Hành trình của đồng euro sau 10 năm lưu hành

Minh Tâm
01:33, ngày 23-01-2012

TCCSĐT - Ngày 1-1-2012 vừa qua là tròn 10 năm ngày đồng euro chính thức lưu hành. Đây là cột mốc đáng chú ý đối với đồng tiền chung của khối liên minh các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, trái với không khí chào đón cách đây 10 năm về những hứa hẹn của đồng tiền chung lưu hành dễ dàng trong một châu Âu thống nhất và có giá trị ổn định, giờ đây chính cuộc khủng hoảng nợ công tại tại châu lục lại đang đe dọa đến sự tồn vong của đồng tiền này.

Trên thực tế, đồng tiền chung châu Âu đã được biết đến tại thị trường tài chính của một số quốc gia châu Âu từ năm 1999. Mặc dù vậy, đến ngày 1-1-2002, đồng euro mới được lưu hành chính thức tại châu Âu với việc phát hành các tờ tiền giấy và đồng xu tại 12 quốc gia thành viên.

Khởi đầu với nhiều kỳ vọng

Khi mới xuất hiện khu vực đồng tiền chung châu Âu, dư luận thế giới đã rất hoan hỉ cùng bàn luận về sự ra đời của đồng tiền chung này với sự thán phục về khả năng hợp lực của các nước châu Âu đầu tiên tham gia. Từ một thị trường chung châu Âu trong nửa đầu thế kỷ XX đến một đồng tiền chung, bên cạnh một Nghị viện châu Âu và một Ủy ban châu Âu chung… dường như nhiều người tin rằng, chỉ có châu Âu mới làm được điều này và cơ hội thành công là rất lớn.

Khi được đưa vào lưu hành, giá trị 1 euro gần bằng 1 USD, nhưng sau đó đồng euro tăng giá trị và có những thời điểm trong năm 2008, 1 euro đổi được 1,6 USD. Bên cạnh đồng USD dự trữ như trước đây thì ngân hàng trung ương các nước có thêm một sự lựa chọn nữa là đồng euro. Dự trữ ngoại hối của các quốc gia trên thế giới bằng đồng euro có xu hướng tăng lên, chứng tỏ đồng tiền này đã được các công ty và chính phủ các nước chấp nhận như là một ngoại tệ mạnh. Đặc biệt khu vực Eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới. Các quan chức chính trị và kinh tế không ngừng nhấn mạnh về những lợi ích của đồng tiền chung duy nhất. Nhiều người kỳ vọng, khi sự lựa chọn ngày càng tăng, giá cả sẽ ổn định đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp và thị trường sẽ an toàn và cũng có nhiều cơ hội hơn khi sử dụng đồng euro. Thậm chí “một dấu hiệu hữu hình mang bản sắc châu Âu” khi đó đã được nhiều người nhắc đến.

Không chỉ là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu, việc ra đời đồng euro đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới. Đồng tiền chung này đã mang lại nhiều thuận lợi cho khoảng 332 triệu công dân châu Âu tại 17 nước thành viên trong khối. Từ khi ra đời cho đến giai đoạn cực thịnh, đồng euro luôn là một biểu tượng sức mạnh của Liên minh châu Âu (EU) và quá trình thống nhất, từ kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, đồng tiền chung đã giúp các nước thành viên giảm chi phí giao dịch, tránh khỏi những phí tổn và rủi ro về chênh lệch tỷ giá. Điều này áp dụng cho các bên kinh doanh trong khu vực Eurozone và cho cả các công ty từ quốc gia muốn kinh doanh ở khu vực châu Âu. Lợi thế giảm chi phí giao dịch đã giúp tiết kiệm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Đồng euro cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho đời sống các doanh nghiệp châu Âu nhằm giảm thiểu các khoản chi phí liên quan đến vô số các loại tiền mà doanh nghiệp trao đổi.

Mặt khác, đây có thể xem như một loại hình bảo hiểm vô hình cho các công trái của chính phủ. Khu vực Eurozone càng lớn thì khả năng trung hòa những yếu tố bên ngoài do biến động tỷ giá, luân chuyển nguồn vốn tư bản hoặc khủng hoảng thanh khoản càng cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồng euro có lợi thế của một đồng tiền quốc tế trong việc tham gia thị trường thế giới, đặc biệt trong những thời điểm xảy ra hỗn loạn kinh tế ở tầm mức toàn cầu. Mức độ ổn định của đồng tiền chung châu Âu được xem như cái neo để duy trì chỉ số tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, bất chấp sự di chuyển của các dòng vốn vào ra.

Sức mạnh còn là sự lan tỏa của tính biểu tượng. Điều này được thể hiện không chỉ bởi kích thước của khu vực tiền tệ, với 17 quốc gia mà còn thể hiện ở tham vọng của cả EU muốn trở thành một cực chính trị độc lập trên bình diện toàn cầu. Nếu xem mệnh giá của đồng tiền là đại diện cho sức mạnh hay vị trí sở hữu của một quốc gia trong trật tự tiền tệ toàn cầu thì một đồng nội tệ tượng trưng cho hơn 332 triệu người sẽ là một nguồn lực dồi dào so với các đồng tiền mạnh khác. Vì vậy, là một trong những đồng ngoại tệ lớn trên thế giới, euro đã tạo cho châu Âu một vị thế đáng kể trong các cuộc mặc cả kinh tế thế giới.

Hoài nghi ngày càng gia tăng

Cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp vào cuối năm 2009 sau đó lan rộng ra toàn bộ Eurozone, đến nay chưa kết thúc thì đã xuất hiện những hoài nghi về sức mạnh và sự tồn tại của đồng tiền này. Bản sắc châu Âu mà đồng euro có nghĩa vụ phải củng cố đã bị giáng một đòn mạnh. Giấc mơ hợp nhất châu Âu ngày càng trở nên xa vời và đồng euro khó có khả năng “làm trọn những cam kết của mình”. Nguyên nhân cơ bản là việc các nước EU thiếu kỷ luật trong thu chi ngân sách và chính sách tài khóa, song lại thiếu và yếu về thực lực kinh tế để trả nợ.

Điều đáng lo ngại hơn cả là cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng này đang đe dọa sự tồn tại của đồng euro, khiến cho chính trường nhiều nước châu Âu chao đảo, buộc nhiều chính phủ phải giải tán và tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã mong manh và trì trệ. Và nếu như 10 năm về trước, châu Âu hồ hởi với sự ra đời của đồng tiền chung, đánh dấu cho sự hội nhập sâu, mạnh hơn của các thành viên trong khối bao nhiêu thì một thập kỷ sau, các nước sử dụng đồng tiền này lại đang đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và nguy cơ tan rã của đồng euro ngày càng lớn hơn.
Đồng euro từng là của chung (của cả những nước trong EU sử dụng hay không sử dụng nó) vì giá trị mà nó đem lại cho mỗi quốc gia được đo bằng sự thịnh vượng của hội nhập và sự ổn định toàn cục. Nay vì mang gánh nặng đồng tiền chung, đồng euro đang khiến cho một nước có tỷ lệ nợ cao như Hy Lạp phải bất lực trong chính sách tỷ giá, hay một nước có kỷ luật ngân sách vững mạnh như Đức - vì trách nhiệm phải cuốn theo kế hoạch giải cứu. Ngân hàng Moody’s mới đây tuyên bố sẽ xem xét lại điểm tín nhiệm của các nước trong EU, trong đó có các nước thuộc Eurozone, ngay cả những quốc gia được xem là ổn định nhất như Phần Lan, Hà Lan hay Đức. Anh, nước dù không sử dụng đồng euro nhưng từ lâu đã chấp nhận mình là một phần của khu vực tiền tệ chung, nay cũng vì lợi ích quốc gia mà quyết định chọn lối đi riêng.

Cần một châu Âu tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa

Cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ đến mức đã có thời điểm không ít chuyên gia kinh tế ở Đức hay Hy Lạp cho rằng, rút khỏi khối Eurozone là phương thức gây đau đớn nhưng cần thiết, để thoát khỏi khủng hoảng nợ. Nhưng các nghiên cứu lại đưa ra câu trả lời ngược lại. Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho rằng, nguy cơ khối Eurozone sụp đổ sẽ dẫn tới các hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội “mang tính thảm họa” đối với châu Âu và kinh tế toàn cầu. Đối với các nền kinh tế yếu trong khối Eurozone như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, hậu quả tài chính sẽ rất lớn. Nếu Hy Lạp quyết định quay trở lại với đồng drachma (đồng nội tệ của Hy Lạp), giá đồng tiền này sẽ sụt thảm hại. Trong khi đó Athens vẫn phải trả nợ tính bằng đồng euro. Việc đồng drachma sụt giá sẽ khiến khối nợ của Hy Lạp càng phình to hơn, hậu quả là vỡ nợ. Các ngân hàng Pháp và Đức sẽ khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ do ôm quá nhiều nợ của Hy Lạp.

Một nền kinh tế mạnh như Đức khi rời khối Eurozone cũng sẽ lâm vào khủng hoảng. Ngân hàng UBS dự báo, giá đồng mark của Đức sẽ tăng vọt khoảng 40%, hậu quả là kéo theo giá hàng xuất khẩu Đức tăng. Và như vậy, khi quay lại với đồng mark, toàn bộ ngành xuất khẩu của Đức bị thiệt hại nặng nề, các công ty Đức cũng sẽ phá sản khiến hệ thống ngân hàng trong nước lao đao và dòng thương mại quốc tế sụp đổ. Việc xử lý tất cả các hợp đồng mệnh giá bằng đồng euro sẽ sa vào các cuộc tranh tụng pháp lý phức tạp, mất nhiều năm mới giải quyết dứt điểm được. Trong thời gian đó, các khoản tài trợ tài chính cho thương mại quốc tế có nhiều nguy cơ sụp đổ. Vì vậy, đồng euro tan rã bất kể theo hình thức nào cũng sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế châu Âu suy thoái sâu trước khi mong đợi các dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, nếu đồng euro bị đổ vỡ, hậu quả chính trị còn sâu rộng hơn nhiều. Khi khối Eurozone sụp đổ cũng có nghĩa là EU sẽ tan vỡ, lập tức đánh mất ảnh hưởng chính trị - kinh tế - xã hội toàn cầu. Những nỗ lực xây dựng các chính sách ngoại giao, an ninh khu vực hàng thập kỷ qua trở nên vô nghĩa. Không có đồng euro, tiếng nói của các nước châu Âu, thậm chí là các nước lớn như Đức, sẽ trở nên vô cùng nhỏ bé trên trường quốc tế. Sự rạn nứt sẽ càng gia tăng khi các nước trong khu vực dựng lên các hàng rào thuế quan, bảo hộ... để chống lại các nước rời bỏ khỏi khối đồng tiền chung này.

Nếu khối Eurozone tan vỡ, nhiều khả năng bạo động sẽ bùng nổ và lan rộng khắp châu lục. Bởi khi một đồng tiền chết yểu, hàng triệu người sẽ thấy rằng, tài khoản của mình trở nên vô giá trị và đây chính là mầm mống của sự bạo loạn trong tương lai. Tình trạng thất nghiệp sẽ dẫn tới sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Các cuộc biểu tình, bạo động sẽ nổ ra như những gì đã từng xảy ra ở Hy Lạp. Thậm chí, có những nghiên cứu còn chỉ ra rằng, sự sụp đổ của khối Eurozone sẽ đẩy chính quyền một số quốc gia thành viên trở thành thể chế độc tài hơn.

Tất nhiên, sẽ không chỉ có châu Âu rơi vào khủng hoảng. Mỹ và châu Á vì thế cũng sẽ lao đao theo. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, nếu khối Eurozone tan vỡ sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, tương tự như cuộc đại suy thoái của thập niên 1930. Những hậu quả về chính trị và kinh tế của cuộc khủng hoảng ở khu vực châu Âu trong năm 2012 được dự báo sẽ rất đa dạng, mặc dù cùng có chung một chủ đề xung quanh vấn đề nợ công. Châu Âu sẽ không tránh khỏi sự điều chỉnh lớn trong chính sách tài khóa thậm chí là cả vấn đề đường lối.

Rõ ràng, sau một thập kỷ lưu hành, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang đe dọa sự tồn vong của đồng tiền này. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 8 và 9-12-2011 vừa qua, tất cả các thành viên EU, ngoại trừ Anh, buộc phải quyết định ký vào Hiệp ước về tăng cường quản lý kinh tế trong tương lai gần. Các nước này tin rằng, Hiệp ước này là bằng chứng tốt nhất cho niềm tin vào sự phục hưng giá trị của đồng euro. Và trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2012, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhấn mạnh, nếu muốn đồng euro thành công với tư cách là một đồng tiền chung, châu Âu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa./.