Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết nhiều chủ thể - một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi
TCCS - Mô hình tổ chức phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở tỉnh Quảng Ngãi thu được những kết quả bước đầu, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ,... Thành công đó khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả trong việc xác định khâu phát triển đột phá của nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở tỉnh Quảng Ngãi.
Nhận thức về chuỗi giá trị nông nghiệp
Chuỗi giá trị (CGT) được hiểu theo nghĩa hẹp là một loạt các hoạt động thực hiện trong một doanh nghiệp (DN) để sản xuất ra một sản phẩm nhất định; hiểu theo nghĩa rộng, là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ,...) để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm được bán lẻ. Chuỗi giá trị gồm các nhân tố con người và hoạt động sản xuất, cải tiến sản phẩm thông qua kết nối các nhà sản xuất hàng hóa với các nhà chế biến và thị trường.
Chuỗi giá trị nông nghiệp, vì thế, là một tập hợp những hoạt động do nhiều người khác nhau tham gia thực hiện để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, sau đó bán cho người tiêu dùng. Mô hình CGT nông nghiệp giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tạo ra hệ sinh thái sản xuất mới tại nông thôn với cơ hội mới cho mọi người. Mô hình CGT nông nghiệp là tổng thể các hoạt động liên quan đến ngành nông nghiệp, bao gồm các hoạt động có quan hệ với nhau: “cung cấp đầu vào => tổ chức sản xuất => chế biến => tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Vai trò của CGT nông nghiệp ở nước ta
Chuỗi giá trị nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức phát triển nền nông nghiệp theo hướng có kế hoạch, gắn với nhu cầu thị trường; quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã bao bì, thương hiệu của nông sản,... Mô hình CGT nông nghiệp tập hợp nhiều nông dân có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh và đàm phán trên thị trường, góp phần hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều; thay đổi những điểm yếu của nông dân, như tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quy trình canh tác tự do, khả# năng hợp tác yếu, chậm thay đổi quy trình - công nghệ# sản xuất, ít cập nhật thông tin thị trường...
Thông qua mô hình CGT nông nghiệp, hợp tác xã (HTX) và DN dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết với DN, tăng khả năng hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng lợi nhuận cho HTX, nông dân có cơ hội tiếp cận với cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm chi phí sản xuất và ngày công lao động. Các nhóm tác nhân trong CGT nhận được lợi ích từ việc gia tăng giá trị tăng thêm trong liên kết chuỗi.
Lợi ích của việc tham gia CGT nông nghiệp
Đối với nông dân, tham gia CGT sẽ giúp họ sản xuất theo cầu thị trường trên cơ sở đặt hàng và mức tiêu thụ. Trong CGT, nông dân cũng tăng quyền lực thương lượng với đối tác như HTX, DN và được đối tác cung cấp thông tin thị trường và ứng vốn sản xuất. Nông dân cũng thu được những kinh nghiệm, tư vấn của DN để sản xuất những sản phẩm phù hợp hơn, với chi phí sản xuất tốt hơn, góp phần nâng cao lợi nhuận. Đối với HTX, khi tham gia vào CGT thì vai trò và khả năng đóng góp sẽ được nâng cao, có thể thay thế một hoặc nhiều tác nhân trong chuỗi và liên kết với DN,... qua đó, tăng uy tín với thành viên và nông dân. Việc tiếp cận với DN sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý và khả năng phân tích thị trường của các lãnh đạo và thành viên HTX. Đối với DN, tham gia CGT sẽ giúp DN có vùng nguyên liệu ổn định tại các HTX hoặc nông hộ ở vùng liên kết, qua đó, gia tăng khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp có điều kiện thu thập thông tin về nhu cầu khách hàng và thông tin thị trường để cung cấp cho HTX và thành viên biết để điều chỉnh sản xuất, có quy mô sản phẩm đủ lớn, chất lượng sản phẩm đồng nhất và cung cấp thường xuyên. Thành viên hoặc các HTX cũng có thể biến thành khách hàng tiêu dùng các sản phẩm khác của DN trong chuỗi.
Thực trạng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi
Số lượng CGT nông nghiệp
Từ năm 2018, nhằm tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong nông nghiệp, trên cơ sở thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện hàng loạt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo CGT. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh triển khai thực hiện 574 dự án liên kết sản xuất theo CGT gắn với tiêu thụ sản phẩm, với 22.901 hộ dân tham gia thực hiện. Trong đó, nhóm dự án CGT trồng trọt có 183 dự án (23 loại cây trồng), với quy mô 2.217,6ha đất canh tác và 14.052 hộ tham gia, bình quân 1.578m2/hộ; nhóm dự án CGT chăn nuôi có 380 dự án, với 1.840 hộ tham gia; nhóm dự án CGT chế biến có 8 dự án chế biến thủy sản; nhóm dự án CGT ngành, nghề có 3 dự án sản xuất và tiêu thụ chổi đót. Có 64 đơn vị (trong tỉnh có 62 đơn vị, ngoài tỉnh có 2 đơn vị) chủ trì tham gia 574 dự án CGT, gồm: 25 DN (23 chủ trì dự án trong tỉnh, 2 chủ trì dự án ngoài tỉnh) với số nông hộ kết hợp lên đến 14.916 hộ gia đình; 37 HTX với 7.325 hộ liên kết; 2 tổ hợp tác với 91 hộ tham gia.
Nhiều CGT của tỉnh Quảng Ngãi đã hình thành và phát triển đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người nông dân trong các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt như chuỗi nấm, chuỗi tỏi đen, chuỗi bò, măng tây,... Các CGT nông sản triển khai theo các hình thức liên kết khác nhau, như liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra, liên kết góp vốn đầu tư sản xuất,... là những hình thức liên kết chặt chẽ, có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa DN và người nông dân. Đồng thời, một số chuỗi cung ứng nông sản ứng dụng thành công công nghệ mới, như công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng, kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Đã và đang hình thành các CGT phát triển theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương. Chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã và đang dần hoàn thiện. Một số CGT nhận được nhiều sự hỗ trợ từ sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng thương mại đến xây dựng thương hiệu và hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu.
Hình thức liên kết trong mô hình CGT nông nghiệp
Hiện nay ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, đang tồn tại một số hình thức liên kết:
Liên kết ngang giữa nông dân - nông dân, HTX - HTX, DN - DN. Hình thức này giúp giảm chi phí, tăng giá bán sản phẩm, tăng số lượng hàng bán... Ví dụ, nông dân tổ chức mua chung vật tư đầu vào có thể tạo ra một số lợi ích: 1- Mua được với giá thấp vì số lượng lớn và trực tiếp từ người cung cấp; 2- Tổ chức mua theo tập thể sẽ giảm được chi phí vận chuyển nếu phải mua xa; 3- Tiêu thụ qua tập thể “tổ - nhóm đồng sở thích” có khả năng hợp đồng bán với số lượng lớn, bảo đảm uy tín và giảm thiểu rủi ro...
Liên kết dọc giữa nông dân - HTX - DN trong chuỗi sản xuất. Hình thức này phát sinh do yêu cầu thích ứng với thị trường hiện đại dẫn đến việc hình thành các CGT nông sản thực phẩm. Liên kết dọc có một số mô hình như:
1- Tiêu thụ trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng, tuy liên kết trong CGT không mạnh, số lượng giao dịch nhỏ tại các chợ, khu sản xuất của nông dân, khách hàng tiêu dùng là khách du lịch, nhưng với sự phát triển của công nghệ và phương thức bán hàng mới, như bán hàng trực tuyến (online), mô hình này có thể phát triển đối với những nông sản dễ bảo quản và có thời gian bảo quản lâu.
2- Doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông hộ thông qua mô hình liên kết tập trung hoặc mô hình nông dân làm gia công cho doanh nghiệp. Với mô hình liên kết tập trung, DN cung cấp đầu vào và hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ, HTX và trang trại; sau đó trang trại sẽ cung cấp sản phẩm cho DN để chế biến và tiêu thụ. Mô hình này được áp dụng khá nhiều ở tỉnh Quảng Ngãi. Việc thực hiện các cam kết sẽ quyết định tính bền vững và hiệu quả của mô hình này. Thực tế cho thấy, nếu liên kết chỉ một chiều qua hợp đồng nông dân bán nông sản cho DN thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng thường cao hơn (đặc biệt khi mức giá thị trường sau thu hoạch cao hơn mức giá ký kết thu mua với DN). Nhưng nếu hợp đồng bao gồm hỗ trợ đầu vào và tư vấn kỹ thuật của DN cho nông dân để phát triển sản xuất thì tỷ lệ thực hiện cam kết về sản phẩm của nông dân trong việc thực hiện hợp đồng sẽ cao hơn. Trên thực tế, mô hình này chỉ thích hợp với một số mặt hàng nông sản mà chi phí đầu vào lớn, hoặc phải đạt tiêu chuẩn nhất định mà thị trường khó thay thế được. Với mô hình nông dân gia công cho doanh nghiệp, những DN có tiềm lực về kinh tế và đất đai đầu tư vào những sản phẩm nông nghiệp mang giá trị cao, thuê nông dân làm cho mình tại các trang trại của DN. Doanh nghiệp cung cấp đầu vào và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân được thuê. Mô hình CGT này gói gọn trong phạm vi DN nên các công đoạn trong CGT có tính xuyên suốt và ổn định hơn. Người phát triển CGT là doanh nhân vừa có kiến thức kinh tế thị trường, vừa có kinh nghiệm quản lý và vốn nên khá thành công. Hiệu quả phát triển CGT theo mô hình này khá cao, tuy nhiên, mô hình này chưa nhận được nhiều ưu đãi so với mô hình kinh tế tập thể dưới dạng HTX hoặc “nhóm đồng sở thích”.
3- Giữa nông dân và người mua, HTX đóng vai trò trung gian. Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với DN rồi tổ chức thu mua của xã viên để bán lại cho DN, hoặc HTX chỉ đại diện ký hợp đồng, các thành viên sẽ trực tiếp thực hiện cung cấp hàng cho DN trên cơ sở hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là rất khó bảo đảm về chất lượng và độ đồng đều của nông sản. Bên cạnh đó, các mối liên kết giữa các mắt xích trong CGT dễ bị đứt gãy và tình trạng cạnh tranh mua nông sản giữa tư thương, “nậu vựa” và DN vẫn còn xảy ra. Hiện tượng người nông dân phá vỡ hợp đồng đã ký kết với DN để bán cho người mua khác giá cao hơn vẫn còn tồn tại. Việc xử phạt vi phạm hợp đồng đối với nông hộ khó thực thi vì họ thường không có tiền đền bù hợp đồng hoặc cố tình dây dưa, kéo dài thời gian thực hiện. Sự phát triển của các CGT cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố, như lãnh đạo HTX chỉ có nhiệm kỳ 5 năm nên động lực làm việc hạn chế; sự nể nang, mối quan hệ họ hàng, làng xã nên khó xử lý triệt để khi có các vi phạm; số lượng thành viên HTX lớn nên các quyết định thường khó khăn,...
4- Mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, DN). Doanh nghiệp và hộ sản xuất là hai tác nhân chính, trong đó DN giữ vai trò quan trọng kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trước áp lực của hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới hiện nay, DN cần chủ động đổi mới và chuẩn bị đủ yếu tố cần thiết để cạnh tranh với hàng hóa của các DN nước ngoài trên thị trường. Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ cần thiết để liên kết được hình thành và phát triển. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp thực hiện chính sách và tạo thuận lợi cho các liên kết được chặt chẽ, theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động liên kết để có những kiến nghị hay biện pháp thích hợp tăng cường hiệu quả liên kết. Nhà khoa học là người đưa những kiến thức thị trường, khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh tới với nông dân và doanh nghiệp; tư vấn cho Nhà nước các biện pháp tăng cường hiệu quả của mối liên kết.
Kết quả của mô hình CGT tại tỉnh Quảng Ngãi
Việc áp dụng mô hình CGT nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi đã đạt những thành công bước đầu:
Một là, tạo nhận thức mới trong cán bộ và người dân về sự cần thiết phải sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, khắc phục dần tình trạng sản xuất tự phát theo phong trào, sản xuất không theo hợp đồng.
Hai là, một số sản phẩm bước đầu đã hình thành CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, như một số sản phẩm của huyện Sơn Hà đã vào chuỗi siêu thị BigC; măng tây của huyện Mộ Đức; nấm của HTX nấm Đức Nhuận,...
Ba là, một số dự án tuy chưa có sản phẩm nhưng bước đầu đã tạo ra mô hình sản xuất được nông dân quan tâm học tập nhân rộng, như bưởi da xanh, hươu sao, bò, măng tây,...
Bốn là, nông dân tham gia chủ động trong việc thực hiện các dự án, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và tiếp tục duy trì sản xuất sau khi dự án kết thúc.
Trong phát triển mô hình CGT nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi còn bộc lộ một số hạn chế: 1- Trong phát triển CGT, xác định chưa đúng trọng tâm, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng phát triển của từng địa phương, từng vùng; việc lựa chọn sản phẩm và CGT dàn trải dẫn tới khó tập trung nguồn lực để phát triển. 2- Các CGT còn thiếu tính liên kết vùng trồng giữa các xã do còn hiện tượng phân tán lợi ích. Việc chọn hộ tham gia CGT có nhiều bất cập; thường có quá nhiều hộ tham gia một CGT nên số lượng sản phẩm hoặc diện tích sản xuất không lớn hiệu quả thấp, không tạo ra mô hình liên kết sản xuất bền vững. 3- Việc tuyên truyền, vận động người dân nhận thức về lợi ích khi thực hiện đúng cam kết trong CGT nhằm duy trì các mối liên kết còn hạn chế. Sự thấu hiểu, chia sẻ lợi ích và năng lực thực hiện hợp đồng của các bên tham gia chưa thực sự tốt, liên kết giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Vẫn còn xảy ra tình trạng DN và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ... 4- Việc xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư tương xứng khiến cho hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao; các hoạt động cung cấp thông tin và dự báo về thị trường sản phẩm nông nghiệp chưa được đầy đủ làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường. 5- Quy mô sản xuất nhỏ, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng bền vững còn thấp; mức độ áp dụng công nghệ trong khâu sau thu hoạch và bảo quản chưa cao, chưa có nhiều nhà máy hiện đại; thiếu chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến phụ phẩm... 6- Dịch vụ logistics phục vụ hoạt động xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Thực tế, DN nông nghiệp và logistics vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ, giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng mà chưa có sự liên kết để hỗ trợ nhau về giá, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nguyên nhân khách quan của hạn chế là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn manh mún, quy mô nhỏ; sản phẩm nông nghiệp có giá trị không cao; khả năng đầu tư phát triển sản xuất của người dân còn hạn chế; thiếu DN mạnh, có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh nên việc phát triển sản xuất theo CGT còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, thiên tai, dịch bệnh,... cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển mô hình CGT nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi xác định nguyên nhân chủ quan đóng vai trò chủ yếu, đó là:
- Sự cam kết của chính quyền trong các khâu, các bước của quá trình liên kết chuỗi chưa thực sự mạnh mẽ, biểu hiện ở chỗ còn chưa thực hiện hiệu quả Thông tư số 43/2017/TT-BTC, ngày 12-5-2017, của Bộ Tài chính, “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” quy định về góp vốn đối ứng của người tham gia dự án phát triển CGT. Trong các dự án có quy mô liên xã, cấp huyện chưa thực sự mạnh dạn làm chủ đầu tư nên thiếu tính liên kết vùng, hiệu quả thấp. Một số nơi chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ trì dự án, hộ dân tham gia dự án thực hiện đúng các hợp đồng đã ký kết; việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế.
- Đa số các chủ trì dự án chỉ quan tâm đến khâu cung cấp đầu vào, chưa quan tâm đến khâu tiêu thụ sản phẩm; năng lực tổ chức thu mua sản phẩm, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thu mua nông sản của các chủ trì dự án còn hạn chế. Việc phân bổ kinh phí của các dự án phát triển cho các CGT tại các địa phương theo phương thức bình quân, chia đều nên chưa phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
- Với đặc thù sản phẩm nông nghiệp, hầu hết trong các CGT cần có sự tham gia của nhiều nhóm tác nhân, bởi một mặt, đa số sản phẩm nông nghiệp gắn liền với đất đai nên giá trị đầu tư ban đầu rất lớn nhưng rất ít nhà đầu tư đủ nguồn lực mua lượng đất đai này. Đồng thời, có những nhà đầu tư đủ tiềm lực có thể sẽ dùng quỹ đất này vào những việc khác thay vì sản xuất nông nghiệp, do những ngành khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn;
mặt khác, tại những vùng điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi như tỉnh Quảng Ngãi, những nhà đầu tư lớn có thể “ngại” lựa chọn đầu tư nông nghiệp. Vì vậy, quỹ đất của tỉnh cũng còn khá nhiều nhưng nằm rải rác trong các nông hộ.
- Một số văn bản quy định còn chồng chéo gây khó khăn cho nông hộ, HTX và DN khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Một số quy định về HTX còn bất cập, là nguyên nhân cản trở sự quyết tâm phát triển của lãnh đạo HTX, như quy định nhiệm kỳ 5 năm với lãnh đạo, về cấp quản lý, về các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cấp, các hội,...
Một số kinh nghiệm bước đầu
Về cách thức tiếp cận vấn đề
Trước đây, cách tiếp cận mô hình CGT trong thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi thường xuất phát từ chỉ đạo của chính quyền, thông qua các chương trình mục tiêu phát triển nông thôn, chứ chưa chú trọng phải bắt nguồn từ chính yêu cầu của sản xuất, nông dân, HTX và DN. Vì vậy, mức độ hiệu quả của mô hình thực thi trên thực tế còn hạn chế. Việc cần làm trước hết là tiếp cận vấn đề từ góc độ chủ thể trực tiếp thực hiện và trực tiếp hưởng thụ lợi ích trong phát triển CGT nông nghiệp, như nông hộ, HTX, DN...
Đối với người nông dân, cần nhận thức được mô hình CGT giúp nông dân tiếp cận với thị trường một cách chủ động hơn, thay đổi cách nhìn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thay đổi tư duy về liên kết hợp tác. Nông dân có cơ hội để khai thác hiệu quả hơn quỹ đất, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và các thế mạnh của mình khi tham gia CGT. Nông dân có cơ hội, tiếp cận nhiều hơn với cách thức kinh doanh của DN, được DN và Nhà nước hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh, hạn chế được một số biến động thị trường và giá cả. Hoạt động sản xuất của nông dân, do đó, có chiến lược và kế hoạch rõ ràng. Thu nhập nông dân được cải thiện, nhiều người sẽ tìm được việc làm và phát triển trên chính quê hương của mình. Tham gia CGT sẽ giúp họ sản xuất theo cầu thị trường trên cơ sở những đặt hàng và mức tiêu thụ, tăng quyền thương lượng với đối tác như HTX, DN. Nông dân cũng học được những kinh nghiệm, tư vấn của DN để sản xuất những sản phẩm phù hợp hơn với chi phí sản xuất tốt hơn, nâng cao lợi nhuận và thu nhập.
Đối với HTX, có vai trò kết nối tổ chức sản xuất. Chuỗi giá trị là một mô hình giúp HTX phát triển, tạo cơ hội cho các thành viên tham gia nhiều hơn, giúp cho các thành viên nâng cao thu nhập; đồng thời, khẳng định, củng cố vai trò, uy tín của HTX trong phát triển kinh tế. Hợp tác xã có thể thay thế một hoặc nhiều tác nhân trong chuỗi, như thu gom, “nậu vựa”, trung gian phân phối, thu mua, liên kết với DN,... Việc tiếp cận của HTX với DN sẽ góp phần nâng cao năng lực tư duy kinh doanh, kỹ năng quản lý và khả năng phân tích thị trường của các lãnh đạo, thành viên HTX.
Về phía DN, tham gia CGT nông nghiệp là cơ hội cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng cơ hội kinh doanh, phát triển sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận, giúp DN phát triển được vùng nguyên liệu ổn định tại HTX hoặc một số địa phương liên kết, gia tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp có điều kiện thu thập thông tin về nhu cầu khách hàng và thông tin thị trường hoặc có thể tiếp cận thành viên hay các HTX trong chuỗi liên kết thành khách hàng tiêu dùng các sản phẩm khác của DN.
Nhà khoa học, tham gia CGT với vai trò tư vấn, đưa những kiến thức của mình áp dụng vào thực tiễn và trong quá trình hỗ trợ người dân sẽ đúc kết được nhiều giá trị và tìm ra được nhiều vấn đề mới trong nghiên cứu .
Người tiêu dùng, tham gia CGT có thể có được những sản phẩm bảo đảm hơn về chất lượng, thời gian và có lợi hơn về giá cả.
Về phía Nhà nước, mô hình CGT giúp địa phương và người dân, đặc biệt là nông dân, thay đổi cách thức liên kết sản xuất, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu thập và qua đó, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi người dân tham gia CGT, chính quyền sẽ dễ dàng hơn trong việc giám sát, hỗ trợ và quản lý; định hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng quy hoạch và có lợi về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.
Những yếu tố cần thiết để mô hình CGT thành công
Một là, yếu tố nhận thức, thể chế và chính sách.
Về nhận thức, cần có sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức của các cấp chính quyền cùng người nông dân trong việc phát triển CGT nông nghiệp. Do đó, cần có sự tuyên truyền rộng rãi về quy trình thực hiện, lợi ích của các CGT và quan trọng hơn, là có những mô hình phát triển CGT thành công trên thực tiễn; tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện đúng cam kết hợp đồng...
Các chính sách và cơ chế liên quan tới sự phát triển của CGT nông nghiệp cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và gỡ các nút thắt; có sự tham gia của các nhà khoa học, những người trực tiếp thực thi và được hưởng lợi ích từ các chính sách để bảo đảm các chính sách có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, tránh hiện tượng chính sách, mục tiêu rất tốt nhưng khâu tổ chức thực hiện thì gặp một số vướng mắc dẫn đến tính hiệu quả chưa cao. Các chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, DN và HTX khi thực hiện. Xác định các sắp xếp về thể chế nhằm cải thiện năng lực hoạt động của CGT, xóa bỏ các lệch lạc trong trong phân phối, thúc đẩy giá trị gia tăng trong ngành.
Hai là, yếu tố nhân lực.
Nhân lực trong CGT là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định tới hiệu quả và sự thành công của CGT. Trong CGT nông nghiệp, sản phẩm thường phụ thuộc vào kỹ thuật và cách thức chăm sóc, gieo trồng, thu hoạch,... của nông dân; sau đó, thu mua, chế biến, đóng gói bao bì và tiêu thụ sản phẩm. Các công đoạn cần có sự phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo và nhất trí cao. Nếu nhân lực trong CGT hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong các khâu, chuỗi cũng như ý nghĩa hoạt động thì mỗi cá nhân sẽ nỗ lực đóng góp hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực, phương pháp, cách thức sản xuất còn phụ thuộc vào hoạt động đào tạo và hiệu quả của các hoạt động của CGT. Một số CGT yêu cầu nhân lực chất lượng cao, như làm việc trong các khâu nghiên cứu, thí nghiệm, vận hành chuỗi cung ứng, quản lý, điều độ,... Những dự án đầu tư phát triển CGT nông nghiệp thì chủ trì dự án phải bảo đảm năng lực tổ chức thu mua sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết; chủ đầu tư dự án của Nhà nước trong phát triển CGT cần rà soát năng lực tổ chức thực hiện của chủ trì dự án, nếu không đủ năng lực thì phải thay thế bởi chủ trì khác. Ưu tiên cho HTX làm chủ trì nhưng cần bảo đảm nguyên tắc đủ năng lực triển khai thực hiện dự án, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng; chủ trì dự án cần có đủ tư cách pháp nhân.
Ngoài ra, để cho CGT phát triển, khâu sản xuất, chế biến, kiến thức thị trường và sự am hiểu những nguyên tắc kinh doanh cũng rất cần thiết nhằm trang bị cho các thành viên, thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn đào tạo để hoạt động của chuỗi được liên tục, hạn chế việc phá vỡ các liên kết.
Bên cạnh đó, với đặc thù của hoạt động kinh doanh phải ứng phó với nhiều rủi ro, biến động thị trường, từ thời tiết và yếu tố khác nên rất cần những đội ngũ nhân lực tâm huyết, kiên trì với mục tiêu phát triển chuỗi cũng như sáng tạo ra cách thức, phương pháp làm hay trong những tình huống thực tế của CGT nhằm nâng cao năng lực cạnh.
Ba là, yếu tố liên kết.
Liên kết là yếu tố cần thiết để CGT tồn tại và phát triển bền vững. Việc phá vỡ các liên kết chuỗi sẽ làm cho chuỗi hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đã ký kết: 1- Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phải đúng với mẫu quy định và bảo đảm tính chặt chẽ. 2- Bổ sung rõ các ràng buộc trong hợp đồng về trách nhiệm của hai bên trong tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua hợp đồng liên kết, DN có được vùng nguyên liệu quy mô lớn và chất lượng, chủ động trong kinh doanh nên có thể thỏa thuận mua sản phẩm với giá có lợi hơn đối với nông dân. Nông dân sản xuất đúng sản phẩm theo yêu cầu thị trường và yên tâm đầu ra sản phẩm với mức giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Hợp tác xã có vai trò là cầu nối giữa DN và nông dân.
Nhà nước cần làm cầu nối cho DN và tổ chức nông dân địa phương với thị trường hoặc các DN chế biến và tiêu thụ lớn thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, môi giới thị trường, môi giới đầu tư. Nhà nước phối hợp với DN lớn, các viện nghiên cứu hoặc hiệp hội để chuyển giao công nghệ hiện đại, phù hợp cho các DN nhỏ và vừa ở địa phương và nông dân; phát triển vườn ươm đổi mới sáng tạo nông nghiệp cho DN hoặc tổ, nhóm nông dân địa phương. Đổi mới công tác khuyến nông, tham gia với vai trò là tác nhân môi giới công nghệ.
Bốn là, về động lực duy trì và phát triển.
Các bên tham gia CGT cần có ràng buộc về pháp lý và động lực từ lợi ích để phát triển chuỗi; duy trì được mối quan hệ hài hòa lợi ích trên nguyên tắc “các bên cùng thắng” (win - win) thì chuỗi mới có thể tồn tại và phát triển. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng vốn đối ứng để nâng cao vai trò của các tác nhân trong chuỗi, cần tuyên truyền để người dân, DN hiểu được ý nghĩa của các chuỗi liên kết, lợi ích các bên trong chuỗi. Việc xây dựng, lựa chọn mô hình cần có sự cân nhắc trên cơ sở những tính toán khoa học và phù hợp với thực tiễn ngành, nghề, tâm lý, văn hóa, tập quán người dân, bối cảnh. Ngoài ra, cần phân tích đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc lựa chọn phát triển các CGT.
Năm là, yếu tố vốn.
Vốn là yếu tố quan trọng để CGT tồn tại và phát triển. Cơ cấu vốn quyết định mô hình và cách thức vận hành, vai trò, lợi ích của các tác nhân trong chuỗi. Vốn chính là tiền mặt, nhà xưởng, máy móc thiết bị, đất đai, giá trị các sáng chế, giải pháp hữu ích,... đóng góp vào CGT. Cơ cấu góp vốn và phân bổ vốn sẽ quyết định mô hình hoạt động và tương tác cũng như các mối liên kết trong chuỗi. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều CGT trên địa bàn tỉnh chưa thành công như mong đợi, một mặt, là do phần lớn CGT được phát triển thông qua hình thức HTX - nơi mà mỗi thành viên thường có đóng góp rất nhỏ về vốn và sự ảnh hưởng tới quyết định sản xuất, kinh doanh trong chuỗi; mặt khác, vì lượng vốn góp nhỏ nên lợi nhuận thu về thấp, thành viên chưa nhiệt tình đóng góp nhiều sức lực cho việc phát triển của HTX cũng như CGT.
Các CGT nếu có sự hỗ trợ từ chính quyền, từ ngân sách cần thực hiện vốn đối ứng có tính chất nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân, người thực hiện. Vốn đối ứng phải bằng tiền hoặc hiện vật được người dân mua bằng tiền ở thời điểm tham gia dự án, không dùng gia súc hiện có của hộ làm vốn đối ứng. Các nguồn vốn hỗ trợ cần tránh tình trạng phân bổ đồng đều trên đầu dự án mà phải tính tới mức độ cần thiết của vốn đối với từng dự án để có phương án phân bổ vốn có hiệu quả, giúp các CGT giải quyết được vấn đề trọng yếu, cấp thiết. Gắn các tổ chức đại diện của nông dân tham gia CGT để giám sát việc thực hiện việc sử dụng vốn (tổ hợp tác, nhóm hộ, hợp tác xã).
Cơ chế cho vay vốn hoặc ưu đãi vay vốn phát triển CGT cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để người nông dân, HTX và DN có thể tiếp cận được dễ dàng. Một thực tế cho thấy, HTX rất khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Đất đai và tài sản của HTX không thể dùng để thế chấp vay vốn ngân hàng vì nếu HTX không trả được nợ thì ngân hàng cũng không thể thu hồi các tài sản này. Một số lãnh đạo HTX đã dùng “sổ đỏ” của gia đình để vay vốn cho HTX, điều này gây rủi ro rất lớn cho những người này và gia đình của họ. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo HTX muốn thực thi các chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh cho HTX nhưng do nhiệm kỳ lãnh đạo chỉ 5 năm nên cũng không có nhiều động lực để họ cố gắng.
Sáu là, yếu tố sáng tạo và khoa học - công nghệ trong phát triển.
Hội nhập kinh tế quốc tế tuy mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam nói chung nhưng cũng mang đến không ít thách thức do khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi được hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm gia tăng cạnh tranh trong thị trường nội địa do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Áp lực cạnh tranh cũng sẽ làm một số mặt hàng nông sản trong các CGT của tỉnh không có thế mạnh có thể bị thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi còn là một địa phương chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu, thời tiết, do đó, những cách làm sáng tạo trong phát triển CGT nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi là rất cần thiết để duy trì phát triển CGT cũng như nâng cao hiệu quả các chuỗi này về cả kinh tế - xã hội và môi trường.
Với đặc thù điều kiện khó khăn về khí hậu và thời tiết, việc áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh CGT nông nghiệp là rất cần thiết để tạo ra bước phát triển vượt bậc của nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi. Cần biến những khó khăn về điều kiện tự nhiên thành lợi thế phát triển khi đất đai, tài nguyên còn chưa bị khai thác cạn kiệt, đa phần còn ở dạng tiềm năng.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ nông nghiệp, tập trung vào các khâu giống, quy trình sản xuất, chế biến, quản lý CGT. Có chính sách đặc biệt ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Tăng cường kiểm soát quản lý vùng trồng, vùng nuôi và vùng khai thác, đẩy mạnh thực hiện đánh mã số vùng trồng. Xây dựng hệ thống giám sát đánh giá vùng nuôi nhằm luôn bảo đảm các yêu cầu của thị trường, nhất là các tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Khoa học - công nghệ trong phát triển CGT nông nghiệp không chỉ ở khâu sản xuất mà còn khâu tiêu thụ, quảng bá và phát triển kênh phân phối./.
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình  (09/04/2022)
Tỉnh An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới  (01/04/2022)
Huyện Đầm Hà tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (16/11/2021)
Một số giải pháp gỡ bỏ “nút thắt”trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội  (15/11/2021)
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn - Hướng đi tất yếu cho phát triển hài hòa, lấy con người làm trung tâm  (02/10/2021)
Hà Nội áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông minh  (04/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển