Văn hóa, nghệ thuật do con người sáng tạo ra, nó vừa phản ánh đời sống hiện thực của con người và xã hội, vừa thúc đẩy sự phát triển và làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị nhân bản, nhân đạo và nhân văn của đời sống xã hội. Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Văn hóa thúc đẩy sự phát triển đồng thời là kết quả của phát triển. Văn hóa của một dân tộc thể hiện đậm nét bản sắc của dân tộc đó, vì vậy, văn hóa, nghệ thuật có tính dân tộc sâu sắc.

Việt Nam là nước có nền văn hóa lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nền văn hóa nước ta đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, sáng tạo ra những giá trị mới để ngày càng hoàn thiện và phát triển. Trong quá trình đó, nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam vẫn luôn giữ vững và thấm đẫm bản sắc dân tộc, mang đậm tính chất dân tộc.

Trong thời đại mới, nền văn hóa, nghệ thuật của mỗi dân tộc có sự giao lưu, trao đổi rộng rãi với văn hóa thế giới, đòi hỏi mỗi nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc phải tiếp thu có chọn lọc, đồng thời giữ gìn và phát huy được các giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động cách mạng đầu thế kỷ XX, đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc kết hợp sức mạnh của nhân dân lao động với sức mạnh của giai cấp vô sản quốc tế, từ đó xây dựng tính dân tộc kiểu mới trong nền văn hóa, nghệ thuật mới Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân tộc của văn hóa, nghệ thuật thể hiện đậm nét chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là sự kế thừa có chọn lọc và phát triển sáng tạo những tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây mà Người đã lĩnh hội được trong suốt quá trình hoạt động cách mạng bằng con đường lao động, học tập và tranh đấu. Những tư tưởng nhân văn của Người còn hình thành và phát triển trên nền tảng của truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có truyền thống của quê hương, xứ sở và gia đình. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa tính dân tộc và tính nhân loại. Tính chất dân tộc của nền văn hóa, nghệ thuật mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với toàn bộ khả năng sáng tạo và tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đông đảo nhân dân. Nền văn hóa, nghệ thuật mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới những giá trị tốt đẹp nhất trong sự phát triển hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn, thích ứng và phù hợp với hệ giá trị chân, thiện, mỹ Việt Nam.

Ngày nay, khi sự nghiệp đổi mới của chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh, những biến chuyển trên thế giới ngày càng lớn, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng hối hả thì việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đời sống xã hội càng trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân tộc của văn hóa, nghệ thuật cần được nghiên cứu, học tập và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Nội dung cuốn sách phân tích quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân tộc của văn hóa, nghệ thuật; những định hướng cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa và một số giải pháp nhằm vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân tộc của văn hóa, nghệ thuật trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.