1. Tuần làm việc thứ năm, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XII

Từ ngày 15 đến ngày 21-11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ năm. Đây là tuần làm việc khá sôi động của Kỳ họp. Quốc hội đã dành hai ngày rưỡi để chất vấn và nghe trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội đã thực hiện một số nội dung công tác quan trọng khác, như lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Báo cáo công tác năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song song với hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội cũng dành một nửa thời gian trong tuần cho công tác lập pháp. Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Trọng tài thương mại; và Luật Thuế nhà, đất.

2. Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

Chiều 16-11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kỷ niệm lần thứ 79 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2009) - tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận thống nhất là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là truyền thống quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc năm 2009 cho 50 tác phẩm báo chí. Giải A được trao cho tác giả Ngọc Tấn, Báo Gia Lai, với tác phẩm vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lôi kéo một số người dân Tây Nguyên vượt biên trái phép của một số thế lực thù địch với Việt Nam và con đường trở về Tổ quốc của người lầm lạc. Ngoài ra còn có 10 giải B, 14 giải C và 24 giải khuyến khích.

3. Việt Nam phản đối quyết định thành lập Ủy ban thôn đảo của phía Trung Quốc

Ngày 8-11-2009, Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã quyết định thành lập Ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng và Triệu Thuật. Đây chính là đảo Phú Lâm và đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 16-11-2009, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước quyết định này của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối quyết định này của phía Trung Quốc. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên. Trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Ðông và khu vực".

4. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam

Sáng 18-11, Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc Kim Hyong O và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Kim Hyong O đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; đến chào Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; gặp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Huỳnh Ðảm. Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên ghi nhận những tiến triển tích cực và hiệu quả trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời nhất trí cho rằng, quan hệ hợp tác hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hai bên đều khẳng định mong muốn, quyết tâm và trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký, tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội, cả trên phương diện song phương và đa phương, trên cơ sở phù hợp tiềm năng, thế mạnh và lợi ích của cả hai nước.

5. Vietnam Comm và Vietnam Electronics 2009, sự kiện lớn nhất về công nghệ

Triển lãm, Hội nghị truyền thông quốc tế và các sản phẩm điện tử năm 2009 (Vietnam Comm & Vietnam Electronics 2009) là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất về viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và điện tử tại Việt Nam, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21-11 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Hà Nội) trên diện tích trưng bày hơn 6.000 m2. Triển lãm thu hút sự tham gia của gần 200 đơn vị đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với triển lãm, các hội thảo chuyên đề được xem như một cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các chuyên gia, với nhiều chủ đề khác nhau.

6. Hơn 700 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2009

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 20-11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho 65 người, phó giáo sư cho 641 người. Theo Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, đợt xét năm nay có tổng số 1.167 hồ sơ, trong đó có 164 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 1.003 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Qua xét duyệt tại cơ sở, có 116 ứng viên giáo sư và 762 ứng viên phó giáo sư đạt đủ số phiếu tín nhiệm, đạt tỷ lệ chung là 75%, trong đó đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là 70,7% và phó giáo sư là 76%. Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng các nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2009. Giáo sư nhấn mạnh: Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhân dân ta, đất nước ta luôn thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với những cống hiến to lớn của lớp lớp những nhà giáo trong việc đào tạo thế hệ trẻ, vừa phát triển được tài năng, vừa xây dựng được nhân cách, nhân cách làm người, nhân cách công dân để họ có thể tiếp bước các thế hệ cha anh, làm rạng rỡ non sông ta, Tổ quốc ta.

7. Cấp trên 2.000 tấn hạt giống cho miền Trung, Tây nguyên

Ngày 20-11, Thủ tướng Chính phủ có quyết định yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) trên 2.000 tấn hạt giống các loại từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây nguyên nhằm khắc phục hậu quả thiệt hại của cơn bão số 9 và 11. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp phát 1.800 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô, 60 tấn hạt giống rau hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon tum, Đắc Lắc để khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp 20 tấn hạt giống rau hỗ trợ 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 11, gồm Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc (mỗi tỉnh 3 tấn), Gia Lai (5 tấn).

8. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất

Sáng 21-11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Ðình (Hà Nội). Dự Hội nghị có 900 kiều bào từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh, mặc dù sống xa quê hương song đại đa số bà con kiều bào vẫn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chủ tịch nước kêu gọi tất cả đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết, yêu nước, chung sức, chung lòng cùng nhau đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên trở thành một quốc gia vững mạnh trong khu vực, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Với chủ đề "Vì một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước", trong thời gian từ ngày 21 đến ngày 23-11, các đại biểu đã tập trung thảo luận bốn chuyên đề, gồm: "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài"; "Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước"; "Chuyên gia trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước"; và "Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước"./.