Xuân mới Nhâm Thìn 2012: Tản mạn về ngôi đình làng Việt
1. Không gian tâm linh và vai trò của ngôi đình làng Việt
Trong lịch sử hình thành làng Việt Nam, ngôi đình ở mỗi làng quê là biểu hiện tiềm lực và sức mạnh về kinh tế, văn hoá, truyền thống và tiềm ẩn sức mạnh cộng đồng. Đình là nơi thờ các vị thành hoàng, chức năng phổ biến của ngôi đình vừa là nơi thờ tự, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hoá, chính trị, xã hội của làng Việt, điển hình là các sinh hoạt công cộng và tổ chức lễ hội mỗi độ Xuân về. Những ngôi đình có niên đại sớm nhất còn được biết đến hiện nay như đình Lỗ Hạnh (tỉnh Bắc Giang) được làm năm Sùng Khánh thứ 11 (1576); đình Tây Đằng (tỉnh Hà Tây cũ) làm năm Quý Mùi (1583).
Hình ảnh làng Việt không thể thiếu "Cây đa, bến nước, mái đình” nên giá trị của ngôi đình rất to lớn. Mỗi mái đình làng quê đều mang một sự tích, một huyền sử đan cài bao điều hư thực và được tô đắp qua nhiều thế hệ. Đến mức những câu chuyện lịch sử, những nhân thần được thờ cũng mang màu sắc huyền thoại. Cùng với ngôi đình, các làng Việt còn có chùa (thờ Phật), đền, nghè, miếu… mỗi loại có công năng riêng về tín ngưỡng và tâm linh. Người ta tin rằng, cuộc sống của con người, ít nhiều đều có các thánh thần ở làng chi phối. Thế nên việc làm đình, dựng đình ở vị trí nào và hướng ngôi đình ra sao là vô cùng hệ trọng, nó liên quan đến cả làng. Theo quan điểm duy tâm, đình làng phải đặt ở vị trí tả hữu có "rồng chầu, hổ phục" ; phía trước phải có hồ (làm tiền án); sau phải có gò đống (làm hậu chẩm); cảnh vật sầm uất, là nơi tụ thuỷ. Sau ngày dựng đình, dân làng có việc chẳng lành người ta thường đổ tại hướng đình, ca dao đã có câu: “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu”. Chốn đình trung khi thường nhật là nơi bàn việc làng của chức sắc, quan viên, cũng là nơi để tổ chức mọi sinh hoạt của người dân và khao lệ, hội hè.
Từ nhu cầu tâm linh và gặp gỡ, giao lưu, tìm bạn lứa đôi hoặc tham gia các trò diễn xướng dân gian và chia sẻ vật chất thu được từ lao động qua mỗi mùa vụ của các tầng lớp cư dân mà hình thành nên lễ hội làng. Không gian diễn ra lễ và hội là đình, đền, chùa, miếu. Lễ để người trần giao cảm với thánh thần là những người có công với dân làng, cũng để tạ ơn hoặc cầu xin sự chở che trong nỗi cam go bệnh tật, thiên tai hoạn nạn can qua và được an khang thịnh vượng trong mưu sinh. Năm này qua năm khác, suốt mùa Xuân, các làng quê Việt Nam đều thì thùng trống hội, náo nức lòng người. Lễ hội mỗi làng đều có nghi thức riêng do lễ gắn với công trạng và truyền thuyết của mỗi vị thành hoàng. Phần lễ thường có kịch bản chung như rước tượng, kiệu hay bài vị, vật linh…diễn xướng văn tế để nhắc con cháu về công trạng và sự tích. Trước ngày vào hội (vào đám), di tích được sửa sang, tượng thờ được lau rửa bằng những thứ nước thơm lấy từ cây cỏ (gọi là lễ mộc dục) rồi thay khăn áo mới. Khăn áo cũ được xé nhỏ, chia cho con trẻ bỏ túi hoặc đeo vào ngực lấy khước cho hay ăn chóng lớn, học hành thông tuệ. Đám rước được tổ chức trang trọng thiêng liêng, cẩn trọng. Trống hội dóng lên thúc giục đoàn người tham gia đám rước phát du. Các cặp rồng, lân múa lượn rồi đến cờ trống, bát âm, sinh tiền, bát bửu, chấp kích, tượng bạch mã, nhang án, phẩm vật, kiệu bát cống, long đình, lại che lọng vàng, xanh, đỏ… Người được chọn vào đám rước chính và tế thần linh đều là quan viên chức sắc và các bậc cao niên phúc đức trong làng. Trai thanh gái lịch vào vai khiêng kiệu, nâng đồ lễ và đội quân mang bát bửu, chấp kích đều phải là những người ngay ngắn, thảo hiền và đức độ. Người mang tội với quốc gia, với xóm làng hay bất hiếu ngay trong gia đình không bao giờ được chọn vào những vai trong đoàn rước. Thái độ ấy làm cho mỗi người trong cộng đồng luôn phải lấy nhân, hiếu, hòa, đồng, đức hạnh làm trọng.
Phần hội mới là phần thực cho người đang sống, biểu hiện mơ ước và thăng hoa mà ai cũng muốn tham gia, thể hiện mình, nhất là các các trò diễn dân gian, trò chơi truyền thống như bắn cung, bắn nỏ, chọi gà, đấu cờ, ném còn, đánh đu, bơi chải, đi cầu thùm, nấu cơm thi trên thuyền, bắt chạch trong chum, bắt vịt, đập niêu, ném vòng, vật võ… hát xướng đối đáp, giao duyên tới thâu đêm. “Tả tơi đi hội” vậy mà khi rã hội, ai cũng ngẩn ngơ nhớ tiếc, lại thấp thỏm chờ đến hội năm sau.
2. Những người thợ mộc làm đình.
Để làm được một ngôi đình đồ sộ, dân làng phải dồn sức góp công của trong nhiều năm. Nhưng sự nghèo khó không lấn át nổi tinh thần tâm linh cộng đồng, lòng tự trọng và sự ganh đua của cả làng, vì vậy, qua nhiều thế kỷ yêu cầu làm đình phát triển, thợ làm đình tăng lên. Thợ làm đình được coi trọng nhưng học nghề, truyền nghề không dễ dàng. Công việc làm đình là việc to tát, đụng chạm đến những tài sản lớn của dân mà cái "nghiệp" người thợ thì: "cơm ăn, tiền lấy, hỏng phải đền" nên không phải ai cũng dám lập ra những hiệp thợ để đi hành nghề nếu không có đủ kỹ năng, không làm chủ được kỹ thuật. Từ những cánh thợ "hạt nhân" ở làng quê Bắc Bộ đầu tiên (điển hình như thợ mộc làm đình làng Cúc Bồ, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) rồi bắt rễ vào những làng khác ở một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh... đã làm cho nghề thủ công làm đình tồn tại và phát triển trong một giai đoạn khá dài trong lịch sử các làng nghề cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, số làng chuyên nghề và có quy mô như Cúc Bồ không nhiều.
Quá trình thi công một ngôi đình hoàn chỉnh, có nhiều loại công việc khác nhau như: mộc, nề, đá, chạm, sơn... Nhưng quan trọng nhất là phần việc của thợ mộc làm nên kết cấu kiến trúc của phần gỗ. Loại công việc này rất nặng nhọc. Người thợ thường phải khuân vác, bắn đẩy, đục đẽo bào gọt những cây gỗ lớn, rắn chắc và có trọng lượng lớn, cần phải hợp sức với nhau. Lại phải biết độc lập chạm khắc những đường nét hoa văn rất phức tạp với yêu cầu tư duy thẩm mỹ và bàn tay tài hoa như một kiến trúc sư có tài mới đảm đương nổi. Bình thường nghề mộc chỉ học làm một vài năm là thành thục. Nhưng để trở thành một tay thợ làm đình thực thụ phải trải qua thực tế đến 6 - 7 năm từ thợ học việc đến thợ phụ, lên thợ chính. Đặc biệt, để thành thợ cả đứng đầu một hiệp thì đòi hỏi rất cao về kỹ thuật điêu khắc, thức kiến trúc dân gian, mực mẫu, tính toán, nắm chắc kiểu dạng, hoa văn và biết ứng biến trong thi công, đến việc làm đoan khoán, ngoại giao, quản lý điều hành thợ, được thợ bạn tín nhiệm và quý trọng.
3. Quy trình làm đình
Quy trình làm một ngôi đình có thể tóm tắt như sau: Giai đoạn 1 là làm phần khung. Chọn ngày "phát mộc" rồi chia cột cho thợ đẽo, từ thô đến mịn. Bào nhẵn và chuẩn xác các đầu cột, tính tới từng lỗ đục thấp nhất. Lựa chọn các chi tiết kết cấu ngang của vì nhà, đẽo, bào, lấy mực vuông, cắt mộng. Xàm đóng câu đầu và các chi tiết lên đến nóc. Xong mộng thì tháo ra, chuyển cho thợ chạm khắc trang trí. Thợ xàm đóng, giữ lại cột để xàm tiếp xà nách, đầu cột quân và các con chồng. Lấy xà nách ra để ghép con chồng dưới. Lại đem cột quân để xàm, đóng bẩy (hoặc kẻ) rồi tháo rời để chuyển cho thợ chạm. Cứ thế, thứ tự làm từ vì giữa sang các vì bên cạnh và cuối cùng là kẻ góc. Sau cùng là ghép xà dọc với các cột.
Giai đoạn 2: Xong khung là đến mái theo trật tự: tầu mái, hoành, rui, lá dong ghép vào bẩy và luồn hoành.
Giai đoạn cuối là làm cửa thì phải chú ý: khi xàm đóng cột quân phải kết hợp làm ngay ngưỡng cửa xà và xà chân (ngạch) để ghép cùng lúc dựng đình, nếu không thì không thể "bắn", "bẩy" để lắp các chi tiết này vào được.
4. Thức kiến trúc của một ngôi đình; giải mã cây sào mực
Thợ làm đình tuân theo kỹ thuật truyền thống về kết cấu trong kiến trúc dân gian. Không có giáo trình, giáo án, không bản vẽ thiết kế. Nghiên cứu cách sử dụng chiếc sào mực (rui mực), bộ dụng cụ và kỹ thuật, phong cách sẽ cho chúng ta hiểu được thức kiến trúc của thợ mộc làm đình.
Sào mực chỉ là một thanh tre dài được chọn từ một cây tre già thẳng chẻ ra một thanh, bản rộng độ 7-8 cm. Việc chọn tre để làm cây sào mực là một việc mang ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc. Cây tre làm sào mực phải già để tránh sâu mọt và thẳng để đo được chính xác. Quan trọng nhất là chọn các mắt (mấu tre) trên chiếc sào. Sào mực làm đình phải chọn sao cho được chữ "Lão". Dân gian quan niệm "Nhà chữ Sinh - Đình chữ Lão". Người ta phải đếm tuần tự các mắt tre từ chân sào theo quan niệm Phật giáo về chân lý và bản chất của cuộc sống: sinh - lão - bệnh (mệnh) - tử. Tiếp theo lại tuần tự từ chữ “Sinh” cho đến hết ngọn cây sào. Mắt cuối của sào mực làm đình phải đứng ở vị trí chữ “Lão”, còn sào mực để làm nhà dân là chữ “Sinh”. Trong khoán ước, giữa chủ và thợ chỉ cần thống nhất với nhau về chiều rộng của lòng nhà, chiều dài của mỗi gian và độ cao (dài) của cột quân là người thợ cả đã có thể tính toán bắt tay ngay vào thi công một ngôi đình. Những thông số cơ bản được đánh dấu trên chiếc sào mực. Nó là chiếc "chìa khoá" để thi công và sau này, nếu như cần thay thế các chi tiết của ngôi đình khi bị hư hỏng cục bộ hoặc di dời công trình, người đời sau sẽ căn cứ vào đó mà làm. Thường, mái nhà ở của dân được chia làm 14 khoảng. Còn đình, do lòng rộng hơn nên được chia làm 18 khoảng.
- Kỹ thuật và phong cách. Vì làm đình không có bản vẽ, chỉ có số đo các chi tiết nên thợ phải thuộc lòng đề tài kiểu dáng, mộng mẹo, thợ cả nói đến kiểu gì, thợ chính và thợ phụ đã hình dung ra kiểu ấy, vạch lên gỗ những nét chính rồi vừa làm vừa tưởng tượng ra những chi tiết. Ấy thế mà khi lắp ráp đâu vào đấy cả, mang mộng bén sát kéo sợi chỉ không lọt, hoa văn hài hoà, cân đối, đúng lối, đúng kiểu. Từ những khúc gỗ mộc mạc, nặng nề, rắn chắc, vô tri vô giác, qua bàn tay tài hoa và cần mẫn của người thợ hiện dần lên những con vật hung dữ như hổ, hiền lành như hươu, nai, mảnh mai như cành trúc, cùng những đường nét mềm mại như lụa, mượt mà như nhung hoặc lăn tăn gợi cảnh, gợi tình như sóng nước. Ở đó đọng lại tình cảm, tài năng của người thợ.
Thường, mái đình lợp ngói nên người ta làm "mái bay" hơn là mái "quắp" (mái chảy). Nhà ở dân gian thì mái dốc hơn. Độ dốc chuẩn chung cho các kiến trúc dân gian thường là 36052' (khoảng nằm 4, khoảng dựng 3, chiều mái 5).
Để cho kết cấu vững chãi thì các chân cột phải lấy "mực thách". Thức kiến trúc hoặc các kết cấu đồ gỗ cũng vậy, dân gian thường gọi là "thượng thu, hạ thách". Mực thách không chỉ làm cho kết cấu vững chãi mà khi nhìn vào còn "thuận mắt". Độ thách trung bình khoảng 2,5% so với chiều cao các chi tiết. Ví dụ cột cao 4 mét thì chân thách ra 10 cm.
Kết cấu gian. Mỗi gian có hai xà thượng, hai xà hạ, nối hai cột cái với nhau. Vì chéo ở các góc gọi là vì giao moi; phần trên là guột, phần dưới gọi là đao. Xà nối cột cái với cột quân ở chái gọi là xà đùi. Trụ đứng bên trên xà đùi là trụ chái. Vì chéo giữa hậu cung với mái sau đình gọi là vì xối. Phần mái trên cùng là nóc. Mỗi khoảng nằm có một cây hoành, trên hoành gồm những thanh gỗ mỏng lát từ nóc xuống gọi là rui. Trên rui có những hàng nẹp nhỏ đóng dọc theo chiều dài mái để móc ngói gọi là mè. Tấm gỗ cuối cùng đón chân rui gọi là tầu. Mỗi gian có 2 thanh gỗ đục luồn vào tầu và chốt chặt gọi là then câu để trảnh lả tầu. Tấm gỗ đặt bên ngoài tầu trang trí hình lá đề gọi là lá mái (diềm mái). Ở vị trí trên tầu, hàng ngói cuối cung gọi là hàng "giọt gianh" được nâng lên bởi một thanh gỗ làm cho hàng ngói này hơi vểnh lên gọi là “dân” để mỗi khi mưa, nước theo đó mà đẩy nước ra xa không chảy ngược vào hiên.
Vách, cửa và sàn: Vách đình có thể làm bằng gỗ đóng đố. Dưới vách gỗ có ngưỡng, dưới ngưỡng lại có ngạch. Đình nào cũng có từ một đến ba gian giữa làm cửa. Cửa thường làm theo lối “bức bàn” (nong ván đóng khung) kín. Nếu phần dưới bưng ván, nửa trên làm chắn song thì gọi là “thượng sơ - hạ mật. Cửa hai bên là cửa nách thường gọi là cửa giải mã. Mỗi đình có hai gian bên tả, hữu lát sàn gỗ cao khoảng 70 - 80 cm so với mặt nền. Có đình mặt sàn được chia làm ba bậc, những ngày vào đám, ngày có sự lệ, các hào lý, quan viên, hương lão, chức dịch đến tế lễ hay bàn việc làng, tuỳ theo địa vị mà ngồi ở bậc cao thấp khác nhau. Nếu có biểu diễn tuồng, chèo, hát ả đào thì gian giữa là sân khấu, hai bên sàn, dân làng (nam một bên, nữ một bên) ngồi xem.
Trang trí: Chạm khắc trang trí của đình tập trung vào kẻ, bẩy, con chồng, đấu sen, trụ, dư, cốn, xà, riêng cột thì không chạm khắc, chỉ bào tròn. “Tứ trụ” có thể được sơn son. Đề tài trang trí “vì” phổ biến là tứ linh, tứ quý, long quần, tam hữu, tùng hạc, tùng lộc, long cuốn thuỷ, liên áp, Trúc, mai (hoặc đào), ngư hoá long; hình ảnh trò vui dân gian: kéo co, đánh vật, đánh đàn, thổi sáo... Mỗi sản phẩm chạm khắc để trang trí đều trở nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như cửa võng, vành mai, khám thờ, nhang án, cỗ ỷ, ngai, đồ bát bửu (biểu). Các con vật linh hòa mình vào với thiên nhiên, và đời sống theo những chủ đề mà người xưa thường tôn vinh như: Liên quy (sen và rùa), Long cuốn thủy (rồng cuốn nước, phun nước), Điểu quần mai (chim chóc bên cành mai), Nho sóc (chùm nho và con sóc), Long vân (rồng mây), Trúc hóa long (cây trúc hóa rồng), Ngũ phúc (năm con dơi) chim “Phượng tha thư”, thợ chạm khắc gọi là "dâng hiền". ... rất sinh động, vừa thể hiện tài hoa của những đôi bàn tay vàng, vừa gửi gắm niềm tâm sự của con người trước thời cuộc hoặc nhắn gửi cho hậu thế.
5. Cất dựng đình
Cất dựng đình là một việc vô cùng hệ trọng, là ngày hội lớn của dân làng. Phải mất hàng năm, có khi vài năm, mấy chục tay thợ miệt mài làm việc mới xong một ngôi đình. Cũng là ngần ấy thời gian mọi người theo dõi và chờ đợi. Khi việc mộc đã gọn thì việc đắp nền phải xong, đá tảng, đá phiến và vôi cát, gạch ngói cũng phải có đủ. Dân làng góp tre bắc giáo và bện dây kéo (chão). Trước khi cất đình, thợ phải in tảng (gọi là phát tảng) cố định đúng vị trí chân cột, lấy mặt phẳng rồi bắc giàn giáo cho vững chãi. Trước đó ít lâu, các chức sắc trong làng phải xem ngày giờ cất nóc, chọn người, trù liệu cỗ bàn, đám rước, định phần thưởng cho các đám thợ và mời quan viên các thôn làng “kết chạ” cùng có mặt. Giờ cất nóc thường được định vào rạng sáng các ngày tốt. Chiều hôm trước, làng phải làm lễ cáo yết, rước kiệu Long đình, bài vị từ miếu về. Các dây kéo để dùng trong khi cất dựng cũng được kết vào nhang án rước đi rất long trọng. Nếu là hai hiệp thợ thì dây được nhuộm thành hai màu để dễ phân biệt. Trước những ngày cất dựng các hiệp thợ phải tranh thủ làm nốt các phần công việc còn lại, kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết, nhất là đo đạc định lại mực thước và phải trông coi để tránh hiệp thợ bạn vì muốn giật giải nên tìm cách chơi xỏ mình như xoá dấu mực, xén chân cột hoặc cài các mảnh gỗ vào trong mộng để gây khó cho đối thủ khi cất dựng. Giải thì chẳng đáng là bao nhưng danh dự hiệp thợ lớn lắm.
Sau khi lễ rước xong, các hiệp thợ mới được phân phát dây buộc. Ở mỗi cột phải có 2 dây để một dây kéo lên và một dây níu theo để hãm định vị. Dựng giàn giáo và kéo các vật nặng lên cao là việc làm đòi hỏi kỹ thuật cao và dầy dạn kinh nghiệm, chỉ cần sơ suất nhỏ ở công đoạn này cũng có thể dẫn đến tai nạn lớn. Các chi tiết cỡ lớn kéo lên cao phải đục lỗ, đánh quai xanh để luồn chão kéo. Đình cất từ gian giữa, kéo tứ trụ và bốn cột quân đã lắp sẵn xà nách, đứng vững trên tảng, lắp xà dọc, văng rường gió qua xà thượng chốt lại làm cữ và chỗ đứng để lắp câu đầu. Lắp xong hai vì giữa thì bỏ chồng nóc(cất nóc). Các vì giữa mặc dù đã dựng xong xuôi vẫn phải chờ đến đúng vào giờ tốt mới được cất nóc.
Trước ngày cất, làng phải làm lễ tế thành hoàng, bản thổ, làm cỗ khao thợ, sung túc thì may cho mỗi người một cái áo lụa hồng. Làng lại phải chọn một bô lão hay một ông quan có đức độ "được tuổi", chồng vợ song toàn, con cái quây quần để đè nóc đình. Làng may cho ông ta một cái áo đỏ mặc trong lúc làm nhiệm vụ quan trọng này.
Đến giờ cất nóc, mọi người hồi hộp, trống hiệu vang lên ba hồi, pháo nổ rền trời, cờ bay phấp phới, tiếng hò dô kéo gỗ rộn rã. Thợ mặc áo mới, chít khăn đầu rìu, đi lại thoăn thoắt trên giàn giáo để cất dựng nhanh cố giật giải thưởng của làng. Chồng nóc gian giữa có ghi niên hiệu, ngày tháng hoàn thành ở phía dưới. Dùng giàn giáo và chão kéo chồng nóc ngang đỉnh các vì, người bỏ chồng nóc mặc áo đỏ, đứng trên giàn giáo đẩy nhẹ vào vị trí trong tiếng hò reo, pháo nổ, sau khi đặt nóc làm phép, liền cởi áo vứt xuống cho cụ nhất (cụ cao tuổi nhất làng). Mọi người xúm lại tranh nhau xé từng mảnh nhỏ, mang về may túi cho con đựng hạt mùi, cho con cháu đeo "lấy khước", mong gặp nhiều điều tốt lành. Cất xong vì giữa, cất nối tiếp vì bên dần đến hết thì chuyển sang dàn mái. Xong phần mái, nhường lại công việc cho thợ nề, thợ ngoã. Thợ mộc làm tiếp việc lát sàn, đóng cửa, dựng giải vũ xong là hoàn tất. Cửa võng, hoành phi, câu đối, đồ tế tự, sơn khảm do thợ làm đồ thờ và sơn khảm đảm nhiệm. Công việc cuối cùng không phải của thợ mộc mà thợ đá phải làm là đục bia kỷ niệm, ghi ngày khởi công, cất dựng; tên những người cung tiến, hưng công, bỏ tiền của làm đình.
Cái đình là công trình kiến trúc lớn nhất của làng xã, ngôi nhà chung của mọi nhà, tồn tại qua nhiều thế kỷ, biểu hiện văn minh và tiềm lực của một địa phương. Dựng một ngôi đình cũng khá tốn công của, có khi làm cạn nguồn kinh tế dự trữ của một làng mà phải qua nhiều năm mới khôi phục được. Thế hệ cha ông xây dựng những ngôi đình những mong tồn tại cùng năm tháng để con cái phát huy. Nhân ngày Xuân, vài chuyện tản mạn về ngôi đình để mong mỏi có cách ứng xử văn minh với những di sản văn hoá của cha ông mà ngày nay, nếu muốn, chúng ta không dễ gì làm lại được./.
Xuất khẩu Việt Nam - một năm vượt khó thắng lợi  (23/01/2012)
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thành phố Hồ chí Minh: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành  (23/01/2012)
Một số dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2012  (23/01/2012)
Nền kinh tế châu Á trước thềm năm mới 2012  (23/01/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên