TCCSĐT - Những ngày qua, Mỹ và các nước đối tác thương mại của nước này đã có những bất đồng xoay quanh kế hoạch của Mỹ về tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép và nhôm. Nếu điều này xảy ra sẽ có nguy cơ làm châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa hai bên bờ Đại Tây Dương và hậu quả của nó sẽ khiến nhiều nền kinh tế phải điêu đứng.

Tiếp tục chính sách bảo hộ ngành công nghiệp

Với chủ trương thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch cho các ngành kinh tế trong nước, Tổng thống Mỹ D. Trump lại vừa có một động thái mới nhằm bảo hộ cho lĩnh vực công nghiệp của nước này khi ngày 01-3-2018, ông tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, trong đó với sản phẩm thép sẽ là 25% và mặt hàng nhôm là 10%. Ngoài ra, Tổng thống D. Trump cũng cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là đã phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập niên.

Thực tế lâu nay, các công ty thép và nhôm của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài. Những sự cạnh tranh không công bằng như vậy sẽ khiến thị trường thế giới tràn ngập các sản phẩm kim loại, giá cả hạ xuống gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Bằng nhiều cách khác nhau, các quan chức thương mại Mỹ thời gian qua đã tìm cách sửa luật theo hướng có lợi hơn cho các công ty trong nước. Chẳng hạn, chính quyền của Tổng thống G. Bush vào năm 2002 đã áp thuế thép lên đến 30%, nhưng phạm vi áp dụng khi đó hẹp hơn nhiều so với hiện nay. Còn tại thời điểm hiện nay, chính quyền của Tổng thống D. Trump cho rằng, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại và quốc gia này dễ bị tổn thương trong bối cảnh có những xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Do đó, việc áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm được chính quyền Trump cho là phù hợp nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.

Những phản ứng quan ngại

Quyết định tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm của chính quyền Mỹ đã lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và dẫn đến những nhận định rằng, kế hoạch trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với nhiều đối tác kinh tế. Ngay sau thông báo của Tổng thống D. Trump, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) là 3 trong số các đối tác quan trọng của Mỹ lập tức ra tuyên bố phản đối.

Canada tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đối phó, trong khi Mexico, Trung Quốc và Brazil cũng cho biết đang cân nhắc các biện pháp trả đũa. Giới phân tích nhận định, việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng tuyên bố, EU đang nghĩ tới biện pháp đáp trả nhằm vào một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như nông sản, xe máy Harley-Davidson, quần bò Levi’s, rượu whisky, ngô... Ngoài ra, mức áp thuế đề xuất của Tổng thống D. Trump cũng gây tâm lý hoang mang tại thị trường sản xuất thép châu Á. Hầu hết các nhà sản xuất thép ở châu Á lo ngại việc Mỹ nâng mức áp thuế đối với thép nhập khẩu sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa và đẩy ngành sản xuất thép trên thế giới vào vòng xoáy chiến tranh thương mại…Không những vậy, trong nội bộ nước Mỹ, quyết định tăng thuế của Tổng thống D. Trump cũng vấp phải những chỉ trích. Cựu quan chức Phòng Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asia Society, bà W. Cutler, cho rằng mức áp thuế đề xuất, cụ thể là 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, có thể sẽ làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ và “thổi bay” một số lợi ích mà những khoản giảm thuế gần đây đem lại. Những lĩnh vực sử dụng thép như sản xuất ô tô, máy bay và đóng tàu thuyền sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn, trong khi người lao động trong những ngành này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. Các đối tác thương mại của Mỹ cũng có thể có những biện pháp trả đũa tương xứng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, hoặc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các nhà sản xuất ô tô, dầu mỏ và khí đốt cùng nhiều ngành công nghiệp khác ở Mỹ cũng đã kêu gọi Tổng thống D. Trump không áp đặt các rào cản thương mại mới đối với các mặt hàng kim loại nhập khẩu. Lý do mà họ đưa ra đó là các rào cản thương mại có thể đẩy giá các mặt hàng này lên cao, đồng thời kéo theo các biện pháp trả đũa thương mại gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Không những vậy, quyết định tăng thuế của Tổng thống D. Trump có thể cũng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ đội ngũ cố vấn, trong đó có cố vấn kinh tế cấp cao G. Cohn vốn nhận định việc tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Mỹ.

Hệ lụy khó lường

Hiện chưa rõ tác động của quyết định tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu ra sao, nhưng ngay sau công bố của Tổng thống D. Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc trong 3 phiên liên tiếp. Có thể thấy, quyết định tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm được Tổng thống D. Trump đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang bắt tay vào chiến dịch nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Mỹ, trong khi thép dự kiến là một trong những nguyên vật liệu cần nhập khẩu nhiều. Đây được cho là bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ, song cũng có nguy cơ tiềm tàng tạo ra những cuộc chiến thương mại mới.

Đối với nước Mỹ, được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách tăng thuế trên chính là các công ty trong lĩnh vực nhôm và thép của Mỹ. Thế nhưng, những ngành sản xuất sử dụng nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi chi phí sản xuất tăng cao. Có thể kể đến một loạt ngành quan trọng của nước Mỹ như sản xuất ô tô, công nghiệp hàng không, sản xuất thiết bị và xây dựng, năng lượng... Hậu quả là người lao động làm việc trong những lĩnh vực này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng. Trong khi đó, đối với các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là các nước châu Âu, thiệt hại từ chính sách tăng thuế trên là không hề nhỏ. Giới quan sát nhận định, các hãng chế tạo ô tô tại Anh sẽ bị thiệt hại đáng kể, ngay cả khi Anh đang trong quá trình đàm phán rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Nhận định trên dường như báo hiệu một tương lai khó khăn hơn cho nước Anh giai đoạn hậu Brexit, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ngành chế tạo ô tô của Anh, còn Mỹ là khách hàng thương mại lớn nhất. Năm 2017, Mỹ là thị trường nhập khẩu ô tô đơn lẻ lớn nhất của Anh, chiếm tới 15,7% lượng ô tô sản xuất tại đây, trong khi EU chiếm tới 53,9%.

Theo số liệu của Hiệp hội các hãng chế tạo và buôn bán ô tô Anh (SMMT), xuất khẩu ô tô từ Anh sang Mỹ trong năm 2017 tăng 7% lên 210.000 chiếc. Các mẫu xe sản xuất tại “xứ sở sương mù” được ưa chuộng nhất tại thị trường Mỹ gồm Honda Civic, Range Rover, Range Rover Sport, Jaguar F-Pace và Mini One. Jaguar Land Rover là hãng xe Anh có số lượng xuất khẩu sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017, với doanh số đạt 115.000 chiếc, thu về 5 tỷ bảng (7 tỷ USD). Do đó, bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào xảy ra đều sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho Jaguar, vào thời điểm hãng vừa tung ra xe F-Pace SUV để ngăn chặn sự sụt giảm về doanh số bán của hãng tại Mỹ.

Đối với Đức, các dòng xe được sản xuất tại nước này thậm chí còn chịu thiệt hại lớn hơn trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chiếc Golf được hãng Volkswagen sản xuất tại Đức hiện là mẫu xe bán chạy thứ 71 tại Mỹ, với 68.978 chiếc được tiêu thụ trong năm 2017. Trong khi đó, với doanh số 59.449 chiếc, dòng 3-series của BMW đứng thứ 80 tại thị trường Mỹ trong năm vừa qua.

Có thể thấy, Mỹ và EU là hai nền kinh tế quyền lực nhất hành tinh. Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất và năng suất nhất thế giới, với dân số chỉ bằng 4,5% dân số thế giới, nhưng chiếm tới 1/5 GDP toàn cầu. Trong khi đó, với 27 nước thành viên, EU có lượng xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất thế giới về hàng hóa và dịch vụ. Trao đổi kinh tế giữa hai bên hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Mỹ còn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào EU.

Trước đó, Tổng thống B. Obama đã rất nỗ lực để đạt một hiệp định thương mại toàn diện song phương giữa Mỹ và EU với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống D. Trump đã nhiều lần khẳng định, chính sách bảo hộ mậu dịch trong nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về một “Nước Mỹ trên hết”. Lý do Tổng thống D. Trump đưa ra là Mỹ đã nhập khẩu từ châu Âu lượng hàng hóa nhiều hơn những gì châu Âu nhập khẩu từ Mỹ, và Mỹ đã phải chịu mức thâm hụt thương mại với châu Âu lên tới hơn 11 tỷ USD vào năm 2017.

Do đó, trong vòng 1 năm qua, với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với EU dưới thời Tổng thống D. Trump đã phải trải qua thử thách khắc nghiệt. Với những phát ngôn liên tiếp gây bất lợi cho châu Âu liên quan đến vấn đề Brexit hay việc đình chỉ một số dự án hợp tác hai bên, trong đó có Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Tổng thống D. Trump đã khiến các đồng minh châu Âu hoài nghi về mối quan hệ khăng khít vốn đã được hai bên duy trì hơn 70 năm qua. Và lần này, việc Mỹ quyết định áp đặt tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu đã ngay lập tức gây ra những phản ứng từ EU. Thậm chí EU còn đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Mỹ. Những căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi đáp trả lại, Tổng thống D. Trump ngày 03-3 cho biết, nếu EU tăng thuế nhập khẩu vốn đã ở mức cao cũng như gia tăng các rào cản thương mại đối với các công ty của Mỹ, thì Mỹ cũng sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào thị trường nước này, trước tiên là đối với mặt hàng ô tô. Những động thái này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các cuộc chiến thương mại đầy bất lợi cho các bên và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh toàn cầu./.