Thực trạng công tác quản lý đất đai ở Hà Nội và một số vấn đề đặt ra
TCCS - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt, trên các lĩnh vực quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm soát, quản lý sử dụng quỹ đất; quản lý tài chính về đất đai và giá đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất… Những nội dung này góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ quá trình phát triển đô thị Hà Nội một cách bền vững.
Chú trọng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai
Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã (đối với các đơn vị đủ điều kiện) tiếp tục thực hiện chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc để tạo điều kiện hồ sơ dự án không bị gián đoạn, thúc đẩy các dự án trên địa bàn thành phố với yêu cầu: Quy trình, các bước thực hiện phải rõ ràng, công khai, dễ hiểu; các văn bản phải nộp trong hồ sơ chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc phải có danh mục cụ thể (không được quy định bổ sung các giấy tờ mà luật và các nghị định không bắt buộc, nằm ngoài danh mục hồ sơ); hồ sơ đủ thủ tục đã nhận qua một cửa không được trả lại khi chưa có kết quả giải quyết; không được yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ quá một lần; trường hợp hồ sơ còn thiếu phải bổ sung, phải có văn bản thông báo bổ sung hồ sơ trong thời gian không quá 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Cùng với đó, bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Căn cứ theo quy định, Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố nghị quyết phê duyệt danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; danh mục công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hằng năm khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm 15% - 18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Thủ đô. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất được quan tâm thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố đều ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố; đồng thời, công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng góp phần tăng nguồn thu hằng năm cho ngân sách cấp huyện để đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hồi đất và giải phóng mặt bằng được 2.873 dự án, với diện tích 16.106ha (trong đó, 388 dự án đã hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện đối với 2.485 dự án); số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.
Công tác quản lý tài chính về đất đai ngày càng hoàn thiện, nhất là quản lý về thuế chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, việc chuyển từ giao đất có thu tiền sử dụng đất sang cho thuê đất, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của địa phương. Thành phố Hà Nội đã tổ chức xây dựng, ban hành bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể để áp dụng, phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định; việc xác định giá đất cụ thể về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định giá đất phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thời gian qua, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giao đất dịch vụ theo quy định. Cụ thể là Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn; Dự án đường vành đai 1, 2, 3 và mở rộng đường Phạm Văn Đồng. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, ủy ban nhân dân các quận, huyện thị xã đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng đối với 148.407 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn thành phố đã thực hiện tái định cư cho 6.887 hộ (gồm 2.562 hộ tái định cư bằng đất, 1.345 hộ tự lo tái định cư bằng tiền, 2.980 hộ tái định cư bằng nhà chung cư). Về giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, tính đến hết tháng 8-2021, trên địa bàn thành phố đã giao đất cho 40.513 hộ (tăng 18.102 hộ so với giai đoạn 2006 - 2015), với diện tích đất đã giao là 403,39ha (đạt 80,42%) và số hộ chưa giao là 9.865, tương ứng với diện tích 139,042ha.
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn. Thị trường đất đai trên địa bàn Hà Nội hình thành chưa đồng bộ và vận hành thiếu ổn định, xảy ra hiện tượng đầu cơ và tăng giá đột biến, gây hậu quả tiêu cực tới phân bổ nguồn lực và phân hóa thu nhập của dân cư. Có thể nói, giá đất đầu cơ và lũng đoạn là hệ quả độc quyền của những nhóm lợi ích, hình thành và lớn mạnh từ sự buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai. Theo đánh giá, bình quân giá đất Hà Nội cao hơn 2 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh, xấp xỉ mức giá của các thủ đô Tokyo, Moscow... Trong khi mặt bằng thu nhập dân cư, mức hưởng dụng và khả năng sinh lời của đất đai ở Hà Nội thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn trên thế giới, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn lực đất đai hoặc phải chấp nhận chi phí cao để thuê mặt bằng kinh doanh, tạo dựng nhà ở, khiến môi trường kinh doanh Thủ đô kém hấp dẫn, gia tăng chênh lệch điều kiện sống và phân hóa giàu nghèo.
Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn là do mức đền bù thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường. Việc duy trì quá lâu cơ chế hai giá trong tính bồi thường giải phóng mặt bằng và hạch toán chi phí đất đai đầu vào cho các doanh nghiệp thuê đất, công tác bồi thường thu hồi đất giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mâu thuẫn. Công tác quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua dựa vào cơ chế hai giá, đó là giá do Nhà nước quy định rất thấp so với giá thị trường, làm thất thoát nguồn lực lớn và cơ bản của xã hội. Ngoài ra, do không tính đủ các chi phí đầu vào là đất đai nên các dự án không thể hạch toán, kinh doanh hiệu quả. Cũng do định giá bồi thường quá thấp, nên người dân có thái độ bất hợp tác, khiếu kiện liên miên không có hồi kết; trong khi các dự án phát triển kinh tế - xã hội không thể khởi công được hoặc bị kéo dài. Có dự án gặp vướng mắc do quá chồng chéo, mâu thuẫn giữa nhiều cơ chế, trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo mà vẫn chưa hoàn thành. Điều này gây tổn thất lớn cho xã hội, bởi chi phí phát sinh bị đội lên nhiều lần, công trình chậm đưa vào khai thác để phục vụ dân sinh và kinh tế. Ngoài vấn đề chi phí tăng do dự án kéo dài, còn nguyên nhân do quy hoạch, quản lý đất đai chưa tốt, khiến giá cả và thị trường đất đai biến động mạnh với những “cú sốc” giá chóng mặt. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai còn thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Có hiện tượng làm quy hoạch tùy tiện và mang tính hình thức. Việc tổ chức thực thi, thanh tra, kiểm tra và chế tài xử phạt vi phạm về đất đai chưa nghiêm. Đặc biệt, công tác lập quy hoạch đất đai không phải lúc nào cũng đi trước làm công cụ cho công tác quản lý nhà nước; chưa bảo đảm sự gắn kết, thống nhất giữa quy hoạch đất đai và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác.
Qua một thời gian thực hiện, sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Điều đó là một trong những nguyên do dẫn đến chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm. Nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm phần lớn…
Do đó, để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển, giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai./.
Xây dựng mô hình “một cửa” đồng bộ, hiện đại - Điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội  (30/10/2022)
Thành ủy Hà Nội với nhiều mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (29/10/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau đại dịch COVID-19  (29/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm