Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 26-9 đến ngày 02-10-2016)
Chống tham nhũng là phải ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu
Ngày 26-9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thay mặt Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và Kết luận số 21 của Trung ương khóa XI, qua đó công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả rõ rệt.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính. Điều này tuy nhỏ nhưng gây bức xúc rất lớn trong người dân.
Thanh Hóa cần có các giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước
Chiều 26-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để đánh giá tình hình, góp ý với tỉnh, tìm ra những hướng đi đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện lớn nhất cả nước.
Đánh giá các điều kiện lợi thế lợi thế đặc biệt của Thanh Hóa như “một Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần tập trung xây dựng các chủ trương, giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng to lớn của tỉnh nhà.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là một tỉnh lớn của cả nước Thanh Hóa đã xây dựng một số mô hình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt. Kết quả kinh tế-xã hội vượt chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Đây là thành tựu đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn về điều kiện tự nhiên, xã hội, hạ tầng cơ sở tương đối cơ bản và đặc biệt là nguồn nhân lực, lao động dồi dào - một thế mạnh nội tại của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ cấu kinh tế vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy được tối đa lợi thế sẵn có cả về nông nghiệp và công nghiệp. Thanh Hóa còn có sự phân hóa, chênh lệch trong phát triển; quy mô kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp còn rất thấp dẫn đến thiếu động lực trong giải quyết việc làm, thu ngân sách; ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, du lịch.
Thủ tướng chỉ đạo Thanh Hóa coi trọng và tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng, đẩy mạnh đưa doanh nghiệp về nông thôn, ứng dụng rộng rãi hơn khoa học - công nghệ trong quản lý và sản xuất, từng bước chuyển đổi có hiệu quả lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Thủ tướng lưu ý tỉnh tiếp tục chỉ đạo ưu tiên phát triển khu vực phía Tây Thanh Hóa - nơi điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư công, không làm phát sinh nợ mới, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.
Muốn phát triển bền vững, cần xác định đúng độ hài lòng của người dân để đề ra chủ trương, chính sách hợp lý
Ngày 27-9-2016, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về việc khảo sát xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2016 trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, đối với lĩnh vực cải cách hành chính, việc xác định mức độ hài lòng của người dân là hết sức quan trọng. Vì thế, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung lựa chọn một cách làm cho thống nhất với định hướng như: Thành phố quản lý chung, lãnh đạo các sở, quận, huyện có trách nhiệm thực hiện theo đặc thù riêng; tăng cường việc sử dụng kết quả để điều chỉnh quy trình hành chính; nâng cao năng lực cán bộ và tính hợp lý của các dịch vụ công theo quy trình ba khâu: Xác định thực trạng - khắc phục hạn chế - công bố công khai.
Thủ tướng: Bộ máy Quảng Nam phải "máu lửa" để đạt được mục tiêu
Sáng 28-9, phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung Bộ.
Thủ tướng cho rằng để hoàn thành mục tiêu này, cần nhiều nguồn lực và quan trọng là phải có một chính quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4 để nắm bắt cơ hội phát triển. Bộ máy quản lý hành chính phải trách nhiệm, "máu lửa", làm việc ngày đêm vì nhân dân; kiên quyết loại khỏi hệ thống cán bộ vô trách nhiệm trong công tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng với ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm được quán triệt và lan tỏa từ tỉnh đến xã, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam sẽ không ngừng phấn đấu, đạt thêm nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng: Đà Nẵng phải trở thành thành phố thông minh, cạnh tranh
Chiều 28-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố biển Đà Nẵng để giải quyết những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, đưa Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế Trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Gợi mở ý tưởng phát triển Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải có ước mơ, quyết tâm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đưa Đà Nẵng hướng đến trở thành những trung tâm tài chính, kinh tế du lịch của thế giới như Singapore, HongKong, trong tương lai gần.
Về tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng phải hướng đến trở thành một thành phố thông minh, cạnh tranh, kết nối trong nước với các thành phố khác trên thế giới; thực sự là một điểm đến của du khách, của hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo, Thủ tướng đề nghị.
Công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015
Chiều 29-9, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê: Tính đến thời điểm ngày 01-7-2015, toàn quốc có 30.945 địa bàn vùng dân tộc, trong đó khu vực thành thị 3.389 địa bàn (chiếm 11%) và khu vực nông thôn 27.556 địa bàn (89%). Trong số 63 tỉnh, thành phố có 51 địa phương có địa bàn điều tra; trong đó, Hà Tĩnh là địa phương có số địa bàn điều tra ít nhất (6 địa bàn) và Sơn La có số địa bàn cao nhất (2.208 địa bàn). Dân số cả nước năm 2015 là 91,71 triệu người; trong đó dân số dân tộc thiểu số là 13,39 triệu người (chiếm khoảng 14,6%). Về cơ cấu giới tính, trong dân số cả nước, nam chiếm tỷ lệ thấp hơn (49,3%) so với nữ (50,7%). Đối với dân tộc thiểu số, cơ cấu này lại đảo chiều khi nam đông hơn nữ, tỷ lệ tương ứng là 50,3% và 49,7%. Cả nước có 3,041 triệu hộ dân tộc, trong thời kỳ 2009-2015 tăng bình quân năm là 2,2%, cao hơn 0,6% tốc độ tăng bình quân năm của số lượng hộ nói chung (1,6%). Đại đa số người dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn (89,6%), cao hơn hẳn so với của dân số cả nước (66,1%). Tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số là 69,9 năm; trong đó của nam giới là 67,1 năm và nữ giới là 72,9 năm. Trong 51 tỉnh, thành tại thời điểm 1/8/2015 có khoảng 123,7 nghìn người dân tộc thiểu số bị tàn tật, chiếm 10,3 phần nghìn trong tổng số người dân tộc thiểu số của những tỉnh, thành này...
Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới
Sáng 30-9-2016, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 15-9-2016, cả nước có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã (5,9%) so với cuối năm 2015. Dự kiến, hết năm 2016, sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Còn 300 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,36%), giảm 26 xã so với đầu năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với năm 2015 và dự kiến, hết năm 2016, con số này là 30 đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông thôn mới là cuộc cách mạng, là nhiệm vụ chính trị, phải kiên trì, kiên nhẫn, tổ chức thực hiện cho tốt. Xây dựng nông thôn mới là giảm khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, là một định hướng xã hội chủ nghĩa đặc biệt. Phải hiểu bản chất của nông thôn mới là thực sự nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người dân. Nông thôn mới phải có kết cấu hạ tầng tốt, cơ cấu kinh tế phù hợp, tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng cuộc sống của người dân tốt hơn, dân chủ tốt hơn, bình đẳng xã hội tốt hơn, giữ vững bản sắc văn hóa, bảo đảm môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng nhấn mạnh phong trào này phải dựa vào nhân dân, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, bởi sức sáng tạo của nhân dân là vô tận.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tỉnh Trà Vinh
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giải đáp, ghi nhận các ý kiến của cử tri. Những ý kiến thuộc thẩm quyền của Trung ương, đại biểu Quốc hội ghi nhận và sẽ trình Quốc hội xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cam kết với cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Trà Vinh sẽ tăng cường công tác giám sát về môi trường tại các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn. Để bà con cử tri yên tâm, chính quyền địa phương nên thành lập các tổ giám sát để kiểm tra phát hiện kịp thời những sai phạm.
Lào Cai long trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đạt được trong 25 năm qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Lào Cai cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn trên cơ sở làm tốt công tác cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, tạo cơ sở để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Thủ tướng: Không để bà con tái định cư Thủy điện Sơn La tái nghèo
Sau khi thăm hỏi, nắm tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đang sinh sống trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, sáng 01-10-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Đây là Dự án thủy điện có số dân phải di chuyển, tái định cư lớn nhất từ trước đến nay.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương các bộ, ban, ngành Trung ương; cấp ủy đảng, đoàn thể, chính quyền, nhân dân, đồng bào các dân tộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động sáng tạo hoàn thành tốt dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La.
Đề cập đến những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các dự án hạ tầng xã hội; chú trọng hoàn thiện xây dựng nông thôn mới nhất là hỗ trợ hoạt động cho các Hợp tác xã nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, khuyến công.
Thủ tướng lưu ý các địa phương xây dựng hệ thống chính trị chính quyền ở khu tái định cư, duy trì đoàn kết trong cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Thực hiện tốt chủ trương thoát nghèo bền vững; kiên quyết không để xảy ra tái nghèo.
Chủ tịch nước trao huân chương cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy
Sáng 02-10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (04-10-1961-04-10-2016), 15 năm Ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng hơn 600 cán bộ, chiến sỹ đại diện cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chính thức ra đời sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Pháp lệnh ngày 04-10-1961 quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác Phòng cháy chữa cháy. Tiếp đó, ngày 05-4-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 17, công bố Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác Phòng cháy chữa cháy và chế độ, cấp bậc của sỹ quan, hạ sỹ quan Phòng cháy chữa cháy.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng sự nỗ lực phấn đấu, những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã đạt được trong chặng đường lịch sử 55 năm qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng, với lịch sử hào hùng và bản chất tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang; nỗ lực rèn luyện, phấn đấu giành được nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Chương trình nghệ thuật tri ân 10 nữ dân quân Lam Hạ anh hùng  (02/10/2016)
Anh bắt đầu tiến trình rời Liên minh châu Âu vào tháng 3-2017  (02/10/2016)
Trung Quốc phản bác dự báo tăng trưởng thương mại của WTO  (02/10/2016)
Trung Quốc phản bác dự báo tăng trưởng thương mại của WTO  (02/10/2016)
Chủ tịch nước trao huân chương cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy  (02/10/2016)
Bế mạc AIPA-37: Các nghị quyết Việt Nam đề xuất được thông qua  (02/10/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay