TCCSĐT - Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược trên phạm vi toàn cầu nói chung và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng, ngày 06-9, Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành cuộc đối thoại 2+2 tại thủ đô New Dehli (Ấn Độ). Đây là cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên giữa hai nước.

Mỹ - Ấn Độ thắt chặt quan hệ đối tác

 
 Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ N. Sitharaman. Ảnh: ndtv.com

Tại cuộc đối thoại “2+2”, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis đã hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S. Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ N. Sitharaman về một loạt vấn đề hợp tác song phương và quốc phòng an ninh quan trọng, tăng cường tương tác giữa Lục quân Ấn Độ và Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ. Tại cuộc đối thoại, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết thỏa thuận bảo đảm liên lạc quân sự mang tên Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA).

Đối thoại “2+2” là một hoạt động ngoại giao - quân sự nối tiếp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi tới Mỹ vào tháng 6-2017. Trong chuyến thăm này, Mỹ và Ấn Độ đã đạt nhiều thỏa thuận đột phá trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó đáng kể nhất là việc Washington sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quân sự hiện đại nhất cho New Dehli. Với “tinh thần” của chuyến thăm, cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt được kết quả tích cực, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết COMCASA, vốn đã bị trì hoãn trong nhiều năm qua.

Trên thực tế, Mỹ từ lâu đã muốn đạt được COMCASA với Ấn Độ với hy vọng thỏa thuận này sẽ mở cánh cửa để Washington bán các thiết bị quốc phòng nhạy cảm cho New Delhi. Tuy nhiên, Ấn Độ lâu nay lại phản đối COMCASA do lo ngại văn kiện này có thể để lộ mạng lưới thông tin của nước này cho quân đội Mỹ. C

Cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên này cũng ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của Ấn Độ cũng như Mỹ trong việc thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương. Điều này cũng dễ hiểu bởi giới lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, cũng như củng cố thêm những bước tiến mà hai bên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Dehli thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Đối với Mỹ, việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump. Ấn Độ được coi là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Washington.

Tuy nhiên, giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn còn tồn tại những bất đồng gây trở ngại cho quan hệ song phương. Trong khi thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, Ấn Độ cũng phải tìm cách cân bằng quan hệ với các nước khác, đặc biệt là Nga và Iran. Thực tế cho thấy Mỹ đã tỏ rõ thái độ "không bằng lòng" khi Ấn Độ đang đàm phán về việc mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn khẳng định hợp tác quốc phòng với Nga bởi Ấn Độ hiểu rõ quan hệ Nga - Ấn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của nước này. Ngoài vấn đề liên quan đến Nga, Mỹ cũng đang hối thúc các nước ngừng nhập khẩu dầu từ Iran sau khi Tổng thống D. Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JPCOA) giữa Iran với nhóm P5+1. Trong khi đó, Ấn Độ lại là thị trường hàng đầu của ngành dầu mỏ Iran, chỉ sau Trung Quốc.

Dù còn tồn tại những bất đồng, song những kết quả tích cực mà Mỹ và Ấn Độ đạt được tại đối thoại “2+2” lần đầu tiên đã phản ánh một bước nâng cấp trong mối quan hệ giữa hai nước này.

Chính phủ Nam Phi nỗ lực vực dậy nền kinh tế

 
Nền kinh tế Nam Phi chính thức rơi vào tình trạng suy thoái. Ảnh: thesouthafrica.co.za

Nền kinh tế Nam Phi đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái và đây là lần suy thoái kinh tế đầu tiên ở nước này kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trước khó khăn này, đảng cầm quyền Nam Phi đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Ngày 05-9, Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA) cho biết, kinh tế Nam Phi đã rơi vào tình trạng suy thoái sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm hai quý liên tiếp với mức giảm lần lượt 2,6% và 0,7% trong quý I và quý II năm 2018. Theo Stats SA, hoạt động của các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, vận tải, thương mại và chế tạo yếu kém là nguyên nhân chính khiến kinh tế Nam Phi rơi vào suy thoái. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp giảm 29,2%. Ngành nông nghiệp nước này chịu tác động tiêu cực khi sản lượng thu hoạch sụt giảm, nạn hạn hán ở Western Cape và tình trạng mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng ở tỉnh Mpumalanga. Sau khi Stats SA công bố các số liệu trên, đồng rand của Nam Phi đã giảm 2,4% xuống còn 15,23 rand đổi 1 USD.

Từng được coi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, kinh tế Nam Phi đã xuống dốc trầm trọng trong gần một thập niên qua dưới sự điều hành của Tổng thống J. Zuma, người vừa từ chức hồi tháng 02 vừa qua. Sau khi Tổng thống J. Zuma từ chức và ông C. Ramaphosa lên nắm quyền, kinh tế Nam Phi đã bắt đầu nhận những tín hiệu khả quan, theo giới quan sát đánh giá là nhờ tư duy quản lý kinh tế thông thoáng và cởi mở của tân Tổng thống - người trước đó là một doanh nhân có tiếng và hiện là một trong những tỷ phú giàu có nhất Nam Phi. Cùng thời điểm này, doanh nghiệp tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá kinh tế Nam Phi sẽ chứng kiến tăng trưởng khả quan ở mức 3% trong năm 2018, nhờ việc áp dụng lãi suất thấp và sự hồi phục giá trị của đồng nội tệ Rand.

Thực tế, trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế vốn đã “ốm yếu” trong gần một thập niên dưới sự điều hành của cựu Tổng thống J. Zuma, Tổng thống C. Ramaphosa đã đưa ra một loạt các biện pháp như đề xuất thành lập Quỹ đầu tư quốc gia (SWF) cũng như thành lập nhóm chuyên gia kinh tế và tài chính nhằm thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài. Những cố gắng của nhà lãnh đạo mới của Nam Phi cũng dần thu được kết quả. Tuy nhiên, việc Nam Phi chính thức rơi vào suy thoái là một thông tin tiêu cực đối với Tổng thống C. Ramaphosa cũng như sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền trong cuộc bầu cử được dự kiến tổ chức vào cuối năm 2019.

Trước tình trạng này, ngày 05-9, Đảng ANC cầm quyền tại Nam Phi đã kêu gọi chính phủ nước này cần khẩn trương đưa ra các gói kích thích tăng trưởng nhằm vực dậy nền kinh tế. Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, ANC đưa ra một loạt đề xuất như áp dụng chính sách tín dụng thuế ưu đãi đối với các công ty đầu tư vào lĩnh vực và ngành tạo ra việc làm ổn định, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước và giảm thiểu nạn quan liêu cửa quyền trong các dịch vụ hành chính công liên quan đến hoạt động kinh tế. Ngoài ra, ANC cũng đưa ra đề xuất thúc đẩy các dự án công tạo nhiều công ăn việc làm, tăng cường trao đổi thương mại với các quốc gia châu Phi và giảm phí kết nối internet di động. ANC nêu rõ “các biện pháp trên không có nghĩa là chính phủ phải đưa ra những chính sách mới, mà là việc áp dụng một cách hiệu quả các chính sách hiện có”.

Quan hệ Nga - Anh tiếp tục “sóng gió”

 
 Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Vasily Nebenzia phản đối việc Anh cáo buộc Nga liên quan tới vụ đầu độc điệp viên hai mang S. Skripal và con gái Yulia - sự việc đang gây căng thẳng đỉnh điểm giữa Nga và Anh. Ảnh: bbc.co.uk

Căng thẳng giữa Nga và Anh tiếp tục leo thang khi ngày 05-9, hãng tin Reuters dẫn lời các công tố viên Anh cho biết đã đủ chứng cứ để buộc tội hai công dân Nga âm mưu sát hại cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái, trong khi Nga cáo buộc Anh thao túng thông tin và đưa ra cáo buộc vô căn cứ. Đây có thể xem như “giọt nước tràn ly” trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo các công tố viên, hai công dân Nga nói trên là A. Petrov và R. Boshirov. Hiện London đã phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với hai nghi can này. Các công tố viên Anh cũng cho biết sẽ không đề nghị phía Nga dẫn độ 2 nghi can này do luật pháp Nga không cho phép dẫn độ chính công dân nước này.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh T. May cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga là thủ phạm đứng đằng sau âm mưu ám sát cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái, cho biết các quan chức Anh đã đề cập vấn đề này với đại biện của Nga tại London và việc Anh muốn những người chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này, phải bị xét xử.

Cũng trong ngày 05-9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố tên của hai người đàn ông mà các công tố viên Anh cáo buộc âm mưu sát hại cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái không có ý nghĩa gì đối với Nga. Bộ này nhấn mạnh việc điều tra các vụ việc như vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và phân tích kỹ lưỡng. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Anh hợp tác điều tra vụ việc này thay vì thao túng thông tin và đưa ra cáo buộc vô căn cứ. Trong khi đó, phái đoàn Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cũng khẳng định Nga không liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal.

Cuộc tranh cãi Nga - Anh liên quan đến vụ việc đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái tại Anh đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước căng thẳng với việc Thủ tướng Anh T. May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tới thăm Anh, trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga tại Anh và siết chặt kiểm soát đường biên giới đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga. Để đáp trả, Nga cũng tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg.

Trước những diễn biến trên, giới phân tích nhận định, vụ Skripal không chỉ đẩy quan hệ Nga - Anh rơi xuống một giai đoạn xấu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh mà còn có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Bởi thực tế cho thấy bên cạnh việc bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ điệp viên Skripal gây căng thẳng giữa Anh và Nga, kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với phía Anh trong tiến trình điều tra xoay quanh vụ việc gây chấn động này và cho rằng Anh nên tiếp tục duy trì liên lạc, đối thoại với Nga để giải quyết những bất đồng giữa hai bên, các đồng minh của Anh vẫn luôn đứng về phía Anh trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga này.

Với căng thẳng mới giữa Nga và Anh lần này liên quan đến vụ điệp viên Skripal, giới phân tích cho rằng, khi sự thật chưa được làm sáng tỏ, hai bên cần đưa ra một giải pháp kỹ lưỡng trước khi đưa ra các hành động nhằm tránh bị lún sâu vào khủng hoảng ngoại giao.

Trung Quốc - châu Phi thúc đẩy kết nối chiến lược hợp tác

 
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018. Ảnh: china.org.cn

Trong hai ngày 03 và 04-9-2018, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 với chủ đề “Trung Quốc và châu Phi: hướng đến một cộng đồng mạnh mẽ hơn với một tương lai chung thông qua hợp tác hai bên cùng có lợi” đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Hội nghị là dịp quan trọng để truyền tải thông điệp xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - châu Phi mật thiết hơn, cũng như đề ra lộ trình mới cho hợp tác giữa các bên.

Hội nghị có sự tham dự của 50 nguyên thủ các quốc gia châu Phi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres và đại diện 27 tổ chức quốc tế cũng như Liên minh châu Phi (AU). Tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ thực thi 8 sáng kiến lớn với các nước châu Phi trong ba năm tới và dài hơn: Thứ nhất, về xúc tiến công nghiệp, một triển lãm kinh tế và thương mại Trung Quốc - châu Phi sẽ được tổ chức tại Trung Quốc, và các công ty Trung Quốc đang được khuyến khích tăng cường đầu tư tại châu Phi. Trung Quốc sẽ thực hiện 50 chương trình hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp viện trợ thực phẩm nhân đạo khẩn cấp trị giá một tỷ Nhân dân tệ (147 triệu USD) cho các nước châu Phi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, và cử 500 chuyên gia cao cấp về nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi. Thứ hai, về kết nối hạ tầng, Trung Quốc sẽ phối hợp với AU lập kế hoạch hợp tác hạ tầng Trung Quốc - châu Phi và hỗ trợ các công ty Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng tại châu Phi theo mô hình đầu tư - xây dựng - vận hành, hoặc các mô hình khác. Thứ ba, về tạo điều kiện cho thương mại, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm không phải là nguyên liệu thô, và hỗ trợ các nước châu Phi tham gia Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Các nước châu Phi kém phát triển nhất sẽ được miễn phí mở gian hàng tại triển lãm. Thứ tư, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển xanh, bảo vệ sinh thái và môi trường, với trọng tâm chống biến đổi khí hậu, đại dương và ngăn chặn và kiểm soát quá trình sa mạc hóa, và chống cháy rừng. Thứ năm, về xây dựng năng lực, Trung Quốc sẽ thành lập 10 hội thảo Luban tại châu Phi để tập huấn cho giới trẻ. Trung Quốc cũng sẽ đào tạo 1.000 người châu Phi có năng lực cao, cung cấp cho châu Phi 50.000 học bổng chính phủ, tài trợ các cuộc hội thảo, hội nghị cho 50.000 người châu Phi và mời 2.000 thanh niên châu Phi thăm Trung Quốc để trao đổi. Thứ sáu, về y tế, Trung Quốc sẽ nâng cấp 50 chương trình hỗ trợ y tế và sức khỏe cho châu Phi, tập trung vào các dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - châu Phi và Cơ quan Kiểm soát và phòng chống bệnh tật châu Phi. Thứ bảy, về trao đổi nhân dân, Trung Quốc sẽ lập một viện nghiên cứu châu Phi và trao đổi với châu Phi về văn hóa. Thứ tám, về hòa bình và an ninh, Trung Quốc sẽ lập một quỹ hòa bình và an ninh Trung Quốc - châu Phi và tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự miễn phí cho Liên minh châu Phi. Tổng cộng 50 chương trình hỗ trợ an ninh sẽ được tiến hành trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chống hải tặc, chống chủ nghĩa khủng bố.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi với kim ngạch thương mại năm 2017 lên đến 220 tỷ USD. Lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà châu lục này còn là nơi cung cấp các nguyên liệu thô dồi dào cho Trung Quốc. Trong vài thập niên qua, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hình thành nên các ngành công nghiệp cần nhu cầu cao về năng lượng. Nhằm bảo đảm cung cấp năng lượng lâu dài để duy trì nền công nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi thông qua việc đẩy mạnh các ngành khai thác dầu mỏ. Châu Phi là nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Trung Đông với 1,4 triệu thùng/ngày.

Theo thống kê, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng tại châu Phi hơn 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động, hỗ trợ xây dựng 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường cao tốc, 9 cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện, 10 nhà máy thủy điện lớn và gần 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ. Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi được đánh giá là đã làm thay đổi cục diện khu vực và thúc đẩy hội nhập chính trị ở Lục địa đen. Do vậy, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần này tiếp tục là cơ hội để Trung Quốc và châu Phi thúc đẩy kết nối chiến lược hợp tác./.