TCCSĐT - Trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước, Đảng ta đã khẳng định: “Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước ở mức độ khác nhau” (Cương lĩnh năm 1991). Và “sang thế kỷ XXI, kinh tế tri thức ngày càng có vai trò nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất” (Văn kiện Đại hội IX). Vì vậy, phải “phát triển mạnh khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức” (Văn kiện Đại hội X).

Về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại… Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”[1] . Vì vậy, chúng ta cần:

Thứ nhất, phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức.

Không thể phát triển kinh tế tri thức nếu không phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, và ngược lại, sẽ không thể phát huy được vai trò của khoa học -công nghệ nếu không phát triển kinh tế tri thức. Vì kinh tế tri thức phải dựa trên cơ sở tri thức nói chung và khoa học - công nghệ phát triển cao nói riêng mới có thể chuyển hóa tương thích các nguồn lực vật chất và tinh thần khổng lồ thành đầu vào và đầu ra của sản xuất, để phân phối đến khắp nơi một cách nhanh nhất, tiện ích nhất, hiệu quả nhất. Khoa học và công nghệ muốn phát triển và phát huy vai trò vốn có, thì cũng phải dựa trên mảnh đất hiện thực do những điều kiện kinh tế quy định, cũng như phải được vật hóa thành tư liệu lao động, tức là phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và được nuôi nấng bởi kinh tế. Ph.Ăngghen khẳng định: “…Như thế là ngay từ đầu, sự phát sinh và phát triển của các ngành khoa học đã do sản xuất quy định… Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có” [2]. Và rằng: “Nếu trong xã hội xuất hiện một nhu cầu kỹ thuật thì điều đó sẽ thúc đẩy khoa học tiến lên…” [3].

Nhưng khoa học và công nghệ chỉ là một động lực chứ chưa phải là tất cả. Sự phát triển của kinh tế thị trường còn phải cần đến vai trò động lực của tất cả các nhân tố tổng hợp về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa - xã hội, toàn cầu hóa... và những điều kiện đủ khác tạo thành môi trường để cho chúng được diễn ra thuận lợi. Vì kinh tế thị trường đòi hỏi sự tích hợp rất cao giữa các nhân tố cấu thành nên sản xuất. Tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của khoa học và công nghệ như các nhà kỹ trị phương Tây, nhưng cũng không được phép “cào bằng” vai trò động lực của tất cả các nhân tố khác đều ngang nhau. Phải chỉ ra vai trò động lực trực tiếp nhất và hàng đầu của khoa học và công nghệ trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường.

Đồng thời, phải xác định trình độ phát triển kinh tế thị trường đối với việc phát huy vai trò của khoa học và công nghệ. Nghĩa là, phải xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế thị trường để hoạch định chiến lược phát triển và phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, chứ không phải xuất phát từ thực trạng khoa học và công nghệ để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế thị trường, trừ khi trong những chừng mực hạn chế nhất định thì có thể và cần thiết phải làm vậy. Cho nên, trong phát triển kinh tế, cần phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho khoa học và công nghệ phát triển. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN càng phát triển bao nhiêu thì càng phải tạo cho thị trường khoa học và công nghệ phát triển tương xứng bấy nhiêu.

Thứ hai, không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy cao độ vai trò của khoa học - công nghệ trong tiến trình phát triển hướng tới nền kinh tế tri thức.

Để phát huy tốt vai trò của khoa học và công nghệ trong tiến trình phát triển hướng tới nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, thì việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phải bảo đảm rằng mọi luật, quy định, quy tắc... đều tạo môi trường pháp lý lành mạnh để cho các hoạt động liên quan được diễn ra thuận lợi. Muốn vậy, phải có cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích các nhà khoa học tham vấn, giám sát, phản biện và đóng góp xây dựng chủ trương, chính sách, cũng như tham dự vào các hình thức sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước.

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các nước hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng tạo khung khổ pháp lý cho môi trường kinh doanh phát triển và cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo… Cần phải có chế tài nghiêm khắc nhằm chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi liên quan đến nhập khẩu công nghệ thấp và lạc hậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ngoài những vấn đề trên đây, ở nước ta, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phải tạo môi trường thuận lợi bảo đảm  sự thống nhất giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường với phát huy vai trò của khoa học và công nghệ. Đây chính là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa “rút ngắn”, “đi tắt đón đầu” của Việt Nam. Do đó, phải coi đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển. Quá trình này sẽ đưa nền kinh tế nước ta ngày càng phụ thuộc nhiều vào tri thức. Người lao động, với tri thức và thao tác của họ, tinh thần và thể chất của họ, ngày càng đòi hỏi phải phát huy cao độ tố chất trí tuệ và tri thức. Người có khả năng cao hơn phải được trọng dụng tốt hơn, bằng không hiệu suất sẽ rất thấp. Người ta có thể dễ dàng cưỡng bức lao động cơ bắp nhưng sẽ khó khăn hơn bội phần khi muốn cưỡng bức lao động trí óc để đạt được hiệu quả mong muốn. Hệ thống các quy định pháp luật cần phải phản ánh được thực tế đó, mới mong tạo ra tiền đề quan trọng để phát huy.

Thứ ba, phải có quan điểm thống nhất giữa phát triển khoa học - công nghệ với khoa học t nhiên và khoa học xã hội

Khoa học và công nghệ và khoa học tự nhiên “thuần túy”, tự chúng không thể định hướng các hoạt động cho bản thân nó và cho con người, mà phải là khoa học xã hội. Sự định hướng của khoa học xã hội đối với chúng được thực hiện thông qua việc hình thành thế giới quan và phương pháp luận, cùng các quan niệm về niềm tin, giá trị, đạo đức, pháp luật... Nhờ đó mà các xu hướng tiến bộ chi phối các hoạt động nghiên cứu và triển khai, xu hướng phi nhân bản bị loại trừ, các thành tựu mới của khoa học và công nghệ được ứng dụng vì những mục tiêu nhân bản.

Nếu không chú trọng phát triển đúng mức và làm cho các khoa học “xa lạ” hoặc tách rời nhau, thì chúng sẽ kìm hãm lẫn nhau. Đặc biệt, một khi khoa học xã hội “tụt hậu” hơn so với các khoa học khác, thì tùy theo mức độ, sẽ dễ dẫn đến những lệch lạc trong các mục tiêu nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ, hay sự mất phương hướng của khoa học tự nhiên. Sự trì trệ và lạc hậu quá mức của khoa học xã hội sẽ dẫn đến định hướng ấu trĩ và bất cập trong chủ trương chính sách phát triển, thậm chí dẫn đến khủng hoảng về đường lối và khủng hoảng đời sống tinh thần xã hội. Hệ quả sẽ giống như Mác cảnh báo về văn hóa, rằng "…nếu như nó phát triển một cách tự phát chứ không được định hướng một cách tự giác (...) thì nó sẽ để lại đằng sau mình hoang mạc" [4].

Nền kinh tế tri thức đòi hỏi người lao động phải có cả tri thức về khoa học và công nghệ và khoa học tự nhiên lẫn tri thức về khoa học xã hội, tri thức ẩn cũng như tri thức hiện, tùy theo yêu cầu của từng công việc mà mức độ của chúng khác nhau, nhưng chúng thống nhất với nhau trong bản thân từng người lao động, và đặc biệt trên quy mô xã hội, thông qua đó mà chúng ta tiến hành các hoạt động kinh tế, cũng như các hoạt động khác liên quan một cách hài hòa và đáng mong ước. Sự mất cân đối về các tri thức khoa học ấy ắt dẫn đến những lệch lạc trong tư duy và hành động, lao động và sinh hoạt… sẽ đi đến hệ quả khôn lường.

Mối quan hệ biện chứng ấy tồn tại hiển nhiên như một tiền đề không cần phải chứng minh. Nhưng “trong cái tổng thể đẹp đẽ ấy”, ở Việt Nam chưa tạo thành một khối kết nối đồng bộ và liên thông, mà còn khập khiễng và bất cập.

Thứ tư, phải quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng: chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và chất lượng thấp, cùng một số lợi thế sẵn có khác.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đóng góp bởi các yếu tố: vốn (52,7%) - lao động (19,1%) – năng suất tổng hợp (28,2%). Nghĩa là đóng góp của cả hai yếu tố lao động và năng suất (chiếm 47,3%) vẫn chưa bằng yếu tố vốn. Nếu chỉ tính riêng sự đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp trong phát triển kinh tế, thì bình quân ở các nước trong khu vực ASEAN là 35 – 40%, các nước phát triển là 60 – 75% [5].

Năm 2007, bình quân mỗi lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 1.546 USD một năm, trong khi Trung Quốc trên 4.000 USD (gấp 2,6 lần) và Thái Lan 6.650 USD (gấp 4,3 lần). Năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 38% Trung Quốc, 27% Thái Lan và 10% của Singapore. Bản thân sự đóng góp của yếu tố vốn tuy cao nhưng hiệu quả sử dụng thì ngược lại, hệ số ICOR[6] cao. Để thu được 1USD tăng trưởng, Việt Nam phải bỏ ra 6,92USD (giai đoạn 2001 – 2008), trong khi Trung Quốc chỉ 4,1USD (1993 – 2003), Hàn Quốc 3,2USD (1981 – 1990), Nhật Bản 3,2USD (1961 – 1970). Mức tiêu hao năng lượng của Việt Nam cũng rất lớn, để tạo ra 1 USD phải tiêu tốn hơn 1kwh điện, trong khi mức trung bình của thế giới vào khoảng 0,4kwh (Thái lan 0,71, Malaysia 0,61, Hàn Quốc 0,46, Singapore 0,31, Hồng Công 0,21).

Nói tóm lại, để tạo ra 1 USD trong GDP, Việt Nam phải bỏ ra lượng vốn đầu tư lớn hơn, tiêu hao nhiều năng lượng hơn, còn tri thức thì thấp hơn. Do tăng trưởng theo chiều rộng, nên cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch chậm; hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động thấp…

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sẽ đưa con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình tuần tự đã không còn phù hợp, vì không thể “đi tắt đón đầu”, không thể “rút ngắn” được… Nó sẽ vắt kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường, cùng nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội khác.

Mô hình tăng trưởng theo chiều sâu: chủ yếu dựa vào những tiến bộ công nghệ, tri thức, lao động đã qua đào tạo, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng đầu tư… Ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa của NICs, yếu tố trí tuệ đóng góp trên 60%, vốn 21% và các yếu tố khác 19%.

Muốn tăng trưởng theo chiều sâu, thì phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng tri thức quản trị tiên tiến, tăng cường tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh công nghiệp chế biến dựa trên công nghệ cao… Vấn đề này cần được chú trọng để định hướng rõ chiến lược phát triển. Đây cũng chính là quá trình thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thông qua phát triển kinh tế tri thức để thực hiện “rút ngắn”, “đi tắt đón đầu”./.

Nguyễn Văn Quý

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tánh Linh - Bình Thuận



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr 78

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t 20, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1994, tr.659 – 660

[3] sđd, t 39, 1999, tr 271

[4] Nguồn: Hồ Sỹ Quý (1998), “Lăng kính văn hóa”, Tạp chí Cộng sản, (số 13)

[5] Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.52 – 53.

[6] Tỷ lệ vốn đầu tư trên một đơn vị sản lượng thu được, hệ số càng cao thì hiệu quả càng thấp và thất thoát, lãng phí càng lớn.