Ký Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CH Nam Phi

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Thabo Mbeki đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nam Phi, đặc biệt là việc triển khai các lĩnh vực hợp tác nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nam Phi về quan hệ đối tác vì hợp tác và phát triển

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hoà Nam Phi Thabo Mbeki đã thăm chính thức Việt Nam từ 23-25/5/2007.


Cùng đi với Tổng thống Thabo Mbeki trong chuyến thăm chính thức Việt Nam còn có Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Khai khoáng và Năng lượng, Thứ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công thương và đoàn doanh nghiệp Nam Phi.

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Tổng thống Thabo Mbeki đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân dịp Ngày châu Phi 25/5, Tổng thống Thabo Mbeki đã có bài phát biểu quan trọng trước các học giả, cán bộ ngoại giao và sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế về các vấn đề ở châu Phi và những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nam Phi trong một thế giới ngày càng toàn cầu hoá sâu sắc. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Tổng thống Thabo Mbeki đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hoá tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Thabo Mbeki còn có cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân và phát biểu tại hội thảo doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Thabo Mbeki đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nam Phi cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương trong hơn 10 năm qua, kể từ khi hai Bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, đặc biệt là việc triển khai các lĩnh vực hợp tác nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nam Phi về quan hệ đối tác vì hợp tác và phát triển ký nhân dịp chuyến thăm Nam Phi của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 11/2004.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả tốt đẹp của phiên họp lần thứ nhất của Diễn đàn Đối tác Việt Nam - Nam Phi và tin tưởng sâu sắc rằng những kết quả đó sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nam Phi trong thời gian tới.

Nhằm đáp ứng lợi ích và mong muốn hợp tác của nhân dân hai nước, hai bên nhất trí phấn đấu đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khai khoáng và năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên cùng quan tâm. Cụ thể như sau:

Hợp tác chính trị

Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao nhằm trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương cũng như tình hình ở khu vực châu Á, châu Phi và trên thế giới.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh việc triển khai hoạt động của “Diễn đàn đối tác Việt Nam - Nam Phi”, duy trì cơ chế họp định kỳ thường xuyên và xây dựng lộ trình hợp tác giữa các Bộ, ngành hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực cụ thể; tăng cường giao lưu giữa các địa phương, thành phố lớn, đoàn thể và nhân dân hai nước; và thoả thuận sẽ họp Diễn đàn tại Nam Phi trong năm 2008.

Nam Phi hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 và được nhóm các nước châu Á nhất trí đề cử làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khoá 2008-2009. Nam Phi ủng hộ Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực của HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư

Hai bên hài lòng ghi nhận sự tăng trưởng tương đối nhanh chóng trong quan hệ thương mại giữa hai nước thời gian qua. Tuy nhiên, hai bên cũng nhận thấy quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế sẵn có và nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại giữa hai nước.

Phía Nam Phi đánh giá cao những thành tựu nhiều mặt mà Việt Nam đạt được sau 20 năm Đổi mới, nhiệt liệt hoan nghênh việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và trên cơ sở đó, chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ.

Hai bên hài lòng nghi nhận những phát triển tích cực bước đầu trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nam Phi. Tuy nhiên, hai bên cho rằng hai nước còn có nhiều tiềm năng hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tiến hành các biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cùng có lợi vào thị trường của nhau.

Về lĩnh vực khai khoáng và năng lượng, hai bên thoả thuận chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn về cách tạo giá trị gia tăng trong hai ngành nói trên kể cả ngành nghiên cứu về đá quý. Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chuyên ngành giữa các tổng công ty dầu khí nhà nước của hai bên như Petro Nam Phi và Petro Việt Nam cũng như giữa Công ty thăm dò và chế biến đá quý Mintek và Hội đồng Khoa học địa chất của Nam Phi và Tổng công ty khai khoáng Vinacomin của Việt Nam.

Hợp tác về giáo dục, đào tạo, công nghệ và khoa học - kỹ thuật

Hai bên nhất trí tiến hành các biện pháp cần thiết để khuyến khích việc trao đổi sinh viên và các nhà nghiên cứu của hai nước, theo đó Nam Phi sẵn sàng tiếp nhận nghiên cứu sinh của Việt Nam sang học trong các ngành học cụ thể tại Nam Phi.

Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc cộng tác và đặc biệt khuyến khích việc thiết lập các mối liên kết trực tiếp giữa các trường đại học của hai nước.

Hai bên thoả thuận về việc cử đoàn chuyên gia của Việt Nam sang thăm Nam Phi tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác với Nam Phi nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng năng lực phát triển.

Hai bên thoả thuận tăng cường trao đổi đoàn giữa các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, giảng viên và giáo viên của hai nước nhằm thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm trong quản lý giáo dục, giảng dạy toán học, nghiên cứu và quản lý nguồn nước và tài nguyên rừng ở mỗi nước.

Hai bên thoả thuận khuyến khích các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, kể cả công nghệ sản xuất than sạch và năng lượng thay thế.

Hợp tác nông nghiệp

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hợp tác an ninh và quốc phòng

Hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước trong thời gian qua và nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực này trên cơ sở bảo đảm lợi ích của hai bên, góp phần tích cực cho hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi đoàn các cấp trong lĩnh vực quốc phòng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước. Hai bên thoả thuận thực hiện Bản ghi nhớ và thành lập một Uỷ ban Hỗn hợp về quốc phòng nhằm thúc đẩy hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực quân sự và các ngành công nghiệp quốc phòng.

Hai bên thoả thuận tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thông tin tình báo trong chống khủng bố, cướp biển, tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy việc trao đổi đoàn các cấp giữa các cơ quan an ninh của hai nước.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên những lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm như thủy sản, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ngân hàng, thể dục thể thao, môi trường, khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai và phổ cập giáo dục ở nông thôn.

Hai bên nhất trí về nội dung dự thảo của Bản ghi nhớ về Quản lý nguồn tài nguyên nước dự kiến sẽ ký kết trong năm 2007. Dự thảo của Bản ghi nhớ này cũng xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm gồm luật pháp và các cơ chế chính sách liên quan, nghiên cứu và phát triển, xây dựng năng lực thể chế và đào tạo, và các cơ hội kinh doanh liên quan đến tài nguyên n ước.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, hai bên cũng xác định thêm các lĩnh vực hợp tác trọng điểm như các cơ chế chính sách, kể cả việc tư hữu hoá rừng; xây dựng năng lực và đào tạo; phân loại và quản lý rừng một cách bền vững; chế biến gỗ và trao đổi lâm sản; trồng rừng và chống sa mạc hoá; và nghiên cứu, thẩm định rừng. Hai bên nhất trí về nội dung dự thảo của Bản ghi nhớ căn cứ trên các lĩnh vực hợp tác này dự kiến ký kết trong năm 2007.

Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phối hợp và hợp tác tốt đẹp trong thời gian qua giữa hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các khuôn khổ hợp tác Á-Phi, đặc biệt là trên Diễn đàn Đối tác Chiến lược mới Á-Phi (NAASP) vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới. Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc cải tổ Liên Hợp Quốc, bao gồm việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an. Liên quan đến vấn đề này, Việt Nam bày tỏ cảm ơn Nam Phi đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Hai bên đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Phong trào Không liên kết, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi và hợp tác Nam-Nam. Trên tinh thần này,Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Nam Phi về hợp tác tay ba giữa Nam Phi, Cộng hoà Guinea và Việt Nam trong lĩnh vực trồng lúa nước tại Guinea.

Cùng với Tuyên bố chung này, hai bên đã ký kết Biên bản phiên họp thứ nhất củaDiễn đàn Đối tác Việt Nam-Nam Phi; Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và hộ chiếu Công vụ; và Hiệp định hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nam Phi.

Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng những kết quả tốt đẹp đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Thabo Mbeki sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
 
Tổng thống Thabo Mbeki bày tỏ cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Ngài và Đoàn cùng đi. Tổng thống Thabo Mbeki trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm chính thức Nam Phi vào thời gian thuận lợi. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã vui vẻ nhận lời. Thời gian cho chuyến thăm sẽ được thoả thuận qua đường ngoại giao./.