TCCSĐT - Ngày 11-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với IPU tổ chức, đã khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên.

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch IPU Saber Chowdhury.

Tham dự hội nghị về phía Việt Nam còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành của Việt Nam.

Về phía đại biểu quốc tế có: Tổng thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than; Chủ tịch Hạ nghị viện Philippines Pantaleon Alvarez; Chủ tịch Quốc hội Timor Leste Aderito Hugo Da Costa; Tổng Thư ký Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) Isra Sunthornvut và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng đại diện của các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý đến tham dự Hội nghị nhằm cùng nhau xem xét, thảo luận và quyết định về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ, trong đó có Việt Nam là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; nhấn mạnh vai trò của các quốc gia trong việc tăng cường đoàn kết, cùng nhau phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn ngôi nhà chung Trái Đất - hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với trách nhiệm, tâm huyết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia tích cực và đóng góp ý kiến quý báu của các diễn giả, Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” sẽ thành công tốt đẹp.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho rằng, Hội nghị là sự tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội Việt Nam và IPU. Sự tham dự của các nghị sĩ trong khu vực sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của các nhà lập pháp đối với các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chủ tịch IPU nhấn mạnh, việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại của thiên tai có kết nối chặt chẽ với các nỗ lực tăng trưởng, giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của các nước; đồng thời bày tỏ hy vọng Hội nghị lần này sẽ tạo cơ hội để các nghị sĩ, chuyên gia chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và xác định những chiến lược chung cho khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu; sự lồng ghép của SDGs trong các hoạt động của Nghị viện cũng như sự tăng cường các nguồn lực và cam kết chính trị đối với hợp tác khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, an ninh, an sinh xã hội. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Hội nghị IPU chuyên đề “Ứng phó biến đổi khí hậu- hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo Quốc hội, các nhà lập pháp là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với tất cả các quốc gia, dân tộc.

Đây là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã tham gia thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các bước thực tế mà Nghị viện có thể tiến hành để hỗ trợ thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững ở quốc gia và khu vực; những cơ hội mà các Mục tiêu Phát triển bền vững có thể mang lại để đạt được bình đẳng giới tốt hơn trong quá trình ra quyết sách phát triển bền vững và tác động của yếu tố giới đối với các chính sách phát triển bền vững; bức tranh tổng quan về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững trong khu vực, những thách thức trước mắt và trong dài hạn; cách thức giải quyết đi kèm với việc khai thác những cơ hội mở ra cho việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững và hành động của Nghị viện; các yêu cầu xây dựng luật và hoạch định chính sách của từng quốc gia để hoàn thành các cam kết quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí trên toàn cầu, được thể hiện trong Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, bên lề Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Timor Leste Aderito Hugo Da Costa; Chủ tịch Hạ viện, Trưởng đoàn Philippines Pantaleon Alvarez ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Lào Somphanh Phengkhammy, Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp, Trưởng đoàn Thái Lan Porjit Peerasak. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Fiji Ruveni N. Nadalo.

Đặc biệt, trong ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã tiến hành Lễ Công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện do IPU và UNDP xây dựng. Đây là một văn bản hết sức quan trọng, góp phần cung cấp thông tin về các Mục tiêu Phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Tối cùng ngày, tại Hội trường Thống Nhất đã diễn ra Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) nhiệm kỳ 2017 - 2018 giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Đại diện của Chủ tịch Quốc hội Fiji - Phó Chủ tịch Quốc hội Fiji Ruveni Nadalo tham dự buổi Lễ.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Fiji Ruveni N. Nadalo đã tiến hành Lễ chuyển giao chức Chủ tịch APPF nhiệm kỳ 2017 - 2018. Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng bày tỏ niềm tự hào sâu sắc của Quốc hội Việt Nam đã được các Nghị viện thành viên của APPF và Chủ tịch danh dự APPF Nakasone tin tưởng giao phó trọng trách là Chủ tịch Diễn đàn APPF nhiệm kỳ 2017 - 2018, cùng với việc đó là việc chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF tại Việt Nam vào tháng 01-2018.

Tiếp nối những thành công của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nghị viện đa phương thời gian gần đây như: Đại hội đồng IPU-132 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2015 và Đại hội đồng AIPA-31 tháng 9-2010…, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết tập trung và dành nỗ lực cao nhất để tổ chức thành công Hội nghị thường niên APPF-26. Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, sự phối hợp của Quốc hội các nước để Hội nghị APPF-26 thành công tốt đẹp.

Ngày 12-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; Tổng Thư ký IPU Martin Chungon; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đi thực địa, tìm hiểu thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Khu dân cư Cầu Dần Xây - nơi bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, tiến hành Lễ trồng cây và thăm rừng ngập mặn Cần Giờ, tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham dự có khoảng 200 đại biểu đến từ Quốc hội 24 nước trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đại diện nhiều tổ chức quốc tế.

Khu dân cư Dần Xây là khu vực thuộc phạm vi rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Do quá trình lấn chiếm đất rừng phòng hộ để xây dựng nhà ở nên đã tác động đến quá trình phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn. Mặt khác, là khu vực dân cư tự phát nên các cơ sở hạ tầng thiết yếu hầu như không có (đường giao thông, hệ thống điện - viễn thông, trường học, trạm xá, chợ…).

Tại đây, các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến, do nằm ngay bên bờ sông Dần Xây nên khu vực dân cư này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy triều, thường xuyên bị ngập do nước dâng, triều cường và các vụ sạt lở vẫn còn hiện hữu...

Các đại biểu quốc tế cũng đã được nghe giới thiệu về công tác ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Với chủ trương di dời, bố trí dân cư phòng tránh thiên tai gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức di dời 70 hộ dân đến các khu dân cư sinh sống an toàn, phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh đang tổ chức di dời khoảng 70 hộ còn lại.

Tiếp sau đó, Đoàn đại biểu đã tham dự Lễ trồng cây tại Khu quy hoạch Công viên văn hóa Rừng Sác, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ do Thành ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và tác động đến sản xuất, đời sống, môi trường. Thành phố đã nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, dự án…; trong đó việc trồng rừng, trồng cây xanh, bảo vệ rừng và bảo vệ cây xanh được người dân tích cực hưởng ứng.

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, 50 cây bàng vuông được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trồng dịp này là một loại cây có sức sống mãnh liệt, có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt; đồng thời hy vọng rằng, những cây bàng vuông được các đại biểu tham dự Hội nghị IPU trồng sẽ phát triển, vươn lên mạnh mẽ xanh tươi như chính sự kiên cường bất khuất của con người Việt Nam nói riêng và cư dân toàn thế giới nói chung trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury phát biểu cảm ơn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện hết sức có ý nghĩa và cho rằng, Lễ trồng cây là ví dụ điển hình cho việc nhìn vào tương lai, thể hiện sự cam kết không chỉ là đối với nhân dân địa phương mà còn đối với nhân loại toàn thế giới nói chung.

Chủ tịch Saber Chowdhury nhận xét, trên đường đi thực địa, các nhà lãnh đạo, đại biểu Quốc hội các nước, các đại biểu quốc tế được tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Đó là có những cộng đồng dân cư đã phải di chuyển nơi ở, thay đổi cuộc sống của mình.

Theo Chủ tịch S.Chowdhury, Hội nghị chuyên đề IPU Khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững" không chỉ đơn thuần là đối thoại, mà còn là sự thể hiện hành động của những nhà lập pháp trong việc đối mặt với một trong những thách thức thời đại đó là vấn đề biến đổi khí hậu.

Cho rằng việc trồng cây xanh chính là đầu tư cho tương lai của cuộc sống con người, làm giàu thêm hệ sinh thái, giúp làm giảm khí CO2, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, Chủ tịch IPU mong rằng, mỗi đại biểu khi về đất nước mình tích cực nhân rộng diện tích cây xanh, góp phần bảo vệ sinh thái, tạo môi trường sống hài hòa với thiên nhiên./.