Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TCCS - Với phương châm “đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới - phát triển”, ngày 14-10-2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội còn có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy vên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ và 349 đại biểu đại diện cho hơn 48.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống, chung sức, đồng lòng, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các nguồn lực của tỉnh, tận dụng mọi thời cơ để vừa phục hồi, vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế. Qua đó, đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của vùng và của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận rằng, những kết quả trong nhiệm kỳ qua có một số điểm chưa đạt được như mong muốn và những mặt tồn tại, hạn chế nhất định. Nhưng thành quả đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đã giúp Bình Dương rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, đây sẽ là hành trang vững chắc để tiếp tục bước vào một nhiệm kỳ mới với niềm tin và khát vọng cao hơn. Với phương châm “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới - phát triển”, đồng chí Trần Văn Nam mong muốn các đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, thực hiện tốt nội dung, chương trình Đại hội đã đề ra.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với đảng, chính quyền; xây dựng tỉnh Bình Dương thành trung tâm công nghiệp phát triển, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” đã nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hầu hết (16/18) chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.
Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,35%/năm (Nghị quyết là 8,3%/năm). Cơ cấu kinh tế (GRDP) năm 2020 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 66,53% - 22,78% - 2,51% - 8,18% (Nghị quyết là 63,2% - 26% - 3% - 7,8%). GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020 (Nghị quyết là 142,6 triệu đồng). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trung bình 9,64%/năm (Nghị quyết là 8,7%/năm). Thu ngân sách tăng 11,2%/năm (Nghị quyết là 8,9%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2020 chiếm 35% GRDP (Nghị quyết là 35%). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82% (Nghị quyết là 82%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 11,51 tỷ USD (Nghị quyết là 7 tỷ USD).
Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị có những chuyển biến khá rõ nét. Công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các chiến lược hướng tới xây dựng thành phố thông minh được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và bước đầu đạt một số hiệu quả. Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiềm lực và khả năng cạnh tranh, thương hiệu của tỉnh được nâng lên rõ rệt, đưa Bình Dương thành tỉnh thuộc nhóm các tỉnh, thành phát triển dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới của cả nước.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Các chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, nhất là trên các địa bàn, khu vực trọng điểm; luôn kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế, xã hội trong mọi tình huống; chủ động nắm chắc, dự báo sát tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, tiếp tục đưa các mối quan hệ, hợp tác khu vực, quốc tế đi vào chiều sâu, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng. Dân chủ trong Đảng tiếp tục được mở rộng; công tác tự phê bình và phê bình có nhiều chuyển biến tích cực. Có nhiều đổi mới trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Chính sách đối với cán bộ được thực hiện tốt. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chỉ đạo thực hiện nghiêm. Công tác bảo vệ nền tảng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được triển khai nghiêm và hiệu quả theo hướng từng bước tinh gọn, giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế. Hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Nhiệm vụ cải cách tư pháp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đạt hiệu quả tốt. Việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Bình Dương xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Theo đó, tỉnh thực hiện các đột phá chiến lược là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Sau khi điểm lại những thành tựu nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu tham dự tại Đại hội tập trung thảo luận kỹ những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng; làm rõ nét hơn về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đã gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Bình Dương cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025:
Thứ nhất, nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa; khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Bình Dương và đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.
Thứ ba, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ của tỉnh ngày càng vững chắc. Nâng cao năng lực dự báo, tham mưu; phát huy tốt vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự, công an trong xây dựng nền quốc phòng tòan dân, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Thứ tư, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Thứ năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI. Vì vậy, các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, vì lợi ích của dân, của Đảng, vì sự phát triển của tỉnh và đất nước; lựa chọn cho được những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật cao; thật sự tiên phong, gương mẫu, tận tụy và có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 49 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Nam tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hai đồng chí Nguyễn Hoàng Thao và Võ Văn Minh được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới gồm 11 đồng chí; đồng chí Phạm Văn Chánh được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy./.
Tây Ninh: Tiếp tục bứt phá phát triển, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước  (13/10/2020)
Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: Tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, phát triển Hà Nội nhanh và bền vững hơn  (12/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam