TCCSĐT - Ngày 20-4, nhân ngày Thương hiệu Việt Nam, Hội đồng Thương hiệu quốc gia tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng”. Các đồng chí: Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu giới thiệu tới các cơ quan, tổ chức hữu quan, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là đất nước có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.

Biểu trưng Thương hiệu quốc gia có tựa đề Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) được trao cho các thương hiệu sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí của Chương trình. Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia được tiến hành hai năm một lần. Các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn phải có vị thế dẫn đầu ngành và cùng chia sẻ, theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong. Biểu trưng này gồm phần hình ảnh và phần chữ.

Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định: “Xây dựng thương hiệu quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới và trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng. Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thương trường quốc tế là có triển vọng. Song phải có thời gian, phải có lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm; vừa bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, mới tạo ra đột phá”. Đó cũng là thông điệp mà Diễn đàn muốn chuyển đến cộng đồng doanh nghiệp, báo chí truyền thông và toàn xã hội./.

Theo thống kê từ Cục Xúc tiến thương mại, đến nay, Chương trình đã tiến hành 4 đợt lựa chọn các doanh nghiệp và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu quốc gia. Cụ thể, năm 2008 là 30 doanh nghiệp, 2010 là 43 doanh nghiệp, 2012 là 54 doanh nghiệp, năm 2014 là 63 doanh nghiệp trong đó có 14 doanh nghiệp lần thứ hai liên tiếp, 11 doanh nghiệp lần thứ ba liên tiếp và 23 doanh nghiệp lần thứ tư liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia.