Quan hệ Nga – EU chưa thể có sự đột phá trong thời kỳ quá độ
TCCSĐT - Hội nghị Nga - EU lần này (diễn ra vào ngày 18-11-2009, tại Xtốc-khôm, Thụy Điển) dù đã đạt được những kết quả khá khả quan, nhưng nếu hai bên mong muốn đạt được những tiến triển lớn, có tính đột phá trong tương lai gần thì có lẽ đó là hy vọng quá lạc quan.
Kết thúc giai đoạn cũ
Các chủ đề của Hội nghị cấp cao Nga - EU lần này rất đa dạng và phong phú. Đó là, nội dung Hiệp định cơ bản Nga - EU, cấu trúc an ninh mới ở châu Âu, việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); vấn đề năng lượng; chống biến đổi khí hậu; thương mại hai chiều Nga - EU; chế độ kiểm soát biên giới; các biện pháp khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; chương trình hạt nhân của I-ran; tình hình ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan; tình hình tại một số khu vực ở châu Âu như Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na; vấn đề Cô-xô-vô và Síp; tình hình ở Nam Ô-xê-ti-a.
Điều quan tâm nhất của hai bên trong bối cảnh mùa đông băng giá đang bao phủ toàn lục địa châu Âu là cùng thống nhất về các giải pháp nhằm góp phần hóa giải cuộc “chiến tranh khí đốt” giữa Nga và U-crai-na, để tránh xảy ra việc các nước châu Âu lại một lần nữa bị cắt nguồn cung khí đốt từ Nga được chuyển tải qua lãnh thổ U-crai-na, như đã từng xảy ra trong năm 2008 khiến cho gần như cả châu Âu phải chịu một mùa đông lạnh lẽo, không có năng lượng cho nhiều nhà máy, xí nghiệp và lò sưởi trong từng gia đình. Trước hai ngày diễn ra Hội nghị, Nga và EU đã ký Bản ghi nhớ về Cơ chế cảnh báo sớm trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, hai bên phải thông báo sớm cho nhau về mọi nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp dầu mỏ, khí đốt hoặc điện để các bên kịp thời tìm giải pháp khắc phục. Cách đây vài tháng, sau nhiều lần đàm phán không thành giữa Thủ tướng Nga V.Pu-tin và Thủ tướng U-crai-na Ti-mô-sen-cô, Nga đề nghị EU hỗ trợ U-crai-na thanh toán các khoản nợ mua khí đốt của Nga để tránh xảy ra "cuộc chiến khí đốt" mới, và câu chuyện “tiền nong” thấm đẫm màu sắc chính trị này sẽ được lãnh đạo Nga và EU thảo luận tại hội nghị lần này. Cuộc bàn thảo về chủ đề này đã được “hạ nhiệt”, bởi khi Hội nghị Nga - EU đang diễn ra tại Xtốc-khôm, thì tại thành phố du lịch Y-an-ta của Nga, Thủ tướng Nga V.Pu-tin và Thủ tướng U-crai-na Ti-mô-sen-cô đã ký hiệp định mới về khí đốt giữa hai nước. Nga đã nhân nhượng đối với U-crai-na và đồng ý để Tập đoàn “Gazprom” của Nga chịu trả mức thuế trung chuyển tăng lên 60% và giảm mức thuế đối với việc U-crai-na chưa thanh toán khối lượng khí mua của Nga năm 2009. Tuy nhiên, từ nay trở đi, U-crai-na phải mua khí đốt của Nga theo giá thị trường.
Kết thúc Hội nghị, trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và lãnh đạo EU, Bộ trưởng Phát triển khu vực của Nga Vích-to Ba-xa-gin và Cao ủy của Hội đồng châu Âu phụ trách đối ngoại Be-nít Phe-re-rô Van-đơ (Benita Ferrero Waldner) đã ký 5 thoả thuận hợp tác về biên giới, trong đó có 2 văn kiện liên quan tới cung cấp tài chính và thực hiện các chương trình hợp tác vùng biên tại Cô-la-tíc và Ca-rê-li-a; và 3 văn kiện là thoả thuận cung cấp tài chính và thực hiện chương trình hợp tác Đông - Nam Phần Lan với Nga; Lát-vi-a, E-xtô-nhi-a với Nga; Lít-va, Ba Lan với Nga. Cũng tại hội nghị lần này, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm 20-25 % khối lượng khí thải CO2 vào năm 2020.
Khởi đầu giai đoạn mới chưa rõ triển vọng
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU lần này diễn ra tại thời điểm vừa nhạy cảm, vừa mang tính quá độ. Hiện EU đã bầu ra Chủ tịch Hội đồng châu Âu - người sẽ đảm đương nhiệm kỳ 2 năm rưỡi và có vai trò chủ trì các hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu để quyết định các ưu tiên chính sách lớn của EU, cũng như đại diện cho EU tại các hội nghị quốc tế. Vì thế, đây là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo cơ chế cũ. Kể từ sau hội nghị này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ngoại trưởng EU sẽ là người đại diện chính thức cho EU chứ không phải là nguyên thủ các quốc gia trong liên minh này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong quan hệ Nga - EU sẽ mở ra trang sử mới, bởi hiện vẫn còn chưa rõ cơ cấu mới của EU sẽ hoạt động ra sao và quan hệ hai bên sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai.
Theo thể chế mới của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, mặc dù được gọi là “Tổng thống EU” nhưng trên thực tế, chỉ là người tượng trưng cho sự đoàn kết và liên minh chứ không phải là người có quyền lực thực sự quan trọng. Cuộc bỏ phiếu để bầu ra nhân vật giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu diễn ra khá phức tạp, thông qua sự ràng buộc của vô vàn lợi ích khác nhau và do đó, chỉ có thể chọn ra được chính khách nào hội tủ đủ phẩm chất “dĩ hoà vi quý”, ít có quan điểm riêng và không theo đuổi tham vọng gì lớn về chính trị. Người này phải có khả năng điều hòa và dàn xếp các quan điểm bất đồng giữa các thành viên trong EU. Chính vì thế, người vừa được các thành viên EU bầu vào cương vị “tổng thống” đầu tiên của liên minh này là Thủ tướng Bỉ Héc-man Van Pom-pây (Herman Van Pompay), một nhân vật nổi danh bởi khả năng “cân bằng các lợi ích” và đã từng có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường chính trị hết sức phức tạp và đa sắc màu tại quốc gia có nền chính trị mong manh nhất châu Âu. Cũng chính vì thế, ứng cử viên “nặng ký” như cựu Thủ tướng Anh Tô-ni Ble đã không được các thành viên tín nhiệm, bởi ông quá sắc sảo và có quá nhiều chính kiến riêng.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga - EU trong những năm gần đây diễn ra hai xu hướng. Một là, các mối quan hệ giữa Nga với các thành viên riêng lẻ của EU vẫn tiếp tục phát triển vì lợi ích song phương. Trái với các giả thuyết được lưu hành trong EU, Nga đã không lợi dụng sự chia rẽ trong EU để “kiếm chác” cho mình. Trên thực tế, từ đầu những năm 1990, EU luôn coi Nga là “mối đe dọa”, là “thách thức”, nên nhiều vấn đề hợp tác chỉ có thể giải quyết được thông qua quan hệ song phương, chứ không phải thông qua sự tương tác giữa Mát-xcơ-va với các cơ quan trung ương của EU. Hai là, trong khi các nước thành viên EU rất quan tâm tới quan hệ hợp tác và đối tác với Nga, thì EU lại là đối thủ cạnh tranh với Nga trong không gian hậu Xô-viết. Do đó, mô hình quan hệ Nga - EU sẽ vẫn như trước đây, nghĩa là Mát-xcơ-va vẫn dựa chủ yếu vào các đối tác truyền thống của họ trong liên minh này.
Hội nghị Nga - EU lần này diễn ra trong thời điểm quan hệ hai bên vừa mới được nhen nhóm lại sau những đổ vỡ do cuộc chiến tranh 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a vào đầu tháng 8-2008, và EU lại đang ở trong thời kỳ quá độ của những cải cách sau khi Hiệp ước Li-xbon được tất cả các nước thành viên chính thức phê chuẩn. Vì thế, dù hai bên có tham vọng đạt được những tiến triển mới lớn, có tính đột phá thì có lẽ hy vọng đó là quá lạc quan./.
Quốc hội thông qua 5 dự thảo luật  (23/11/2009)
Thông cáo số 27 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (23/11/2009)
Thông cáo số 26 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (22/11/2009)
Khai mạc trọng thể Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất  (22/11/2009)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên