Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước tích cực tham gia xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới
TCCS - Nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phải có cấu trúc đa tầng, phản ánh trình độ phát triển cao, đa dạng của lực lượng sản xuất cùng với quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp. Với cấu trúc đa tầng, tất yếu đòi hỏi vai trò khách quan của nhiều loại hình doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Để phát huy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện một cách tích cực nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế hiện đại, thích ứng với bối cảnh mới, cũng là tạo tiền đề cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Cấu trúc đa tầng của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới và yêu cầu khách quan cần có vai trò tích cực của doanh nghiệp nhà nước
Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phân công lao động quốc tế ngày nay, mỗi nền kinh tế quốc gia đang chứng kiến sự tự chuyển đổi nhanh về tốc độ, sâu sắc về trình độ lực lượng sản xuất mới. Quá trình như vậy đang định hình những cấu trúc mô hình các nền sản xuất dựa trên những nền tảng công nghệ cũng như phân công lao động kiểu mới; từ đó, đặt ra những tiêu thức mới đối với một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Với cách tiếp cận nền kinh tế theo cấu trúc, cùng với yêu cầu độc lập, tự chủ về đường lối, khả năng thích ứng với các cú sốc từ bên trong cũng như từ môi trường quốc tế, nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày nay tất yếu phải là một nền kinh tế đa tầng về trình độ phát triển phân công lao động xã hội, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi công nghệ.
Thứ nhất, tầng chủ thể dẫn dắt và tạo tác động lan tỏa đối với toàn bộ nền sản xuất và dịch vụ. Đây là bộ phận quan trọng đặc biệt, là xương sống của một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Bộ phận này yêu cầu trình độ công nghệ và quản lý tiến bộ, hiện đại; có năng lực nội sinh mạnh; có khả năng tạo ra tư liệu và nguồn lực để tái sản xuất mở rộng cho chính nó, đồng thời cung cấp tư liệu sản xuất để thúc đẩy tái sản xuất mở rộng cho toàn bộ nền kinh tế. Trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ, với sự nổi lên của các chuỗi giá trị toàn cầu, cấu trúc tầng dẫn dắt của nền kinh tế sẽ là lực lượng xung kích cho việc tham gia chuỗi giá trị khu vực và quốc tế. Lịch sử phát triển của các nền kinh tế trên thế giới gần đây cho thấy, để có thể thực hiện được yêu cầu một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tất yếu đòi hỏi cấu trúc tầng dẫn dắt và lan tỏa phải mạnh. Từ đó, tạo động lực, nguồn lực để củng cố năng lực nội sinh khi muốn hấp thu xung lực ngoại sinh từ môi trường thể chế bên ngoài.
Biểu hiện thực tế của tầng cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa nêu trên chính là các doanh nghiệp có năng lực nội sinh mạnh về công nghệ cũng như quản trị hiện đại, có khả năng triển khai tham gia chuỗi giá trị và thực hiện lợi ích ở phân khúc cao trong chuỗi giá trị sản xuất hay dịch vụ. Thực tiễn phát triển trên thế giới cho thấy, để có thể lan tỏa động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế, bộ phận dẫn dắt phải có khả năng tạo động lực đổi mới không ngừng cho bản thân nó. Từ đó, kéo theo hay tạo ra sức hấp dẫn để cuốn hút các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác tham gia chuỗi giá trị do tầng dẫn dắt tạo ra. Nếu không tham gia chuỗi của tầng dẫn dắt, các cấu trúc chủ thể khác sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Từ đó, sự gắn kết về lợi ích là năng lượng kết dính chắc chắn nhất cho sự lan tỏa tác động của tầng cấu trúc dẫn dắt, lan tỏa của nền kinh tế. Khi thực hiện được sự dẫn dắt tự nhiên theo lợi ích và quan hệ thị trường như vậy, khả năng tạo ra tiền đề mang tính nội lực của một nền kinh tế có tính độc lập, tự chủ là hiện thực cao.
Xét về lĩnh vực hoạt động, tầng dẫn dắt và lan tỏa phải bao hàm cả khu vực sản xuất vật chất cũng như khu vực dịch vụ. Nghĩa là, cấu trúc có chức năng dẫn dắt và lan tỏa của nền kinh tế không nên được xem chỉ khu trú vào bộ phận sản xuất hoặc dịch vụ. Mặc dù vậy, với một nền kinh tế độc lập, tự chủ, để có bộ xương sống của nền kinh tế mạnh, với năng lực nội sinh cao, đòi hỏi không thể thiếu và không thể xem nhẹ vai trò của nền tảng sản xuất thực của khu vực sản xuất tư liệu sản xuất hiện đại. Muốn tái sản xuất mở rộng cho chính mình với trình độ phân công lao động và trình độ công nghệ luôn đổi mới, đòi hỏi cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa phải thuộc khu vực sản xuất tư liệu sản xuất trong bối cảnh mới.
Khu vực sản xuất tư liệu sản xuất trong thời đại cơ khí là bộ phận công nghiệp nền tảng. Hiện nay, trong điều kiện kinh tế số khu vực này tư liệu cần phải bao gồm bộ phận tạo ra tài nguyên số và tài nguyên trí lực. Như vậy, sự dẫn dắt, lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh lực lượng sản xuất mới ngày nay không thể chỉ là khu vực công nghiệp vật chất mà còn bao hàm công nghiệp số. Điều đó cũng hàm nghĩa, sẽ không có cơ sở xác thực nếu muốn xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện ngày nay mà chỉ có bộ phận lực lượng sản xuất số. Về mặt hiện thực, cần có cả lực lượng sản xuất cứng cùng với lực lượng sản xuất số (mềm). Diễn đạt theo cách khác, đó là cấu trúc bao hàm cả khu vực sản xuất ra tư liệu sản xuất vật chất cùng với khu vực sản xuất ra tư liệu sản xuất số. Từ đó, tự tạo ra năng lực tái sản xuất mở rộng cho chính bản thân cấu trúc dẫn dắt, đồng thời tạo sự lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa mới có thể góp phần xác lập dần năng lực cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Về chủ thể tham gia, cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện mới hoàn hảo nhất sẽ là sự tham gia của mọi kiểu hình doanh nghiệp dựa trên nguồn gốc sở hữu khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để dẫn dắt và lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi năng lực nội sinh rất mạnh do đòi hỏi trình độ công nghệ cao; sức cung ứng lớn cho nền kinh tế cũng như đáp ứng khả năng quy mô thị trường lớn, chuyên nghiệp. Theo đó, đối với một nền kinh tế có trình độ xuất phát thấp như Việt Nam, bộ phận doanh nghiệp nào có năng lực nội sinh công nghệ chưa vững chắc; khả năng lan tỏa và tạo động lực cho nền kinh tế còn thấp thì sẽ khó có thể đảm đương vai trò chủ công trong cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa của nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tình hình thực tế đòi hỏi tất yếu cần có sự hiện diện của nhiều loại hình doanh nghiệp Việt Nam mạnh, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa của nền kinh tế. Tất nhiên, với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân mạnh cũng cần phải trở thành thành tố của cấu trúc lan tỏa như vậy.
Về mặt số lượng trong cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, đối với một nền kinh tế hiện đại, bộ phận dẫn dắt, lan tỏa mặc dù quan trọng, song, về xu hướng lại chiếm tỷ trọng nhỏ nhất, tinh túy nhất trong tổng số chủ thể sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Như vậy, khi quan sát nền kinh tế độc lập, tự chủ xét riêng với cách tiếp cận cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa trong nền kinh tế ở trình độ Việt Nam, xuất hiện vai trò tất yếu, khách quan của DNNN. Vấn đề chính yếu ở chỗ, DNNN đảm đương vai trò trong cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa ở mức độ thành công cụ thể như thế nào. Khía cạnh này thuộc về lĩnh vực tổ chức thực hiện. Khẳng định điều này để thấy trước tương lai DNNN cần và phải là gì, chứ không phải là chỉnh sửa, chắp vá hiện tại.
Về mặt tiềm năng, DNNN có tiền đề để tạo ra năng lực nội sinh tốt. Doanh nghiệp nhà nước hiện diện trong hầu khắp các nền kinh tế trên thế giới. Thực tế, không thể tìm thấy một nền kinh tế nào trên thế giới hiện nay hoàn toàn không có bóng dáng của DNNN. Sự khác nhau giữa các nền kinh tế có chăng chỉ ở mức độ và số lượng, chất lượng, lĩnh vực hoạt động của các DNNN. Với tiềm lực ưu thế của mình, các DNNN của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm tốt vai trò dẫn dắt và lan tỏa, tạo ra năng lực độc lập, tự chủ của các nền kinh tế ở nhiều nước hiện nay. Xét theo lô-gíc như vậy, việc cần có DNNN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dĩ nhiên, như đã được đề cập, không phải số lượng càng nhiều DNNN thì càng đồng nghĩa với tính độc lập, tự chủ cao của nền kinh tế. Vấn đề chính yếu quyết định bởi chất lượng dẫn dắt, lan tỏa thể hiện ở hiệu quả hoạt động và khả năng chiếm lĩnh các mũi nhọn công nghệ.
Thứ hai, tầng chủ thể liên kết và giảm thiểu các tác động sốc đối với nền kinh tế. Do quá trình phân công lao động quốc tế đang trở nên đặc biệt sâu sắc, sự chi phối của các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp, cộng với sự nổi lên của các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới chưa từng có đang làm cho sự dịch chuyển cách thức tổ chức sản xuất vật chất và dịch vụ diễn ra vừa nhanh, vừa khốc liệt. Tình hình đó cộng với tác động của các cú sốc bất thường không lường trước được (đầu cơ, lũng đoạn, dịch bệnh,...) làm xuất hiện khách quan cấu trúc các chủ thể thực hiện liên kết và giảm thiểu tác động sốc đối với toàn bộ nền kinh tế. Khả năng chống chịu các cú sốc về quy mô và cường độ ngày nay cũng được xem là tiêu thức đo lường năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Một nền kinh tế muốn độc lập, tự chủ, cần có năng lực hấp thu và giảm sốc, tạo sự liên kết giữa các cấu trúc tầng dẫn dắt với phần còn lại của nền kinh tế.
Biểu hiện của tầng chủ thể thực hiện liên kết và giảm thiểu tác động sốc đối với nền kinh tế chính là hệ thống doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ đa dạng của mọi chủ thể, mọi thành phần kinh tế. Đối với nền kinh tế có sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tầng chủ thể liên kết và giảm thiểu tác động sốc đối với nền kinh tế còn bao hàm cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thực hiện chức năng tạo ra sự gắn kết về chuỗi sản xuất và cung ứng trong nội bộ nền kinh tế cũng như với các phân khúc thuộc chuỗi sản xuất thế giới thông qua tham gia thị trường thế giới về cả yếu tố đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Trên thực tế, tầng chủ thể thực hiện liên kết sản xuất và dịch vụ này đảm nhiệm hai chức năng: Một là, thực hiện liên kết và tạo thành mạng lưới sản xuất trong chính hệ thống cấu trúc của nó; hai là, thực hiện kết nối sản xuất, dịch vụ, lợi ích với tầng cấu trúc chủ thể dẫn dắt và lan tỏa cũng như với toàn bộ các cấu trúc đa tầng còn lại của nền kinh tế.
Vai trò của cấu trúc tầng chủ thể liên kết là nhóm chủ thể đắc lực thực hiện sự lan tỏa công nghệ, dẫn dắt sản xuất, dịch vụ của tầng cấu trúc dẫn dắt ra toàn bộ nền kinh tế. Nếu như tầng chủ thể dẫn dắt, lan tỏa là xương sống, quyết định các trụ cột hiện đại của nền kinh tế thì tầng cấu trúc chủ thể liên kết, chống sốc đối với nền kinh tế là hệ thống cơ thể đầy đủ, sống động của toàn bộ nền kinh tế. Tầng cấu trúc dẫn dắt quyết định xu hướng phát triển của nền kinh tế, tầng liên kết lại quyết định đến năng suất lao động xã hội của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, đây là bộ phận có số lượng đông đảo, đa dạng, sống động, linh hoạt, không giới hạn về quy mô, trình độ phân công lao động và biểu hiện nguồn gốc sở hữu. Bộ phận này có xu hướng chung chiếm đại bộ phận các chủ thể sống động của toàn bộ nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thông qua hoạt động sản xuất, dịch vụ của tầng cấu trúc chủ thể liên kết, chống sốc của nền kinh tế mà năng lực chống chịu với các cú sốc bên trong, bên ngoài của nền kinh tế được nâng lên. Đây cũng là tầng chủ thể giải quyết việc làm, tạo thu nhập lớn nhất cho toàn xã hội. Do đó, khi đảm nhiệm chức năng liên kết và chống sốc đối với toàn bộ nền kinh tế, tầng cấu trúc chủ thể này đồng thời góp phần gia tăng năng lực duy trì sản xuất liên tục với các khâu của chu chuyển sản xuất trong nước cũng như với thị trường quốc tế. Tầng chủ thể liên kết này, nếu đại đa số do các chủ thể sản xuất trong nước có năng lực thực hiện thì tính chất độc lập, tự chủ của nền kinh tế hiện đại càng cao và ngược lại.
Thứ ba, tầng cơ sở gắn với hệ thống phân công lao động tự do. Cùng với hai cấu trúc phân tầng chủ thể trên đây, trong bất kỳ nền kinh tế nào luôn tồn tại một bộ phận cấu trúc phân tầng cơ sở gắn với phân công lao động tự do. Biểu hiện của cấu trúc phân tầng này chính là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia đình nhỏ lẻ, các hộ nông nghiệp cá thể truyền thống, các cơ sở dịch vụ nhỏ gắn với địa bàn dân cư tự giải quyết việc làm cho chính mình. Nhìn chung, về xu hướng, trong nền kinh tế hiện đại, bộ phận chủ thể thuộc cấu trúc phân tầng cơ sở này sẽ dần chuyển hóa về quy mô, trình độ tổ chức sản xuất tiến tới cấu trúc tầng liên kết có trình độ tổ chức sản xuất, dịch vụ tốt hơn. Do đó, xét về ngắn hạn, khi xuất phát điểm nền kinh tế còn ở trình độ thấp, cấu trúc tầng cơ sở tự phát này chiếm số lượng lớn. Theo thời gian, cấu trúc này sẽ dần chuyển hóa và thu hẹp dần. Nếu tốc độ chuyển hóa chậm, điều đó có nghĩa là năng suất lao động xã hội còn thấp và do đó, năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế không cao.
Xét trong mối quan hệ với cấu trúc tầng chủ thể liên kết và dẫn dắt, tầng chủ thể cơ sở có vai trò quan trọng trong việc hấp thu tác động lan tỏa, liên kết, thụ hưởng tác động dẫn dắt và gắn kết với các chủ thể khác của nền kinh tế. Với tính chất như vậy, tầng cơ sở thường thực hiện phân công lao động một cách tự do, tùy theo tính chất và loại hình sản xuất, dịch vụ. Trong nền kinh tế, cấu trúc tầng cơ sở mặc dù có trình độ lực lượng sản xuất thấp, song lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt xã hội. Cấu trúc tầng cơ sở góp phần giải quyết việc làm, sinh kế trực tiếp đối với các hộ gia đình, bản thân người lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, tầng cơ sở có vai trò góp phần tạo sự ổn định xã hội thường xuyên và trực tiếp. Với nghĩa như thế, tầng cấu trúc chủ thể cơ sở này đối với nền kinh tế Việt Nam cũng đang góp phần tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới.
Như vậy, việc tiếp cận cấu trúc đa tầng cho phép hình dung rõ hơn vai trò của các loại hình trình độ doanh nghiệp đối với sự thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội. Bên cạnh đó, quan sát nền kinh tế độc lập, tự chủ theo cấu trúc đa tầng sẽ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của các loại hình doanh nghiệp, trong đó có vai trò của DNNN. Cần nhấn mạnh thêm rằng, cách quan sát nền kinh tế theo cấu trúc đa tầng không có nghĩa là thoát ly mặt quan hệ sản xuất và chỉ thấy mặt lực lượng sản xuất. Trái lại, cách tiếp cận đa tầng cho thấy sự thống nhất và tính chất phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất thể hiện thông qua các loại hình doanh nghiệp và trình độ tương ứng của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Định vị vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ
Để có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sống động, cần có sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình, nhiều trình độ doanh nghiệp khác nhau. Với DNNN, như đã được chỉ ra, về mặt xu hướng và định vị đúng vai trò mới hơn, DNNN tất yếu và rất cần hiện diện trong cấu trúc tầng dẫn dắt và lan tỏa tác động để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế cùng phát triển. Chức năng cơ bản của DNNN như vậy thuộc phân khúc đổi mới, sáng tạo, dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa mà không nên khu trú hoặc tham gia lấn át vào cấu trúc liên kết và chống sốc của nền kinh tế. Diễn đạt như vậy không có nghĩa là tầng dẫn dắt chỉ khu trú riêng và giới hạn chỉ có DNNN. Với cách quan sát như vậy, trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới hiện nay, vai trò của DNNN cần đảm nhiệm những khía cạnh bao gồm:
Một là, DNNN định vị các khâu then chốt về công nghệ, các lĩnh vực trọng yếu có ảnh hưởng quyết định tới sự ổn định tổng thể và trình độ năng suất lao động xã hội của nền kinh tế.
Khi thực hiện các khâu then chốt về công nghệ, các lĩnh vực trọng yếu, không nhất thiết cần số lượng lớn DNNN mà chính yếu cần những doanh nghiệp có năng lực thực, tham gia dẫn dắt công nghệ, xác lập xu hướng và dẫn dắt xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Sở dĩ cần phải xác lập vai trò như vậy là vì, cả lý luận kinh điển cũng như thực tiễn đã cho thấy, công nghệ là một thành tố trọng yếu quyết định đến năng suất lao động xã hội. Trong khi, muốn có công nghệ mới, đòi hỏi phải có nền tảng sản xuất để đến lượt nó, nền tảng sản xuất tiếp tục đòi hỏi sự đổi mới công nghệ. Cách lan tỏa và dẫn dắt của DNNN với toàn bộ nền kinh tế tốt nhất thông qua năng lực tạo ra công nghệ để cung ứng cho các cấu trúc phân tầng khác của nền kinh tế. Theo nghĩa như vậy, các DNNN sẽ không phát huy được vai trò đích thực của mình khi chức năng chính là dẫn dắt và lan tỏa không trở thành hiện thực. Việc chạy theo các mục tiêu lợi ích cục bộ, trước mắt lại càng xa rời vai trò của DNNN trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trước bối cảnh mới. Sự dẫn dắt về công nghệ, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và lan tỏa thông qua cung tư liệu sản xuất ra toàn bộ nền kinh tế của DNNN góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội thay vì chỉ chú trọng vào năng suất lao động cá biệt của đơn vị doanh nghiệp.
Cùng với vai trò dẫn dắt công nghệ, cần bộ phận số lượng nhỏ DNNN tinh hoa có đủ sức mạnh để đảm nhiệm một số ít khâu có ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế. Các khâu, như bảo đảm năng lượng cho toàn bộ nền kinh tế; các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng đặc biệt luôn đòi hỏi cần có vai trò của DNNN. Mặc dù vậy, ngoại trừ một số ít lĩnh vực đặc biệt, không nhất thiết phải duy trì vị thế độc quyền doanh nghiệp đối với một số ít chủ thể trong thời gian dài. Cần có những lộ trình cụ thể dịch chuyển vai trò đảm nhiệm các khâu, các lĩnh vực trọng yếu bắt kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế. Theo thời gian, bản thân các khâu trọng yếu cũng có thể dịch chuyển, do đó cần có sự dịch chuyển chủ thể và vai trò của DNNN. Nếu thực hiện được như vậy, chính là góp phần xác lập từng bước nền kinh tế độc lập, tự chủ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần chú ý rằng, việc định vị vai trò của DNNN vào cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa trong nền kinh tế độc lập, tự chủ không có nghĩa là chỉ có DNNN mới được thực hiện. Trái lại, nếu huy động được đa dạng các chủ thể doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia cấu trúc dẫn dắt và lan tỏa sẽ làm cho năng lực độc lập, tự chủ sớm trở thành hiện thực rõ hơn. Chỉ có điều, do đặc trưng về mục tiêu trước mắt, yêu cầu về lĩnh vực đặc biệt mà các chủ thể doanh nghiệp ngoài nhà nước khác chưa tham gia hoặc chưa muốn đảm nhiệm thường xuyên, liên tục, lâu dài, ổn định. Do vậy, tất yếu rất cần, chính xác hơn, trách nhiệm chính trị - xã hội đặt lên vai các DNNN và DNNN trở thành một trong những chủ thể doanh nghiệp phải đảm đương. Chừng nào chưa đảm đương được yêu cầu đó, DNNN chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với chủ sở hữu của mình là nhân dân.
Hai là, DNNN góp phần đắc lực vào quá trình xây dựng nền công nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới.
Cũng như mọi nền kinh tế trên thế giới, muốn xác lập được năng lực độc lập, tự chủ, cần dựa trên nền tảng công nghiệp, dịch vụ nội địa mạnh, bền vững. Kinh nghiệm thực tế lịch sử phát triển thành công, thất bại của nhiều nền kinh tế trên thế giới cho thấy, nền tảng công nghiệp nội lực mạnh ở những giai đoạn đầu, những bước ngoặt về trình độ lực lượng sản xuất thường cần có và duy trì vai trò đắc lực của DNNN. Thông qua các lực lượng vật chất sức mạnh tập trung, có năng lực dẫn dắt, lan tỏa mà kéo theo sự cất cánh toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt ở chỗ, mặc dù đó là lô-gíc mang tính xu hướng, song không phải tất cả các nền kinh tế luôn thành công cho dù nắm được xu hướng. Vấn đề căn bản đưa đến sự thành công hay thất bại trong xác lập nền công nghiệp quốc gia mạnh, thực chất nằm ở khâu tổ chức thực hiện trong khuôn khổ thể chế liên tục hoàn thiện hơn hay chậm đổi mới. Thành thử, giữa mục tiêu và cách tổ chức thực hiện có khi không bắt nhịp được với nhau. Từ đó, gây ra không ít hoài nghi về vai trò của DNNN trong xây dựng nền công nghiệp quốc gia. Mặc dù vậy, không có nghĩa là chỉ vì sự chưa thành công trong hoạt động của DNNN mà phủ nhận vai trò quan trọng của DNNN trong xây dựng nền công nghiệp quốc gia.
Ba là, DNNN là nhóm chủ thể đi đầu trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tiến tới chiếm lĩnh các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao thuộc các chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ.
Mặc dù với số lượng không lớn, song, với quy mô và lợi thế sẵn có, DNNN tất yếu phải trở thành bộ phận chủ thể đi đầu trong xu thế chuyển đổi số sản xuất, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Với năng lực và nguồn lực hiện có, các DNNN thực sự có nhiều lợi thế để thực hiện dịch chuyển trình độ lực lượng sản xuất gắn liền với chuyển đổi số. Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, để tiến dần và xác lập được năng lực độc lập, tự chủ tất yếu phải thực hiện cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất và phân công lao động mới. Đó là cuộc chuyển đổi số toàn diện, sâu sắc, cần kíp. Cùng với toàn bộ các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, chuyển đổi số đối với DNNN là yêu cầu không thể trì hoãn lâu hơn nếu muốn trở thành nhóm chủ thể thuộc cấu trúc dẫn dắt, lan tỏa trong nền kinh tế.
Không những thế, theo yêu cầu của thị trường thế giới hiện nay, DNNN không nên được định vị vào khâu gia công, lắp ráp, sản xuất thô trong chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ. Hơn hết, DNNN cần được định vị vai trò hướng tới tham gia khâu thiết kế, chiếm lĩnh thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm tinh chế trong chuỗi giá trị vì đây là những khâu có giá trị gia tăng cao hơn cả so với lắp ráp hoặc sơ chế. Đây là việc khó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thậm chí không thể thực hiện. Nếu DNNN không tích cực, chủ động, vĩnh viễn các khâu có giá trị gia tăng cao sẽ thuộc về các chủ thể nước ngoài. Khi đó, năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam rất khó có thể trở thành hiện thực.
Như vậy, xét trong bối cảnh mới, vai trò của DNNN đối với việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ có tính mới về chất so với nền kinh tế cơ khí trước đây. Để phát huy được vai trò và cũng là yêu cầu phát triển mới như vậy của DNNN, đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế hiện đại cho DNNN hoạt động được bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế hiện đại cho doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ
Nền kinh tế độc lập, tự chủ như tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đó là nền kinh tế: Giữ vững được độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn(1).
Để DNNN có thể đảm đương được vai trò mới của mình trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ hiện đại, hội nhập ở Việt Nam như đã được xác định trong đường lối Đại hội XIII của Đảng nêu trên, các khía cạnh mang tính hệ sinh thái thể chế mới cần được tiếp tục hoàn chỉnh bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy về vai trò và phương thức tiếp tục đổi mới DNNN.
Nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, quan sát từ tương lai để định hình các DNNN hiện đại của nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục đổi mới tư duy về xác định vai trò và phương thức hoạt động của các DNNN. Đã đến lúc cần phải chuyển từ tư duy DNNN tham gia theo diện rộng, nhiều lĩnh vực (mặc dù trọng yếu) sang tư duy DNNN tham gia khâu và điểm trọng yếu trong chuỗi sản xuất; phải trở thành tinh hoa của nền kinh tế, dẫn đắt sự đổi mới sáng tạo, là lực lượng cốt lõi của thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và là sự thể hiện tốt nhất biểu hiện của quan hệ sản xuất mới. Về phương thức tổ chức, đổi mới DNNN, cần chuyển từ tư duy củng cố DNNN sang tư duy chuyển hóa về chất để DNNN trở thành bộ phận của cấu trúc dẫn dắt, lan tỏa các cấu trúc khác của nền kinh tế. Đi đôi với quá trình chuyển đổi tư duy đó, cũng cần tránh thái cực phủ nhận vai trò của DNNN. Như đã nhấn mạnh, không vì sự kém hiệu quả thời gian vừa qua mà phủ nhận vai trò của DNNN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với điều kiện mới. Sự đổi mới tư duy cần được thể hiện trong các cơ quan hoạch định chính sách cũng như bản thân các DNNN, nhất là trong đội ngũ quản trị cấp cao của các DNNN.
Thứ hai, rà soát, bổ sung các thể chế phân định lĩnh vực DNNN cần hiện diện với trình độ lực lượng sản xuất hiện đại.
Rõ ràng, trong điều kiện những năm tới, nếu DNNN không tập trung nỗ lực để hiện diện vào cấu trúc dẫn dắt, lan tỏa mà xâm lấn hoạt động sang các cấu trúc khác sẽ chỉ làm phân tán thêm nguồn lực và rất có thể, lãng phí lại tiếp tục xảy ra. Cho nên, trong những năm tới, việc định vị và hướng các DNNN mạnh (số lượng có thể không nhất thiết phải nhiều) vào lĩnh vực cung ứng tư liệu sản xuất hiện đại, cung ứng năng lực chuyển đổi số cho nội bộ cấu trúc dẫn dắt và cho toàn bộ nền kinh tế là cần thiết. Sẽ không hiệu quả nếu DNNN tiếp tục chạy theo quy mô và sản xuất theo cách lạc hậu, dựa vào những ưu đãi thay vì dựa vào năng lực nội sinh công nghệ. Muốn cải thiện trình độ lực lượng sản xuất của bộ phận DNNN, tất yếu phải có thể chế định hướng rõ hơn, trong đó cần phân định mạch lạc hơn nhiệm vụ chính trị mới và các khía cạnh nhiệm vụ xã hội của DNNN. Với nguồn lực tập trung, năng lực được hình thành bởi những ưu đãi nhất định, nhiệm vụ chính trị mới của DNNN cần trở thành và phải là cấu trúc dẫn dắt nền kinh tế chứ không nên dừng lại ở trình độ là công cụ kinh tế đơn thuần với trình độ lực lượng sản xuất thấp. Để có được sự đổi mới đó, cần tiếp tục có những thể chế hiện đại về giải quyết quan hệ lợi ích trong vận hành và giám sát hoạt động của DNNN. Những quy chế xác định quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích tương xứng với quyền hạn, trách nhiệm một cách minh bạch, cần phải sớm được cụ thể hóa. Thể chế bảo vệ sự đột phá vì sự nghiệp chung, không vụ lợi cá nhân, song chưa đem lại hiệu quả trước mắt do các rủi ro thị trường, cần sớm được ban hành để đội ngũ quản trị DNNN có thể vững tin phát huy sáng tạo của mình. Lẽ dĩ nhiên, cần phải minh định trách nhiệm và có giám sát, tránh bao biện và lạm dụng sự ưu ái của thể chế để cố tình làm trái.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” do lịch sử để lại trong hoạt động của bộ phận DNNN, đưa DNNN trở thành những chủ thể tích cực nhất trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.
Do yêu cầu phát triển của từng giai đoạn trước đây, nhiều DNNN đã thực hiện những nhiệm vụ được giao trên nhiều khía cạnh, song lại thiếu cơ sở căn cơ cân nhắc về hiệu quả cộng với thể chế giám sát chưa chuẩn mực. Từ đó, làm xuất hiện nhiều đại dự án có quy mô lớn, dở dang, không thể hoặc khả năng phát huy hiệu quả rất thấp. Đây là hệ quả mang tính lịch sử để lại; cần nhìn nhận thẳng thắn về khía cạnh kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và niềm tin của người dân vào những công trình đó. Nếu tiếp tục để trì trệ như hiện nay, sẽ chỉ gây khó khăn thêm cho DNNN cũng như nền kinh tế nói chung. Mặc dù là bài toán rất khó, rất lớn, song về mặt hiệu quả toàn thể, vẫn cần thiết có lời giải. Với ý nghĩa đó, một lần nữa, Chính phủ, các cơ quan giám sát (kiểm toán, thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật,...) cần có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đánh giá thực chất hơn khả năng có thể thoát khỏi trở ngại của các điểm nghẽn trong bộ phận DNNN hiện nay. Cần thiết phân loại dựa trên tiêu chí và tư duy mới như nêu trên. Trong trường hợp không có triển vọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị với tư duy và tiêu thức mới, cần thiết phải thực hiện giải quyết dứt khoát bằng biện pháp chuyển hóa theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận sự thiệt hại ở mức độ để không bị thiệt hại lớn hơn trong tương lai. Đây là nhiệm vụ chắc chắn rất khó do liên quan đến con người, tổ chức bộ máy và các quan hệ lợi ích, song không vì thế mà không thể không thực hiện. Nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam sớm trở thành hiện thực khi đã hóa giải xong các “điểm nghẽn” như vậy.
Tóm lại, muốn xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay, không thể thiếu sự hiện diện của DNNN. Tuy nhiên, các DNNN cần và phải hiện diện với trình độ mới, năng lực mới, tự thân thay vì chỉ mang tính chất công cụ. Để làm được việc đó, ngoài việc đổi mới tư duy về DNNN, cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn hệ sinh thái thể chế cho các DNNN hoạt động, trong đó mấu chốt vẫn là bài toán lớn quan hệ lợi ích giữa DNNN với các chủ thể quản lý nhà nước nói chung./.
-------------
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. IHà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
Vấn đề di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc  (13/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam  (08/10/2021)
Trung tâm Công nghệ thông tin BIDV: Dặm dài phát triển  (07/10/2021)
Thực trạng và giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trên địa bàn Hà Nội  (02/10/2021)
Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế  (01/10/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên