Phát triển du lịch ở huyện đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc
TCCSĐT - Vân Đồn (Quảng Ninh) là một huyện đảo miền núi nằm ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc nước ta. Với nhiều thắng cảnh đẹp trong vùng vịnh Bái Tử Long và những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, Vân Đồn đã và đang từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh để phát triển du lịch, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tiềm năng du lịch dồi dào
Huyện đảo Vân Ðồn có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là 551,33 km², chiếm 9,3% diện tích tỉnh Quảng Ninh và phần vùng biển rộng 1.620 km², hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải với khoảng hơn 50 loài động vật phù du, hơn 100 loài động vật thủy sản có giá trị cao; nhiều động vật quý hiếm như sá sùng, bào ngư, hải sâm, trai ngọc... Nơi đây có nhiều đảo đá vôi cùng hệ thống hang động kỳ thú và bãi tắm đẹp nổi tiếng (như hang Quan, hang Đúc Tiền, hang Nhà Trò, chuỗi bãi tắm nguyên sơ cát trắng, phẳng mịn dài hàng chục cây số ở các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng), nối liền với vịnh Hạ Long - di sản thế giới, tạo nên một không gian du lịch biển phong phú, hấp dẫn. Vườn quốc gia Bái Tử Long của huyện đảo là khu bảo tồn sinh quyển trên cạn, đồng thời là nơi bảo vệ nguồn sinh vật ven biển của Việt Nam.
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Vân Đồn còn sở hữu hệ thống tài nguyên nhân văn đặc sắc với nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, như hang Soi Nhụ - nơi có di chỉ thời trung kỳ đồ đá mới (trước văn hóa Hạ Long), gần đây được coi là di chỉ trên biển của văn hóa Soi Nhụ; di chỉ mộ cổ ở thôn Đá Bạc, xã Minh Châu (dấu tích từ thời Đông Hán khi người Trung Quốc đến đây buôn bán). Thương cảng Vân Đồn bên sông Mang (xã Quan Lạn) cũng là một thương cảng nổi tiếng của nước ta, được mở từ thời Lý, là cảng ngoại thương phồn thịnh, hoạt động hơn bốn thế kỷ và hiện còn nhiều dấu tích. Sông Mang ở Quan Lạn cũng là một di tích lịch sử ghi dấu chiến công hiển hách từ thời Trần của tướng Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông. Vùng đảo Vân Hải, căn cứ nhiều năm của cuộc khởi nghĩa Quận He Nguyễn Hữu Cầu cũng là vùng chiến tranh du kích kiên cường trong kháng chiến chống Pháp và là căn cứ an toàn của nhiều tàu hải quân, cửa ngõ giao lưu hàng hải khi cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai bị phong tỏa. Ngoài ra, Vân Đồn còn có chùa Lấm, chùa Cái Bầu, chùa Trăm gian, đền Cặp Tiên… cùng cụm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, nghè ở xã Quan Lạn. Kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú với tục hát nhà tơ, hát cưới trên thuyền với lời ca và giai điệu trữ tình của ngư dân, lễ hội đua thuyền ở Quan Lạn với quy cách tổ chức độc đáo vào giữa tháng 6 âm lịch hằng năm cũng làm tăng thêm lợi thế so sánh cho Vân Đồn trong phát triển du lịch.
Khắc phục khó khăn, giữ vững tăng trưởng
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, Vân Đồn phải đối mặt với không ít khó khăn trong phát triển du lịch. Địa bàn huyện Vân Đồn phân bố phức tạp, chia cắt thành nhiều khu vực; các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tập trung đa số ở các xã đảo, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng ở địa phương còn nhiều hạn chế; hệ thống đường giao thông, cảng, bến cập tàu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa có hệ thống điện lưới tại các xã đảo; nước sinh hoạt chưa đủ cung cấp cho nhân dân và phục vụ hoạt động du lịch vào mùa cao điểm... Ngoài ra, trong những năm qua, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch của Vân Đồn nói riêng. Song, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện đảo, sự quan tâm, ủng hộ, hợp tác của các sở, ngành và đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn nên du lịch Vân Đồn vẫn có sự tăng trưởng nhất định, lượng khách du lịch vẫn có xu hướng tăng, nhất là trong mùa lễ hội. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được huyện đẩy mạnh. Thực hiện Kết luận số 29-KL/TU, ngày 25-3-2013, của Tỉnh ủy Quảng Ninh về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2015, với trọng tâm phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ có chất lượng, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo điều hành, tích cực kiểm tra đôn đốc việc chấp hành quy định trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch; đồng thời xây dựng Chương trình số 518/CTr-UBND ngày 02-5-2013 về phát triển du lịch Vân Đồn giai đoạn 2013 - 2015, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện.
Trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá du lịch thời gian qua, Vân Đồn đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề: “Du lịch Vân Đồn tiềm năng và triển vọng”. Hội thảo đã thu hút được các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan truyền thông trong cả nước tham dự và thực sự là điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sự phát triển của du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng trong việc khai thác gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, kê khai giá, bán theo giá niêm yết, không tùy tiện nâng giá, ép khách mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ với giá cao hơn giá đã đăng ký, nhất là trong các ngày lễ, tết; tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị kinh doanh dịch vụ cơ sở lưu trú, nhà hàng trong thời gian cao điểm ở trung tâm thị trấn Cái Rồng, khu vực đảo Minh Châu, Quan Lạn; phối hợp lắp đặt 4 biển báo đường dây nóng ở các khu, điểm du lịch, cảng Cái Rồng để du khách kịp thời phản ánh các tiêu cực trong hoạt động du lịch tại địa phương.
Đặc biệt, Vân Đồn đang đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch, trong đó có việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; mở rộng, nâng cấp, làm mới đường xuyên đảo. Tháng 4-2014, huyện cũng khởi công dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo (gồm xã Bản Sen, xã Quan Lạn, xã Minh Châu, xã Thắng Lợi và xã Ngọc Vừng) với tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế mà trọng tâm là phát triển du lịch. Ngày 03-01-2015 vừa qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chính thức đóng điện công trình đưa điện lưới quốc gia ra xã Ngọc Vừng - xã đảo cuối cùng thuộc huyện Vân Đồn nằm trong dự án đưa điện lưới quốc gia ra 5 xã đảo. Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện thành công chủ trương xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế; đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Với những hành động thiết thực trên, du lịch Vân Đồn thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của địa phương, tạo được việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhận thức cộng đồng dân cư được nâng lên, nhất là trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên, môi trường phục vụ du lịch. Năm 2013, khách du lịch đến với Vân Đồn là 526.500, trong đó khách quốc tế ước đạt 12.075 (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2012), doanh thu 320 tỷ; 4 tháng đầu năm 2014 tổng lượng khách du lịch đến Vân Đồn ước đạt 344.000 lượt, đạt 47% so với kế hoạch và tăng 36% so với cùng kỳ. Cùng với sự tăng về lượng khách du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách đến với Vân Đồn.
Hiện nay, số khách sạn, nhà nghỉ hiện có trên địa bàn huyện là 104 cơ sở, trong đó có các đơn vị chất lượng cao và quy mô lớn: khách sạn ANN, Ngân Hà, Việt Hằng, Minh Châu, Harbour View, các khu du lịch Vân Hải, Mai Quyền… Hệ thống nhà bè ăn uống tập trung ở khu vực cầu Vân Đồn, cảng Cái Rồng là loại hình thu hút được đông đảo du khách khi đến Vân Đồn. Bên cạnh đó, dịch vụ tàu chở khách từ cảng Cái Rồng đi các đảo có tốc độ phát triển nhanh, chất lượng phương tiện không ngừng được cải thiện, hiệu quả kinh doanh ổn định với 54 tàu, trong đó có 21 tàu cao tốc. Có thể khẳng định, đến nay Vân Đồn đang trở thành một địa điểm được nhiều nhà đầu tư và du khách trong, ngoài nước lựa chọn.
Tuy nhiên, dù số lượng khách du lịch đến với Vân Đồn thời gian qua có tăng nhưng đa phần vẫn là khách lẻ, khách đi lễ hội với thời gian lưu trú và mức chi tiêu thấp; số lượng cơ sở lưu trú tăng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, giá dịch vụ còn cao so với chất lượng; lao động trong ngành du lịch địa phương chưa có kỹ năng nghề; các làng nghề, sản phẩm truyền thống chưa được khai thác để đưa vào phục vụ khách du lịch; sự liên kết trong quảng bá, xúc tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ giữa các đơn vị kinh doanh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức...
Giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong phát triển du lịch
Trong thời gian tới, Vân Đồn phấn đấu tạo những chuyển biến tích cực trong du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững, làm tiền đề cho việc xây dựng thành công trung tâm du lịch sinh thái biển chất lượng cao trong tương lai gần; hoàn thành và công bố quy hoạch du lịch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới, tổ chức các loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa, cộng đồng tại xã đảo Minh Châu, Ngọc Vừng... Để hoàn thành mục tiêu đó, cần có sự quyết tâm, nỗ lực hơn của các cấp, các ngành, sự chung tay của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Một số giải pháp trọng tâm được xác định là:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1296/QĐ-TTg, ngày 19-8-2009, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tập trung triển khai hoàn thành dự án lập Quy hoạch phát triển du lịch dịch vụ Vân Đồn giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Phát huy trách nhiệm và hiệu lực quản lý của các cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý kinh doanh du lịch, dịch vụ. Tích cực triển khai Chỉ thị số 11/CT-UBND và Quy chế tạm thời về Quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh kèm theo Quyết định 3268/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nghiêm túc thực hiện Nghị định 16/2012/NĐ-CP ngày 12-3-2012 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ có hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn toàn huyện.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; tạo quỹ đất sạch để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển, xây dựng các công trình trọng điểm có tính chất động lực cho phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn như: Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh tại Vân Đồn, Đường vào khu công viên phức hợp Cái Bầu, Đường xuyên đảo Minh Châu, Quan Lạn, Dự án tái định cư, Hồ chứa nước Lòng Dinh...
Thứ ba, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, kết nối tuyến điểm với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển gắn với văn hóa vùng, miền; khai thác các lợi thế tài nguyên du lịch có sẵn tại các địa phương như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã đảo Ngọc Vừng, nhằm chuyển dịch kinh tế, tạo việc làm cho cư dân trên đảo. Khai thác các tour du lịch trên vịnh Bái Tử Long. Nghiên cứu đề xuất xây dựng một số mô hình làng nghề truyền thống như: nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản tại các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen để phục vụ du lịch.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch có trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Điều tra, thống kê, phân tích lao động trong ngành du lịch; xây dựng kế hoạch và lộ trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch giai đoạn 2013 - 2015, dự báo nhu cầu cho giai đoạn 2016 - 2020. Hỗ trợ một phần ngân sách cho công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình thi tay nghề trong lĩnh vực du lịch để người lao động có dịp được học hỏi, trau dồi và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quảng bá, xúc tiến và phát triển thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức như: xuất bản ấn phẩm, tờ gấp, băng video, hướng dẫn du lịch theo chuyên đề phù hợp với từng thị trường khách. Tổ chức các hội thảo, hội chợ du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch huyện Vân Đồn được tham gia, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường; tổ chức tốt lễ hội Vân Đồn, lễ hội đền Cặp Tiên, các hội chợ, liên hoan ẩm thực trên địa bàn huyện… nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống vùng, miền đến với du khách.
Thứ sáu, tích cực tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, ứng xử văn minh, lịch sự. Đôn đốc các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, vận chuyển khách, nhà hàng, đơn vị quản lý khai thác, sử dụng bãi tắm tham gia kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về an toàn kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ và các quy định khác./.
Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước  (27/01/2015)
Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước  (27/01/2015)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Đặc phái viên Thủ tướng Anh  (26/01/2015)
Nghiên cứu sâu sắc các nội dung cơ bản được nêu trong các nghị quyết, kết luận tại Hội nghị lần thứ 10 của Đảng  (26/01/2015)
Nâng chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội lên một tầm cao mới  (26/01/2015)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay