Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo vùng duyên hải miền Trung
Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế biển (những ngành kinh tế liên quan đến biển) là động lực chính của sự tăng trưởng mới, tạo ra việc làm và gắn kết xã hội. Khai thác hiệu quả nguồn lợi kinh tế từ đại dương, biển và bờ biển là chìa khóa để phát triển bền vững; và trên thế giới đã xuất hiện thuật ngữ kinh tế “tăng trưởng xanh” để chỉ sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với kinh tế biển.
Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, 125 huyện ven biển, chiếm 17% diện tích cả nước. Diện tích mặt nước biển gấp 3 lần diện tích đất liền. Dọc bờ biển Việt Nam có 12 thành phố lớn, 100 cảng biển, hơn 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá. Kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 48% GDP; kinh tế thuần biển đóng góp 22% GDP nên việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo là hết sức quan trọng.
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước đang nổi lên như mối quan tâm hàng đầu và cần phải ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo. Hội nghị Trung ương 4 khóa X, đã ban hành Nghị quyết số 09 NQ/TW, ngày 9-2-2007, về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó chỉ rõ: Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, cho đến nay sự chuyển biến của xã hội cũng như các ngành chức năng liên quan còn chậm, chưa tương xứng với quyết tâm của một nước ven biển có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành một quốc gia mạnh về biển trong tương lai.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển biển, đảo
Hiện nay, chưa có một định nghĩa toàn vẹn về kinh tế biển, nhưng có thể hiểu kinh tế biển là toàn bộ hoạt động kinh tế liên quan đến biển, và có thể chia ra 2 nhóm chính:
- Nhóm thứ nhất, bao gồm toàn bộ những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, như: kinh tế hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ liên quan); hải sản (đánh bắt, nuôi trồng, khai thác cảng cá); khai thác dầu khí trên biển; du lịch biển; nghề muối biển; dịch vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; kinh tế hải đảo.
- Nhóm thứ hai là những hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác, có thể không diễn ra ngay trên biển, nhưng dựa vào yếu tố biển và diễn ra từ đất liền, như: đóng và sửa chữa tàu biển (có nước xếp vào kinh tế hàng hải); công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp chế biến hải sản; cung cấp dịch vụ biển (khí tượng thủy văn, logistics, và một số lĩnh vực khác….); thông tin liên lạc biển (đài phát tín hiệu ven biển, hệ thống định vị); nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; bảo vệ môi trường, sinh thái biển.
Để có thể phát triển các ngành kinh tế biển nêu trên, vấn đề mấu chốt là phải có nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ đáp ứng được nhu cầu khai thác, chế biến, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, nguồn nhân lực Việt Nam có tay nghề và kỹ năng đang thiếu và yếu so với các nước trong khu vực. Chúng ta xem một ví dụ đối với ngành kinh tế hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng và những dịch vụ liên quan đến kinh tế hàng hải). Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam thì đến giữa năm 2011 đội tàu biển Việt Nam gồm 1.689 tàu với tổng trọng tải trên 7,5 triệu DWT, tổng dung tích gần 4,4 triệu GT; tổng số thuyền viên hiện có gần 41,4 nghìn người, trong đó có 2.956 thuyền trưởng, 2.523 máy trưởng các hạng trong độ tuổi lao động. Nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành này được cung cấp bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (tên trước đây là Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng được thành lập trên cơ sở của trường Sơ cấp Lái tàu, Máy tàu thủy thành lập năm 1956), các trường cao đẳng hàng hải và mỗi năm đáp ứng khoảng 70% lượng sĩ quan hàng hải và thuyền viên cho đội tàu (kể cả xuất khẩu) và một phần lực lượng quản lý, khai thác các cảng biển, đóng tàu biển và các ngành dịch vụ khác của kinh tế hàng hải. Tuy nhiên, sĩ quan và thuyền viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn và ngoại ngữ, đội ngũ quản lý khai thác hệ thống cảng biển thì trình độ lẫn kinh nghiệm chưa ngang tầm quốc tế, nên các cảng hoạt động năng suất thấp, không đủ sức cạnh tranh với những cảng trong khu vực và trên thế giới.
Tình trạng cũng tương tự đối với các ngành khác như công nghiệp tàu thủy, khai thác dầu khí trên biển, công nghệ lọc hóa dầu,…
Khu vực 7 tỉnh duyên hải miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa) được xem là “mặt tiền” hướng ra Biển Đông của Việt Nam. Toàn vùng có 8 cảng biển nước sâu, 6/15 khu kinh tế ven biển, 1/3 khu công nghệ cao của cả nước và 28 trường đại học. Lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung đã thống nhất cao về việc liên kết để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, như du lịch, dịch vụ, khai thác và chế biến hải sản,… Công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu ở 3 đại học lớn trong khu vực là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế và Trường Đại học Nha Trang (trước đây là Trường Đại học Thủy sản Nha Trang). Các ngành nghề, quy mô đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến kinh tế biển còn rất hạn chế.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển tại Đại học Đà Nẵng
Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) được thành lập theo Nghị định số 32/CP, ngày 04-4-1994, của Chính phủ trên cơ sở hợp nhất các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là một đại học vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa cấp và đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo đội ngũ nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.
Hiện nay, ĐHĐN có 1.336 giảng viên (trên tổng số 1.974 cán bộ); mỗi năm tuyển mới khoảng 12.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 10.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm; hiện đang đào tạo 17 chuyên ngành ở bậc tiến sĩ, 25 chuyên ngành bậc thạc sĩ, 75 chuyên ngành bậc đại học và 22 chuyên ngành bậc cao đẳng. Đội ngũ cán bộ tốt nghiệp từ ĐHĐN luôn được các đơn vị tiếp nhận đánh giá rất cao về chất lượng.
Liên quan đến nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế biển, ĐHĐN đã chủ động mở ngành và tăng quy mô đào tạo cho một số ngành nghề quan trọng. Mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành này khoảng 6.000 kỹ sư/cử nhân, hàng chục tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ. Đây là nguồn nhân lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung.
Đặc biệt, ĐHĐN đã đi tiên phong trong việc mở các chuyên ngành mới để đón trước nhu cầu nguồn nhân lực. Ví dụ thứ nhất, cách đây hơn 10 năm ĐHĐN phối hợp với các trường đại học của Cộng hòa Pháp (Đại học Tu-lông Đơ Va, Đại học Pa-ri 6, Viện Công nghệ Dầu và Khí Pa-ri) để mở chuyên ngành Công nghệ lọc và hóa dầu và số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này hiện nay đóng vai trò chủ lực tại Nhà máy lọc và hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ví dụ thứ hai, ĐHĐN là nơi đầu tiên ở Việt Nam đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Logistics khi hợp tác với Đại học Li-gơ của Vương quốc Bỉ (bằng thạc sĩ do Đại học Li-gơ cấp) và đội ngũ ngũ này đang phát huy hiệu quả kiến thức học được tại các công ty cảng biển, công ty kho vận tại miền Trung và cả nước. Ngoài ra, ĐHĐN cũng đã mạnh dạn mở các chuyên ngành đào tạo mới, như Công trình thủy, Phát triển nguồn nước, Sinh thái học,... đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho đất nước.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn đã tạo ra các nhu cầu mới đa dạng hơn về ngành nghề và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Điều này đòi hỏi ĐHĐN phải tiếp tục mở rộng các ngành nghề và quy mô đào tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực.
Một số giải pháp, đề xuất
Để công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển được đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thống kê, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực. Để có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực đúng đắn, điều quan trọng nhất là phải dự báo đúng nhu cầu của xã hội. Công tác dự báo phải dựa trên các số liệu tin cậy, có phương pháp phân tích, đánh giá số liệu tốt để từ đó đưa ra những dự báo chính xác nhằm định hướng phát triển cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Trong dự báo, cần chỉ ra nhu cầu nguồn nhân lực của từng ngành với số lượng cụ thể, yêu cầu bằng cấp, trình độ tương ứng để từ đó có một kế hoạch đào tạo rõ ràng nhằm đáp ứng nhu cầu. Ở Việt Nam, đây đó chúng ta cũng thấy những dự báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng thường thiên về võ đoán, chưa xác thực và chưa phản ảnh đúng hiện thực. Chính vì công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu nên ở nước ta tình trạng thừa và thiếu nhân lực rất phổ biến và gây lãng phí lớn.
Hai là, tổ chức đào tạo theo ngành nghề phù hợp. Do sự phát triển rất nhanh của các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, đảo và tính bao phủ lớn (liên quan đến hầu khắp các lĩnh vực) nên nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo có một đặc thù nghề nghiệp rất rõ. Vì vậy, khi đào tạo nguồn nhân lực cần xác định ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề cho đúng để tạo điều kiện thuận lợi cho người học và người tuyển dụng. Tập trung mở ngay những ngành mới có nhu cầu cao. Hiện nay, một số ngành và lĩnh vực rất cần nhưng chưa có chuyên ngành đào tạo, như: quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý rủi ro, khai thác vật liệu hóa phẩm trong nước biển, công nghệ hóa lý trong khai thác nước ngọt từ biển, công nghệ khai thác năng lượng biển (sóng biển, thủy triều, thủy nhiệt)… Đây là những lĩnh vực rất cần cho một nền kinh tế biển hiện đại.
Ba là, xác định rõ tiêu chuẩn đào tạo. Ở Việt Nam, hiện có rất nhiều đơn vị tham gia đào tạo nguồn nhân lực với nhiều cấp độ khác nhau nhưng chưa thống nhất về tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng “trắng đen lẫn lộn” và bằng cấp không được công nhận, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ví dụ, một máy trưởng hay thuyền trưởng thì không chỉ làm việc ở Việt Nam mà môi trường hoạt động của họ mang tính quốc tế. Vì vậy, cần thống nhất về nội dung chương trình, quy trình đào tạo và cách thức đánh giá chất lượng đào tạo. Việt Nam cần nhanh chóng chọn lựa và triển khai đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Cân đối tỷ lệ đào tạo theo bậc và ngành nghề. Các địa phương cần phối hợp với các trường đại học để xem xét, đánh giá cẩn thận chiến lược phát triển và sự thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực theo từng giai đoạn để điều chỉnh tỷ lệ sinh viên đầu vào cho từng nhóm ngành và bậc học, bảo đảm hài hoà nguồn cung cho thị trường.
Bốn là, đa dạng hóa phương thức đào tạo. Theo mô hình đào tạo truyền thống, nguồn cung ứng nhân lực chủ yếu đến từ các trường đào tạo nghề hoặc các trường đại học và bao gồm các bậc học phổ biến như trung học nghề, cao đẳng, cử nhân/kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên, do đặc thù của thị trường lao động trong kinh tế biển là liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác nhau nên ngoài kiến thức về biển, hàng hải,... còn đòi hỏi các kiến thức chuyên môn và những kỹ năng khác nhau nên việc đào tạo lại là rất cần thiết. Trong mô hình đào tạo mới, người lao động được đào tạo những kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên môn và liên quan thông qua các chương trình đào tạo chính thức và sau khi đi làm nếu cần thêm kiến thức gì thì đi học bồi dưỡng, bổ sung thông qua các chương trình ngắn hạn.
Tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh. Do sự toàn cầu hóa về thị trường lao động và đặc biệt các ngành kinh tế biển liên quan đến nhiều quốc gia nên sử dụng thành thạo tiếng Anh là rất cần cho người lao động. Đa số các nhà tuyển dụng đều đánh giá sinh viên Việt Nam cần cù, sáng tạo và có kiến thức cơ bản tốt nhưng bị hạn chế rất lớn về việc sử dụng tiếng Anh trong công việc bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế./.
Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới  (10/09/2012)
Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (10/09/2012)
Hà Nội hỗ trợ 8 tỷ đồng cho nhân dân vùng bị mưa lũ  (10/09/2012)
Thủ tướng yêu cầu khắc phục sự cố sạt lở ở Yên Bái  (10/09/2012)
Hội chữ Thập đỏ hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh bị thiên tai  (10/09/2012)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển