Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á
TCCS - Ngày 15-10-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã trọng thể diễn ra phiên khai mạc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành phố qua các thời kỳ, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, cùng 444 đại biểu chính thức đại diện hơn 240.000 đảng viên thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trình bày diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn trong nước đã tác động bất lợi đến sự phát triển của Thành phố. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền cùng với nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng “bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, nỗ lực phấn đấu thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong không khí toàn Đảng bộ và nhân dân Thành phố đang cùng cả nước nỗ lực phấn đấu giành kết quả cao nhất trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2015 - 2020, chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhìn tổng thể, 5 năm qua, Thành phố đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn, kinh tế tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, văn hóa, chất lượng đời sống người dân được nâng cao.
Với tinh thần đánh giá thực tiễn một cách khách quan, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, yếu kém lớn nhất của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế trong hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để Thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cùng với đó, công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân và đòi hỏi phát triển của Thành phố. Theo đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố phát huy trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để thảo luận, đóng góp sâu sắc cho các dự thảo các văn kiện quan trọng trình Đại hội XIII của Đảng cũng như kiểm điểm đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố trong nhiệm kỳ qua. “Đại hội có trách nhiệm to lớn trước Đảng bộ và nhân dân Thành phố là tập trung trí tuệ thảo luận và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ để tiếp tục phát triển Thành phố giai đoạn 2020 - 2030, định hướng 2045”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Báo cáo chính trị trình Đại hội do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trình bày đã khẳng định, năm năm qua, nền kinh tế của Thành phố tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Thu ngân sách thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (năm 2019 khoảng 27%); chất lượng đời sống người dân được nâng cao, GRDP/người của Thành phố là hơn 6.300 USD vào năm 2020. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 chưa đạt kế hoạch đề ra, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ chưa đạt chỉ tiêu (8,0 - 8,5%/năm).
Những thành tựu nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiệm kỳ 2015 – 2020:
- Là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
- Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà Thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 7,7%/năm.
- Luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia.
- Là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước.
- Khu công nghệ cao của Thành phố thành công nhất cả nước. Với diện tích khoảng 800ha, đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 35.000 lao động, xuất khẩu 5 năm qua là 63 tỷ USD, bình quân một lao động xuất khẩu hơn 8 tỷ đồng/năm.
- Là địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước. Ba năm qua, Thành phố đã chủ động đề xuất và xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để tạo động lực mới cho Thành phố phát triển. Tháng 10-2017, Quốc hội đã có nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Tháng 10-2020, Quốc hội xem xét đề án chính quyền đô thị của Thành phố và sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề án thành lập thành phố Thủ Đức, một đô thị sáng tạo tương tác cao, là động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI xác định mục tiêu là, đến năm 2025, trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 - 9.000 USD. Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 - 14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua. Sau khi điểm lại những thành tựu nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự tại Đại hội tập trung thảo luận kỹ những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng; làm rõ nét hơn về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dự báo tình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược quốc gia, khu vực tiếp tục diễn biến gay gắt cùng với đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, “vì cả nước, cùng cả nước”, vì hạnh phúc của nhân dân, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á..., là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ Thành phố tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng, tiên phong của mình để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước trên cơ sở thực hiện tốt, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, sớm khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, tiếp tục phát triển với chất lượng, tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thứ hai, tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt lưu ý cần xác lập vai trò hạt nhân phát triển của Thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thứ ba, Thành phố Hồ Chí Minh cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, huy động, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Thành phố cần tiếp tục đi đầu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giữ vững vai trò là trung tâm phát triển doanh nghiệp của cả nước. Tiến hành cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh kinh tế tư nhân, các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, hình thành các tập đoàn, các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực. Các vấn đề, cơ chế mà trong báo cáo chính trị đã nêu như về chính quyền đô thị, phát triển thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, dự án Trung tâm tài chính quốc gia quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh..., sẽ được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ủng hộ và giải quyết kịp thời.
Thứ tư, cần tập trung thực hiện tốt chủ trương gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát huy vai trò, nền tảng văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, hình thành không gian văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố mang tên Bác. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là mục tiêu của phát triển. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu thành phố sớm trở thành một trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế.
Thứ năm, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ người dân, doanh nghiệp phải là một nội dung trọng tâm trong các chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm và hằng năm của Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Theo chương trình, ngày 17-10-2020, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, sau đó tiến hành hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đại hội sẽ bế mạc vào ngày 18-10-2020./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI: Thành phố Hải Phòng quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (15/10/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển