Công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn hiện nay: Thực trạng và định hướng
Tình hình nạn nhân bom mìn ở Việt Nam
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Từ năm 1975 đến năm 2015, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Trước thực trạng ô nhiễm bon mìn ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Những việc này đã và đang được các bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng.
Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn gồm: chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội;…
Kết quả trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2010 - 2015
Xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó phải kể đến Bộ Luật Lao động; Luật Người khuyết tật; Quyết định số 1019/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020; Quy định số 504/QĐ-TTg, ngày 21-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025” với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Cũng trong năm 2010, ngày 22-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 238/QĐ-TTg, về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn chiến tranh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 504) và Quyết định số 501 về việc thành lập Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504.
Ngày 04-3-2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg, về việc thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Natioanal Mine Action Centre - VNMAC). Trung tâm có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, giám sát chất lượng, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 504 để báo cáo Chính phủ.
Đến ngày 10-3-2014, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ra đời theo Quyết định số 356/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, ủng hộ tự nguyện vật chất, tài chính thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, hỗ trợ bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống.
Căn cứ quy định tại các Nghị định của Chính phủ, nạn nhân bom mìn là trẻ em, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng chế độ trợ giúp xã hội.
Những đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng gồm: Trẻ em, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là người khuyết tật; trường hợp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là người khuyết tật đặc biệt nặng. Các nạn nhân bom mìn là người khuyết tật đặc biệt nặng, không có khả năng chăm sóc ở cộng đồng, không có người nuôi dưỡng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, nạn nhân bom mìn là đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được tạo việc làm, ổn định cuộc sống, khi chết được hỗ trợ phí mai táng; các đối tượng đang học văn hóa, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật; trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời thường (đối với đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội).
Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn
Để tăng hiệu quả, chất lượng trợ giúp các đối tượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình trung tâm công tác xã hội; phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan cung cấp dịch vụ công tác xã hội là 432 cơ sở, tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội hiện đang làm việc tại các cơ sở liên quan cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đến nay, rất nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh,… Các trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng nghìn lượt đối tượng, trong đó có nạn nhân bom mìn.
Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của mô hình Trung tâm công tác xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT/BNV-BLĐTBXH, ngày 10-6-2013, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm công tác xã hội để hướng dẫn cấp huyện, các tỉnh, thành phố thành lập trung tâm công tác xã hội. Các tỉnh, thành phố đang từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với các đối tượng cần trợ giúp xã hội bao gồm nạn nhân bom mìn.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố, như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Bộ cũng phát triển các mạng lưới các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng gồm các bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng. Các trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật, các trạm y tế cấp xã góp phần quan trọng về tư vấn, sơ cấp cứu; lắp đặt chân, tay giả cho nạn nhân bom mìn; tiếp nhận, quản lý và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn, tổ chức các hoạt động lao động sản xuất, văn hóa - thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của đối tượng.
Về phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập, đến nay cả nước hiện có 107 cơ cở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 4 trường Đại học Sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường Cao đẳng Sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Các cơ sở này đang đào tạo giáo viên trình độ Cử nhân và Cao đẳng Sư phạm tật học. Ngoài ra, hơn 700 giáo viên được đào tạo trình độ Cao đẳng về giáo dục hòa nhập và hơn 10.000 giáo viên mầm non và tiểu học được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập cho các loại trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn khác nhau. Hệ thống giáo dục này đã đưa được 269 nghìn em trong khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường, chiếm 24,22%.
Phát triển mạng lưới cộng tác viên xã hội ở cộng đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã/phường, quy định nhiệm vụ chung, nhiệm vụ cụ thể và các yêu cầu và trình độ, năng lực của cộng tác viên công tác xã hội. Đến nay, đã có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội với tổng số 8.784 cộng tác viên. Một số tỉnh, thành phố, như Quảng Ninh, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng, Thừa - Thiên Huế, An Giang, Khánh Hòa, Phú Yên đã bước đầu hình thành mạng lưới cộng tác viên và nhân viên công tác xã hội, góp phần trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nạn nhân bom mìn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành cùng hỗ trợ các trung tâm công tác xã hội xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội; cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương bao gồm cả nạn nhân bom mìn tại cộng đồng; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội thông qua các khóa tập huấn kỹ thuật vận hành mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tập huấn quy trình về quản lý ca/quản lý trường hợp; quy trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; tập huấn về quy trình quản lý trường hợp người khuyết tật;….
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ xây dựng, hình thành Hiệp hội dạy nghề và nghề công tác xã hội và phát triển mạng lưới hiệp hội tại Việt Nam; ban hành quy chế hoạt động của Hội nghề công tác xã hội. Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam ra đời là một bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nghề công tác xã hội. Hiệp hội này cũng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội Người mù, Hội Phụ nữ, Hội Bảo trợ quyền trẻ em tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp của cán bộ xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về nghề nghiệp, chuyên môn và các hoạt động khác; trợ giúp và bảo vệ quyền của người khuyết tật và nạn nhân bom mìn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình trạm y tế xã tại 23 xã thuộc 13 tỉnh/thành phố bị ô nhiễm bom mìn gồm: Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đăk Nông, Hưng Yên, Bình Phước, Bình Định.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Bộ đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn 10 tỉnh, thành phố (gồm Đăk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang và Hưng Yên) đầu tư, nâng cấp, thí điểm 10 trạm y tế cấp xã để hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng.
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế và cộng tác viên công tác xã hội tại các địa bàn có dự án thí điểm mô hình trạm y tế cấp xã trợ giúp nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức biên soạn lại và in ấn tài liệu về phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn dựa vào cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn tại các tỉnh/thành phố có mô hình trạm y tế cấp xã trợ giúp nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng.
Thí điểm mô hình trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng; xây dựng dự án thí điểm trung tâm y tế cấp xã hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thí điểm Mô hình “trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố”. Mô hình tập trung vào các hoạt động: phát hiện, can thiệp để phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng; dạy nghề gắn với tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn; trợ giúp nạn nhân bom mìn học nghề tìm việc làm tại gia đình và nơi cư trú; hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Bộ cũng chủ trì, phối hợp Vụ Quốc phòng - An ninh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số đơn vị liên quan tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình dự án thí điểm trạm y tế cấp xã và tình hình thực hiện các chính sách liên quan hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại các tỉnh/thành phố.
Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình trạm y tế xã tại 23 xã thuộc 13 tỉnh/thành phố bị ô nhiễm bom mìn gồm: Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đăk Nông, Hưng Yên, Bình Phước, Bình Định. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn 10 tỉnh, thành phố (gồm Đăk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang và Hưng Yên), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết định đầu tư, nâng cấp, thí điểm 10 trạm y tế cấp xã để hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng.
Bộ tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính,…; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc và các đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức,… nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế để hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Bên cạnh những kết quả, các chương trình và dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số nạn nhân bom mìn vẫn chưa có mô hình tiếp cận mang tính toàn diện. Trong hầu hết các lĩnh vực, hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn còn hạn chế; thiếu kỹ năng đánh giá về các nhu cầu của nhóm đối tượng là nạn nhân bom mìn; thiếu các kỹ năng, phương pháp phục hồi chức năng thích hợp; thiếu sự hợp tác liên ngành, quy trình chuẩn về phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn. Ngoài ra, các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn vẫn trong tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện.
Ngoài ra, vẫn chưa có các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp tại cộng đồng, các trung tâm hiện nay mới chỉ cung cấp, hỗ trợ phần nào dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân bom mìn; chưa đáp ứng hết được các nhu cầu của nạn nhân bom mìn và chất lượng dịch vụ thấp. Đa số nạn nhân bom mìn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định, cơ hội tiếp cận việc làm và sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Tăng cường hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020
Nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, đồng thời phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn, như hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn tại tối thiểu 10 trung tâm công tác xã hội; tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội (tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, quản lý trường hợp); hỗ trợ trang thiết bị (đường dây tư vấn, máy tính, ca-bin); củng cố, nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất và quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại tối thiểu 2 bệnh viện hoặc trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng khu vực miền Trung và miền Bắc.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, như hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với năng lực, đặc điểm thể chất và nhu cầu của thị trường lao động, tìm việc làm cho nạn nhân bom mìn tại nơi cư trú sau khi họ đã tốt nghiệp khóa học; hỗ trợ mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn và gia đình bằng cách hỗ trợ phương tiện, vốn để sản xuất, kinh doanh,… tại địa bàn bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Song song với đó, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cần phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến 17-4-2016)  (20/04/2016)
Việt Nam mong Nhật Bản tiếp tục ủng hộ trong vấn đề Biển Đông  (19/04/2016)
Đắk Nông cấp phát 600 tấn gạo hỗ trợ người dân kỳ giáp hạt  (19/04/2016)
Công bố quy hoạch chi tiết Trung tâm Hoàng thành Thăng Long  (19/04/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Liên bang Nga  (19/04/2016)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đoàn đại biểu Quỹ Vừ A Dính  (19/04/2016)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên