Những nhận thức cơ bản về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
TCCS - Lịch sử thế giới cho thấy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan đối với nhân loại, tất yếu khách quan đối với những nước mà chính quyền đã thuộc về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Mác-xít - Lê-nin-nít. Tuy nhiên, do những khuyết điểm về nhận thức và tổ chức thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ, khiến cho thời kỳ quá độ bị kéo dài, hoặc hoàn toàn chệch hướng, xa rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta cần vững vàng, tỉnh táo, sáng suốt và sáng tạo trong nhận thức và tổ chức thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ.
Sau 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới, đất nước ta vượt qua tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, kết thúc chặng đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên thực tế cũng như về mặt lý luận, từ đó đến nay chúng ta ít nói đến thời kỳ quá độ. Ở đây, có vấn đề tư tưởng, nhận thức. Trong xã hội, có một số người ráo riết phê phán con đường xã hội chủ nghĩa, cho rằng con đường đó đã lỗi thời, nên tìm con đường khác, đồng thời phủ nhận vấn đề đã trở thành chân lý của cách mạng Việt Nam: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, việc hâm nóng lại lý luận và thực tiễn thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ở thời điểm hiện nay là một vấn đề có tính thời sự, có tính cấp thiết đối với một công cuộc đổi mới đúng đắn.
Trước hết, cần lưu ý, khi nói “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa” hay “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” thì đó là những cách diễn đạt có cùng bản chất, có cùng nội dung. Tất cả đều là quá trình làm cho chủ nghĩa xã hội với tư cách là một khoa học được hiện thực hóa, trở thành chủ nghĩa xã hội trên thực tế, một chế độ xã hội mới về chất so với chủ nghĩa tư bản. Theo C. Mác, khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến mức độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất rất đồ sộ, thì cách mạng vô sản có thể nổ ra, và nếu cách mạng vô sản thành công, nó sẽ trải qua một thời kỳ quá độ chính trị, tức là chủ nghĩa xã hội, rồi mới tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Và, C. Mác gọi chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp (hay giai đoạn đầu) của chủ nghĩa cộng sản. Đầu thế kỷ XX, sống trong không khí cách mạng sôi sục của giai cấp công nhân Nga, V.I. Lê-nin đã đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, lý luận với “phái dân túy”. Ông chỉ ra rằng, không đợi đến lúc chủ nghĩa tư bản phát triển ở mức độ cao thì mới có thể làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra tại những nước tư bản chủ nghĩa phát triển ở mức độ trung bình, như nước Nga, thậm chí ở những nước nông nghiệp lạc hậu. Từ đó, V.I. Lê-nin đã phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới. Ông khẳng định, sau khi giành được chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xã hội sẽ trải qua một thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà phổ biến là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản (ở các mức độ phát triển khác nhau) lên chủ nghĩa xã hội.
Sự thật lịch sử thế giới cho thấy, đã có những nước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chứ không phải như có người nói, chẳng thấy ở đâu có chủ nghĩa xã hội. Chính Liên Xô đã xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết còn có khuyết điểm, nhưng nó đã đuổi kịp và vượt chặng đường hàng trăm năm mà chủ nghĩa tư bản đã trải qua, đưa Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường quốc trên thế giới. Còn việc không bảo vệ được thành quả cách mạng, dẫn đến sự tan vỡ của Liên Xô lại là vấn đề khác, do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không có nguyên nhân thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội, vì bản chất của chủ nghĩa xã hội không trái với lịch sử phát triển của nhân loại. Chính vì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Cộng hòa dân chủ Đức, từ một quốc gia nhỏ bé, đã vươn lên đứng hàng thứ 10 về GDP của thế giới. Còn việc không bảo vệ được nước Cộng hòa dân chủ Đức, không tồn tại Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức, cũng là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó không có nguyên nhân là do chọn nhầm con đường. Gần đây, Ê-rích Kren-dơ (Erich Krenz), nguyên Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức, người lãnh đạo cuối cùng của thể chế Cộng hòa dân chủ Đức, từng bị chính quyền Cộng hòa liên bang Đức kết án 6 năm tù giam sau khi thống nhất nước Đức, trong cuốn hồi ký của mình đã viết: “Không như những kẻ cơ hội khác, bản thân tôi không bao giờ tỏ hối hận về lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp mà mình đã chọn để cống hiến suốt đời”.
Đảng ta đã trải qua quá trình dài, non một thế kỷ, trong nhận thức về một thời kỳ lịch sử đặc biệt - thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là quá trình nhận thức dần dần, từ tổng quát đến cụ thể, từ ít sâu sắc đến sâu sắc. Trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (ngày 3-2-1930) và trong Cương lĩnh được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930, Đảng ta đã chỉ ra con đường của cách mạng Việt Nam là: trước làm cách mạng dân tộc dân chủ, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến lên xã hội cộng sản. Tháng 2-1951, giữa lúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi ngày càng to lớn, Đại hội II của Đảng đã hoạch định Cương lĩnh cách mạng, theo đó, cách mạng Việt Nam trải qua 3 thời kỳ: thời kỳ kháng chiến (nhất định thắng lợi), thời kỳ xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuộc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà không diễn ra như quy định của Hiệp định. Miền Bắc trở thành căn cứ địa cho cuộc đấu tranh tiếp tục giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh như vậy, vào tháng 3-1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) khóa II đã chỉ rõ: “Miền Bắc hiện đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và ngày càng được củng cố về mọi mặt”; “đường lối cách mạng của Đảng giai đoạn hiện nay, cụ thể là đường lối xây dựng miền Bắc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà...”. Theo đó, Nghị quyết cũng thể hiện quan niệm về thời kỳ quá độ bằng cách nêu yêu cầu củng cố và phát triển khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa, điều chỉnh và cải tạo từng bước kinh tế tư doanh và kinh tế cá thể; mậu dịch quốc doanh phải chiếm ưu thế tuyệt đối về bán buôn và xuất, nhập khẩu; phát triển các tổ chức quốc doanh công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, tài chính; đối với nông dân, phải phát triển hợp tác xã mua bán và hợp tác xã vay mượn, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; đối với thủ công nghiệp, phải dùng nhiều hình thức để tổ chức hợp tác xã sản xuất,... Như vậy, chúng ta có thể thấy, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta đã làm cho Đảng và nhân dân ta muốn sớm có chủ nghĩa xã hội, muốn đẩy nhanh, đẩy mạnh những quá trình kinh tế của thời kỳ quá độ.
Đến Đại hội III (tháng 9-1960), Đảng đã hình thành một đường lối của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng là đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo đó, quyết định đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, nêu đặc điểm thời kỳ quá độ của nước ta là bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhìn vào Liên Xô, đất nước phát huy ưu việt của chủ nghĩa xã hội nên chỉ trong vòng 5 năm đã công nghiệp hóa xong; tiếp theo 5 năm nữa đã kết thúc hợp tác hóa nông nghiệp. Bởi thế, Hiến pháp Liên Xô năm 1936 đã tuyên bố kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Còn ở nước ta, từ thắng lợi của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, chúng ta đã sớm hình thành tư tưởng nóng vội, tiến nhanh. Ngoài ra, do hoàn cảnh miền Bắc phải là căn cứ địa vững chắc, là tấm gương về chế độ xã hội để cổ vũ đồng bào miền Nam, cho nên càng làm cho tư tưởng tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội nổi trội hơn tư tưởng tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã làm nức lòng dân tộc và bè bạn thế giới, thu giang sơn về một mối, thống nhất nước nhà, thúc đẩy mạnh mẽ, khẩn trương công cuộc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, rực rỡ ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, để bù đắp những tháng năm quá nhiều gian khổ, hy sinh. Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) đã quyết định lãnh đạo cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đề ra đường lối cách mạng toàn diện cho thời kỳ lịch sử đặc biệt đó, hình dung trong vòng ba, bốn kế hoạch 5 năm là hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sau từ 5 đến 7 năm, bên cạnh một số thành tựu mới, nền kinh tế và đời sống của nhân dân lại gặp quá nhiều khó khăn, phức tạp. Nhân dân phải “vượt rào” để tìm cách làm ăn hiệu quả hơn, qua đó chứng minh rằng “cái tất yếu kinh tế bao giờ cũng tự mở đường đi cho nó”, như Ph. Ăng-ghen nói. Có thể khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, rồi Đại hội V của Đảng và Hội nghị Trung ương 8 khóa V là một chuỗi thay đổi và phát triển nhận thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982) đánh dấu sự chuyển biến to lớn về nhận thức, khi chỉ ra rằng, chúng ta vẫn đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ; rằng, phải điều chỉnh bước đi của công nghiệp hóa, phải tập trung vào ba chương trình: sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu để thiết thực cải thiện đời sống nhân dân. Đến Hội nghị Trung ương 8 khóa V (năm 1985), tuy bàn về giá - lương - tiền, nhưng đã đánh dấu bước đổi mới tư duy quan trọng của Đảng ta, theo đó, đề cập đến cả lý luận lẫn thực tiễn của thời kỳ quá độ, của chặng đầu thời kỳ quá độ; khẳng định thời kỳ quá độ là thời kỳ lâu dài, đối với nước ta càng lâu dài, bởi vậy, phải kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể, nhà nước thì mới tạo động lực phát triển kinh tế, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp, đồng thời phải áp dụng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ để hiện thực hóa thời kỳ quá độ. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 8 khóa V nhấn mạnh, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, phải tích cực sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ để thúc đẩy kinh tế phát triển; phải xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xóa bỏ cơ chế bao cấp trong giá - lương - tiền. Đó là những nhận thức quý giá, cận kề và chuẩn bị tích cực cho Đại hội VI của Đảng. Tháng 12-1986, diễn ra Đại hội VI của Đảng - Đại hội tạo bước ngoặt lịch sử, trong đó có sự đánh dấu bước ngoặt phân kỳ của thời kỳ quá độ ở nước ta, thời kỳ đổi mới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở đổi mới hoạt động thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Qua gần 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà là đổi mới nội dung và cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước có nền kinh tế kém phát triển. Về thực chất, đổi mới ở đây là nhận thức cho đúng về thời kỳ quá độ, thực hiện đầy đủ các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ, luôn thực hiện tuần tự các bước đi của thời kỳ quá độ. Nói cách khác, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (được nhận thức đúng và làm đúng) và công cuộc đổi mới ở nước ta là có cùng bản chất, cùng nội dung. Chính vì vậy, Cương lĩnh hiện nay của Đảng ta là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, cần khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đặc điểm to nhất của thời kỳ quá độ ở nước ta là không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đó là lời dạy rất súc tích và ý nghĩa. Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa tư bản bắt đầu được hình thành và phát triển vào thế kỷ XVI ở Hà Lan; từ đó đến nay, chủ nghĩa tư bản thế giới đã có tuổi đời ngót 500 năm. Nếu có đi tắt, đi nhanh, đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội thì cũng không quá dễ dàng, quá ngắn ngủi, không thể chỉ vài chục năm đã vượt được chủ nghĩa tư bản từng tồn tại ngót nửa thiên niên kỷ. Trung Quốc trước kia đã lầm tưởng thời kỳ quá độ kết thúc vào năm 1958, nhưng trải qua bao sóng gió, đã nhận thấy rằng, thời kỳ quá độ có thể kéo dài 100 năm, nghĩa là đến năm 2049 mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhìn vào nước ta có thể thấy, từ khi đất nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội đến nay đã 40 năm, nhưng thành tựu còn quá khiêm tốn, xét cả về lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất còn quá nhỏ bé. Vì thế, chúng ta nhận thấy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nếu tính tới trình độ xuất phát thấp kém, thì càng dài, chắc không thể vài chục năm, mà có thể dự báo không kém trăm năm, và nếu có đến trăm năm thì cũng vô cùng ngắn so với con đường trải qua của chế độ tư bản chủ nghĩa. Ngày nay, nhờ ứng dụng những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ cho nên con đường đi của chúng ta tới đỉnh cao của nền văn minh vật chất không dài như chủ nghĩa tư bản, song dài bao lâu là tùy thuộc vào trình độ nhận thức và tổ chức thực hiện của chúng ta, nghĩa là nhận thức đúng và tổ chức thực hiện tốt thì sẽ rút ngắn thời gian, còn nhận thức sai hoặc tổ chức thực hiện kém thì sẽ kéo dài thời gian.
Thực tiễn gần 30 năm đổi mới đất nước càng làm sáng tỏ lý luận rằng, thời kỳ quá độ là thời kỳ lịch sử đặc biệt, vừa có chủ nghĩa tư bản, vừa có chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa tư bản trong nước và thế giới được chúng ta kế thừa những mặt hợp lý sẽ góp phần tạo dựng những mầm mống của chủ nghĩa xã hội. Ở đây, vai trò của các hình thức kinh tế quá độ, trung gian là rất quan trọng, bởi chính nó hiện thực hóa nội dung vừa có chủ nghĩa tư bản, vừa có chủ nghĩa xã hội, vừa kế thừa chủ nghĩa tư bản, vừa phát sinh mầm mống của chủ nghĩa xã hội. Nếu không có hình thức kinh tế quá độ thì thời kỳ quá độ chỉ là lý thuyết rỗng tuếch. Rõ ràng, ở đây đòi hỏi vừa phải chống nóng vội, tả khuynh, vừa phải chống trì trệ, buông trôi, hữu khuynh. Nhìn tổng quát, có thể thấy, nền kinh tế nhiều sở hữu, nhiều thành phần là nền kinh tế vừa có chủ nghĩa tư bản, vừa có chủ nghĩa xã hội, mà chủ nghĩa xã hội là định hướng phát triển. Phải sử dụng và phát huy tổng hợp lực các thành phần kinh tế, trong đó, xét một cách khách quan, kinh tế nhà nước là “đầu tàu”, giữ vai trò chủ đạo, vì kinh tế nhà nước nắm giữ tài nguyên đất nước, nắm giữ những vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân và vì nhà nước là tập trung quyền lực của toàn dân. Một nền kinh tế nhiều thành phần như thế sẽ còn tồn tại rất lâu dài.
Hơn thế nữa, có thể thấy, các tổ chức kinh tế cổ phần là hình thức kinh tế quá độ, trung gian. Các tổ chức kinh tể cổ phần ở những vị trí then chốt của nền kinh tế thì nhà nước phải giữ vai trò chi phối. Với ý nghĩa như vậy, các tổ chức kinh tế cổ phần là sự hiện thực hóa dần dần thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và do đó, chúng cần được phát triển và dần dần trở thành phổ biến trong nền kinh tế quốc dân. Các tổ chức kinh tế cổ phần ra đời không chỉ từ việc cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước, mà còn từ sự phát triển mới của nền kinh tế. Sở hữu cổ phần là hình thức sở hữu hỗn hợp, tạo nên tổng hợp lực của nhiều thành phần kinh tế, vừa thể hiện sự tích cực vận dụng chủ nghĩa tư bản, vừa thể hiện xu hướng phát triển trong thời kỳ quá độ, cũng là xu hướng quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thị trường là một cơ chế vô cùng sinh động của kinh tế hàng hóa, là cơ chế giao lưu, cạnh tranh, tác động qua lại của các thành phần kinh tế, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra thị trường thế giới, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. Trong thời kỳ quá độ, thị trường không hoàn toàn tự phát, mà dần dần vận động theo kế hoạch, dần dần giảm bớt sự cách biệt về phân phối, thu nhập. Muốn vậy, phải có sự quản lý của nhà nước từ nông đến sâu, từ hẹp đến rộng. Nhà nước quản lý, điều tiết bằng các chính sách và công cụ, như thuế, kế hoạch, tiền tệ,... Đồng thời, nhà nước có nhiều biện pháp động viên nhân dân làm giàu theo pháp luật với xu hướng càng ngày càng nhiều người giàu có, tiến đến tất cả cùng giàu có.
Trong điều kiện nước ta, từ lâu và nhất quán từ trước đến nay, Đảng ta vẫn xác định công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Đây là vấn đề thật sự thiết yếu và vô cùng quan trọng, song cần nghiêm túc xem xét việc tổ chức thực tiễn trong gần 30 năm đổi mới vừa qua.
Thời kỳ quá độ trước hết và chủ yếu có nội dung kinh tế, còn nội dung chính trị là vấn đề hết sức tinh tế. Thời kỳ quá độ ở nước ta, ngay từ đầu đã phải xây dựng một nền chính trị xã hội chủ nghĩa vững mạnh với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với một nhà nước mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Ở đây, lĩnh vực chính trị được xác định bởi quá trình xây dựng nền dân chủ của đa số, mà trình độ của nó được nâng cao và hoàn thiện dần trên đà phát triển của kinh tế và dân trí./.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015  (11/06/2015)
Chính sách của Ấn Độ đối với nông nghiệp, nông dân và kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam  (11/06/2015)
Chính sách của Ấn Độ đối với nông nghiệp, nông dân và kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam  (11/06/2015)
Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số  (11/06/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay