Xác định các ngành kinh tế có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế Việt Nam dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
TCCS - Trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, luôn có sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành trong nền kinh tế dưới tác động của tự do hóa thương mại. Chính vì vậy, cần xác định các ngành kinh tế có lợi thế, đề xuất giải pháp thúc đẩy các ngành này phát triển nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp, gia tăng phúc lợi xã hội.
Khái niệm ngành kinh tế có lợi thế phát triển
Ngành kinh tế có lợi thế phát triển là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là khi một quốc gia mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Có nhiều lý thuyết kinh tế học đề cập đến chủ đề này ở những góc độ khác nhau. Theo lý thuyết lợi thế tuyệt đối của A-đam Xmít, ngành có lợi thế phát triển là những ngành tham gia vào thương mại quốc tế với chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, lý thuyết lợi thế tương đối của Đa-vít Ri-các-đô cho rằng, ngành có lợi thế phát triển là những ngành có chi phí cơ hội thấp nhất. Kế thừa và phát triển lý thuyết lợi thế tương đối của Đa-vít Ri-các-đô, lý thuyết lợi thế so sánh các nguồn lực dồi dào của E-li Héc-chơ và Bơ-tin Ô-lin cho rằng, tất cả quốc gia đều có công nghệ tương tự nhưng khác biệt về các nhân tố sản xuất, như lao động, đất đai, vốn và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, ngành có lợi thế phát triển sẽ là ngành sử dụng nhiều hơn yếu tố sản xuất mà nền kinh tế có thuận lợi nhất. Lý thuyết phát triển không cân đối của An-bớt Hai-xman xác định ngành có lợi thế phát triển bằng cách đo lường tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của một ngành lên các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế thông qua chỉ số liên kết ngược và liên kết xuôi. Theo đó, lý thuyết phát triển không cân đối cho thấy, những cơ sở của việc lựa chọn các ngành có lợi thế phát triển là: 1- Những ngành chủ đạo mà có các tác động liên kết về phía trước hay liên kết phía sau lớn; 2- Những ngành có khả năng tạo ra nhiều vòng nhu cầu khác nhau cho các ngành khác; 3- Những ngành cốt lõi thúc đẩy tạo ra các cực tăng trưởng.
Theo lý thuyết mô hình bảng cân đối liên ngành của Va-xi-li Lê-ôn-chép (năm 1973), ngành có lợi thế phát triển là ngành có thể tác động mạnh nhất tới các ngành khác trong nền kinh tế hay ngành có các hệ số lan tỏa hay độ nhạy cao nhất có thể. Ở một góc độ khác, lý thuyết thương mại mới của Pau Cru-man (năm 1979) đưa ra giải thích cho các phương thức thương mại quốc tế và phân bố địa lý của hoạt động kinh tế bằng cách xem xét tác động của tính kinh tế theo quy mô và sở thích đa dạng của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ. Từ đó, lý thuyết thương mại mới cho thấy, ngành có lợi thế phát triển phải là những ngành cho phép khai thác các yếu tố lợi thế truyền thống hiệu quả, đồng thời phải được chuyên môn hóa sản xuất sâu dựa trên tính hiệu quả theo quy mô và hướng đến đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Như vậy, có nhiều quan điểm và cách thức khác nhau để xác định ngành có lợi thế phát triển. Từ cơ sở lý luận trên, có thể tổng kết các luận điểm chính về ngành kinh tế có lợi thế phát triển, cụ thể:
Thứ nhất, ngành có lợi thế phát triển là ngành có năng suất cao trong mối tương quan với năng suất của thế giới, có quy mô thị trường thế giới lớn, có lợi thế so sánh về nguồn lực dồi dào, có chi phí đầu vào thấp, có các rào cản thương mại và phi thương mại thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
Thứ hai, ngành có lợi thế phát triển là ngành có những tác động tích cực nhất đến xuất khẩu, đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế thông qua các mối liên kết kinh tế gắn với các ưu tiên của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thứ ba, ngành có lợi thế phát triển là ngành có năng suất cao và có thể tận dụng các nhân tố thúc đẩy nâng cao năng suất, có khả năng và tạo lập được năng lực cạnh tranh cao với môi trường kinh doanh thuận lợi, gắn liền với phát triển các cụm ngành tạo ra hiệu ứng cộng hưởng và tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa và khởi nghiệp.
Thứ tư, ngành có lợi thế phát triển là ngành cho phép khai thác các yếu tố lợi thế hiệu quả nhất, đạt được tính hiệu quả theo quy mô với sự chuyên môn hóa sâu, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường thế giới.
Thứ năm, ngành có lợi thế phát triển là ngành tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu như một mắt xích; có thể trở thành người dẫn đầu, điều phối, nâng cấp chuỗi; chiếm tỷ lệ cao trong phân phối giá trị gia tăng của chuỗi.
Thứ sáu, ngành có lợi thế phát triển là ngành có tính mới, tính tiên phong, tính đột phá, tính công nghệ, tính động, tính độc đáo.
Từ đó, khái niệm về ngành kinh tế (bao hàm sản xuất và dịch vụ) có lợi thế phát triển được xây dựng theo tiếp cận động và mở, với những nội hàm chính như sau: Ngành kinh tế có lợi thế phát triển là ngành có năng suất cao trong mối tương quan với năng suất của thế giới, cho phép huy động và sử dụng các nguồn lực lợi thế hiệu quả nhất, đạt được tính hiệu quả theo quy mô với sự chuyên môn hóa sâu, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường thế giới, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và có thể trở thành người dẫn đầu, điều phối, nâng cấp chuỗi cũng như chiếm tỷ lệ cao trong phân phối giá trị gia tăng của chuỗi và có những tác động tích cực nhất đến xuất khẩu.
Ngành kinh tế có lợi thế phát triển của Việt Nam
Trong thực tế, bối cảnh và điều kiện cũng như các ưu tiên trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế là khác nhau. Ngành kinh tế có lợi thế phát triển của Việt Nam được xác định dựa trên các cơ sở sau:
Về cơ sở chính trị - pháp lý, nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định..., như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị, “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Nghị quyết số 23-NQ/TW) chỉ rõ, công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, là một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước trong những năm gần đây, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, “mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”.
Về cơ sở khoa học, nghiên cứu sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE) làm phương pháp tiếp cận chính để phân tích, đánh giá và dự báo tác động của các FTA (cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan) đối với cơ cấu kinh tế theo ngành và xác định ngành có lợi thế. Nghiên cứu đã xây dựng các kịch bản khác nhau (dựa trên kịch bản cơ sở là không có tác động giảm thuế quan hay các biện pháp phi thuế quan) tương ứng với lộ trình thực hiện các cam kết theo các hiệp định quan trọng mà Việt Nam ký kết để mô phỏng và phân tích chi tiết tác động của từng FTA cũng như tác động tổng thể của tất cả các hiệp định này một cách đồng thời đến 41 ngành kinh tế, 8 vùng kinh tế, 20 nhóm hộ gia đình và 7 nhân tố sản xuất của Việt Nam dựa trên quan hệ thương mại với các quốc gia là thành viên của các FTA với Việt Nam.
Dữ liệu đầu vào chủ yếu của mô hình là bảng Ma trận hạch toán xã hội (SAM) của Việt Nam năm 2016. Bảng này được xây dựng trên cơ sở cập nhật dữ liệu từ Bảng I/O năm 2012 do Tổng cục Thống kê công bố năm 2015; Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016 (VHLSS 2016); dữ liệu về cán cân vĩ mô; dữ liệu về kim ngạch nhập khẩu từ các nước đối tác; dữ liệu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến các nước đối tác; dữ liệu về thuế nhập khẩu và lộ trình giảm thuế của Việt Nam đối với hàng hóa của các nước đối tác và ngược lại; dữ liệu về rào cản phi thuế quan và lộ trình cắt giảm các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam và các nước đối tác.
Trên cơ sở các bảng I/O và SAM được hiệu chỉnh và cập nhật, nghiên cứu còn sử dụng các phương pháp phân tích cân đối liên ngành (I/O Analysis), phân tích ma trận hạch toán xã hội (SAM Analysis) để tính toán, xác định các hệ số liên kết của các ngành trong nền kinh tế. Kết quả phân tích từ bảng I/O và SAM đã cung cấp các chỉ số, như liên kết ngược, liên kết xuôi, tác động tạo việc làm và tác động lan tỏa để xác định các ngành có mức độ liên kết cao, có lợi thế phát triển. Bên cạnh đó, phân tích cụm ngành (Cluster) để nhận diện các ngành có lợi thế trong mỗi nhóm ngành, từ đó chỉ ra cách thức phân bổ và phân bổ lại nguồn lực phát triển kinh tế.
Tiêu chí lựa chọn ngành kinh tế có lợi thế phát triển.
Dựa trên các cơ sở chính trị - pháp lý và cơ sở khoa học nêu trên, các tiêu chí được đưa ra để lựa chọn ngành kinh tế có lợi thế phát triển như: 1- Dựa trên kết quả phân tích khách quan; 2- Có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu (có quy mô thị trường thế giới lớn, có các rào cản thương mại và phi thương mại thấp, tác động tích cực nhất đến xuất khẩu, có khả năng và tạo lập được năng lực cạnh tranh cao, đạt được tính hiệu quả theo quy mô với sự chuyên môn hóa sâu, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường thế giới, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu như một mắt xích, có thể trở thành người dẫn đầu, điều phối, nâng cấp chuỗi; chiếm tỷ lệ cao trong phân phối giá trị gia tăng của chuỗi); 3- Có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác (tác động tích cực nhất đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế thông qua các mối liên kết kinh tế, gắn liền với phát triển các cụm ngành tạo ra hiệu ứng cộng hưởng và tác động lan tỏa); 4- Sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; 5- Có tính mới, tính tiên phong, tính đột phá, tính công nghệ, tính động, tính độc đáo; 6- Có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao (có năng suất cao và có thể tận dụng các nhân tố thúc đẩy nâng cao năng suất); 7- Sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn còn đang có lợi thế (có lợi thế so sánh về nguồn lực dồi dào, có chi phí đầu vào thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế); 8- Có năng suất cao trong mối tương quan năng suất của thế giới; 9- Có tính ổn định, kế thừa trong ngắn hạn và trung hạn, đột phá trong dài hạn.
Ngành kinh tế có lợi thế phát triển tại Việt Nam.
Theo kết quả của nghiên cứu, thay đổi kim ngạch xuất khẩu của các ngành trong dài hạn, cũng như tỷ lệ phần trăm thay đổi so với kịch bản cơ sở dưới tác động đồng thời của các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và RCEP) như sau: ngành điện thoại và các loại linh kiện có mức tăng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là ngành thuộc da, hàng dệt may, thực phẩm chế biến. Các ngành hàng thủy sản, máy ảnh, máy quay phim và dây điện cũng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên mức tăng này không lớn. Các ngành còn lại có mức tăng kim ngạch xuất khẩu giảm so với kịch bản cơ sở, đặc biệt là các ngành trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, máy móc thiết bị dụng cụ, hàng hóa khác và thương mại.
Trong dài hạn, nhập khẩu của tất cả các ngành đều tăng so với kịch bản cơ sở dưới tác động của từng hiệp định, trong đó tổng kim ngạch nhập khẩu theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tăng nhiều nhất (9,92%), tiếp theo là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) (9,59%) và cuối cùng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (8,19%). Trong trường hợp mô phỏng các hiệp định được thực thi một cách đồng thời, tăng trưởng nhập khẩu của tất cả các ngành đều tăng so với kịch bản cơ sở, ngoại trừ trường hợp sản phẩm của ngành hàng lâm nghiệp. Quy mô tăng trưởng nhập khẩu dưới tác động đồng thời của cả 3 hiệp định cao hơn so với khi chỉ có tác động của 2 hiệp định CPTPP và EVFTA. Về kim ngạch, ngành điện thoại và các loại linh kiện có mức tăng lớn nhất và vượt rất xa so với các ngành hàng còn lại. Về tốc độ tăng trưởng, ngành thuộc da tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn nhất, tiếp đến là sản phẩm các ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và hàng dệt may.
Tăng trưởng xuất khẩu của một ngành là động lực tích cực đến tăng giá trị sản xuất của ngành đó, trong khi tăng nhập khẩu (đặc biệt là trong trường hợp nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cuối cùng) có thể gây ra áp lực cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước, dẫn đến khả năng thu hẹp sản xuất của ngành. Dưới tác động tổng hợp của các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP, các ngành đang có lợi thế và tiếp tục nhận được các tác động tích cực trong thời gian tới là công nghiệp điện tử: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và các loại linh kiện; trong lĩnh vực dệt may và giày da: Hàng dệt may và thuộc da; trong lĩnh vực chế biến thực phẩm: Thực phẩm chế biến. Năm nhóm ngành nêu trên có mức tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất lớn nhất dưới tác động đồng thời của các hiệp định. Ngành hàng nông nghiệp có mức sụt giảm về giá trị sản xuất là lớn nhất, kế đó là ngành gỗ, sản phẩm gỗ và hàng hóa khác. Giá trị sản xuất của các ngành còn lại có sự thay đổi không đáng kể so với kịch bản cơ sở.
Như vậy, kết hợp các tiêu chí chọn lựa và kết quả nghiên cứu, các ngành được xác định có lợi thế phát triển tại Việt Nam bao gồm: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; chế biến thực phẩm; thủy sản; nông nghiệp; dệt may và thuộc da; sản phẩm đồ gỗ; giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; du lịch; dịch vụ viễn thông. Các ngành này là những ngành có khả năng lan tỏa cao và thỏa mãn các điều kiện của ngành có lợi thế trong tương lai; trong đó, 5 ngành chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp, dệt may và thuộc da, sản phẩm đồ gỗ là những ngành có thâm dụng lao động cao trong cả ngắn hạn và dài hạn. Những ngành này tuy không tạo ra đột biến trong tăng trưởng kinh tế nhưng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam do giải quyết được vấn đề lao động và có tỷ trọng cao trong xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, dưới tác động của hiệp định thương mại tự do, sự cạnh tranh cũng như phân bổ nguồn lực giữa các ngành có thể dẫn đến những tác động bổ trợ hoặc lấn át nhau với cơ chế cực kỳ phức tạp. Do các ngành thâm dụng lao động sử dụng phần lớn lực lượng lao động phổ thông có thể bị lấn át bởi các ngành có khả năng thu hút lượng vốn lớn của nền kinh tế để đầu tư và phát triển nên có thể gặp bất lợi khi Việt Nam mở cửa hàng rào thương mại với các nước đối tác. Hai ngành công nghệ thông tin và công nghệ điện tử được kỳ vọng là những ngành sẽ tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam nếu được định hướng và đầu tư phát triển đúng hướng. Trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển và nhằm mục đích thực hiện chiến lược thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nên hai lĩnh vực này được Việt Nam ưu đãi cam kết thuế nhập khẩu với mức thuế suất thấp. Hai ngành này cũng là những ngành đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi hoạt động sản xuất của 5 ngành thâm dụng lao động trọng yếu kể trên. Các ngành giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, du lịch, dịch vụ viễn thông là những ngành phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Giải pháp phát triển các ngành kinh tế có lợi thế
Trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các đối tác, CPTPP, EVFTA và RCEP là các FTA thế hệ mới và do đó sẽ có những tác động đáng kể và mạnh mẽ nhất đến các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang cất cánh, cơ cấu kinh tế Việt Nam tiếp tục dịch chuyển sang các ngành có năng suất cao, hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao hướng đến việc tạo lập một cấu trúc kinh tế mới dựa trên trục phát triển các ngành có lợi thế trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Như vậy, để phát triển các ngành có lợi thế, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội của các FTA thế hệ mới mang đến, cần xem xét các nội dung sau:
Thứ nhất, cần quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chương trình hành động của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng; trong đó, chú trọng đánh giá thực trạng trong và ngoài nước, xây dựng định hướng đúng đắn, hướng dẫn và thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp thực hiện công tác hội nhập toàn diện.
Thứ hai, thực thi các cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở nâng cao năng lực của toàn nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ gia công sang sản xuất, thay đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động nghiên cứu và tiến đến hoàn thiện đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới với hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó phương thức phân bổ nguồn lực công có tính chiến lược và tính khuyến khích, tính lan tỏa dựa trên các ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn phát triển. Nguồn vốn phải bảo đảm tương xứng với khả năng tích lũy, kích thích tiêu dùng và tập trung nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và hiệu quả vốn đầu tư để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung vốn đầu tư vào ngành, lĩnh vực và quá trình sản xuất - kinh doanh có tính đổi mới, tính sáng tạo, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh toàn cầu. Giảm đầu tư công trực tiếp thay bằng tạo ra cơ chế thúc đẩy cạnh tranh, kích thích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài tương thích với thông lệ và luật pháp quốc tế.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điều kiện có tính chất cơ bản và mang tính dài hạn. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở cải cách toàn diện giáo dục nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao có thể đáp ứng các yêu cầu của một nền kinh tế tri thức. Hoàn thiện hệ thống chính sách về thị trường lao động; đồng thời, có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ với các chuyên gia, trí thức và lao động lành nghề là người Việt Nam ở trong và ngoài nước hay người nước ngoài gia nhập thị trường lao động Việt Nam, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Phát triển đội ngũ doanh nhân, quản lý chuyên nghiệp; gắn đào tạo với thị trường lao động, tạo lập các nền tảng giao dịch việc làm số kết nối với doanh nghiệp và người lao động. Tạo lập các quỹ học bổng và xây dựng chương trình đào tạo tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất - kinh doanh.
Thứ năm, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ là điều kiện mang tính quyết định cho việc lựa chọn lộ trình phát triển cho các ngành có lợi thế, cho phép rút ngắn thời gian thực hiện trong từng giai đoạn. Định hướng hoạt động khoa học - công nghệ vào tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ và công nghệ kỹ thuật số để phát triển sản phẩm và tăng hiệu suất. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học - công nghệ. Ban hành các chính sách ưu đãi cho các dự án, các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cốt lõi, trong đó ưu tiên các lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển giao công nghệ, hợp tác giữa tổ chức giáo dục, nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tiềm năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu; tạo lập các quỹ nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm. Bảo đảm thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các sáng chế. Tăng cường hợp tác quốc tế thực hiện đi tắt, đón đầu để nâng cao năng lực khoa học - công nghệ của Việt Nam.
Thứ sáu, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đầu tư có trọng điểm và có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng các hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư kết cấu hạ tầng. Phát triển hệ thống khu công nghiệp và khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu phức hợp hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao, theo tiêu chuẩn công nghiệp sinh thái. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, sân bay và cảng biển, các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề giao thông, giao thương giữa các vùng, các địa phương được nhanh hơn, thuận tiện hơn và tiết kiệm chi phí lưu thông. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm để giải quyết ùn tắc giao thông và phát triển đô thị. Xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là tại các đô thị hạt nhân, các thành phố lớn để tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại điện tử dựa trên các nền tảng số.
Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, quy định và quy trình các tiêu chuẩn, kiểm định và chứng nhận sản phẩm - dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Hình thành các hiệp hội, các tổ chức về khuyến công, xúc tiến thương mại, tư vấn khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý, quản lý môi trường và truyền thông chính sách.
Thứ tám, xác định danh mục ưu tiên, phương hướng, quy hoạch phát triển các ngành để định hướng cũng như cảnh báo đối với các ngành, doanh nghiệp. Quá trình xác định các ngành ưu tiên, có lợi thế phải mang tính động và linh hoạt, cần thực hiện đánh giá hiệu quả theo các tiêu chí định kỳ để điều chỉnh khi cần thiết; đồng thời, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành ưu tiên phải theo cơ chế thị trường, tuân thủ các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên./.
Thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA  (15/08/2022)
Tỉnh Kon Tum huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững  (24/07/2022)
Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách  (26/06/2022)
Nhóm các nền kinh tế mới nổi năm 2021 và triển vọng  (04/06/2022)
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng  (27/05/2022)
Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030  (09/05/2022)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên