Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2016: Hướng tới tương lai của châu Á
TCCSĐT - Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được thành lập năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy phát triển của các nước châu Á thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. BFA đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng giữa các nhà lãnh đạo, học giả và giới doanh nghiệp các nước về nhiều lĩnh vực của châu Á. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, BFA 2016 tiếp tục là nơi để các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, tạo động lực để thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
“Diễn đàn châu Á Bác Ngao” - diễn đàn của khu vực
Năm 1998, cựu Tổng thống Phi-líp-pin Phi-đen Ra-mốt, cựu Thủ tướng Ô-xtrây-li-a B. Hác-cơ và cựu Thủ tướng Nhật Bản M. Hô-sô-ca-oa đã cùng đưa ra ý tưởng xây dựng một “Diễn đàn châu Á” - mô phỏng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hằng năm được tổ chức tại Đa-vốt (Thụy Sỹ). Các nhà lãnh đạo trên cho rằng, các nước châu Á cần có một diễn đàn riêng để bàn những vấn đề của mình (chủ yếu là những vấn đề kinh tế) nhằm có những biện pháp tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực trên cơ sở hiểu đúng nhu cầu, thế mạnh và hạn chế của nhau, giúp phòng tránh những biến động tương tự như “cơn bão tài chính” xảy ra năm 1997.
Các nhà lãnh đạo cũng xác định rằng, “Diễn đàn châu Á” sẽ là một tổ chức quốc tế “phi chính thức, phi lợi nhuận, định kỳ, có địa chỉ lâu dài”, và khu du lịch Bác Ngao của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) được chọn làm địa chỉ cố định để tổ chức diễn đàn hằng năm. Ý tưởng trên đã được các nhà lãnh đạo của nhiều nước châu Á hưởng ứng. Ngày 27-02-2001, đại biểu của 25 nước châu Á và Ô-xtrây-li-a đã có mặt tại Bác Ngao tiến hành Đại hội thành lập “Diễn đàn châu Á”. Đại hội đã thông qua “Tuyên bố về Diễn đàn châu Á Bác Ngao” vì mục tiêu phát triển của các nước châu Á thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực; thúc đẩy, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư; thúc đẩy liên kết khu vực góp phần xây dựng một châu Á phồn vinh và ổn định hơn, sống hài hòa với chính mình, với các nơi khác trên thế giới.
Mục tiêu và nội dung của “Diễn đàn BFA” tập trung chủ yếu về: Các vấn đề kinh tế đối với khu vực châu Á, đặc biệt là tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và hội nhập khu vực; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vì mục tiêu tiến bộ kinh tế bền vững và trách nhiệm xã hội; thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác giữa các nước trong và ngoài khu vực vì sự phát triển, hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á.
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, BFA đã thể hiện vai trò của một diễn đàn kinh tế có uy tín ở châu Á. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là nơi chính phủ các nước có thể chia sẻ những ý tưởng nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng. BFA ngày càng thu hút hơn sự quan tâm từ các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, đặc biệt là ở châu Á.
Sức sống mới, tầm nhìn mới
Đã 8 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra (năm 2008), nhưng những tác động sâu rộng của nó vẫn tồn tại cho đến nay. Phục hồi sau khủng hoảng vẫn không đồng đều ở các nền kinh tế mới nổi, trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi chậm. Là một nền kinh tế lớn trong khu vực, Trung Quốc luôn coi trọng và tích cực ủng hộ sự phát triển của BFA. Năm 2016 cũng là năm diễn ra dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, cũng là Năm Giao lưu giáo dục Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc mong muốn tiếp tục xây dựng “Cộng đồng cùng chung vận mệnh” Trung Quốc - ASEAN gắn bó hơn, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN lên tầm cao mới.
Từ ngày 22 đến 25-3-2016, Hội nghị thường niên BFA 2016, với chủ đề “Tương lai mới của châu Á: Sức sống mới và tầm nhìn mới” đã được tổ chức tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). BFA 2016 đã diễn ra hơn 80 cuộc thảo luận, bao gồm 51 diễn đàn, 14 hội nghị bàn tròn, 6 cuộc thảo luận chủ đề, 12 cuộc đối thoại với các nhà khởi nghiệp, về các vấn đề như kinh tế vĩ mô, khởi nghiệp và sáng tạo, khoa học - công nghệ, internet,…
BFA 2016 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khả năng phục hồi yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các quốc gia. Kinh tế châu Á tiếp tục có nhiều biến đổi sâu sắc và đặc biệt kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tốc độ phát triển có xu hướng chậm lại… Do vậy, đây được coi là dịp để các nước trong khu vực cùng nhau thảo luận, tìm ra “động lực mới, tầm nhìn mới” để vực dậy các nền kinh tế châu Á nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. La-gác-đơ, châu Á hiện nay có tác động đến toàn thế giới hơn bao giờ hết xét theo tình hình liên kết ngày càng tăng. Ngược lại, châu lục cũng bị tác động bởi những diễn biến kinh tế toàn cầu nên cần phải có những ứng phó kịp thời.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận các góc độ khác nhau của tình hình kinh tế thế giới và châu Á, trong đó đi vào 6 nội dung chính, đó là: đổi mới sáng tạo, liên kết khu vực, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, vấn đề kinh tế nổi bật, hiện tượng kinh tế mới nổi và ngành nghề mới. Diễn đàn BFA 2016 là cơ hội quan trọng để thảo luận, tìm ra động lực mới cho sự phát triển của kinh tế thế giới, tìm kiếm phương thức mới quản lý thể chế kinh tế và tài chính toàn cầu, phát huy vai trò của châu Á là đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển.
Một số lãnh đạo ASEAN tham dự BFA 2016 cũng đã có bài phát biểu thể hiện quan điểm của quốc gia mình. Nhìn chung, các bên đều nhất trí rằng, châu Á cần lấy đổi mới và sáng tạo làm động lực then chốt để tăng trưởng bền vững; các nước châu Á cần tranh thủ các động lực và không gian phát triển mới thông qua tăng cường liên kết kinh tế khu vực trong khuôn khổ song phương, hợp tác tiểu vùng, Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Tăng cường hợp tác phát triển bền vững, đặc biệt là hợp tác ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước. Đây vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của từng quốc gia cũng như của toàn khu vực. “Sức sống mới, động lực mới” của tương lai kinh tế châu Á cần phải được suy nghĩ từ góc độ toàn cục hơn. Tất cả đều mong đợi một châu Á mở cửa và bao dung. Không có nước nào có thể gánh vác trọng trách chủ đạo cả hệ thống kinh tế, hệ thống kinh tế cần phải công bằng và tự do.
Là một trong những thành viên sáng lập của diễn đàn, Việt Nam nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên ở cấp Chính phủ và có nhiều đóng góp cho các kỳ hội nghị. BFA 2016 một lần nữa là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng cao vai trò trong khu vực, tìm hiểu, thảo luận, chia sẻ ý kiến với các nhà lãnh đạo thế giới và khu vực về những thay đổi trong các vấn đề kinh tế, tài chính, giáo dục, môi trường và khoa học - công nghệ, góp phần mang đến một hình ảnh Việt Nam năng động, giàu tiềm năng, đổi mới và nỗ lực mạnh mẽ hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam khẳng định, củng cố môi trường hòa bình và ổn định là tiền đề không thể thiếu đối với phát triển của châu Á. Việt Nam luôn nỗ lực hợp tác với các nước theo tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới và khu vực...
BFA 2016 đã mang đến những đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong một số lĩnh vực như: thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng, khoa học - công nghệ; tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên “thế giới không biên giới”. Mặc dù BFA 2016 không thể ngay lập tức đưa ra những giải pháp để “vực dậy” nền kinh tế khu vực cũng như kinh tế toàn cầu nhưng với sự phối hợp về chính sách cùng với quyết tâm đổi mới, hy vọng rằng những sáng kiến, đề xuất tại BFA 2016 thực sự mang lại sức sống mới và mở ra tầm nhìn mới cho tương lai của châu lục./.
Công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn hiện nay: Thực trạng và định hướng  (20/04/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến 17-4-2016)  (20/04/2016)
Việt Nam mong Nhật Bản tiếp tục ủng hộ trong vấn đề Biển Đông  (19/04/2016)
Đắk Nông cấp phát 600 tấn gạo hỗ trợ người dân kỳ giáp hạt  (19/04/2016)
Công bố quy hoạch chi tiết Trung tâm Hoàng thành Thăng Long  (19/04/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Liên bang Nga  (19/04/2016)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên