TCCS - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ quận Gò Vấp sau khi ban hành Kế hoạch 52-KH/QU, ngày 24-10-2008, đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm củng cố và phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn quận.

Kiện toàn tổ chức đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Đảng bộ khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh của quận được thành lập trên cơ sở sáp nhập các chi bộ của 7 công ty và 1 chi bộ gồm các đảng viên đang làm việc ở các công ty tư nhân trên địa bàn chưa đủ điều kiện thành lập được chi bộ, do một đồng chí Phó Ban Tổ chức Quận ủy đảm nhiệm cùng một số cán bộ chuyên trách. Mô hình đảng bộ khối là đầu mối trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các chi bộ trực thuộc. Về công tác phát triển Đảng, đối với các doanh nghiệp có chi bộ, Đảng ủy khối chỉ đạo các chi bộ theo dõi, bồi dưỡng và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định để kết nạp người vào Đảng. Đối với các doanh nghiệp chưa có chi bộ, Liên đoàn Lao động quận thông qua hoạt động của các công đoàn, trực tiếp phát hiện, giáo dục và phối hợp với đảng viên ở doanh nghiệp đó (nếu có) để bồi dưỡng kết nạp. Trong 2 năm 2007 - 2008, toàn quận đã kết nạp được 12 đảng viên. Theo kế hoạch, năm nay sẽ phát triển thêm từ 13 - 15 đảng viên trong tổng số 73 đối tượng cảm tình đảng. Nhìn chung, việc hình thành tổ chức đảng và hoạt động của chi bộ tại các doanh nghiệp đã từng bước được củng cố và phát huy được vai trò lãnh đạo các đoàn thể; góp phần nâng cao năng suất lao động, tinh thần trách nhiệm của công nhân và hầu như không có doanh nghiệp nào xảy ra tình trạng tranh chấp lao động.

Xây dựng các đoàn thể chính trị vững mạnh, chăm lo đời sống của công nhân

Hiện quận Gò Vấp xây dựng được 339 tổ chức công đoàn cơ sở với hơn 26.500 đoàn viên, chiếm 84% trong tổng số lao động toàn quận. Đến cuối năm 2008, toàn quận xây dựng được 26 cơ sở đoàn với 308 đoàn viên; 23 cơ sở hội trong các doanh nghiệp với 816 hội viên. Riêng quý I-2009, đã phát triển thêm được 2 chi đoàn với 53 đoàn viên. Một số doanh nghiệp còn xây dựng tổ chức của Hội Chữ thập đỏ (47 chi hội), Hội Cựu chiến binh (3 chi hội), v.v..

Liên đoàn lao động quận là một trong hai đơn vị của Thành phố được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc trong thực hiện chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên công đoàn của cả nước.

Tại các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đã xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành và có sự phân công cụ thể trách nhiệm của từng ủy viên; có quy chế phối hợp giữa ban chấp hành với chính quyền đồng cấp; giữa ban chấp hành với người quản lý lao động tại cơ sở để gắn trách nhiệm hai bên trong việc chăm lo đời sống mọi mặt cho người lao động. Nhờ sâu sát để nắm bắt kịp thời mọi tâm tư, tình cảm của công nhân, tổ chức công đoàn đã chủ động đề xuất với chủ doanh nghiệp giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh giữa công nhân với chủ doanh nghiệp, hạn chế đáng kể tình trạng tranh chấp lao động. Ở Công ty Huê Phong, từ chỗ thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động, sau khi Công ty bố trí 3 cán bộ công đoàn chuyên trách nên đã có sự chuyển biến tích cực. Tính chung toàn quận, nếu năm 2008, trên địa bàn đã xảy ra 11 vụ tranh chấp, thì từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 vụ với tính chất phức tạp cũng giảm đi nhiều. Việc hình thành các tổ chức công đoàn và phát huy vai trò của nó trong doanh nghiệp đã tác động tích cực đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của công nhân - người lao động, đồng thời giúp chủ doanh nghiệp xây dựng đội ngũ công nhân - người lao động có tác phong, thái độ làm việc nề nếp, hiệu quả. Tết Kỷ Sửu vừa qua, các chi bộ đều có tác động tích cực để chủ doanh nghiệp quan tâm thưởng tết cho công nhân. Nhờ đó, tiền thưởng tháng thứ 13 cho công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận thấp nhất là 724.000đ, cao nhất là 10.000.000 đồng/người. Một số doanh nghiệp còn tặng quà cho những công nhân không có điều kiện về quê ăn tết, với số tiền 1.000.000đ/người. Điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn In bao bì Khang Thái (giám đốc là đảng viên) đã thưởng lương tháng 14 cho công nhân, với mức cao nhất là 5.000.000 đồng, thấp nhất là 500.000 đồng/người. Nhận rõ những lợi ích này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động xin thành lập công đoàn cơ sở.

Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên, Quận đoàn đã chú trọng xây dựng nòng cốt chính trị trong khu vực công nhân - người lao động, nhất là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có đông công nhân và các doanh nghiệp thường xảy ra tranh chấp lao động. Quận đoàn chỉ đạo các tổ chức đoàn, hội thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống, trước hết là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm lo sức khỏe; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tham quan nghỉ mát, thi đấu thể thao, tặng quà trong dịp lễ tết, hỗ trợ báo chí và văn hóa phẩm... cho đoàn viên, thanh niên trong các doanh nghiệp. Mới đây, Quận đoàn đã đề xuất với Thành đoàn cấp 300 phiếu khám bệnh, chụp X-quang, đo điện tim (450.000đ/phiếu) cho thanh niên công nhân tại các công ty Sapuwa, Gỗ Đức Thành, công ty Phương Nam, v.v..

Một số kinh nghiệm

Từ thực tiễn xây dựng, tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở quận Gò Vấp thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, khi chủ doanh nghiệp và người lao động ý thức rõ vai trò, chức năng của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các tổ chức này sẽ có điều kiện ra đời, từ đó sẽ có phương pháp xây dựng, tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo hợp lý. Theo đó, ở đâu có tổ chức đảng và đoàn thể tại doanh nghiệp, thì ở đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất - kinh doanh và chăm lo đời sống của công nhân và người lao động được thực hiện tốt hơn các doanh nghiệp khác.

Thứ hai, với mục đích cao nhất là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, các tổ chức đảng và đoàn thể chính trị tại doanh nghiệp sẽ có sự đóng góp thiết thực trong việc ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như có sự tác động tích cực trong việc định hướng, giáo dục tác phong lao động, lề lối sinh hoạt cho công nhân.

Thứ ba, các biện pháp và hoạt động chăm lo cho công nhân và người lao động phải hướng tới thực chất, thực sự phục vụ cho công nhân, thay vì nặng về hình thức, chạy theo phong trào. Mọi chủ trương, phong trào nếu xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của công nhân, người lao động và doanh nghiệp đều nhận được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, việc xây dựng tổ chức và các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp càng có điều kiện phát triển, nhờ đó lợi ích của các bên càng có cơ hội phát huy.

Thứ tư, trên cơ sở nắm chắc tình hình, đặc điểm của từng doanh nghiệp mà có các biện pháp tác động và phương pháp phù hợp trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần tìm hiểu đặc điểm tâm lý, văn hóa của chủ doanh nghiệp để có cách ứng xử phù hợp, từ đó tranh thủ được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp trong việc hình thành các tổ chức chính trị tại doanh nghiệp./.