững, là khu hợp tác kinh tế tổng hợp, đa chức năng, có tính cạnh tranh cao…

Tại Lạng Sơn, khu hợp tác kinh tế qua biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường có diện tích 17km2, nằm tại vùng giáp ranh giữa cửa khẩu Tân Thanh, Đồng Đăng và cửa khẩu Pò Chài, Bằng Tường. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường sẽ được hai bên Việt Nam - Trung Quốc dành cho chính sách ưu đãi đặc biệt liên quan đến tài chính, thuế, đầu tư, thương mại, hải quan, để khu hợp tác kinh tế này trở thành Trung tâm chế biến xuất nhập khẩu quốc tế, Trung tâm thương mại quốc tế, và Trung tâm hậu cần quốc tế, có tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Sau khi đưa vào vận hành, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường sẽ phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung, nhất là hoạt động thương mại vùng biên, phát triển mạnh mẽ.

Tại Lào Cai, địa bàn được lựa chọn là Kim Thành - bản Vược với diện tích 11km2, sẽ kết nối với Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc, trở thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa hai quốc gia. Đây là địa bàn đã được tỉnh Lào Cai quy hoạch tổng thể và tiến hành phân khu chức năng. Hiện tại về hạ tầng ngoài cửa khẩu, đã xây dựng được hệ thống giao thông (một số trục đường chính), trung tâm Logicstic. Một số công trình hạ tầng khác cũng đã được xây dựng như hệ thống kho, bãi, cửa hàng dịch vụ.

Ở Cao Bằng, trong những năm qua, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm thực hiện. Tỉnh hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh và lập quy hoạch phân khu khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh. Quy hoạch khu vực kho bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh trên địa bàn tỉnh... Hiện nay, việc đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nguồn vốn bố trí hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư hàng năm nhất là đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ra các lối mở được phép thông quan hàng hoá. Môi trường kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu chưa thuận lợi, xa trung tâm kinh tế của vùng và của cả nước, mạng lưới vận tải duy nhất chỉ có đường bộ, cước chi phí vận tải cao nên khó cạnh tranh so với các tỉnh khác. Nguồn nhân lực còn hạn chế đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính sách và giải pháp trong thời gian tới

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển các khu hợp tác kinh tế, thương mại qua biên giới Việt - Trung, cần sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể chung về khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (trước mắt có thể thực hiện thực hiện thí điểm); phân cấp mạnh cho các địa phương trong quản lý hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa bàn; xây dựng danh mục và có chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện phát triển của từng tỉnh biên giới, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc; xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp và đủ mạnh để ngăn hàng hóa kém chất lượng vào Việt Nam.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ra biên giới và dọc tuyến biên giới. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đặc thù cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống logistic, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ tại các xã vùng cao khó khăn.

Xem xét, điều chỉnh, ban hành một số chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng nguồn kinh phí để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các tỉnh biên giới Việt - Trung. Ban hành chính sách cụ thể để các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện Hiệp định thương mại biên giới. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý cửa khẩu của hai bên để thống nhất giải quyết thủ tục xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh đảm bảo thông thoáng, không chồng chéo. Thành lập thêm cửa khẩu phụ để mở rộng phát triển kinh tế, thương mại hai bên biên giới.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới về định hướng thu hút đầu tư và các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng khu trung chuyển hàng hóa, khu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu của hải quan… để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc xuất khẩu nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch./.