Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Thực tiễn và giải pháp
TCCS - Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được mở rộng, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng và phát triển.
Bức tranh chung về xuất khẩu
Quy mô xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 96,91 tỷ USD (năm 2011) lên 243,7 tỷ USD (năm 2018), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,4%/năm trong giai đoạn 2012 - 2018. Cán cân thương mại ngày càng được cải thiện. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội, như xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 23,2%; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): tăng 13,7%; Nhật Bản tăng 12,9%; Trung Quốc tăng 18,5%... Đặc biệt, Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu
Từ năm 2010 đến nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế nhà nước.
Bảng 2 cho thấy rõ sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo mặt hàng. Tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đã giảm mạnh. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đã tăng lên, chủ yếu do tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm. Đây là những xu hướng chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Năng lực cạnh tranh của các mặt hàng chủ lực
Xuất khẩu hàng hóa của nước ta thời gian qua được mở rộng về quy mô, đồng thời số lượng mặt hàng cũng ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt đã phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tạo vị thế cao trong xuất khẩu các mặt hàng này. Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2018, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD). Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều hàng hóa, như hạt điều (đứng thứ 1), cà-phê và giày dép (đứng thứ 2), dệt may (đứng thứ 3), thủy sản (đứng thứ 6)...
Hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 100 nước trên thế giới; kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng qua các năm, một số loại nông sản của Việt Nam và một số chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp tham gia các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông, thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam lại tương đồng với ASEAN, Trung Quốc và mức độ tương đồng với Hàn Quốc và Ấn Độ đang gia tăng.
Theo kết quả phân tích thử nghiệm mô hình “thị phần không đổi (CMS)(1) ở thị trường Trung Quốc, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc giảm sút. Đôi khi việc giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam được bù đắp bằng sự gia tăng nhu cầu của thị trường. Nói cách khác, tăng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đã trở thành động lực thúc đẩy và làm cho kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam tăng lên, không phải do khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam được cải thiện.
Bảng 4 dưới đây cho thấy lợi thế so sánh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tính theo chỉ số RCA (2).
Các nhóm mặt hàng giày, dép, dệt và các sản phẩm tương tự (HS64); các sản phẩm làm từ rơm, cỏ hoặc từ các loại vật liệu tết bện khác (HS46); cà-phê, chè, các loại gia vị (HS09); quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc (HS62); quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim móc (HS61); cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm (HS03)… là những nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh cao.
Đánh giá về mặt định tính dựa vào các tiêu chí về lợi thế so sánh động, như xu hướng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường khu vực và thế giới; thị phần, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP); khả năng tạo việc làm, thu nhập cho xã hội cùng những tác động tới môi trường sinh thái; chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm (vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản); khả năng đáp ứng những đòi hỏi về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ; năng lực của các ngành công nghiệp hỗ trợ; mạng lưới phân phối, tổ chức tiêu thụ sản phẩm; khả năng xúc tiến thương mại; thương hiệu sản phẩm,... có thể thấy, mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chưa thực sự hợp lý. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản và nông, lâm, thủy sản giảm dần trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo tăng nhanh, tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thực sự hợp lý vì nhóm hàng chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu làm gia công, lắp ráp cho nước ngoài (dệt may, da giày, hàng điện tử, điện thoại...), giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, chưa được cải thiện, sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn hạn chế. Khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh, an toàn thực phẩm của thị trường thế giới còn hạn chế. Các chuỗi giá trị hàng nông sản của Việt Nam có quy mô nhỏ và vị thế thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam xác lập được vị thế trên thị trường thế giới ở một số nhóm hàng hóa cơ bản như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và hàng điện tử, tuy nhiên đây là những ngành hàng xuất khẩu thâm dụng tài nguyên và lao động lớn, giá trị gia tăng thấp, không có khả năng tăng trưởng kim ngạch nhanh, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Nhìn chung, xuất khẩu trong những năm qua mới chỉ mang ý nghĩa tích cực trong việc tạo ra việc làm, chưa làm thay đổi về căn bản hiện trạng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chưa tạo được những ngành công nghiệp gắn kết với nhau và tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn.
Giải pháp cho thời gian tới
Tăng trưởng thương mại thế giới bình quân giai đoạn 2016 - 2025 được WTO dự báo sẽ đạt mức dưới 4,5% (thấp hơn giai đoạn 2010 - 2015 ở mức 4,9%). Thương mại trong giai đoạn này ước chiếm khoảng 30% - 35% GDP, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại cao nhất.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Việt Nam nên áp dụng “Chiến lược cạnh tranh tập trung trên nền tảng chi phí thấp”. Đó là việc tập trung vào một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác tối đa các phân đoạn thị trường mục tiêu trên cơ sở vẫn bảo đảm việc phát triển, tìm kiếm các thị trường mới và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo thứ tự ưu tiên, trước hết tập trung vào những ngành có lợi thế về mặt cạnh tranh tĩnh hay những ngành có lợi thế sẵn có về tài nguyên, chi phí lao động rẻ, hàm lượng lao động cao, như nông sản, khoáng sản, dệt may, giày dép, chế biến sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ và một số ngành đang được xác định trong định hướng phát triển xuất khẩu giai đoạn đến năm 2025. Đây chính là giai đoạn tích lũy vốn để chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu trong các giai đoạn tiếp sau. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc nhằm chuyển dần cơ cấu xuất khẩu từ những ngành sử dụng nhiều lao động rẻ, tài nguyên sẵn có, sang những ngành công nghiệp chế biến công nghệ khá, sử dụng nhiều lao động, như chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến thủy sản, lâm sản. Từng bước chuyển nhanh sang những ngành sử dụng lao động trình độ cao và công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu, như đồ điện gia dụng, lắp ráp điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo máy móc, cơ khí...
Nhà nước bảo đảm thông tin phát triển thị trường cho các doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu để phát triển sản xuất, xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực mà Việt Nam đang có cơ hội; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách xúc tiến thương mại và chương trình thương hiệu quốc gia, tăng cường kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài; phát huy vai trò của quản lý nhà nước trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm soát, đánh giá chính sách. Tham tán thương mại cần có sự cập nhật và dự báo chính sách của nước sở tại, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ, chiến lược phát triển ngành, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Năm 2019 là một năm có nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại, đầu tư quốc tế và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam. Vì thế, trước mắt tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: 1- Phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; 2- Đi sâu hơn vào công tác chế biến; 3- Mở rộng thị trường. Trong năm 2019, phải tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường.
Tiếp tục đầu tư cho các viện, trung tâm nghiên cứu để có đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống; đặc biệt là quan tâm đến việc chuyển giao các loại giống tốt, sạch bệnh đã qua khảo nghiệm vào sản xuất đại trà. Gắn kết chương trình giống quốc gia với chương trình khuyến nông để chuyển giao nhanh các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, thâm canh mới vào vùng sản xuất nguyên liệu.
Doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực xử lý và tác nghiệp các tình huống kinh doanh... Tăng cường đầu tư cho đào tạo, dạy nghề và đổi mới chính sách tuyển dụng, đãi ngộ.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các FTA với các đối tác lớn trên thế giới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Nếu tận dụng tốt, các FTA không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là lối rẽ để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững nền kinh tế.
Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi thì “bức tranh” xuất khẩu sẽ có sự đột phá và khởi sắc về chất, góp phần tạo nên diện mạo mới cho kinh tế Việt Nam. Câu trả lời thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành, từng địa phương và mỗi doanh nghiệp trong sự quyết tâm để tạo nên một cuộc đổi mới, phát huy những “nỗ lực” của thương mại và thị trường - bước ngoặt mà chúng ta cần tiến đến trong những năm cuối của thập niên này./.
------------------------------
(1) Mô hình “thị phần không đổi” (CMS) lần đầu tiên được Ti-din-xki (Tyszynski) sử dụng trong phân tích mậu dịch thế giới và phân tích lợi thế cạnh tranh từ năm 1951. Từ đó trở đi, mô hình này trở nên rất phổ biến trong những nghiên cứu về phân tích xuất khẩu và phân tích lợi thế so sánh trên thế giới
(2) Năm 1965, học giả Ba-la-xa đã đưa ra công thức xác định lợi thế so sánh hiệu hữu (RCA). Chỉ số RCA được sử dụng khá phổ biến trong việc xác định lợi thế so sánh của các quốc gia đối với từng mặt hàng cụ thể trong một thời kỳ nhất định
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay