TCCSĐT - Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng tháng Tám, “Thủ đô gió ngàn” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta là vùng đất hội tụ nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Ngày nay, Tuyên Quang đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Vùng đất của những di tích văn hóa - lịch sử

Là một tỉnh miền núi phía Bắc nước ta với số dân khoảng 746.700 người (năm 2013), Tuyên Quang hiện có 22 dân tộc anh em chung sống (như người Kinh, Tày, Dao, Sán Chay (Cao Lan - Sán Chí), Sán Dìu, Nùng, Mông, Pà Thẻn,…) với những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc. Tuyên Quang chính là hình ảnh thu nhỏ của vùng văn hóa Việt Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã tạo dựng được một kho tàng dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian phong phú, như làn điệu then, cọi, quan làng (người Tày), páo dung (Dao), sình ca (Cao Lan), soọng cô (người Sán Dìu)… Ngày 08-6-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hát soọng cô và kéo co truyền thống của tỉnh Tuyên Quang. Hát soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn, có nội dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Sán Dìu trong cuộc sống qua những lời ca và hình ảnh đời sống sinh động, chân thực. Kéo co truyền thống thuộc loại hình tập quán xã hội, ra đời và tồn tại gắn liền với sự phát triển đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, là trò chơi dân gian thường được tổ chức trong lễ hội xuống đồng vào dịp đầu xuân.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn lưu giữ các lễ hội đa dạng, độc đáo, như lễ hội lồng tồng - quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc Tày, là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, đời sống ấm no; lễ cầu mùa của dân tộc Dao, được tổ chức vào tháng giêng hằng năm với ý nghĩa cầu mong một mùa màng bội thu; lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn mừng cho một vụ thu hoạch vừa kết thúc và cầu mong cuộc sống an khang, thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật, thể hiện sức mạnh của con người; lễ cấp sắc của dân tộc Dao… Các lễ hội dân gian là tâm điểm của sinh hoạt cộng đồng, khắc họa đậm nét ước vọng chinh phục thiên nhiên của con người, cầu mong sức khỏe, vạn vật sinh sôi cũng như thể hiện khát vọng yên ấm của các bản làng,… Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 35 lễ hội truyền thống, trong đó có 25 lễ hội dân gian, 1 lễ hội cách mạng. Việc tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống tuân theo những quy tắc nhất định, xuất phát từ những quy định chung của cộng đồng tại địa phương; chú trọng những yếu tố tín ngưỡng mang tính bản địa, đề cao vai trò làm chủ của nhân dân. Trong các lễ hội, các trò chơi dân gian và văn hóa ẩm thực được duy trì, tạo nên những nét độc đáo của mỗi địa phương. Hoạt động lễ hội đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tâm linh, giao lưu văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất Tuyên Quang, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, quảng bá tiềm năng du lịch cho quê hương cách mạng.

Không chỉ có bề dày văn hóa, Tuyên Quang còn là vùng đất lưu giữ hơn 500 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, hàng trăm điểm di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, như khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (Nha Công an) thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khu di tích Kim Bình, đền Cảnh Xanh, đền Bắc Mục, đền Thác Cái, đền Pú Bảo, hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương); căn cứ địa cách mạng Tân Trào - khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia (được công nhận trong Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ), gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, gắn liền với vận mệnh dân tộc trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (với các di tích lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, lán Hang Bòng, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lấu - Vực Hồ, Thác Dẫng - Lập Bình, An toàn khu Kim Quan, đình Hồng Thái).

Nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Hiện nay, Tuyên Quang đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 31-12-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định số 526/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa Tuyên Quang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở bảo tồn, phát huy, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chú trọng xây dựng và phát huy nhân tố con người, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Công tác quản lý, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng được tăng cường với nhiều hoạt động, như tổ chức các lớp tập huấn hát then, tính tẩu cho học viên đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh, giúp học viên có thêm những kiến thức về di sản văn hóa độc đáo này, vừa học hát những bài then mới ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được nghiên cứu và học hát những bài then cổ của đồng bào dân tộc Tày. Các học viên đều là những hạt nhân văn nghệ có thể đảm nhiệm dàn dựng các chương trình hát then ngay tại cơ sở; qua đó, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đưa di sản hát then trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, thu hút hàng nghìn thành viên trực tiếp tham gia, trong đó có không ít những thành viên trẻ tuổi; tiêu biểu là câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2013, thu hút đông đảo đồng bào tham gia với nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc như múa màn - tiết mục thường được diễn xướng vào mỗi dịp đầu xuân năm mới hoặc tổ chức trong nghi lễ cấp sắc cho những người đàn ông trưởng thành. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân của tỉnh đã chủ động sưu tầm, ghi chép, dịch nghĩa các làn điệu dân ca cổ, góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, thực hiện đến năm 2015, phục dựng lại các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, như lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ (xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa); lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa); lễ hội đình làng Minh Cầm (xã Đội Bình, huyện Yên Sơn)…; thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa dân gian, như: “Bảo tồn hát soọng cô dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang”, “Bảo tồn hát sình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao ở Tuyên Quang”…

Từ năm 2012 đến nay, Tuyên Quang cũng tổ chức nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu một số phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số để lập hồ sơ khoa học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 lĩnh vực văn hóa truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trong đó, năm 2012, Tuyên Quang có lễ hội lồng tồng và nghi lễ then của đồng bào Tày, năm 2013, có hát páo dung và lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao, ngày 08-6-2015, hát soọng cô và kéo co truyền thống của Tuyên Quang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Tuyên Quang trên các các ấn phẩm báo chí, các kênh thông tin trong tỉnh cũng không ngừng được đẩy mạnh với nhiều bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc giới thiệu nét sinh hoạt văn hóa, trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Với mục tiêu quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của địa phương, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Tuyên Quang còn tổ chức chương trình lễ hội đặc sắc - lễ hội thành phố Tuyên Quang với nhiều hoạt động hấp dẫn, kết hợp giữa một số lễ hội truyền thống (như lễ hội đền Hạ, hội đua thuyền trên sông Lô - hoạt động được nhân dân thành phố Tuyên Quang phát triển từ môn thể thao bơi chải trên sông Lô từ những năm cuối của thế kỷ XX, là nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc nơi đây…) và một số hoạt động văn hóa khác, như hội hoa xuân đường phố, liên hoan nghi lễ chầu văn, đêm hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn lớn và độc đáo… Hằng năm, tỉnh Tuyên Quang thường tổ chức lễ hội Tân Trào (lễ hội cách mạng) tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương). Đây là lễ hội mang đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khẳng định vị thế của “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”; đồng thời cũng là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, là hoạt động cụ thể góp phần thực hiện Quyết định số 2543/QĐ-TTg, ngày 20-12-2013, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.

Để phát triển sự nghiệp văn hóa không thể không phát triển đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 đã khẳng định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa - thông tin ở cơ sở, phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 40% cán bộ chuyên trách văn hóa - thông tin cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành văn hóa hoặc chuyên ngành khác được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn với nội dung, phương pháp đổi mới, bảo đảm phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; hướng tới việc nâng cao chất lượng hoạt động và dần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tuyên Quang cũng được gắn kết với việc triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 03-6-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với mục tiêu đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người; những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang đến bạn bè quốc tế, qua đó mở rộng hợp tác với các địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Tuyên Quang.

Hướng tới phát triển sự nghiệp văn hóa Tuyên Quang trong tương lai

Với mong muốn tiếp tục quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với các địa phương khác trong cả nước và toàn thế giới, Tuyên Quang xác định tập trung các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa trong thời gian tới như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa; tích cực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hai là, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác sưu tầm, kiểm kê và khai thác các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể. Hoàn thành các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Mông, Nùng,...

Ba là, liên kết, lồng ghép mục tiêu phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác. Lồng ghép xây dựng công trình văn hóa với công trình thể thao, khu vui chơi giải trí của trẻ em tại trung tâm tỉnh, trung tâm cấp huyện, cấp xã; xây dựng trạm truyền thanh cơ sở gắn với xây dựng nhà văn hóa xã; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện - văn hóa xã; xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; nhà văn hóa, khu thể thao thôn gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Gắn công tác văn hóa với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch. Tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành trong cả nước; gắn việc quảng bá văn hóa Tuyên Quang với các chương trình xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, người hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chú trọng nguồn nhân lực phát triển văn hóa nông thôn, phát hiện, bồi dưỡng và có cơ chế thu hút tài năng văn hóa - nghệ thuật; xét đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, công nhận nghệ nhân nghề truyền thống tiêu biểu, nghệ nhân văn hóa dân gian tiêu biểu.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội, giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý văn hóa và đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực để phát triển văn hóa.

Sáu là, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa; triển khai các kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh trên cơ sở gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa đối ngoại với chính trị và kinh tế đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập. Tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại như biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị về văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế.../.