TCCSĐT - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte đã thăm chính thức Việt Nam hai ngày 28 và 29-9-2016. Kết quả chuyến thăm đã góp phần củng cố sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và tạo động lực cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines phát triển tích cực và sâu rộng hơn, đáp ứng lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 3

Ngày 27-9-2016, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào phối hợp tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ 3.

Hơn 100 cán bộ thuộc 2 Bộ Tư pháp, cán bộ Sở Tư pháp 10 tỉnh của Việt Nam và nước bạn Lào có chung đường biên giới đã tham dự hội nghị. Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự địa phương và các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào thảo luận, đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự hai nước; góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân và giữ gìn đường biên giới hòa bình Việt Nam - Lào.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí đánh giá, kể từ sau Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ hai, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết những vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường. Các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tích cực phối hợp thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới. Hội nghị đánh giá cao việc Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào đang tích cực phối hợp xây dựng và triển khai Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam ký ngày 27-12-2015. Hai bên thống nhất ký kết 3 văn kiện hợp tác gồm: Biên bản thỏa thuận giữa 2 Bộ Tư pháp về việc triển khai dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào; Kế hoạch hợp tác giữa 2 Bộ Tư pháp năm 2017 và thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp quốc gia Lào.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới ký ngày 08-7-2013. Bộ Tư pháp Lào và Việt Nam khuyến khích các tỉnh, thành phố khác của Lào và Việt Nam kết nghĩa, hỗ trợ, hợp tác để cùng phát triển. Các Sở Tư pháp tại 10 cặp tỉnh giáp biên, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở để người dân hiểu được pháp luật của hai nước. Bộ Tư pháp Lào cũng đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam hỗ trợ trong việc sửa đổi Luật Thi hành án để trình Quốc hội Lào trong năm 2017.

Trao đổi lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản

Trong hai ngày 27 và 28-9-2016, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra buổi trao đổi lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản với chủ đề “Sự chuyển biến của tình hình thế giới, khu vực và triển vọng của hai Đảng và nhân dân hai nước”.

Tại buổi trao đổi, đồng chí Đinh Thế Huynh nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do đồng chí Ogata Yasua, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Quốc tế Đảng Cộng sản Nhật Bản dẫn đầu thăm Việt Nam và dự Trao đổi lý luận lần thứ 6 giữa hai Đảng. Đồng chí Đinh Thế Huynh giới thiệu khái quát những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong công cuộc đổi mới của Việt Nam; đi sâu phân tích những đặc điểm và diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, các thời cơ và thách thức đặt ra; nêu rõ các chủ trương, đường lối phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đồng chí khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào sự nghiệp chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, đồng chí khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam chủ trương giải quyết những vấn đề bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC; tôn trọng đầy đủ quá trình ngoại giao và pháp lý; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Về phía bạn, đồng chí Ogata Yasua, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản đã chia sẻ đánh giá về những đặc điểm chính của tình hình thế giới và khu vực, nêu rõ lập trường của Đảng Cộng sản Nhật Bản là cần đề cao trật tự quốc tế hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc; nhấn mạnh bài học quan trọng rút ra từ lịch sử thế giới trong thế kỷ XX, đó là đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền, xâm lược, can thiệp, áp bức và gây chiến tranh; phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân.

Về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng chí Ogata Yasua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm căng thẳng tình hình và phức tạp hóa tranh chấp, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); khẳng định sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc khu vực và môi trường hòa bình tại khu vực.

Chủ đề và nội dung buổi trao đổi lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản lần này có ý nghĩa hết sức thiết thực về lý luận và thực tiễn đối với hai Đảng, là cơ hội tốt để hai bên chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, góp phần làm phong phú hơn kho tàng lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi Đảng. Các đại biểu của Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi ý kiến về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte


Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte đã thăm chính thức Việt Nam hai ngày 28 và 29-9-2016. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và là chuyến công du nước ngoài thứ tư của Tổng thống Rodrigo Roa Duterte kể từ khi nhậm chức (30-6-2016).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dự Quốc yến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tiếp đoàn doanh nghiệp Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp xúc, hội đàm, hội kiến, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước trong 40 năm qua. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2016; tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị ngoại giao thông qua tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp; thúc đẩy quan hệ trên các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về biển và đại dương, Tiểu ban thương mại, Đối thoại chính sách quốc phòng, Nhóm công tác chung trong lĩnh vực thủy sản.

Hai bên nhấn mạnh cần nỗ lực hơn nữa để khai thác hiệu quả những tiềm năng của hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thương mại gạo trong giai đoạn mới, khẳng định Việt Nam sẽ cung cấp gạo ổn định, lâu dài cho Philippines; nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; nhất trí giao các cơ quan an ninh của hai bên tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma tuý và buôn bán người, đồng thời sớm đàm phán và ký kết Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Hai bên cũng đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; khẳng định ủng hộ lẫn nhau hoàn thành tốt vai trò chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp và nỗ lực cùng các nước ASEAN khác triển khai thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Diễn ra trong thời điểm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tiến tới kỷ niệm tròn một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, khẳng định lãnh đạo hai nước đều coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược song phương phát triển trong bối cảnh quốc tế mới.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi Điện mừng tới Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 67 năm Quốc khánh Trung Quốc

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 67 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (01-10-1949 - 01-10-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang.

Trong điện mừng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong 67 năm qua; chúc nhân dân Trung Quốc tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc cải cách mở cửa, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nhà nước hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc; mong muốn không ngừng củng cố và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, góp phần cho hòa bình, ổn định của khu vực cũng như thế giới.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện mừng tới Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước tặng Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam

Chiều 28-9-2016, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Vũ Xuân Hồng đã trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước tặng Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (World Vision International-WVI). Chủ tịch của Tổ chức WVI, ông Kevin Jenkins, đã thay mặt Tổ chức nhận Huân chương Hữu nghị. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của Tổ chức WVI tại Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Bày tỏ vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị, ông Kevin Jenkins, Chủ tịch của Tổ chức WVI cho rằng, việc này đã thể hiện mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam và Tổ chức WVI trong nhiều năm qua. Ông Kevin Jenkins mong muốn quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tổ chức WVI sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

WVI là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ trước năm 1975 trong lĩnh vực cứu trợ khẩn cấp và phát triển cộng đồng. Hiện nay, Tổ chức WVI đã được cấp Giấy đăng ký lập Văn phòng Đại diện để hoạt động trong các lĩnh vực: An ninh lương thực; nước sạch và vệ sinh môi trường; tái tạo năng lượng bền vững; tài chính vi mô, phát triển kinh tế; phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; ứng phó biến đổi khí hậu; giáo dục, phát triển và giáo dục trẻ mầm non; bảo trợ trẻ em; y tế; phòng chống HIV/AIDS; phòng chống mua bán người; hỗ trợ người khuyết tật và bình đẳng giới. Trong gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam , WVI đã huy động được tổng cộng 300 triệu USD cho Việt Nam. Đặc biệt, WVI đã triển khai hiệu quả 47 chương trình phát triển vùng trên cả nước. Đây là chương trình phát triển cộng đồng lồng ghép được thực hiện trong khoảng thời gian 10-15 năm với những nội dung trọng tâm như: phát triển nông nghiệp, giáo dục, y tế, tài chính vi mô, giảm thiểu rủi ro thiên tai và nâng cao năng lực...

Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Campuchia, thăm chính thức Myanmar và tham dự AIPA-37

Từ ngày 26-9 đến ngày 01-10-2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37) theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than.

Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã có chương trình làm việc khẩn trương, liên tục với hơn 30 hoạt động tại ba nước.

Tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith; hội kiến Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; hội kiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nướcSaysomphone Phomvihane. Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, hai Chủ tịch Quốc hội đã thống nhất các phương hướng, biện pháp để tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai cơ quan lập pháp nhằm góp phần thiết thực củng cố và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Điểm nhấn trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào là hai nữ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Lào đã đồng chủ trì hội thảo “Kinh nghiệm quản lý nợ công”. Hội thảo này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong quản lý kinh tế, đồng thời là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào.

Tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội đã chào xã giao Quốc vương Campuchia Sihamoni; hội kiến Thủ tướng Hun Sen. Quốc vương Norodom Sihamoni khẳng định nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu của nhân dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam là người bạn lớn của nhân dân Campuchia, đã giành cho Campuchia sự giúp đỡ to lớn vì nền độc lập tự do của Campuchia trước đây, cũng như công cuộc và xây dựng đất nước ngày nay. Tại hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, hai bên cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước cần tiếp tục được củng cố và phát triển. Phía Việt Nam khẳng định trước sau như một luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia. Còn tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum, hoan nghênh kết quả đạt được thời gian qua về công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum cùng bày tỏ mong muốn hai nước sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng trên toàn tuyến biên giới hai nước để xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời cho rằng, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc là tài sản quý giá cho các thế hệ mai sau.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar và tham dự AIPA-37,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chào xã giao Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw; hội kiến Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Thượng viện Liên bang Myanmar Mahn Win Khaing Than và Chủ tịch Hạ viện Liên bang Myanmar Win Myint.

Tại Myanmar, điểm nổi bật trong các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc là các nhà lãnh đạo cấp cao Myanmar đều đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới và bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm từ những thành tựu này. Các nhà lãnh đạo Myanmar cũng cho biết Myanmar đang nỗ lực phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, sẽ tạo thuận lợi hơn nữa về mặt chính sách pháp luật để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, kiều bào và đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Campuchia và Myanmar. Chủ tịch Quốc hội đã thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV và cho biết năm 2017, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Cơ quan đại diện sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ ngoại giao đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chính quy, hiện đại; xây dựng hình ảnh của người cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, từng bước đảm bảo và nâng cao cơ sở vật chất cơ quan cho xứng tầm với vị thế của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện...

Có thể nói những những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Lào, Campuchia, Myanmar là hoạt động tiếp xúc cử tri ở nước ngoài của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam./.