Sự nguy hại của tham nhũng
TCCSĐT - Tham nhũng là một tệ nạn của các loại hình quyền lực nhà nước trên thế giới từ xưa đến nay. Nói đến tham nhũng là nói đến sự nguy hại do nó gây ra trên tất cả các phương diện, từ chính trị, kinh tế, hành chính - pháp luật cho đến văn hóa, xã hội, đạo đức, tâm linh,…
Tham nhũng theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, là “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”(1). Theo định nghĩa này, có lẽ đối tượng tham nhũng ở nước ta chưa được khái quát đầy đủ, vì ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a hay Xin-ga-po,…, người ta đều khẳng định, công chức nhà nước nhận hối lộ cũng là tham nhũng. Nếu hiểu tham nhũng như các nước đó định nghĩa thì đối tượng tham nhũng ở nước ta không chỉ là những người có chức vụ “lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”, mà còn bao gồm cả những công chức, viên chức “nhận hối lộ” từ các thành phần dân cư khác nhau trong xã hội để giải quyết các yêu cầu công việc của họ có liên quan đến thủ tục hành chính - pháp luật của Nhà nước.
Ở nước ta, tham nhũng tuy là một tệ nạn, nhưng nó cũng lại là một hiện tượng khách quan khó tránh. Nói như vậy là vì nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển, năng suất lao động chưa cao, đời sống của số đông cán bộ, công chức viên chức thường xuyên gặp khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, là do việc thực hiện các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính và các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt,... lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, thiếu trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả thấp, cho nên tham nhũng vẫn còn có đất sống. Sự tồn tại của tham nhũng gây nguy hại cho mọi mặt của đời sống xã hội, được thể hiện cụ thể trên nhiều phương diện như:
Về phương diện chính trị: Bất cứ nhà nước nào trên thế giới cũng đều khẳng định những đặc trưng bản chất chính trị - xã hội của nhà nước mình trong các văn bản hiến pháp. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1946 và các bản hiến pháp sau này đều nhất quán khẳng định bản chất chính trị - xã hội của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất đó hoàn toàn đồng nhất, thống nhất với cương lĩnh chính trị và đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Hiến pháp của Nhà nước và trong cương lĩnh, điều lệ của Đảng đều quy định, khẳng định địa vị, vai trò, trách nhiệm của người công chức, viên chức nhà nước và của người đảng viên cộng sản là phải trung thành với Tổ quốc, phải trở thành “công bộc” của nhân dân, vì nhân dân phục vụ một cách tận tâm, tận lực, “chí công vô tư”. Bởi vậy, bất cứ người công chức, viên chức hay người đảng viên nào có hành vi tham nhũng thì cũng đều vi phạm Hiến pháp, vi phạm Điều lệ Đảng và gây thiệt hại cho xã hội.
Suy ngẫm từ những bài học lịch sử và từ thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, có thể nói, sự nguy hại của tham nhũng xét ở phương diện chính trị là rất nghiêm trọng. Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà nó còn tiếp tay cho các thế lực thù địch và bọn phản động trong việc đả kích, bôi nhọ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế. Thật không quá và cũng không sai khi nói rằng, tham nhũng là một thứ “giặc nội xâm” của chế độ chính trị - xã hội ở nước ta nói riêng, ở các nước văn minh trên thế giới nói chung.
Về phương diện kinh tế: Bất cứ một hành vi tham nhũng nào cũng đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động quản lý và sự phát triển của các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, ở tầm vĩ mô hay vi mô. Ở nước ta, tham nhũng dường như hiện hữu trong tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực tế cho thấy, có rất nhiều công trình, dự án do Trung ương hay do các tỉnh, thành phố đầu tư như cầu cống, đường sá, cấp điện, cấp nước, nhà ở tái định cư, xây dựng nông thôn mới,… bị chậm tiến độ, thất thoát, xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng. Ngoài các nguyên nhân do quản lý lỏng lẻo, nghiệp vụ, chuyên môn yếu kém, còn có nguyên nhân do tham nhũng. Tham nhũng còn tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân “bất hảo” ở nước ngoài vào nước ta làm ăn bất chính, kiếm chác và trở thành lá chắn cho các thứ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng phế phẩm tồn tại, lưu thông trên thị trường.
Về phương diện xã hội: Xã hội nào cũng có người giàu - người nghèo, nhưng ở các nước phát triển khoảng cách giàu - nghèo không lớn so với mức thu nhập bình quân đầu người. Ở các nước này, đa số người giàu là những người hoặc do được thừa hưởng gia sản của cha ông để lại, hoặc do lao động cần cù và có tài năng cống hiến cho xã hội. Còn như nước ta hiện nay - một nước đang phải vất vả, khó khăn trong việc xóa đói, giảm nghèo - ở một số nơi hay khu vực dân cư, người giàu do thừa hưởng gia sản của cha ông để lại, hoặc do có tài năng cống hiến không nhiều bằng số người giàu do tham nhũng. Những vị “quan tham” thời nay đã và đang nắm trong tay nguồn tài chính nhiều gấp hàng trăm, nghìn lần người dân bình thường. Hiện tượng đó đã khiến cho sự cách biệt giàu - nghèo cản trở sự đoàn kết xã hội; theo đó, các vấn đề trật tự, kỷ cương, an ninh xã hội cũng diễn biến phức tạp. Đó là chưa nói đến việc “quan tham” bên trên nhận hối lộ của những công chức, viên chức bên dưới để “giúp đỡ”, “chống lưng” cho họ “chạy chức”, “chạy việc”, “chạy thành tích”, thậm chí “chạy tội”. Đây là một hành vi tham nhũng rất tệ hại, bởi nó gián tiếp đưa loại công chức, viên chức hám danh, cầu lợi này vào con đường tha hóa, biến chất về đạo đức, nhân cách. Xét ở phương diện xã hội, số quan tham đó trở thành vật cản rất lớn đối với mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh ở nước ta.
Về phương diện văn hóa - giáo dục: Trong những năm phát triển kinh tế thị trường ở nước ta đã xuất hiện khái niệm “văn hóa phong bì” - một thứ “văn hóa” phản ánh hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước lợi dụng chức quyền, lợi dụng công vụ nhận hối lộ, để rồi làm ngơ, thậm chí bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật. Chính thứ “văn hóa” đó đã làm cho các quy định pháp luật giống như một “thanh kiếm phường chèo”; tệ hơn, nó còn góp phần dung dưỡng tâm lý tùy tiện, “vô chính phủ” của người tiểu nông và cổ súy cho thói quen dùng tiền bẻ cong pháp luật của “bọn con buôn”. Tham nhũng theo cách đó không chỉ gây oan sai cho người dân lương thiện, mà còn là một thứ rào cản đối với công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong lĩnh vực giáo dục cũng có không ít trường hợp thày, cô giáo nhận hối lộ để nâng thêm điểm, nhận xét thêm hay cho các đối tượng học sinh, sinh viên, cử nhân, thạc sĩ học hành bê trễ, thi cử chiếu lệ. Hành vi tham nhũng đó đã góp phần làm cho tình trạng “thừa thày, thiếu thợ” và số người có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày một thêm nhiều. Sự di hại của hành vi đó còn là ở chỗ, làm cho những người hám danh bỏ tiền ra mua danh, để rồi trở thành những kẻ “hữu danh vô thực”, chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội. Thanh quan Đặng Huy Trứ thời nhà Nguyễn đã nhận xét: nhận hối lộ của sĩ tử đi thi để nâng điểm hay nhận lễ hậu của sĩ tử thi trượt mà cho đỗ bừa thì đó là hành vi của kẻ đạo tặc trong đám mũ cao áo dài. Một nền giáo dục có màu sắc tham nhũng là một nền giáo dục lạc hậu, hủ bại, vì nó phá vỡ các giá trị đạo đức - cái gốc căn bản của văn hóa xã hội và đạo lý làm người. Một nền giáo dục theo chiều hướng văn minh, hiện đại, tiến bộ phải là một nền giáo dục liêm chính, trung thực, minh bạch, chứ không thể là một nền giáo dục có màu sắc tham nhũng.
Về phương diện đạo đức - tâm linh: Tham nhũng không chỉ là hành vi phạm pháp, mà còn là một hành vi bất nhân, bất nghĩa, bất tín, bất hiếu, bất trung, hoàn toàn trái ngược với đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng đạo đức và văn minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Thời xưa, dân chúng coi quan lại tham nhũng là loại người “máu lạnh”, không có liêm sỉ, không có lòng trắc ẩn, “dữ như hổ báo” và gọi quan tham là “cẩu quan” - đúng như Mạnh tử nói: “Làm người mà không có lòng trắc ẩn thì chẳng khác gì cầm thú”. Cho nên, xét ở phương diện tâm linh, tham nhũng là có tội với đồng bào, và có tội với Tổ quốc - tức là với anh linh, hồn thiêng của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập - tự do - hạnh phúc của dân tộc. Chính vì có tội nên những đối tượng tham nhũng không mấy khi có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. Hoặc theo quan niệm dân gian, họ rất khó thoát khỏi vòng lao lý và luật “nhân - quả báo ứng” ở đời. Theo đó, kết cục là, “tham thì thâm”; “tiền của bất chính tự nó sẽ đội nón ra đi”; “của bụt mất một đền mười”; “cái gì của thiên hạ sẽ lại trở về với thiên hạ”. Trong đời người, cái gian tham là cái làm cho con người trở nên “vô minh phàm ngã” và khổ ải nhất trần gian.
Chỉ cần khái quát những hậu quả nguy hại và sự di hại của tham nhũng trên các phương diện nêu trên thì cũng đủ để hiểu được lý do tại sao nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới từ thời cổ đại, trung đại người ta đã xử tội tham nhũng như tội phản quốc.
Đất nước ta đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới sự lãnh đạo của một đảng đạo đức - văn minh. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta tất yếu phải là cuộc chiến công khai, quyết liệt và toàn diện - từ chính trị, pháp luật, kinh tế cho đến văn hóa, giáo dục,… Trong đó, cần tập trung vào một số công việc trước mắt và có ý nghĩa lâu dài sau đây:
Thứ nhất, kiên quyết xử lý tội danh tham nhũng, bất kỳ đối tượng tham nhũng là ai, không có “vùng cấm”. Nếu đối tượng tham nhũng là đảng viên cộng sản thì Đảng phải lập tức khai trừ đối tượng đó ra khỏi đảng, sau đó xử lý theo quy định hành chính, pháp luật. Thực hiện một cách kiên quyết, công khai và hiệu quả biện pháp này không chỉ có ý nghĩa làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, mà còn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cả một xã hội đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt biện pháp căn cơ này cũng sẽ góp phần tích cực vào việc ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và đáp ứng các mục tiêu mà Nghị quyết số 04/TW của Hội nghị Trung ương khóa XII đã đề ra.
Thứ hai, chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh thành tích. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến những tác hại, nguy hại của chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ ra rằng, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân đẻ ra trăm thứ bệnh tệ hại trong bộ máy đảng và nhà nước. Tham nhũng, xét về thực chất, đó là hành vi có tính chất “cơ hội”, nhân danh pháp luật, “lợi dụng việc công để mưu lợi tư”; nói cách khác, đó là một sự biến thái của tâm lý vun vén, thủ lợi cá nhân của người tiểu nông. Chống chủ nghĩa cá nhân không chỉ bằng phương pháp phê bình và tự phê bình mạnh mẽ và thường xuyên, như V.I Lê-nin nói, “phải chà đi xát lại nhiều lần”, mà còn phải bằng việc thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra và đánh giá của tập thể cơ quan và của người dân nơi đảng viên, công chức, viên chức cư trú.
“Bệnh thành tích” ở nước ta đã tồn tại khá phổ biến trong nhiều thập kỷ. Tuy nó không gây hại trực tiếp nhưng lại là căn nguyên gián tiếp dẫn đến tệ tham nhũng, lãng phí, gian dối, “làm láo báo cáo hay” và nó chính là bộ mặt thật của thói quan liêu, sĩ diện, phô trương hình thức. Cách tốt nhất để bài trừ bệnh thành tích một cách hiệu quả là phân tích, liệt kê các hạng mục công việc của từng vị trí, chức danh ngạch bậc, rồi công khai các hạng mục công việc đó cho mọi người biết để kiểm tra, đánh giá, bình xét.
Thứ ba, nâng cao nhận thức chính trị và kiến thức mọi mặt cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Đây là một trong những công việc “gốc” của Đảng và Nhà nước. Thực tế cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sau khi đi học có bằng cấp, chứng chỉ rồi thì ít chịu đọc và tự học để mở mang nhận thức, hiểu biết cho mình. Suy ngẫm từ câu nói của V.I. Lê-nin: Người ta chỉ trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng những kiến thức mà nhân loại đã tạo ra; và của nhà bác học Anh-xtanh: Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước; điều chúng ta chưa biết là cả một đại dương thì có thể thấy rằng, chính vì ít đọc, ít hiểu biết cho nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng tụt hậu, lạc hậu và bất cập trước sự biến đổi, thay đổi nhanh chóng của thời cuộc trong nước và thế giới. Đây cũng là thực tế giải thích vì sao một bộ phận không nhỏ này vẫn rất tham muốn danh lợi và vẫn còn mịt mờ, u mê trong khói hương cầu cúng nơi chùa chiền, miếu mạo đến như vậy. Họ đâu biết hoặc cố tình quên đi rằng, giả sử trên thế giới này có sự tồn tại của thánh, thần thì không thánh, thần nào ủng hộ hành vi tham ô, tham nhũng, bất lương của con người.
Tuy nhiên, muốn tạo lập được những yếu tố hấp dẫn và muốn có một môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức học tập một cách nghiêm túc, hiệu quả thì chương trình, giáo trình và phương pháp truyền giảng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục được đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chứ không thể cứ như trước đây và hiện nay.
Thứ tư, tham khảo kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của một số nước trên thế giới, nhất là của Xin-ga-po. Ở đó, mọi công chức, viên chức đều nói, đều biết “ba không” đối với tham nhũng. Đó là không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng. Không thể tham nhũng là vì thể chế pháp luật của họ rất đồng bộ, chặt chẽ, “thưa mà không lọt”. Không cần tham nhũng là vì nhà nước bảo đảm cho người công chức, viên chức có cuộc sống vật chất khá đầy đủ, có thể nuôi được vợ, con. Không dám tham nhũng là vì sự chế tài của pháp luật đối với tội danh tham nhũng rất nghiêm khắc, nhẹ thì sa thải khỏi nền công vụ, nặng thì xử tù, thậm chí tử hình; tài sản do tham nhũng mà có bị nhà nước tịch thu và sung công. Vận dụng vào Việt Nam, có thể thấy, chúng ta hoàn toàn có quyết tâm chính trị - pháp lý trong việc giải quyết vấn đề “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”. Còn vấn đề “không cần tham nhũng”, muốn giải quyết được, cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, trước hết phải cải cách mạnh mẽ chế độ, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức; đồng thời, thực hiện quyết liệt việc tinh giản biên chế trong bộ máy các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ có như vậy thì mới góp phần nâng cao hơn nữa mức sống của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới đem lại mức sống khá giả cho họ./.
-----------------------------------------
(1) Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong thực hiện quyền phụ nữ ở Việt Nam  (12/05/2017)
Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017  (12/05/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc  (11/05/2017)
Công bố Bộ tiêu chí đánh giá thực hiện MDG cho các Nghị viện  (11/05/2017)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên