Thúc đẩy lưu chuyển, tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa
TCCS - Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nhất là nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại đòi hỏi phải tích tụ, tập trung ruộng đất với những quy mô thích hợp (đối với từng lĩnh vực và đối tượng sản xuất) để bảo đảm hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình này ở nước ta đang gặp nhiều trở ngại.
Vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp hàng hóa
1- Ruộng đất ở nhiều vùng còn rất manh mún (cả nước có gần 14 triệu hộ nông dân với khoảng 78 triệu mảnh ruộng), điều kiện ở nhiều nơi không dễ quy hoạch, cải tạo thành những vùng thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, nếu cải tạo đòi hỏi phải đầu tư lớn.
2- Tình trạng nông dân “bỏ ruộng” đã xuất hiện từ khoảng năm 2005, nhưng nay đã trở thành một hiện tượng lan rộng ở nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hiện nay, đang có những ý kiến khác nhau về mặt tích cực và tiêu cực của hiện tượng này. Vấn đề đặt ra là cần xem xét, nhận thức đúng bản chất của hiện tượng này, trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Có những ý kiến cho rằng tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu khách quan, phản ánh xu hướng tích cực của quá trình rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, dưới tác động và sức hút tự nhiên của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và đô thị hóa. Điều này có mặt đúng, nhưng chưa phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề, vì:
Thứ nhất, hiện tượng “bỏ ruộng” đang diễn ra một cách tự phát chủ yếu ở những vùng đang là sản xuất hàng hóa nhỏ, gặp nhiều khó khăn và chưa có “lối thoát” căn bản và có hiệu quả (hiện tượng này hầu như không diễn ra ở những vùng núi sản xuất nông nghiệp có khó khăn và mang nặng tính tự nhiên - tự cung, tự cấp, như ở khu vực miền núi phía Bắc, hay ở vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã phát triển cao hơn, như ở đồng bằng sông Cửu Long).
Thứ hai, hiện tượng đó cũng không phải chủ yếu diễn ra ở các hộ đã có cơ sở kinh tế ngoài nông nghiệp tương đối vững chắc để “bỏ ruộng”, bỏ nghề nông đi làm ngành, nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn, mà chủ yếu là ở các hộ nông dân với trạng thái kinh tế hộ rất thấp (sản xuất nông nghiệp thu không đủ bù chi, không bảo đảm cuộc sống tối thiểu), bấp bênh và không ổn định.
Thứ ba, xét về bản chất kinh tế, trên bình diện cả nước cũng như ở các vùng, ý nghĩa kinh tế của sản xuất nông nghiệp liên tục giảm đi một cách tương đối so với công nghiệp và dịch vụ. Đối với những hộ nông dân có quy mô ruộng đất canh tác quá nhỏ (như ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung) lại gắn với thuần nông trồng lúa, ngành, nghề kém phát triển, làm cho trạng thái và quy mô kinh tế của hộ nông dân nhỏ bé luôn rơi vào tình trạng không vượt qua được ngưỡng tái sản xuất giản đơn chứ chưa nói tới có lãi để tái sản xuất mở rộng. Khi đó, ruộng đất mất đi chức năng là yếu tố và điều kiện của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chỉ còn là yếu tố và điều kiện của “niêu cơm sinh tồn” (nhưng cũng không bảo đảm được đầy đủ và vững chắc) và trở thành “gánh nặng” đối với các hộ nông dân, ngay cả khi sản xuất hay không sản xuất vẫn phải đóng rất nhiều khoản, buộc hộ nông dân phải trả ruộng hay bỏ ruộng.
Thứ tư, chiến lược “An ninh lương thực” của nước ta còn những bất cập, hiệu quả không cao cả về mặt kinh tế - xã hội và sử dụng tài nguyên đất. Mặc dù là nước xuất khẩu trên 7 triệu tấn lương thực mỗi năm, nhưng ở nhiều vùng vẫn thiếu lương thực, ở nhiều địa phương diện tích ruộng trồng lúa hàng hóa ít, hiệu quả thấp, nhưng các hộ nông dân vẫn bị “trói” vào mục đích trồng lúa bởi hai lý do: phải trồng lúa mới bảo đảm được ổn định lương thực cho gia đình, hoặc địa phương không cho chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác do đã “quy hoạch” vào đất lúa, mặc dù chỉ có mấy sào ruộng.
Thứ năm, ở không ít nơi người nông dân không còn “gắn bó” với ruộng đất, cho mượn, cho thuê, trả lại ruộng cho xã, hợp tác xã (HTX) hoặc bỏ ruộng hoang. Tình trạng này phản ánh những “nút thắt” đang làm suy yếu động lực phát triển nông nghiệp - nông thôn, suy yếu động lực phát triển của kinh tế hộ nông dân. Đó là sự “đối thoại” giữa công nghiệp và dịch vụ với phát triển nông nghiệp - nông thôn chưa có hiệu quả cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn còn nhiều bất cập; tính tự cung, tự cấp - sản xuất nhỏ, manh mún của kinh tế hộ nông dân ở những vùng này còn cao, do đó chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, mức độ toàn dụng lao động ở nông thôn còn thấp; lưu chuyển ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa còn nhiều khó khăn, trở ngại.
3- Làm ruộng theo kiểu “đi thuê”. Trên thế giới, nền nông nghiệp có hiệu quả phải là nền nông nghiệp của các hộ nông dân trực canh (bằng lao động trực tiếp của các chủ nông trại, lao động trong gia đình là chính, ngay cả các nông trại sản xuất hàng hóa lớn cũng sử dụng rất ít lao động làm thuê, thường sử dụng một số lao động thuê theo thời vụ). Hiện nay ở nước ta, ngay tại vùng đồng bằng sông Hồng và nhiều địa phương khác ở miền Bắc và miền Trung, các hộ nông dân làm ruộng nhưng rất nhiều khâu sản xuất đều đi thuê (thuê làm đất, gieo cấy, làm cỏ, thu hoạch,...). Do quy mô ruộng đất canh tác rất nhỏ nên không thể nuôi trâu bò cày như trước, cũng như không thể tự trang bị máy móc làm đồng. Ngay ở đồng bằng sông Cửu Long, các hộ nông dân trồng lúa hàng hóa cũng canh tác theo phương thức đi thuê các khâu chủ yếu, như làm đất, gieo sạ, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy... Làm ruộng theo kiểu “đi thuê” sẽ khiến chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp, không bền vững. Vấn đề các hộ nông dân “làm ruộng” theo kiểu đi thuê hầu hết các khâu đang là một biến thái đáng quan ngại (nó khác biệt nghề nông trên thế giới), cần phải được nghiên cứu kỹ và có giải pháp phù hợp.
4- Những điều trình bày ở trên cho thấy tình trạng lưu chuyển ruộng đất trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa còn nhiều khó khăn, không chỉ là do tương quan về giá cả “đầu vào - đầu ra” trong sản xuất, kinh doanh bất lợi cho hộ nông dân, mà còn là hệ quả của nhiều yếu tố cả về kinh tế - xã hội, thể chế lẫn điều kiện tự nhiên,... Từ đó, tạo nên những trở ngại đối với quá trình chuyển dịch, tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa: ruộng đất manh mún, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn (như ở một số địa phương miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung...); tâm lý giữ ruộng (dù bỏ hoang) như một tài sản thừa kế của các thế hệ trong gia đình (như ở không ít nơi của miền Bắc); các chính sách cho chuyển dịch ruộng đất và cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều bất cập (thời hạn giao đất, quy mô ruộng đất, thuế, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thị trường tiêu thụ nông sản, thủ tục hành chính...); ý nghĩa kinh tế của ruộng đất đối với hộ gia đình nông dân bị giảm đi so với công nghiệp và dịch vụ, nhất là ở những vùng đất chật, người đông; sự phát triển công nghiệp và dịch vụ không đủ sức thu hút lao động nông nghiệp mạnh và ổn định; các HTX, các doanh nghiệp thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Giữa hộ nông dân với các HTX, doanh nhiệp đang thiếu sự tin cậy lẫn nhau trong việc liên kết tích tụ, tập trung ruộng đất quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là trong một thời gian dài 10 - 20 năm trở lên (hộ nông dân sợ mất đất, doanh nghiệp lo hộ nông dân đòi đất ngang chừng...); kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hàng hóa lớn của các hộ nông dân, các HTX và cả các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trình độ sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) tiên tiến, công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế; các hộ nông dân và các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn; những rủi ro từ thị trường và từ thiên nhiên đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn...
Để thúc đẩy quá trình lưu chuyển, tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hệ thống cả ở tầm quốc gia, tầm khu vực, địa phương, trực tiếp đối với hộ nông dân, HTX và các doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các nút thắt trên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận động của quan hệ ruộng đất trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa ở nước ta. Bước phát triển mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ... nhằm rút bớt lao động và giảm số hộ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nhưng vấn đề quan trọng cần phải xử lý là tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhất là lợi ích của hàng triệu hộ nông dân, chứ không chỉ vì lợi ích của những chủ thể và doanh nghiệp được tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô lớn. Không thể bằng các biện pháp hành chính áp đặt để thực hiện quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn. Trong vấn đề này, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng.
Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy lưu chuyển, tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa
Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Trước hết, phải thực hiện nghiêm túc việc giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân (và các chủ thể khác) với đầy đủ các quyền theo luật định (quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê...). Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn, tư liệu sản xuất và quyền tự do kinh doanh để các hộ nông dân và các doanh nghiệp thực sự yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ðẩy mạnh phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực và theo quy hoạch. Vì các hộ nông dân là chủ thể cơ sở và lực lượng đông đảo nhất, có vai trò quan trọng hàng đầu trong nền nông nghiệp hàng hóa, cần khắc phục phương thức sản xuất của các hộ nông dân chủ yếu bằng thuê lao động; thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ tư duy và năng lực, trình độ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của hộ nông dân; thúc đẩy phát triển mạnh các hộ chuyên sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phát triển các trang trại hiện đại. Cần làm cho nghề nông từng bước thoát khỏi “kinh nghiệm thuần túy”, “không cần đào tạo”. Kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến cho thấy, các chủ nông trại phải được đào tạo rất kỹ và tổng hợp về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... Đã đến lúc phải thực hiện các giải pháp hình thành đội ngũ các chủ hộ nông dân được đào tạo (qua một hệ thống trường lớp, chương trình thích hợp) có văn hóa, có trình độ, có vị trí xã hội không thua kém đội ngũ những người lao động ở các ngành, nghề khác. Phải có đội ngũ chủ hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi mới có cơ sở nền tảng tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đó chính là những nhà nông thế hệ mới.
Hai là, quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa phải gắn với phát huy cao lợi thế so sánh của từng vùng, từng sản phẩm; gắn với đẩy mạnh phát triển và lành mạnh hóa thị trường hàng hóa nông sản trong nước, kết nối có hiệu quả với thị trường quốc tế. Phát triển thị trường phải gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt; với nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch; với bảo đảm truy suất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông sản.
Điều rất quan trọng là phải từng bước hình thành đồng bộ thị trường vốn, lao động, tư liệu sản xuất, ruộng đất, nông sản... dưới sự quản lý, điều tiết và định hướng của Nhà nước, khắc phục các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và chính sách ruộng đất để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Chế định rõ, công khai, minh bạch cơ sở pháp lý cho sự vận động của các quyền của người sử dụng đất; cho sự vận động công khai, minh bạch, hiệu quả của quan hệ ruộng đất trong kinh tế thị trường.
Thực hiện chính sách mở rộng “hạn điền” hợp lý cho những chủ thể trực tiếp quản lý - sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực.
Ðẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn theo bốn hướng: 1- Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các HTX thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao; 2- Tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi (trang trại sản xuất hàng hóa lớn); 3- Các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; 4- Tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao bằng cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng.
Cần có các chính sách và giải pháp phù hợp để đẩy mạnh quá trình “dồn điền, đổi thửa”, hình thành các cánh đồng lớn; đẩy mạnh thực hiện các chính sách về luân chuyển quyền sử dụng ruộng đất (cho thuê, sang nhượng, ủy thác canh tác, liên kết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...), tạo điều kiện thuận lợi hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Việc lựa chọn các phương hướng tích tụ, tập trung ruộng đất trên cần phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực; không thể chỉ nghiêng về lợi ích của những chủ thể được tích tụ ruộng đất mà cần bảo đảm hài hòa lợi ích và sự phát triển bền vững của hộ nông dân, của nông thôn, của doanh nghiệp và các chủ thể tham gia cả về mặt kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện hiện nay ở nước ta còn một tỷ lệ rất lớn lao động và dân cư sống dựa vào nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ chưa đủ sức thu hút phần lớn lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, cho nên phải rất coi trọng hình thức các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các HTX, liên kết bền vững với các doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao(1). Việc thu hồi ruộng đất để giao cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, công nghệ cao cần phải được xem xét kỹ trong những điều kiện cụ thể, phải bảo đảm ổn định và thỏa đáng lợi ích của các hộ nông dân.
Khuyến khích và ưu tiên tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu(2); từng bước hạn chế tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng. Ban hành các quy định để loại bỏ tình trạng tích tụ, tập trung và sử dụng ruộng đất theo kiểu “đầu cơ” (để rồi xin chuyển đổi mục đích sử dụng), theo kiểu “phát canh thu tô”. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất.
Không coi đẩy mạnh xuất khẩu lương thực là chiến lược. Xây dựng chiến lược “an ninh lương thực” - “an ninh dinh dưỡng” quốc gia hợp lý, hiệu quả, để quy hoạch quỹ đất lúa phù hợp theo quan điểm phát huy lợi thế của từng vùng; giảm bớt diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp, hiệu quả kém. Sử dụng linh hoạt quỹ đất nông nghiệp. Quy hoạch đất đai để phát triển giao thông, kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Bốn là, phát triển các mô hình HTX kiểu mới.
Phải đổi mới một cách căn bản các mô hình HTX hiện có cũng như phát triển các mô hình HTX kiểu mới trên cơ sở bảo đảm đúng nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi”; thực hiện đúng hộ và HTX là hai chủ thể kinh tế, HTX phải hoạt động trên cơ sở hiệu quả của chính mình, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa. Do điều kiện khách quan và trình độ phát triển nền nông nghiệp, trình độ kinh tế hộ ở nước ta còn khác nhau nhiều giữa các vùng, cho nên cần phát triển ba hoại hình HTX phù hợp với ba loại trình độ kinh tế hộ nông dân: HTX mang tính chất liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất của các hộ nông dân sản xuất chủ yếu còn mang tính tự cung, tự cấp; HTX thực hiện cung cấp một số dịch vụ đầu vào cho các hộ nông dân còn ở trình độ chủ yếu sản xuất hàng hóa nhỏ; HTX cung cấp các dịch vụ (cả dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra) cho các hộ nông dân đã đi vào sản xuất hàng hóa. Chế định khung pháp lý và cơ chế liên kết bền vững giữa các HTX với các doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao.
Doanh nghiệp phải là chủ thể trung tâm kết nối với các hộ nông dân, các HTX và với thị trường trong nền nông nghiệp hiện đại; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình doanh nghiệp trong nông nghiệp; phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn (dịch vụ vật tư, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ...) tới hộ nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm khâu chế biến và bao tiêu sản phẩm đối với các hộ nông dân và các HTX, xóa bỏ các khâu trung gian phi lý. Chống tình trạng độc quyền, cửa quyền, ép giá, ép phương thức mua - bán đối với nông dân. Nhà nước giữ vai trò quản lý, điều tiết và hướng dẫn trong việc bảo đảm dịch vụ cho nông dân.
Sáu là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hoàn thiện và các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững trong nông nghiệp.
Phát triển kinh tế hộ nông dân - phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả đòi hỏi phải xây dựng được đa dạng các hình thức liên kết bền vững giữa các hộ nông dân trong các HTX, với các doanh nghiệp và với các chủ thể khác; hình thành được các chuỗi liên kết hợp lý, có sự chia sẻ cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro giữa các hộ nông dân với các HTX, các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Cần rà soát và đánh giá lại tất cả các chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, ở các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo các tiêu chí trên. Tùy theo trình độ, quy mô và đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có thể lựa chọn và phát triển đa dạng, đa tầng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh (ngang - dọc) phù hợp, hiệu quả, bền vững, nhất là đối với các chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, chất lượng cao. Chính quá trình liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân trong các HTX và với các doanh nghiệp là cơ sở để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn.
Bảy là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp.
Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được coi là khâu then chốt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Điều quan trọng là phải đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp. Trọng tâm là phải xây dựng được cơ chế liên kết việc nghiên cứu - ứng dụng KHCN theo các chuỗi sản xuất, kinh doanh từ hộ nông dân tới thị trường đồng bộ về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia; bảo đảm lợi ích xứng đáng và hài hòa giữa các chủ thể liên quan. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu, như giống cây con chất lượng cao, chế biến (nhất là chế biến sâu) - bảo quản chất lượng cao; quy trình canh tác tiên tiến; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh tiên tiến. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong nông nghiệp là một tiền đề - điều kiện rất quan trọng để sử dụng đất nông nghiệp một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, hạn chế việc tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp theo chiều rộng.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nước ta theo chiều sâu và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế./.
------------------------------------------------------
(1) Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan có chương trình hỗ trợ xây dựng các nông trại trồng lúa quy mô lớn giai đoạn 2016 - 2019 nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Tính đến ngày 7-9-2016 đã có 386 nông trại, với sự tham gia của 57.775 hộ nông dân từ 6 tỉnh. Có khu vực xây dựng 126 nông trại, với diện tích 126.000ha.
(2) Chính phủ Nhận Bản có chính sách hỗ trợ phát triển các nông trại hiện đại nhưng quy mô diện tích đất sử dụng nhỏ, như nông trại Tomoatsu Hashimoto (vùng Fujisawa) với quy mô ruộng đất chỉ 1ha, nuôi lợn thương phẩm, mỗi tháng xuất chuồng trung bình 4.500 con với trọng lượng 1,5 tạ/con; hay "nông trại thẳng đứng" (sử dụng theo chiều cao không gian) trồng rau trong nhà được coi thuộc loại "khủng" nhất thế giới chỉ với diện tích khoảng 5.000m2 , nhưng đưa ra thị trường trung bình 10.000 cây rau diếp mỗi ngày.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung  (22/09/2017)
Vị thế Việt Nam sau 40 năm gia nhập Liên hợp quốc  (22/09/2017)
Xây nhà máy linh kiện động cơ hàng không đầu tiên tại Việt Nam  (21/09/2017)
Thủ tướng Hungary và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam  (21/09/2017)
Bế mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (21/09/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên