TCCSĐT - Ngày 20-4-2016, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổng hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự có đại diện các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo các tỉnh, thành, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo tập trung trao đổi những vấn đề mang tính định hướng lâu dài trong công tác ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tạo cơ hội để các bộ, ngành Trung ương, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường khả năng liên kết trong xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ba nội dung chủ yếu được tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo là: Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), Kế hoạch quản lý nước và kế hoạch đầu tư cấp tỉnh trong khuôn khổ Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long - dự án WB6 (Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam), Mô hình “Ngân hàng đất” trong nạo vét kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long (Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong).

Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực lập kế hoạch thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu cho các tỉnh, thành trong vùng, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh vùng lũ thượng nguồn sông Mê Kông (An Giang, Đồng Tháp), vùng cửa sông (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng), vùng bán đảo Cà Mau (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Các giải pháp thích ứng được đề xuất dựa vào điều kiện đặc thù của từng vùng. Cụ thể, ở vùng lũ thượng nguồn sông Mê Kông cần chú trọng tăng cường khả năng trữ lũ, không cản lũ; tận dụng mặt lợi của lũ để xây dựng các phương án sản xuất phù hợp, tạo nhiều điều kiện sinh kế trong mùa lũ; ở vùng cửa sông cần quan tâm công tác khôi phục rừng và bảo vệ bờ biển, tạo sinh kế mặn - lợ, hỗ trợ ngưởi dân tăng khả năng chống chịu với triều cường; ở vùng bán đảo Cà Mau, bên cạnh các giải pháp như vùng cửa sông, cần đặc biệt chú trọng đến việc trợ giúp người dân trữ nước ngọt cục bộ để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra trong những tháng mùa khô.

Thảo luận về Kế hoạch quản lý nước và kế hoạch đầu tư cấp tỉnh trong khuôn khổ Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay ở Vùng Tứ Giác Long Xuyên, nhiều công trình kiểm soát lũ triển khai còn chậm; hệ thống đê bao triệt để hình thành để sản xuất đã ngăn cản lũ chính vụ tràn qua nội đồng; giảm lượng phù sa bồi bổ ruộng vườn, giảm nguồn thủy sản tự nhiên, môi trường đất - nước thiếu khả năng làm sạch tự nhiên… Đối với khu vực xa nguồn nước sông Hậu ở vùng bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, phía nam Kiên Giang, phía tây Hậu Giang và phía tây Sóc Trăng), hệ thống thủy lợi chưa chủ động kiểm soát, điều tiết dòng chảy mặn - ngọt cho nhu cầu sản xuất phức tạp trong vùng. Vì thế, cần chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi có tính cấp bách và chiến lược, tác động liên vùng. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng quy hoạch thủy lợi chi tiết cho 3 tỉnh, thành (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) và rà soát cập nhật bổ sung quy hoạch thủy lợi cho 4 tỉnh (An Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu). Ngoài ra, hiện nay Quy hoạch nông - lâm - thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn sau năm 2020 chưa có, chưa có Quy hoạch tái cấu trúc nông nghiệp cho vùng. Vì thế, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần khẩn trương phối hợp nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch nông - lâm - thủy sản cho vùng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ thực hiện Quy hoạch tái cấu trúc nông nghiệp cho vùng.

Một vấn đề thu hút nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo là nhiều kênh, rạch ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục bị bồi lắng nhiều năm nhưng không được nạo vét, đã và đang tạo nhiều khó khăn trong việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ và hạn chế việc cung cấp nước ngọt, năng lực giao thông thủy trong mùa khô. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương không có kế hoạch và nguồn kinh phí đầu tư nạo vét dài hạn, chi phí giải phóng mặt bằng ngày càng tăng, nguồn đất nạo vét không được sử dụng hiệu quả, hoạt động nạo vét gây ra một số tác động xấu đến môi trường, xã hội… Vì thế, việc xây dựng và thực hiện “Chương trình nạo vét kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long” theo mô hình “ngân hàng đất” là cần thiết cho việc trữ nước ngọt, hạn chế tác hại của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất được nạo vét, góp phần vào sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long./.