Chuyến thăm lấp khoảng trống chiến lược ở châu Á của Tổng thống Mỹ
TCCSĐT - Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma kéo dài tới 10 ngày kết hợp với tham dự Hội nghị cấp cao APEC 17 năm 2009 tại Xin-ga-po không chỉ khẳng định và nhấn mạnh cam kết của Oa-sinh-tơn đối với khu vực nói chung mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống với các đồng minh chiến lược và tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng trong bối cảnh châu lục này đang trở thành trung tâm phát triển nhanh và năng động nhất thế giới.
Những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với châu Á
Trong hơn hai thập kỷ qua, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ quá bận tâm tới chuyện khai thác “chiến lợi phẩm” sau khi giành “chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh ở châu Âu, không ngừng mở rộng NATO sang phía Đông, tiến hành “cuộc thập tự chinh” để thiết lập trật tự thế giới đơn cực, thì các nước châu Á chớp lấy cơ hội để phát triển, trở thành châu lục phát triển mạnh và năng động nhất thế giới. Sự lớn mạnh của châu Á thể hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự.
Bằng chứng rõ ràng nhất về sự phát triển kinh tế của châu Á là trước đây, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng thì các nền kinh tế ở châu Á chịu tác hại nặng nề, thậm chí còn trầm trọng hơn cả ở "tâm chấn". Giờ đây, tình hình đã khác, châu Á sớm thoát khỏi khủng hoảng và trở thành một trong những động lực kéo nền thế giới tiếp tục phát triển. Ngày 29-10-2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố dự báo về kinh tế châu Á - Thái Bình Dương với nhận định tương đối lạc quan: tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ là 5,75% trong năm 2010, so với 2,75% dự kiến cho năm 2009. Trong khi đó, tăng trưởng các quốc gia trong Nhóm G-7 chỉ là 1,25% trong năm 2010. Dự báo, năm 2010, Trung Quốc tăng trưởng khoảng 8,5%, còn năm 2010 sẽ là 9%. Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2010, tuy ở mức khiêm tốn hơn, khoảng 1,75%. Các nước ASEAN, như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin cũng sẽ tăng trưởng trở lại: ở mức 2,5% của Ma-lai-xi-a, 3,5% của Phi-líp-pin và 3,7% của Thái Lan. Riêng In-đô-nê-xi-a và Việt Nam có tăng trưởng cao hơn: từ 4,6% năm 2009, Việt Nam sẽ đạt 5,3% vào năm 2010; In-đô-nê-xi-a, từ 4% năm 2009 sẽ đạt 4,8% năm 2010. Trong bản cập nhật về kinh tế Đông Á, công bố ngày 4-11-2009, Ngân hàng Thế giớicũng khẳng định đà phục hồi nhanh của châu Á.
Châu Á là khu vực rộng lớn, với diện tích 41,5 triệu km2, dân số hơn 4 tỉ người, chiếm hơn 2/3 dân số thế giới. Đây cũng là nơi có cường quốc kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc. Châu Á còn có Ấn Độ với hơn một tỉ dân và cũng là nền kinh tế quan trọng trong Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (BRIC). Khu vực châu Á còn được biết đến với những “con rồng”mới nổi, như Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan. Châu Á cũng có các nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập và vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Mông Cổ, v.v.. Châu Á không chỉ phát triển với tốc độ tăng trưởng cao mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển nền kinh tế Mỹ và do đó cũng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Mỹ. Chỉ tính riêng Trung Quốc đã sở hữu tới gần 800 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Rõ ràng, trong điều kiện đó, đã đến lúc Mỹ phải tăng cường ảnh hưởng và quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước châu Á.
Nói theo cách của nhiều nhà phân tích chiến lược quốc tế, đã đến lúc Mỹ phải khỏa lập khoảng trống ảnh hưởng ở châu Á. Tại Tô-ky-ô, sáng 14-11-2009, trong bài diễn văn về chính sách đối với châu Á của Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua mối quan hệ liên minh chiến lược truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc, mở rộng quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, trước hết và quan trọng nhất là Trung Quốc.
Tổng thống B. Ô-ba-ma kêu gọi châu Á đi theo đường lối tăng trưởng "cân bằng và bền vững", giúp bảo đảm đà phục hồi của toàn cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố rõ rằng, Mỹ là một "cường quốc Thái Bình Dương" và sẽ gia tăng các cam kết của mình trong khu vực. Theo ông, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, xây dựng quan hệ với các đối tác mới, tham gia các nỗ lực đa phương và các thể chế khu vực nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng trong khu vực
Có thể thấy, chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống B. Ô-ba-ma là minh chứng về sự coi trọng châu Á, đặc biệt là Đông Á, trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như những thay đổi trong cách tiếp cận của Oa-sinh-tơn đối với khu vực.
Tái khẳng định và nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh
Phần mở đầu và kết thúc chuyến công du đầu tiên tới châu Á lần này, Tổng thống B. Ô-ba-ma dành cho hai đồng minh chiến lược của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quan hệ đồng minh với Nhật Bản tuy đang “có vấn đề” nhưng vẫn là hòn đá tảng trong quan hệ Mỹ - Nhật
Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Mỹ. Bởi hơn ai hết, chính quyền Mỹ đã xác định, liên minh Mỹ - Nhật là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng và điều khiến Chính phủ Mỹ quan tâm là quan hệ song phương với “xứ sở mặt trời mọc” kể từ khi Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma lên cầm quyền đang có một số điều chỉnh bất lợi đối với chính sách của Oa-sinh-tơn, trong đó “gai góc” nhất là Tô-ky-ô đang xem xét lại tương lai căn cứ quân sự Mỹ ở Ô-ki-na-oa, cũng như sắp xếp lại toàn bộ việc đóng quân của các lực lượng Mỹ tại đảo này. Tháng 10-2009, sau nhiều tranh cãi, nội các Nhật Bản tuyên bố ngừng thực hiện sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho tàu hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương vào đầu năm 2010. Đối với Mỹ, căn cứ quân sự tại Phu-tê-ma trên đảo Ô-ki-na-oa là một căn cứ chiến lược, đã từng được mệnh danh “hàng không mẫu hạm không thể chìm”, với tầm hoạt động dễ dàng vươn tới Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, giúp Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực. Liên minh Mỹ - Nhật dưới thời tân Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai nước về các thỏa thuận an ninh đã được ký kết trước đây.
Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định, Oa-sinh-tơn coi quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản là “nền tảng” cho an ninh và thịnh vượng của hai nước, đồng thời nhấn mạnh không thay đổi những cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản.
Tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Hàn Quốc
Có thể thấy, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Tổng thống B. Ô-ba-ma gặt hái được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo ra bầu không khí mới mẻ để tăng cường liên minh chiến lược giữa Xơ-un và Oa-sinh-tơn. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề lớn như tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Hàn Quốc; thúc đẩy đàm phán để ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương; tích cực tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và I-ran. Đồng thời, hai bên tái khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống an ninh chung bền vững giữa hai nước, trước hết là thực hiện đầy đủ những cam kết trong "Tầm nhìn chung về liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ" vừa ký kết tháng 6-2009. Về thỏa thuận tự do thương mại song phương, hai bên muốn tăng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều hằng năm thêm khoảng 20 tỉ USD từ mức 83 tỉ USD hiện nay. Tuy nhiên, hiện các bên vẫn chưa hóa giải được bất đồng liên quan đến xuất nhập khẩu ô-tô trước khi ký kết Hiệp định tự do thương mại.
Theo một số nguồn tin, Hàn Quốc và Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên hoàn toàn chấm dứt chương trình hạt nhân quân sự và nhận được sự bảo đảm về an ninh và viện trợ kinh tế, mà không thực hiện theo kiểu “nhỏ giọt” hoặc “hành động đổi lấy hành động” như từ trước tới nay họ vẫn làm.
Tăng cường quan hệ với các đối tác ở châu Á theo chủ trương hướng tới một thế giới “đa đối tác”
Với ASEAN: Tham dự Hội nghị cấp cao APEC 17 và Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ tại Xin-ga-po là đích quan trọng trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ với chủ đề “Quan hệ đối tác tăng cường vì hòa bình và thịnh vượng bền vững” tập trung thảo luận các chủ đề chính như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cách thức đối phó thảm họa thiên tai, kiểm soát dịch cúm A/H1N1, biến đổi khí hậu và chống khủng bố. Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần đầu tiên đã từng được lên kế hoạch vào tháng 9-2007, nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là G.W. Bu-sơ đã tuyên bố hoãn hội nghị vào phút chót, viện cớ “quá bận rộn với công việc trong nước”. Bởi vậy, sự có mặt của Tổng thống B. Ô-ba-ma tại hội nghị lần này chứng tỏ, Mỹ coi trọng mối quan hệ với ASEAN với tư cách là một thành viên đầy đủ.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ, các nhà lãnh đạo đồng ý với việc tổ chức các hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN - Mỹ về kinh tế - thương mại, tài chính, năng lượng cũng như hội nghị hằng năm của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hạ lưu sông Mê Công - Mỹ. Các bên cũng đồng ý việc lập các nhóm công tác về hợp tác năng lượng sạch và y tế trong năm 2010 để thúc đẩy và triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực; lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN - Mỹ, gồm đại diện chính khách, doanh nghiệp, học giả để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên. Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định, Mỹ coi ASEAN là một đối tác chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt; cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Với Trung Quốc: Sau ba mươi năm kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua nhiều bước thăng trầm và giờ đây đang có dấu hiệu thắt chặt hơn. Trước đó, trong bài phát biểu tại Tô-ky-ô (Nhật Bản) ngày 14-11-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố rằng, Mỹ hoan nghênh và ủng hộ sự vươn lên của Trung Quốc về kinh tế và chính trị, công nhận Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển mạnh, với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là một thị trường rộng lớn và sinh lời đối với các hàng hóa và dịch vụ Mỹ, đồng thời là "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ. Với tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển mạnh như hiện nay và những thách thức của nền kinh tế toàn cầu khiến Mỹ phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Mỹ - Trung theo chủ trương hướng tới “một thế giới đa đối tác”. Vì vậy, Mỹ chọn cách tiếp cận với Trung Quốc theo hướng tích cực, khuyến khích Trung Quốc cùng liên kết với Mỹ và những nước lớn khác để giải quyết những vấn đề cấp bách có tính toàn cầu như tình trạng suy thoái kinh tế, hiệu ứng nhà kính, chống khủng bố, hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc được Tổng thống B. Ô-ba-ma coi là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm châu Á của ông. Mục tiêu then chốt trong chuyến thăm Trung Quốc là khẳng định mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước đang có chiều hướng gia tăng. Cuộc hội đàm được cả thế giới quan tâm giữa Tổng thống B. Ô-ba-ma và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh tuy không đưa ra cam kết cụ thể nào nhưng hai bên đều khẳng định rằng, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Có thể nói, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã phần nào “định vị” được quan hệ Mỹ - Trung dưới thời chính quyền của ông.
Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng, đối với cả Trung Quốc và Mỹ, việc xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là hoàn toàn có thể. Ông bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển sâu rộng hơn, vì "thành công của một nước sẽ trở nên vô ích nếu không có lợi cho nước kia". Về phía Trung Quốc, việc Mỹ sẽ công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma là vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với họ, vì một khi Trung Quốc đạt được mục đích này thì sự giám sát thương mại giữa hai nước sẽ được nới lỏng và theo quy định chung của quốc tế, từ đó quan hệ thương mại song phương sẽ được tự do hơn. Đồng thời, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống B. Ô-ba-ma mở ra triển vọng Mỹ sẽ nới lỏng quy chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc.
Hợp tác quân sự là hướng quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung. Với nhiều lợi thế, Trung Quốc buộc Mỹ phải xem xét lại khái niệm “Trung Quốc - đối thủ” và thay thế bằng khái niệm “Trung Quốc - đối tác”. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm, hai bên cam kết sẽ tiến hành những bước đi cụ thể để thúc đẩy các mối quan hệ quân sự song phương theo hướng ổn định và tin cậy hơn trong tương lai, nhằm mục tiêu cải thiện khả năng của hai nước trong hợp tác và thúc đẩy sự hiểu biết rõ hơn những ý định của nhau trong việc bảo đảm môi trường an ninh quốc tế. Hai nước cũng cam kết tăng cường các cuộc tham vấn về mọi hoạt động của nhau trên vũ trụ và khẳng định hai bên có những lợi ích chung trong việc thúc đẩy sử dụng khoảng không vũ trụ một cách hòa bình, đồng thời cam kết sẽ có những bước đi cụ thể để củng cố an ninh trên vũ trụ.
Dù chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống B. Ô-ba-ma đạt được kết quả nhất định, nhưng giữa hai bên còn nhiều bất đồng, như rào cản do thâm hụt thương mại giữa hai nước quá lớn nên chưa thể giảm bớt được một sớm một chiều, trong khi chưa có các giải pháp xử lý có thể đáp ứng được yêu cầu của cả hai phía; Trung Quốc tuy ủng hộ các biện pháp nghiêm khắc nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận với việc Mỹ và các nước châu Âu áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh đối với I-ran. Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc - vốn là hai quốc gia “sở hữu” khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - vẫn chưa đạt được sự thống nhất về các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và về các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, tranh chấp ảnh hưởng trên biển, v.v.. Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống B. Ô-ba-ma ngày 18-11-2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc không nhất trí với ý tưởng thành lập G2 (gồm Trung Quốc và Mỹ). Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển với dân số đông và phải trải qua một chặng đường dài trước khi trở thành nước hiện đại hóa, và do vậy, Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập và sẽ không liên kết với bất cứ quốc gia hay nhóm quốc gia nào.
Với Mi-an-ma: Đứng trước quan hệ ngày càng được cải thiện giữa Mi-an-ma và Trung Quốc cũng như với các nước ASEAN khác, Mỹ không thể chậm chân trong quan hệ với quốc gia này - nơi mà Mỹ trong nhiều năm liền luôn lên ấn gay gắt về “vấn đề nhân quyền”. Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có một hành động chưa từng có là gặp Thủ tướng Mi-an-ma Thên Xên (Thein Sein) tại Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ vào ngày 15-11-2009 tại Xin-ga-po. Phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhắc lại đề xuất của ông hướng tới xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Mi-an-ma. Trước đó, trong bài phát biểu về chính sách đối với châu Á tại Tô-ky-ô (Nhật Bản), Tổng thống B. Ô-ba-ma cho biết, Oa-sinh-tơn đang tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Mi-an-ma nhằm hướng tới triển vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn với quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, Tổng thống B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Mi-an-ma sẽ được duy trì nếu chính quyền nước này không có những bước đi cụ thể nhằm "hướng tới cải cách dân chủ".
Nhìn chung, chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống B. Ô-ba-ma là nhằm cố gắng khỏa lấp khoảng trống ảnh hưởng của Mỹ tại châu lục này, và hy vọng mở ra một trang mới trong quá trình tạo dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó Mỹ là thành viên trong một “kỷ nguyên thế giới đa đối tác”, chứ không phải là “kỷ nguyên thế giới đa cực”./.
Quan hệ Nga – EU chưa thể có sự đột phá trong thời kỳ quá độ  (23/11/2009)
Quốc hội thông qua 5 dự thảo luật  (23/11/2009)
Thông cáo số 27 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (23/11/2009)
Thông cáo số 26 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (22/11/2009)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam