TCCS - 50 năm sau ngày tỉnh Bình Phước được giải phóng (23-3-1975), nhất là từ khi tái lập (1-1-1997) đến nay, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng xây dựng quê hương đạt nhiều kết quả quan trọng. Bước vào kỷ nguyên mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, “điểm đến hấp dẫn” trong vùng Đông Nam Bộ. 

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Phước Long, tỉnh Bình Phước_Nguồn: vov.vn

Diện mạo quê hương sau 50 năm 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu “mốc son chói lọi” trong lịch sử dân tộc, khép lại hành trình kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta trong kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975). Hành trình của cả nước, có sự đóng góp của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước; đặc biệt Chiến thắng Phước Long (ngày 6-1-1975) là đòn trinh sát chiến lược, tiền đề cho Bộ Chính trị, Trung ương sớm hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau nửa thế kỷ, nhất là từ khi tái lập đến nay, tỉnh Bình Phước đã thật sự “thay da, đổi thịt”, tạo nền tảng vững chắc, làm cơ sở để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Kinh tế phát triển vượt bậc, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Từ xuất phát điểm thấp, nông nghiệp kém phát triển, chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước tăng gấp 92 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 9,32%,/năm, cao nhất vùng Đông Nam Bộ, đứng thứ 11 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 108,4 triệu đồng; thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đạt 5.271 triệu USD; hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ; tốc độ đô thị hóa đạt hơn 41%. Đặc biệt, Bình Phước nằm trong nhóm các địa phương thu ngân sách nội địa trên 10 nghìn tỷ đồng; riêng năm 2022 lần đầu tiên đạt 14,5 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2024, tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lần lượt chiếm 22,08%, 44,36%, 30% cơ cấu kinh tế. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là trụ cột kinh tế quan trọng với các nông sản chủ lực như điều, hồ tiêu, cao su, cà phê; công nghiệp trở thành “điểm sáng”, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp chế biến. 

Hạ tầng giao thông phát triển, lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân thuận tiện. Những năm đầu sau tái lập, tỉnh đã quy hoạch và xác định hạ tầng giao thông là cơ sở, tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đến nay, mạng lưới giao thông của tỉnh phát triển rộng khắp, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Toàn tỉnh có hơn 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài 9.110km, trong đó, hệ thống quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã được nhựa hóa 100%. Dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và Dự án Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh đang được triển khai quyết liệt. 

Lĩnh vực chuyển đổi số có nhiều điểm sáng. Tỉnh đã triển khai lắp đặt 75 trạm thu phát sóng mạng di động 5G tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp; phủ sóng mạng di động 3G/4G đến 100% số thôn, ấp; tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 125 thuê bao/100 dân, hộ gia đình có đường internet cáp quang băng thông rộng đạt 90,21%, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 110% số thuê bao. Các ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số trong quản lý điều hành, phát triển cơ sở dữ liệu; 100% các cơ quan, đơn vị có hệ thống internet cáp quang và mạng nội bộ; hoàn thành xây dựng trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh và 10 trung tâm cấp huyện giúp thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành. Năm 2024, Bộ Chỉ số phục vụ cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh đạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam và khu vực: năm 2022, thành phố Đồng Xoài đạt giải thưởng “Thành phố điều hành, quản lý thông minh”; năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; năm 2024, vươn khỏi phạm vi quốc gia, tỉnh Bình Phước đạt giải thưởng “Chính quyền số xuất sắc” của Tổ chức công nghệ điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO).

Giáo dục - đào tạo phát triển cả về lượng và chất. Hệ thống trường lớp ngày càng phát triển với 455 trường học từ bậc mầm non đến cao đẳng; đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 triển khai thực hiện bảo đảm lộ trình; chất lượng giáo dục đại trà nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn giữ vững với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đều đạt trên 99%; với thành tích nổi trội, toàn tỉnh có trên 250 giải học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia, 3 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế; hoạt động dạy học song ngữ Việt - Anh từng bước mở rộng với 77 trường tham gia; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng được chú trọng; trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn cấp xã đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 70% số trường đạt chuẩn quốc gia; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh (toàn tỉnh có 46 trường mầm non ngoài công lập, 55 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống). Việc thành lập phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Y tế có nhiều tiến bộ với mục tiêu vì sức khỏe nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Năm 1997, từ chỗ chỉ có 5 trung tâm y tế huyện, 5 bệnh viện với 380 giường bệnh, 2 phòng khám đa khoa khu vực (Thanh Hòa, Chơn Thành), đến năm 2024, toàn tỉnh có 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), 10 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và hàng chục bệnh viện đa khoa khác với tổng số giường bệnh gần 2.950 giường, gấp 7,8 lần so với năm 1997. 

Đời sống văn hóa tinh thần tương ứng với sự cải thiện đời sống vật chất của nhân dân. Nhiều di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESSCO) vinh danh; 1 bảo vật quốc gia (Bộ đàn đá Lộc Hòa); các lễ hội truyền thống, nhất là các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như S’tiêng, Khmer… được bảo tồn, tổ chức. Đặc biệt, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” ở huyện Bù Đăng và Lễ hội vía Bà Rá tại thị xã Phước Long đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách, tạo nên sản phẩm văn hóa đặc sắc của địa phương, thể hiện nét riêng có của tỉnh Bình Phước. 

Chính sách đối với người có công và các nhóm yếu thế trong xã hội được quan tâm. Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ, giúp thoát nghèo hiệu quả, như: Hỗ trợ vay vốn ưu đãi; mua, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ tiền, phân bổ nhà tình thương, tư vấn pháp lý miễn phí... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Phước chỉ còn 0,2%, phấn đấu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025. Các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi cho người có công, đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc được triển khai kịp thời. Vai trò của già làng, người có uy tín tiếp tục được củng cố và phát huy với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác vận động, tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm, quan hệ đối ngoại mở rộng. Hằng năm, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ bảo đảm chặt chẽ, đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng tân binh được nâng lên, tỷ lệ đảng viên, đoàn viên ngày càng tăng. Năm 2025, Bình Phước có 1.652 thanh niên tham gia nhập ngũ, trong đó có 42 tân binh là đảng viên. Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên giới Campuchia ngày càng phát triển. Thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, mối quan hệ giữa tỉnh Bình Phước và các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ… ngày càng mở rộng, góp phần tích cực vào quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và kêu gọi đầu tư.

Phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng tỉnh Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ là điểm đến hấp dẫn của cả nước (trong ảnh: Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo 2024 được tổ chức tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bon, huyện Bù Đăng)_Nguồn: tuoitre.vn

Đột phá phát triển công nghiệp 

Nhớ lại những ngày đầu tái lập, sản xuất công nghiệp của tỉnh chủ yếu tiểu thủ công nghiệp và khai thác mỏ, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế (3,9%). Với mục tiêu phát triển công nghiệp để tạo bệ đỡ cho nền kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (năm 1997) đã định hướng “Phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên tập trung vào các ngành công nghiệp then chốt như công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, khai thác khoáng sản, các loại hình công nghiệp có sản phẩm giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, quy mô hợp lý và công nghệ tiên tiến”. 

Nhất quán quan điểm phát triển ngành công nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001 - 2005 khẳng định: “Ưu tiên đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như cao su, cà phê, hoa quả”; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2006 - 2010 nhấn mạnh: “Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân… Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỉnh xác định “Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc”. Bên cạnh đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều chủ trương, định hướng lớn về phát triển ngành công nghiệp(1)

Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tỉnh đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 12/13 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 399 dự án thứ cấp, trong đó có 101 dự án trong nước và 298 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 18.100 tỷ đồng và 3.654 triệu USD, tổng diện tích đất cho thuê là 1.436,68ha. Tỉnh thành lập 9 cụm công nghiệp, trong đó 1 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, 6 cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng và 2 cụm công nghiệp đang hoàn tất thủ tục đầu tư. 

Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: chế biến nông sản; sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, quần áo, đồ gỗ; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày… với hơn 12.784 doanh nghiệp, số vốn đăng ký đạt 207.412 tỷ đồng, tăng hơn 17 lần về số doanh nghiệp và 135 lần về vốn so với năm 2005. Thu hút FDI là điểm sáng, góp phần nâng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động, lũy kế đến nay được 439 dự án, với số vốn đăng ký gần 5,3 tỷ USD (năm 2005, mới chỉ cấp phép cho 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 23,12 triệu USD). Sự phát triển của các khu công nghiệp giúp diện mạo nông thôn, đô thị thay đổi; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển; nhiều khu dân cư mới được xây dựng thu hút nhiều cư dân đến làm ăn, sinh sống tại địa phương. 

Để nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ

Quyết tâm sớm đạt mục tiêu theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg, ngày 24-11-2023, của Thủ tướng chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đề ra là “Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ” và “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước” vào năm 2050, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: 

Một là, bám sát quy hoạch đã được phê duyệt, cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm, từng giai đoạn. Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết điểm nghẽn, huy động hiệu quả các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh và tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phát triển.

Hai là, đẩy mạnh thông tin, giới thiệu về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và con người Bình Phước đến cộng đồng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tỉnh tập trung công bố công khai, rộng rãi nội dung và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; vận động, tạo sự đồng thuận, kêu gọi hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng tham gia đóng góp vào việc tổ chức thực hiện để quy hoạch tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng đưa Bình Phước sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, là “điểm đến hấp dẫn”, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, nhất là sau khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. 

Ba là, tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trong tỉnh nhằm tạo ra nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới, thích ứng với các phương thức sản xuất mới trong tương lai. Tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực về tri thức, vốn, công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. 

Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư, cảng cạn ICD, Trung tâm dịch vụ logistics; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bảo đảm hạ tầng năng lượng phục vụ sản xuất và phát triển. Đồng thời, chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch; đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt” - “hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt” để các nhà đầu tư yên tâm, lựa chọn địa phương làm nơi triển khai các công trình, dự án đúng tinh thần: “Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ là điểm đến hấp dẫn”./.

----------------

(1) Như: Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 25-6-2022, “Về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh”; Kết luận số 360-KL/TU, ngày 25-6-2022, “Về phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng dến năm 2030”; Kết luận số 361-KL/TU, ngày 25-6-2022, “Về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”…