Chuyến đi nhiều thách thức

21:37, ngày 18-11-2009

TCCSĐT - Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu nước Mỹ lại chọn Nhật Bản làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 quốc gia châu Á (Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Quốc và Hàn Quốc). Sau tuyên bố của tân chính phủ Nhật Bản về việc sẽ giảm bớt quan hệ thân thiết với Mỹ để ưu tiên phát triển quan hệ với châu Á, Mỹ không muốn đánh mất một đồng minh được mệnh danh là “tầu sân bay không thể đánh chìm”.

Một đồng minh trụ cột của Mỹ ở châu Á và thế giới

Mặc dù quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, Ấn Độ và những rắc rối đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều tiên (CHDCND) có xu hướng chiếm phần quan trọng, nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn tiếp tục ưu tiên cho các đồng minh châu Á, trong đó có Nhật Bản.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ đặc biệt nhấn mạnh quan hệ với Nhật Bản. Quan hệ giữa ông G. Bu-sơ và cựu Thủ tướng Nhật Bản G. Côi-dư-mi là thân thiết nhất trong các mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ với các nhà lãnh đạo đồng minh này từ trước tới nay. Kể từ khi ông G. Côi-dư-mi hết nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản liên tục có các thủ tướng uy tín không cao.

Bất chấp điều đó, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với những thành tựu lớn về công nghệ. Các nhà lãnh đạo Mỹ dựa vào Nhật Bản trong các vấn đề giải quyết khủng hoảng kinh tế, kiểm soát chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và các vấn đề an ninh khác, đồng thời kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Còn Nhật Bản đã thể hiện thiện chí mạnh mẽ trong việc chia sẻ kinh nghiệm với Mỹ trong các vấn đề về thay đổi khí hậu.

Sau khi giành thắng lợi mang tính lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Ba-rắc Ô-ba-ma bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ liên minh với Nhật Bản và mong sự hợp tác của Nhật Bản với tư cách là một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng nhất định đối với nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích tại Nhật Bản tỏ ra nghi ngờ rằng, có thể có những thay đổi trong quan hệ hai nước, bởi quan điểm của ông B. Ô-ba-ma có nhiều điểm mới so với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống G. Bu-sơ.

Về phía Nhật Bản, mặc dù quan hệ Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục là một trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, nhưng các nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể thấy chiến lược của Mỹ thời gian tới không còn phù hợp một cách tự nhiên đối với những lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Do đó, trong khi hợp tác với Mỹ, Nhật Bản không thể duy trì quan điểm liên minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao trước cộng đồng quốc tế đang có xu hướng tiến tới thời đại của quan hệ đa phương.

Sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản

Nhật Bản từng là đồng minh thân thiết của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ dưới sự cầm quyền liên tục của LDP. Tuy nhiên, sau sự thất bại của đảng này, đã có ý kiến cho rằng bang giao Mỹ - Nhật có thể thay đổi.

Thắng lợi của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chấm dứt hơn nửa thế kỷ gần như liên tục cầm quyền của LDP, cũng dẫn tới điều chỉnh cách tiếp cận mới về chính sách đối ngoại để thích ứng với cục diện mới ở châu Á, mà Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế, chính trị, an ninh. Nhưng việc triển khai cụ thể tác động như thế nào đến các điều chỉnh chính sách trong quan hệ Nhật - Mỹ, Nhật - Trung, Nhật - châu Á thì vẫn trải qua quá trình cọ xát đối nội và đối ngoại khá gay gắt mà chỉ thời gian mới cho biết kết quả đích thực.

Vì sao Nhật Bản muốn giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ? Nhật Bản đang sống trong môi trường nơi các nước Đông - Bắc Á bao quanh, trong đó Trung Quốc, Nga đều có vũ khí hạt nhân. Điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ “hạt nhân hóa”. Trước mắt, Nhật Bản vẫn phải dựa vào quan hệ an ninh Nhật - Mỹ do Hiến pháp và Hiệp ước quy định, nhưng cần có nội dung hợp tác mới không chỉ với Mỹ mà với cả các quốc gia hạt nhân khác trong vùng.

Tuyên bố của tân chính phủ Nhật Bản về việc sẽ giảm bớt quan hệ thân thiết với đồng minh Mỹ để ưu tiên phát triển quan hệ với châu Á đang vấp phải phản ứng của Oa-sinh-tơn. Mỹ chắc chắn sẽ không muốn mất một nền tảng trong chiến lược Đông Á của mình. Dường như chính sách đối ngoại của Nhật Bản đang ở thời điểm bước ngoặt khi ông Y. Ha-tô-y-a-ma thuộc DPJ lên cầm quyền, sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 8-2009. Theo cương lĩnh của DPJ được thể hiện rõ trong chiến dịch tranh cử, đảng cầm quyền mới có thể sẽ ít coi trọng quan hệ liên minh Mỹ - Nhật hơn và tích cực tìm kiếm một vai trò độc lập cho Nhật Bản trên trường quốc tế. Nói cách khác, DPJ muốn giảm sự thống trị của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Bầu không khí lạnh lẽo

Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma, Mỹ vẫn cố gắng gây sức ép với Nhật Bản, điển hình là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Ghết, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 10, từng tuyên bố có thể sẽ không rút 8 nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Ô-ki-na-oa tới đảo Gu-am như đã thỏa thuận. Nhưng có thể Mỹ sẽ phải chấp nhận một mối quan hệ không còn “mặn nồng” với Nhật Bản, khi mà đông đảo người dân đất nước Mặt trời mọc kiên định thái độ phản đối của họ.

Mối quan hệ đồng minh vốn khăng khít từ trước đến nay giữa Mỹ và Nhật đang đứng trước nguy cơ rạn nứt thêm khi Oa-sinh-tơn gia tăng sức ép buộc Tô-ky-ô phải gánh vác phần chi phí lớn hơn trong việc cung cấp nước và quân dụng cho các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản. Nhật Bản phản đối yêu cầu trên.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cho rằng, việc này có thể gây rạn nứt quan hệ Mỹ - Nhật, nhất là vào thời điểm Tô-ky-ô chuẩn bị thông qua quyết định tạm ngừng hỗ trợ cho tàu thủy của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương.

Nhật Bản hiện muốn giảm cái gọi là “ngân sách đồng cảm” phải chi mỗi năm theo các thỏa thuận song phương, nhằm hỗ trợ gần 50.000 lính Mỹ đóng tại nước này. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2008, Nhật Bản chi 217,3 tỉ yên (1,86 tỉ USD) cho ngân sách trên.

Hiện nay, vấn đề hoạch định lại mối quan hệ đồng minh chiến lược, đặc biệt là về quân sự với Mỹ đang gây nhiều bức xúc cho người dân Nhật Bản. Ngày 7-11, hàng chục nghìn người dân Ô-ki-na-oa đã xuống đường biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực này - thêm một diễn biến không mấy tốt lành trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma.

Nhìn nhận một cách khách quan, kể từ khi lên nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma dù tuyên bố sẽ xây dựng quan hệ “bình đẳng và cân bằng” với Mỹ, nhưng cũng đã cố gắng né tránh những rạn nứt quá đột ngột trong mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, không thể nào tránh được những va chạm khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành xem xét lại một loạt các thỏa thuận hợp tác ký với Mỹ, càng không thể tránh những căng thẳng một khi người dân Nhật Bản cảm thấy căm phẫn trước những rắc rối mà các căn cứ quân sự của Mỹ gây ra, như ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra tai nạn và các hành vi vô đạo đức của quân nhân Mỹ... Chính vì vậy, hầu hết người dân Nhật Bản mong muốn không còn thấy bóng dáng lính Mỹ trên lãnh thổ đất nước họ và không chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp nào của Chính phủ.

Vụ biểu tình ngày 7-11 là diễn biến không thuận mới nhất liên quan đến quan hệ Mỹ - Nhật Bản. Trước đó, đã xảy ra những va chạm ngoại giao giữa hai bên, dù nhỏ nhưng cũng đáng chú ý. Đó là việc Ngoại trưởng Nhật Bản phải hủy bỏ chuyến thăm Mỹ, với mục đích trao đổi quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề căn cứ Futenma. Lý do chính là Mỹ không hào hứng thảo luận về chủ đề gai góc này.

Tình hình trở nên rất khó xử đối với chính phủ của Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma: làm sao xử lý thỏa đáng nguyện vọng của người dân, thực hiện đúng cam kết nhưng lại phải tránh làm tan vỡ mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Chính vấn đề này đang làm suy giảm uy tín của Chính phủ Nhật Bản. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản vừa phải đưa ra một tuyên bố trấn an dư luận rằng, sẽ không có thỏa thuận nào về căn cứ Futenma được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Không có thỏa thuận chiến lược cụ thể

Cuối cùng, chậm một ngày so với dự kiến, chiều 13-11, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tới thủ đô Tô-ky-ô, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Nhìn vào nghị trình bàn thảo với đối tác, có thể thấy đây là chuyến thăm nhằm hâm nóng quan hệ đồng minh truyền thống hơn là mang tính chiến lược.

Trong hai ngày ở thăm Nhật Bản, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Y. Ha-tô-y-a-ma.

Theo các hãng thông tấn báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Y. Ha-tô-y-a-ma và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 50 năm ngày sửa đổi Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ vào năm 2010.

Trong cuộc gặp ở thủ đô Tô-ky-ô, Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma và Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thảo luận về quan hệ đồng minh giữa hai nước cũng như sự hợp tác giữa hai nước để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma đã giải thích với Tổng thống B. Ô-ba-ma về kế hoạch cung cấp gói viện trợ trị giá 5 tỉ USD của Chính phủ Nhật Bản cho Áp-ga-ni-xtan.

Xung quanh vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở đảo Ô-ki-na-oa, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã bày tỏ hy vọng hai nước sẽ sớm kết thúc vấn đề này thông qua các cuộc họp của nhóm công tác cấp bộ trưởng.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhắc lại tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hai bên cùng kêu gọi Triều Tiên lập tức quay trở lại vòng đàm phán sáu bên vô điều kiện.

Về vấn đề hạt nhân của I-ran, hai bên nhấn mạnh, I-ran có trách nhiệm khôi phục lại niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma và Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tái khẳng định mong muốn cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng từ nay đến năm 2050, cam kết cùng hỗ trợ các nước nghèo và các nước chịu tổn thương nhiều nhất trong việc đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Trong "Thông điệp chung cho các cuộc thương lượng về vấn đề biến đổi khí hậu" được ban hành sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở thủ đô Tô-ky-ô, hai bên đã nhất trí rằng, "việc chúng ta đạt được kết quả thành công" tại hội nghị về biến đổi khí hậu sắp tới của Liên hợp quốc ở Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) vào trung tuần tháng 12 là hết sức quan trọng.

Trong thông điệp này, hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định việc chuyển sang mô hình tăng trưởng với lượng khí thải thấp là tuyệt đối cần thiết cho "sức khỏe" của hành tinh và sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Theo kế hoạch hành động mới, hai bên đã quyết định thành lập tổ công tác để đánh giá các dự án hợp tác hiện nay về việc xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh và phát triển năng lượng sạch khác ở Ô-ki-na-oa của Nhật Bản và đảo Ha-oai của Mỹ. Tổ công tác này sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 1-2010.

Chỉ là khoa trương

Tại Tô-ky-ô, sáng 14-11, Tổng thống Mỹ đã có bài diễn văn quan trọng về chính sách đối với châu Á của Mỹ, trong đó nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ này thông qua mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ với Nhật Bản.

Về quan hệ Nhật - Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh giữa hai nước và bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ đồng minh “bình đẳng”, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày hai nước ký Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ.

Ông B. Ô-ba-ma khẳng định, Oa-sinh-tơn coi quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản là “nền tảng” cho an ninh và thịnh vượng của hai nước, đồng thời nhấn mạnh không thay đổi những cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản.

Đối với Trung Quốc, Tổng thống B. Ô-ba-ma đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong hợp tác khu vực, đồng thời muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Bình luận về phát biểu này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, nói: “Chúng tôi hoan nghênh Mỹ đang thể hiện một cách tiếp cận mang tính xây dựng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước mang lại lợi ích không chỉ cho người dân hai nước mà còn cho hòa bình và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới”. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho rằng, ông B. Ô-ba-ma tới châu Á không phải để khơi lại mối bất hòa mà để chỉ rõ rằng các nước trong khu vực có chung một số giá trị cơ bản.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, ông B. Ô-ba-ma đã xử lý vấn đề nhạy cảm này một cách khéo léo. T. Oa-ta-na-bê, chuyên gia cấp cao Hiệp hội Tô-ky-ô, nói: “Tổng thống B. Ô-ba-ma đã khẳng định rằng Mỹ là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Nếu ông B. Ô-ba-ma đề cập quá nhiều về Trung Quốc, một số người Nhật Bản sẽ cảm thấy rằng ông quá chú trọng vào Trung Quốc”

Ngoài ra, bài diễn văn của ông B. Ô-ba-ma còn đề cập đến CHDCND Triều Tiên với giọng điệu khá gay gắt nhưng có xu hướng hòa giải.

Tuy nhiên, điều khiến một số người ngạc nhiên là ông B. Ô-ba-ma không đả động gì đến Ấn Độ. Theo Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính sách công cộng tại Cu-a-la Lăm-pơ, Na-va-rát-nam, đây là một thiếu sót. Tuy nhiên, Na-va-rát-nam cho rằng, qua bài phát biểu này, ông B. Ô-ba-ma đang có sự chuyển hướng khác so với chính quyền tiền nhiệm, trở nên can dự hơn vào châu Á.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tạo ra nhiều thiện chí và khẳng định liên minh giữa hai nước, nhưng vẫn thiếu các thỏa thuận cụ thể và không có tính đột phá, chủ yếu mang tính khoa trương trong bối cảnh Chính phủ của DPJ cầm quyền đang cố gắng tạo dựng một mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ./.