Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thành phố Hồ chí Minh: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành
Kết quả điều tra mới nhất sau 1 năm phát động, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh có đến 60% người được hỏi đã có quyết định tiêu dùng hàng Việt, so với trước đây con số này chỉ là 23%. Tại các siêu thị, các chợ đầu mối và chợ truyền thống, hàng Việt được bày bán chiếm tỉ lệ 80 - 95%, chủng loại ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút người tiêu dùng.
Theo Ban chỉ đạo, Cuộc vận động được mở đầu vào đúng dịp Tết Tân Mão, Thành phố lấy đây làm đợt cao điểm “Tết Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Chỉ trong thời gian rất ngắn, tại các chợ truyền thống trên địa bàn 24 quận, huyện, đến các siêu thị, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thành phố, hàng Việt Nam được bày bán với số lượng lớn, lấn át nhiều hàng ngoại.
Cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh
Trong năm, Thành phố tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ công tác phối hợp giữa lực lượng truyền thông báo chí; các đoàn thể; nhà nước với các tổ chức kinh tế. Đặc biệt, từ ngày 23-3-2011, kênh Chương trình HTV-Co.op của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời. Đây là kênh chương trình mua bán qua truyền hình và thực hiện liên kết với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố có nội dung bán hàng, giới thiệu, cung cấp kiến thức và tư vấn sử dụng các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa nhằm mục đích tạo điều kiện tăng trưởng tiêu dùng, ưu tiên phát triển, quảng bá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đạt chất lượng, mở rộng mạng lưới phân phối bán lẻ…
Nhiều buổi vận động và hội thảo được tổ chức mọi nơi, nhiều tác phẩm báo chí tuyên truyền, nhiều bài hát về hàng Việt ra đời; nhiều sản phẩm mới với chất lượng và giá cả ổn định của doanh nghiệp Việt Nam đã tạo thành sức mạnh, hấp dẫn người tiêu dùng, đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng, đưa doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường vùng sâu, vùng xa, dần dần tạo nên ý thức suy nghĩ về ưu tiên dùng hàng Việt trước khi chọn mua hàng trong dân.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ khuyến khích lòng tự hào dân tộc đối với từng doanh nghiệp, người dân mà còn là chất keo gắn kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, đưa hàng Việt đến gần và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở tận vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt tại siêu thị, Saigon Co.op còn là đơn vị tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm chung tay góp sức cùng cộng đồng. Cũng từ Cuộc vận động, người tiêu dùng đã thêm niềm tin vào khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu người dân. Ban chỉ đạo cho biết, trong năm 2011 vừa qua, tỷ lệ hàng Việt được tiêu thụ trong hệ thống Co.opMart, Co.opFood và cửa hàng Co.op tăng trên 58% so cùng kỳ, trong khi hàng ngoại nhập chỉ tăng 22%. Ngoài ra, Cuộc vận động còn được khéo léo kết hợp với chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhằm giúp người dân an tâm sử dụng hàng Việt bảo đảm chất lượng, với giá cả ổn định quanh năm.
Điều đáng chú ý nữa là các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA luôn tìm và thử nghiệm những hoạt động mới cho những chuyến đi dài hơi, xuyên suốt trong năm từ các phiên chợ “dã chiến”. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn trải dài từ Nam ra Bắc gắn kết với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh được xem là cơ hội vàng để doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường và phát triển thị trường.
Theo ông Dương Quan Hà - Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ với nhiều hình thức, nội dung phong phú, tạo được dấu ấn; Kênh truyền hình HTV – Coop đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền hàng Việt đến người tiêu dùng. Công tác phối hợp khá tốt của truyền thông báo chí; các đoàn thể; Nhà nước và các tổ chức kinh tế... đã giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng, xem đây là cơ hội để đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm với giá cả phù hợp, từng bước chiếm lĩnh thị trường. Đối với người tiêu dùng thì ngày càng ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm là hàng nội địa. Việc sắm tài sản công cũng được thực hiện theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt. Tỷ lệ bày bán và tiêu thụ hàng nội địa tại các chợ truyền thống và các siêu thị ngày càng tăng.
Nhận diện rõ những khó khăn, tiếp tục vượt khó, tạo sức lan tỏa nhanh trong cộng đồng ý thức dùng hàng Việt
Tuy nhiên, qua một năm thực hiện Cuộc vận động, Ban chỉ đạo cũng đã nhận ra những mặt còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, một số cơ quan, địa phương vẫn chưa thực hiện cuộc vận động một cách cụ thể, thiếu sáng tạo, công tác kiểm tra chưa tiến hành thường xuyên. Vẫn còn một lượng không nhỏ hàng giả, kém chất lượng còn len lỏi lưu thông trên thị trường làm ảnh hưởng uy tín của hàng Việt, gây khó khăn trở ngại cho việc đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp chân chính. Đồng thời, do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn, cộng với giá nguyên liệu tăng đã khiến hàng Việt giảm khả năng cạnh tranh về giá so với hàng ngoại nhập, chưa có điều kiện mở rộng, quảng bá sản phẩm được nhiều hơn.
Trong Hội nghị sơ kết Cuộc vận động mới tổ chức đầu năm nay - để tiếp tục triển khai cuộc vận động đạt kết quả cao hơn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: Chương trình “Người Việt hàng Việt” gắn liền với chương trình bình ổn thị trường vì hàng hóa bình ổn đều là hàng Việt. Do đó, Ủy ban nhân dân Thành phố cần có giải pháp đồng bộ để triển khai 2 chương trình phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi nhận thức của các doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt quy định về việc mua sắm chi tiêu công, các cơ quan đoàn thể tham gia vừa là người tiêu dùng, vừa là người vận động sẽ tạo sức lan tỏa nhanh, sâu rộng trong cộng đồng ý thức dùng hàng Việt.
Cũng từ Hội nghị trên, phương hướng thực hiện Cuộc vận động trong năm 2012 của Thành phố được tập trung vào 4 nội dung chính sau:
Một là, về công tác tuyên truyền Cuộc vận động và quảng bá hàng Việt, tiếp tục cổ động, tuyên truyền cuộc vận động bằng các hình thức phong phú như biểu diễn các tiểu phẩm vui, các bài hát cổ vũ hàng Việt; biên soạn tài liệu ngắn gọn phát đến trường học, đến từng gia đình. Công tác tuyên truyền Cuộc vận động phải đi vào chiều sâu, thiết thực để thành phố có thêm nhiều điển hình tiên tiến được biểu dương, nhân rộng.
Hai là, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động của Ủy ban nhân dân Thành phố. Tiếp tục tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường, tăng cường công tác chống hàng giả.
Ba là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia Cuộc vận động đối với ban quản lý các chợ, các tiểu thương. Đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống, gắn với phong trào “Xây dựng chợ văn minh”, “Người kinh doanh mới”. Gắn chương trình bình ổn thị trường với Cuộc vận động; tiếp tục đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về các khu dân cư, các quận vùng ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp…
Bốn là, tăng cường việc lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ban ngành, mặt trận đoàn thể với cấp dưới về việc thực hiện cuộc vận động. Kịp thời phát hiện để khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt cuộc vận động…
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu, rộng như hiện nay đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, giúp họ có cơ hội phát huy những thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh, nhằm giữ vững thị trường nội địa ngày một phát triển hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời dần tạo nên ý thức suy nghĩ về ưu tiên dùng hàng Việt của người dân, nếu như chất lượng hàng của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu cả về chất và lượng./.
Một số dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2012  (23/01/2012)
Nền kinh tế châu Á trước thềm năm mới 2012  (23/01/2012)
Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội – quan điểm nhất quán của Đảng ta  (23/01/2012)
Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở  (23/01/2012)
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về kết cấu hạ tầng  (22/01/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên