TCCSĐT - Ngày 17-4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã họp phiên thứ nhất nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đây là sự kiện cải cách hành chính nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ phải biết xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép,…

Phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân thấy nói nhiều về cải cách hành chính rồi nhưng nền hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết, vì thế cần phải tập trung làm thật tốt để nền công vụ phục vụ dân tốt hơn. Hiện nay đã có mô hình trung tâm hành chính dịch vụ công, rất nhanh gọn, thuận lợi, minh bạch. Cùng với đó, các ngành, các địa phương cũng phải làm tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Phải dần dần bỏ tình trạng người dân phải xếp hàng mỏi mệt để đăng ký xe, đổi bằng lái...

Phó Thủ tướng yêu cầu từng ngành, địa phương, đơn vị phải có kế hoạch cải cách hành chính, trong đó, vấn đề con người là quan trọng nhất, dù có cải cách đến mấy mà không có con người đủ phẩm chất, năng lực thì cải cách khó thành công. “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân: “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; cải tiến cách thi đầu vào, nhân rộng việc thí điểm tuyển chức danh lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phấn đấu để đây không phải là nơi tiếp nhận đơn thư đơn thuần mà là nơi hướng dẫn cho dân, tiến tới là nơi một cửa thẩm định, một cửa phê duyệt các thủ tục cho dân. Phải quyết tâm cải cách hành chính, không ngại va chạm. Ví dụ ra đời một trung tâm dịch vụ hành chính sẽ “va chạm” với lợi ích các sở, các bộ phận, nhưng vì mục tiêu cải cách nền hành chính để tạo thuận lợi cho dân nên phải quyết tâm làm.

Phó Thủ tướng cho rằng người đứng đầu các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm nếu cải cách hành chính không thành công.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Cải cách hành chính không được ngại va chạm

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, các bộ, ngành cần tập trung mô tả, đánh giá từng vị trí việc làm, cái nào hợp lý thì giữ, cái nào không hợp lý thì bỏ.

“Từ nay đến năm 2016 không tăng biên chế, nhưng thực tế là không có bộ, ngành, địa phương nào không đề nghị tăng biên chế. Nguyên tắc là nghỉ 10 người thì chỉ tuyển 5, 5 còn lại để dự phòng bố trí cho các bộ phận mới thành lập. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cần thực chất. Chính phủ sẽ có nghị định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.

Cần quan tâm hơn đến việc thực hiện chỉ số cải cách thủ tục hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn đến việc thực hiện chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Đây là vấn đề nhạy cảm, nên Bộ Nội vụ đã thực hiện trao đổi thông tin theo phương thức “hai lên, ba xuống” với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, “hai qua, ba lại” với các bộ, cơ quan ngang bộ để đi đến thống nhất quan điểm. Sau đó, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện bản Báo cáo Chỉ số Cải cách hành chính hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo tại phiên họp thường kỳ hằng tháng của Chính phủ trước khi công bố chính thức.

Báo cáo Chỉ số Cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2013 sẽ được công bố trong quý II-2014.

Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 203/QĐ-BXD về kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 của Bộ.

Mục đích của kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả, chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ Xây dựng yêu cầu công tác kiểm soát thủ tục hành chính phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, đảm bảo đúng thời gian quy định. Phải xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, gắn công tác kiểm soát thủ tục hành chính với việc thi đua khen thưởng, xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích hoặc có hành vi tiêu cực trong quá trình kiểm soát thủ tục hành chính.

Áp dụng chỉ số hài lòng với dịch vụ giáo dục công

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong quý 3-2014 sẽ công bố chỉ số hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục. Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công năm 2014 sẽ được xác định trên cơ sở tổ chức điều tra xã hội học đối với các đối tượng tham gia dịch vụ giáo dục công của các cấp học, trình độ đào tạo. Việc điều tra xã hội học bắt đầu từ tháng 5-2014.

Bộ nêu rõ, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công là một trong những căn cứ để các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, đào tạo tăng cường biện pháp nhằm cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công về giáo dục.

Bình Dương cần rà soát lại chương trình cải cách hành chính

Chiều 14-4, thăm Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương và làm việc với việc lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về công tác phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính,… Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính với trung tâm hành chính mở, triển khai hải quan điện tử với hệ thống một cửa hiện đại cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng thu hút đầu tư...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của Bình Dương và yêu cầu tỉnh phải rà soát lại chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách công chức, công vụ, thể chế, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.

Yên Bái: Cải cách thủ tục hành chính quản lý thuế

Vượt qua những khó khăn của một tỉnh nghèo, nguồn thu ít, những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các quy trình quản lý thuế mới, Cục Thuế Yên Bái đã xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp hàng đầu để nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Năm 2007, khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, Cục Thuế đã chỉ đạo thực hiện tốt lộ trình cải cách hành chính thuế đồng bộ. Theo đó, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trong việc cấp đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế được triển khai vận hành, đảm bảo đơn giản, thuận tiện, không gây phiền hà cho người nộp thuế.

Cục Thuế Yên Bái tiến hành công khai hoá các quy định về thủ tục hành chính thuế tại nơi giải quyết công việc và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trang thông tin điện tử Cục Thuế đã cập nhật nhanh, kịp thời chính sách thuế mới, chế độ miễn, giãn, giảm, hoàn thuế, các quy trình quản lý, thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chức thuế và người nộp thuế tra cứu thông tin.

Cục Thuế Yên Bái đã triển khai 39 ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, quản lý nội bộ ngành để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính. Việc ứng dụng tin học hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế theo công nghệ mã vạch 2 chiều từ năm 2008 đã giúp cho doanh nghiệp tránh được sai sót khi lập và nộp tờ khai thuế, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế.

Đến năm 2013, Cục Thuế đã triển khai cho hơn 400 doanh nghiệp khai thuế qua mạng, triển khai hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008; đồng thời tiến hành phân cấp nguồn thu và chuyển các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ cho các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố quản lý để kiện toàn lại bộ máy tổ chức ở Văn phòng Cục Thuế.

Không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí quản lý, nỗ lực cải cách của ngành Thuế Yên Bái thời gian qua đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao./.