Tại Hội nghị Thượng đỉnh về lương thực ở Rome, Việt Nam là một trong 6 quốc gia được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ca ngợi là đã đạt được nhiều thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống lại đói nghèo.

Theo báo cáo của FAO tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về lương thực, Trung Quốc, Bra-xin, Ni-giê-ri-a, Thái Lan, Mỹ, Georgia, Việt Nam và Pê-ru là 6 quốc gia đã đạt được mục tiêu giảm bớt tỷ lệ người bị đói xuống 50% tới năm 2015.

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf hoan nghênh thành tựu của các nước nói trên và cho rằng, đó là kết quả đạt được từ những cam kết và nỗ lực to lớn của các nước cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Ông Jacques Diouf nhấn mạnh, cuộc chiến chống lại vấn nạn thiếu lương thực có thể đạt được kết quả khả quan thông qua các nhân tố như môi trường kinh tế thuận lợi, đầu tư có mục đích và kế hoạch thực tế cho tương lai.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù có những tiến bộ kể trên, khi đang phải nỗ lực chống lại vấn đề thiếu lương thực trong nước, các quốc gia này vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, trong đó có vấn đề xung đột với các quy định thương mại toàn cầu.

Hiện nay đang có một nghịch lý, đó là, một mặt, FAO kêu gọi bảo vệ thị trường và tăng viện trợ giúp các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ tại các quốc gia đang phát triển. Nhưng mặt khác, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại ủng hộ cạnh tranh và mở cửa thị trường. Ông Mazal, đại diện của tổ chức phi chính phủ CCFD-Terre cho rằng, không nên để tình trạng này tái diễn.

Giám đốc Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) khuyến nghị, cần phải tiếp tục tìm biện pháp giúp các quốc gia đang phát triển tự thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực. Theo ông, trong trận chiến chống đói nghèo, không nên đặt quá nhiều trọng tâm vào các quốc gia phát triển mà nên chú trọng hơn vào biện pháp giúp các nước đang phát triển./.