TCCSĐT - Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2009 do Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 19-11 có chủ đề “Đối phó với một thế giới đang biến đổi: Phụ nữ, dân số và khí hậu”.

Báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả hay khí thải các-bon công nghiệp, mà còn là vấn đề biến động dân số, nghèo và bình đẳng giới. Báo cáo đã chỉ ra mối quan hệ tương tác phức hợp giữa các yếu tố nhân khẩu học, phát triển và môi trường; đồng thời, xem xét những hình thức mà biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới kế sinh nhai, sức khỏe người dân và những triển vọng về bình đẳng giới.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Cả thế giới đang nói về tín chỉ các-bon, thương mại các-bon và mục tiêu giảm phát thải, nhưng rất hiếm khi mọi người đề cập đến những đối tượng đang thực hiện những hoạt động làm gia tăng phát thải hoặc về những con người đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Cần phải có các thảo luận về biến đổi khí hậu một cách có hệ thống và đặt con người làm trung tâm của vấn đề. Các chính sách về khí hậu nếu không tính đến yếu tố con người, đặc biệt là phụ nữ thì sẽ chẳng bao giờ giải quyết được một cách triệt để vấn đề biến đổi khí hậu cũng như không thể bảo vệ con người tránh khỏi những tác động tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra”.

Trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ của bề mặt trái đất đã tăng lên 0,74 độ C. Sự tăng nhiệt độ này tưởng như không nhiều nhưng lại liên quan tới các trận bão ngày càng gia tăng, hạn hán ngày càng trầm trọng, các dòng sông băng tan chảy và mực nước biển dân cao; tất cả các vấn đề này đều gây ảnh hưởng đến sinh mạng và cuộc sống của con người, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Khu vực Đông Nam Á, với mật độ dân cư đông đúc ở các vùng ven biển, khu vực nông nghiệp rộng lớn và nhiều người đang sống trong nghèo đói, là khu vực dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết: “Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nhiệt độ trung bình có thể tăng 2,3 độ C so với thời kỳ 1980 – 1999 và mực nước biển có thể dâng 75cm vào cuối thế kỷ 21. Theo kịch bản này, đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 76.000km2, chiếm gần 20% diện tích đồng bằng. Hậu quả của biến đổi khí hậu là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững”.

Biến đổi khí hậu có khả năng làm đảo ngược những thành quả phát triển mà chúng ta phải hết sức khó khăn mới đạt được trong nhiều thập kỷ qua, cũng như những tiến bộ nhằm đạt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Nó cũng làm cho tình trạng nghèo đói trở nên tồi tệ hơn, và làm cho cuộc sống của nhóm dân số dễ bị tổn thương và chưa được quan tâm ngày càng khó khăn.

Phụ nữ và biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu không những gây nguy hiểm tới cuộc sống và hủy hoại kế sinh nhai của con người mà còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Phụ nữ, đặc biệt là ở các nước nghèo, đã phải chịu đựng nhiều gánh nặng vì sự thay đổi của môi trường. Họ phải trông coi việc nhà cửa, chăm sóc các thành viên trong gia đình; những công việc này làm hạn chế sự thích nghi của họ và làm gia tăng mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu và thiên tai. Việt Nam có tới hơn 12 triệu nữ nông dân; việc lệ thuộc hoàn toàn vào đất đai và tài nguyên để tạo ra kế sinh nhai đã khiến những người phụ nữ dễ bị tổn thương hơn đối với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phụ nữ còn chưa được bình đẳng trong việc ra quyết định, tiếp cận các hệ thống tài chính một cách chính thống, sở hữu đất đai, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục, cũng như giáo dục và tiếp cận thông tin. Tất cả những điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc của nhân loại mà còn làm giảm khả năng phục hồi của các quốc gia trước tác động biến đổi khí hậu.

Ông Bruce Campbell kết luận: “Ở đâu mà phụ nữ được tiếp cận giáo dục, công ăn việc làm, các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình tự nguyện và các dịch vụ chăm sóc y tế, thì ở những nơi đó phụ nữ sẽ có cuộc sống gia đình khoẻ mạnh, hạnh phúc và được nâng cao năng lực nhằm ứng phó tốt hơn trước những tác động biến đổi khí hậu”. Bên cạnh đó, lợi thế của việc nâng cao học vấn cho phụ nữ sẽ tác động được đến khí hậu, vì đầu tư cho phụ nữ cũng chính là góp phần vào sự phát triển và giảm nghèo.

Dân số và biến đổi khí hậu

Tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu là sự di dân. Nhiều triệu người đang sống ở những vùng ven biển trũng có thể cần phải từ bỏ nhà cửa của họ nếu mực nước biển dâng cao theo dự đoán của hầu hết các chuyên gia về biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, các vùng ven biển trũng hiện có các khu sản xuất công nghiệp và kinh tế đều có mật độ đông dân nhất. Vì thế, mực nước biển dân cao sẽ không chỉ tác động tới hiệu quả kinh tế của đất nước, mà còn tới những cư dân từ các vùng nông thôn ra đô thị để kiếm kế sinh nhai mới và những cư dân ở các khu ổ chuột tại khu đô thị thuộc những vùng có nguy cơ dễ bị lụt có thể di dời tới các vùng nông thôn để tránh nguy hiểm.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng từ thiên tai nhiều nhất trên thế giới. Các loại hình thiên tai thường xảy ra là bão, lụt lội, sạt lở đất sau mưa và hạn hán.

Rõ ràng, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thích ứng với những thay đổi mà chúng ta đang phải đối diện hiện nay, cũng như sẵn sàng đón nhận những thay đổi mà chúng ta có thể trông đợi trong tương lai. Để thích ứng tốt, cần phải phân tích những những biến động về dân số vì chúng sẽ giúp làm sáng tỏ ai là người dễ bị tổn thương nhất, tại sao và những biện pháp can thiệp nào có thể là hiệu quả nhất cho họ. Cần phải đặt ưu tiên cho những hoạt động thích ứng, đặc biệt là đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư vào việc giảm thiểu và thích ứng, và thực hiện việc đầu tư đó dựa trên sự phân tích giới và tiếp cận sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao năng lực của người phụ nữ, hạ thấp tỷ lệ sinh, cải thiện được sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em cũng sẽ góp phần tăng tính thích nghi của chúng ta trước sự biến đổi khí hậu. Và trên hết, cần phải lồng ghép vấn đề giới và dân số vào Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu và các chính sách về khí hậu nhằm đáp ứng hiệu quả các mục tiêu đó./.