Mừng, nhưng chưa hết… lo
TCCSĐT - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các cơ quan hữu quan Việt Nam vừa công bố kết quả về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013. Theo đó, có địa phương thăng hạng mạnh vài chục lần như Trà Vinh (từ 60 lên 26), Khánh Hòa (từ 63 lên 34), Bình Thuận (từ 49 lên 20)... hay giảm mạnh như Hà Nam (từ 11 xuống 49), Bình Phước (từ 22 xuống 59), Lâm Đồng (từ 26 xuống 50)...; Bắc Giang đứng cuối cùng, trong khi đó, Quảng Bình được xếp đầu. Vậy nguyên nhân nào có hiện tượng này?
Đây là năm thứ ba liên tiếp PAPI được thực hiện trên toàn quốc. Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở đánh giá sự hài lòng của người dân về 6 chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Từ khi có thông báo PAPI, đến nay đã có hơn 22 tỉnh/thành phố ban hành văn bản chỉ đạo hoặc có những hành động cụ thể để cải thiện chỉ số PAPI. Như vậy, PAPI đã góp phần không nhỏ trong mục tiêu cải cách hành chính ở nước ta. Đó là điều rất đáng mừng.
Thủ tục hành chính là nhằm phục vụ người dân, giúp chính quyền quản lý, điều hành xã hội thống nhất, chặt chẽ, đúng định hướng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển xã hội bền vững. Mục đích này phụ thuộc rất lớn vào tính minh bạch của thủ tục; trình độ, năng lực chuyên môn, phương pháp, tác phong, thái độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Trước đây, khi cải cách thủ tục hành chính chưa được thực hiện quyết liệt, các hiện tượng hành dân, lợi dụng thủ tục hành chính để hưởng lợi xảy ra không phải là hiếm. Có chuyên gia quốc tế đã cảnh báo, mỗi một năm, sự yếu kém trong nền hành chính của Việt Nam làm thất thoát một lượng tiền khá lớn của doanh nghiệp và người dân, đấy là chưa nói đến sự suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền thì không thể đo đếm.
Quảng Bình được xếp đầu trong danh sách PAPI là do tỉnh này đã có hàng loạt các biện pháp cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực. Vào năm 2012, các bộ quy định về thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương của Quảng Bình được hoàn thiện và đưa công khai trên trang tin điện tử. Quảng Bình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 811 thủ tục hành chính; nâng tổng số thủ tục, dịch vụ công hành chính trực tuyến toàn tỉnh lên 2.399 thủ tục. Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại lên 7/7 huyện; phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông tại Ủy ban nhân dân xã Bảo Ninh và Ủy ban nhân dân phường Bắc Lý thuộc thành phố Đồng Hới. Hiện Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được nâng cấp thêm trang thiết bị hiện đại, giúp thông tin được cập nhật và khai thác kịp thời, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, Quảng Bình còn rất chú trọng trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Còn nhớ, vào sáng 14-3-2013, đồng chí Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cùng Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Sơn và một cán bộ thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất tại 7 quán cà phê ở thành phố Đồng Hới trong một giờ đồng hồ đã bắt gặp khoảng 15 cán bộ, công chức của một số sở, ngành. Những chấn chỉnh kịp thời của Quảng Bình đã nhận được sự hài lòng thực sự của người dân địa phương.
Nếu như năm 2012, thành phố Đà Nẵng chỉ được PAPI xếp thứ mười một, thì năm 2013, Đà Nẵng đã vươn lên vị trí thứ hai. Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực cao của Đà Nẵng. Năm 2012, địa phương này đã tập trung tăng cường tính công khai, minh bạch các nội dung theo Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng một cơ chế tuyển dụng công chức vào bộ máy nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, khoa học và thực tài; rà soát và đơn giản hóa công tác cải cách các thủ tục hành chính, thay đổi phương thức tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân theo hướng công khai, minh bạch và nâng dần chất lượng phục vụ… Đáng nói là, Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp mạnh trong chấn chỉnh những việc làm sai trái của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền thông qua Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 06-11-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới, trong đó có nội dung: “5 xây” (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu) và “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh thành tích).
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực này lại cảnh báo, chớ mừng với kết quả mà PAPI đã công bố, vì thực chất, tỷ lệ chỉ số tín nhiệm của người dân năm 2013 mới chỉ tăng 5% so với năm 2012. Tỷ lệ này còn quá thấp so với tốc độ phát triển xã hội và mong muốn của người dân. Bởi thực tế là, trong bảng xếp hạng của PAPI, có một số địa phương bị tụt thứ bậc so với năm trước. Lý do đơn giản là người dân chưa hài lòng về hoạt động của bộ máy công quyền, cho dù đã có những cố gắng minh bạch hóa các thủ tục hành chính thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Cảnh báo này cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính của ta còn chậm, người dân sẽ còn lo lắng với cách làm việc, cách phục vụ mang tính “quan không cần, dân không vội” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, nhân viên ở các địa phương.
Bộ máy hành chính của một địa phương là tổng thể những “máy con”, bao gồm con người và các tổ chức cụ thể. Để bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả thì trước tiên những “máy con” ấy phải tốt, làm việc theo một chu trình lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi tổ chức đảng, người đứng đầu thực sự quyết liệt trong tìm ra các giải pháp chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong thực hiện dân chủ. Người xưa thường nói “Nhiều vãi thì không ai khép cửa chùa”. Một khi cửa chùa đã mở thì ắt sẽ mất cắp, mất trộm. PAPI giống như “cây gậy” chỉ huy, giúp người đứng đầu có điều kiện đốc thúc các “vãi” thực thi công vụ hiệu quả hơn. Tin rằng, cách làm quyết liệt của Quảng Bình, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy các địa phương khác trong cả nước cùng quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính. Nếu làm được như vậy, chắc chắn thời gian tới, chỉ số hài lòng của người dân với các cơ quan công quyền sẽ được nâng cao hơn nữa./.
Kỷ lục của chiến sỹ xe thồ trong đoàn quân “ngựa sắt"  (21/04/2014)
Triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam"  (21/04/2014)
Bế mạc Festival Huế 2014: hấp dẫn và đầy màu sắc  (21/04/2014)
Bộ trưởng Bộ Y tế: 4 nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng  (21/04/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-4-2014  (21/04/2014)
Gia hạn thêm 5 năm đăng ký giữ quốc tịch cho kiều bào  (21/04/2014)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên