TCCS - Xác định rõ vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự vững mạnh ngang tầm của Đảng bộ trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm gần đây Đảng bộ Ninh Bình càng chú trọng, tích cực chăm lo công tác này, bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Khi tái lập (tháng 4-1992), Ninh Bình thuộc hàng những tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, khối lượng và tỷ suất thấp. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao (57,9%) trong tổng sản phẩm xã hội. Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp còn nhỏ bé, manh mún, phân tán, kỹ thuật công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp. Thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng... Lao động thiếu việc làm, dân số tiếp tục tăng nhanh. Tài chính ngân sách chưa bảo đảm nhu cầu chi (năm 1991 tổng thu tiền mặt là 125 tỉ đồng, tổng chi trên 142 tỉ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 24,4 tỉ đồng, chi trên địa bàn các huyện, thị xã đạt gần 29,33 tỉ đồng). Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ thiếu đói ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều.

Trước tình hình đó, “nhìn chung đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, cơ chế quản lý mới và có sự hẫng hụt, thiếu quy hoạch, không được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo. Bộ máy chính quyền các cấp chưa phát huy đầy đủ hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, vừa chưa thật sự phát huy dân chủ, vừa thiếu kỷ cương”(1); “Nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, trật tự kỷ cương, kỷ luật phát ngôn không được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ, có mặt bị buông lỏng”(2).

Năm 2005, sau 13 năm tái lập, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đã có những bước tiến quan trọng, song Ninh Bình vẫn là một tỉnh chậm phát triển trong khu vực (năm 2005 thu ngân sách chỉ đạt 639 tỉ đồng, GDP bình quân đầu người thấp so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, gần bằng bình quân thu nhập đầu người trong cả nước: 5,3 triệu đồng); quy mô kinh tế còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. “Trong khi đó, công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới. Quy hoạch cán bộ làm chậm, chưa đồng bộ, chưa thật gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Nhiều nơi, trên một số lĩnh vực, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có sự hẫng hụt, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ rất ít. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật cũng chưa được quan tâm thường xuyên, thiếu những cán bộ đầu ngành. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu được những kết quả bước đầu nhưng so với yêu cầu Trung ương đề ra còn hạn chế.”(3)

Những hạn chế trên là lực cản lớn trong quá trình đi lên của tỉnh. Nhận thức được cội rễ của vấn đề, trong những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng, tích cực chăm lo công tác xây dựng Đảng, trong đó tập trung vào khâu quan trọng mang tính đột phá là đổi mới công tác tổ chức - cán bộ.  

Năm 2010, sau 18 năm sau tái lập, đánh giá chặng đường 5 năm (2006 - 2010), Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (2010) khẳng định: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 16,5%/năm, gấp hơn hai lần bình quân chung của cả nước; GDP bình quân đầu người tăng gần 4 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt… Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững mạnh. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu đã đề ra. Trong nhiều yếu tố dẫn tới kết quả trên có sự chăm lo “công việc gốc” của Đảng bộ - công tác cán bộ.

Xuất phát từ nhận thức rõ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”; “công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng”, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là góp phần căn bản làm nên sự vững mạnh của Đảng. Từ điểm xuất phát thấp, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình càng chú trọng tích cực chăm lo “công việc gốc” nhằm từng bước lựa chọn đội ngũ cán bộ từ cơ sở tới cấp tỉnh có đủ phẩm chất và năng lực đảm đương tốt công việc được phân công, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh ngang tầm với sự nghiệp cách mạng ở địa phương. Điều này được thể hiện trước hết là quan điểm, chủ trương và các giải pháp khả thi của Tỉnh ủy (TU), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU).

Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, căn cứ vào tình hình của địa phương, trong những năm gần đây, TU, BTVTU Ninh Bình kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm làm tốt công tác cán bộ, tổ chức cán bộ.  Có thể nêu một số chủ trương lớn trong thời gian này: Ngày 16-3-2005, BTVTU ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, về việc thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 08-9-2005, BTVTU ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, về công tác quy hoạch cán bộ. Ngày 03-4-2007, TU ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 04-08-2008, BTVTU ra Thông tri số 09-TT/TU, về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn... Đó là những chủ trương, quyết sách vừa là cơ sở pháp lý, vừa là hướng dẫn cụ thể để toàn Đảng bộ tổ chức làm tốt công tác cán bộ trong tình hình mới.

Từ những chủ trương trên, nhìn lại những năm gần đây, trong các khâu của công tác cán bộ, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã làm tốt một số mặt sau:

Trước hết, công tác đánh giá cán bộ là khâu đầu và cũng là khâu quan trọng nhất trong các khâu của công tác cán bộ được Tỉnh ủy Ninh Bình đặc biệt chú trọng, tổ chức thực hiện một cách nền nếp, thường xuyên, bài bản; bảo đảm dân chủ, công khai. Thông qua nhiều kênh, đánh giá khách quan, toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và chiều hướng, khả năng phát triển của cán bộ. Sự quan tâm đặc biệt này xuất phát từ quan điểm: chỉ có đánh giá đúng người mới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ; chỉ có đánh giá đúng người thì mới có cơ sở phân công đúng việc, thực hiện đúng phương châm “dụng nhân như dụng mộc”; chỉ có như vậy mới phát huy cao nhất sở trường, năng lực cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác của mỗi người. Để công tác đánh giá cán bộ đạt kết quả tốt, BTVTU ban hành các Quyết định số 761-QĐ/TU, ngày 06-3-2000, và sau này là Quyết định số 348 QĐ/TU, ngày 15-11-2011, kèm theo Quy chế đánh giá cán bộ. Đây được xem là cơ sở pháp lý và phương thức tiến hành công tác đánh giá cán bộ trong toàn Đảng bộ.

Xác định đây là việc khó, nhạy cảm, dễ tác động tới tư tưởng cán bộ nên BTVTU chỉ đạo ban hành Quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, bao gồm 6 bước. Quy trình này đã xác định rõ trách nhiệm của mỗi đồng chí ủy viên BTVTU phụ trách lĩnh vực, địa bàn; trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh; trách nhiệm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy (BTCTU), các ban tham mưu của TU và các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin; trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan trong nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ; và xác định rõ phương pháp, các bước tiến hành đánh giá cán bộ là:

Bước một, trên cơ sở kiểm điểm của tập thể lãnh đạo, tự kiểm điểm của cá nhân, ý kiến góp ý tại hội nghị kiểm điểm và quá trình theo dõi cán bộ, BTCTU dự thảo nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ; các ban của TU tham gia ý kiến vào dự thảo nhận xét này.

Bước hai, các đồng chí ủy viên BTVTU tham gia ý kiến vào dự thảo nhận xét, chủ yếu đối với số cán bộ thuộc lĩnh vực và địa bàn mình phụ trách; Đảng đoàn HĐND tham gia ý kiến đối với cán bộ công tác trong HĐND; Ban cán sự Đảng UBND tham gia ý kiến đối với cán bộ công tác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.

Bước ba, BTCTU tổng hợp ý kiến tham gia, trình BTVTU thảo luận những trường hợp còn có những đánh giá khác nhau và biểu quyết bằng phiếu kín nhận xét, đánh giá, xếp loại.

Bước bốn, gửi dự thảo nhận xét, đánh giá, xếp loại đến cán bộ được đánh giá để tham gia ý kiến; cán bộ được đánh giá bày tỏ ý kiến của mình đối với nhận xét, đánh giá, xếp loại của BTVTU.

Bước năm, BTCTU tổng hợp ý kiến của cán bộ được đánh giá để BTVTU thảo luận thống nhất lần cuối những trường hợp có ý kiến khác với đánh giá, nhận xét của BTVTU.

Bước sáu, BTCTU hoàn chỉnh đánh giá, nhận xét, xếp loại cán bộ trình Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành và gửi tới cán bộ được đánh giá và lưu hồ sơ theo quy định.

Có thể khẳng định, quy trình đánh giá cán bộ mà Đảng bộ Ninh Bình tiến hành trong những năm gần đây đã mang lại hiệu quả thiết thực: khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, đề cao trách nhiệm của tập thể BTVTU, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm, trách nhiệm trong đánh giá cán bộ; giúp cán bộ được đánh giá nhận thức đầy đủ ưu điểm để phát huy, kịp thời khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, những mặt còn hạn chế để phấn đấu vươn lên, đồng thời giúp cho cấp ủy nắm chắc hơn về đội ngũ cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nhất. Quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ diện BTVTU quản lý trên đây được các địa phương, đơn vị cụ thể hóa và áp dụng trong toàn Đảng bộ tỉnh.

 Đánh giá, xếp loại cán bộ theo phương thức trên đã trở thành nền nếp ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình trong những năm qua, vì thế công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng trưởng thành, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Như vậy, khâu đánh giá cán bộ được xác định có vị trí quan trọng hàng đầu trong các khâu của công tác cán bộ, nếu được triển khai nghiêm túc theo quy trình trên sẽ là cơ sở tin cậy cho các quy trình tiếp theo của công tác cán bộ: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.

Thứ hai, về công tác quy hoạch cán bộ. Tỉnh ủy Ninh Bình xác định làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tính liên tục, kế thừa. Phương pháp quy hoạch theo hướng phát huy dân chủ, kết hợp từ dưới lên với việc tổ chức chỉ đạo từ trên xuống một cách khoa học.

Trong những năm qua, công tác quy hoạch cán bộ ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt kết quả tốt, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, của Bộ Chính trị (khóa IX), BTVTU ban hành các chỉ thị, kế hoạch triển khai, đồng thời ban hành hướng dẫn về quy trình, các bước tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn trước mắt và xây dựng quy hoạch cán bộ cho giai đoạn tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ. Ở mỗi nhiệm kỳ, số lượng quy hoạch đối với chức danh ban thường vụ cấp ủy các cấp (tỉnh, huyện, xã) đều đạt tối thiểu từ 1,5 đến 2 lần; các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp đều bảo đảm có từ 2 đến 3 người được quy hoạch cho một chức danh. Chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch đều bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ đều đạt từ 13% đến 16%; cơ cấu cũ, mới ở mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên.

Việc thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, đúng quy trình, công khai, dân chủ trong quy hoạch cán bộ vừa đáp ứng kịp thời công tác cán bộ và công tác nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015, bầu cử chức danh lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, nhân sự bầu cử HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011, 2011 - 2016, vừa tạo được niềm tin, động lực mới trong đội ngũ cán bộ toàn tỉnh. Kết quả đó không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn là nhân tố quan trọng bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ đội ngũ cán bộ các cấp.

Thứ ba, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trên cơ sở quy hoạch cán bộ và tình hình thực tế cán bộ của tỉnh, trong những năm qua, BTVTU xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cho từng giai đoạn và từng năm, với nhiều loại hình đào tạo, cấp đào tạo thích hợp với từng đối tượng cán bộ, từng ngành. Để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ vượt qua khó khăn, tích cực học tập nâng cao trình độ đạt kết quả tốt, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã mở hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ... cho hàng chục nghìn lượt cán bộ ở cơ sở. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã cử trên 500 cán bộ đi học sau đại học, trên 20 cán bộ nghiên cứu sinh ở các trường trong nước, gần 200 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và ngoại ngữ theo Đề án 165 của Trung ương. Hiện nay, 100% số cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện trở lên trong toàn tỉnh có trình độ đại học và trên đại học về chuyên môn, 100% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Toàn tỉnh có trên 13.000 cán bộ có trình độ đại học, trên 400 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 6 cán bộ có trình độ tiến sĩ.  Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng cấu thành chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị toàn tỉnh, là nhân tố hàng đầu bảo đảm sự ngang tầm của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một lần nữa có thể rút ra bài học thực tiễn từ Đảng bộ tỉnh Ninh Bình: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là chăm lo xây dựng Đảng về trí tuệ, nhân tố cơ bản để Đảng ngang tầm đòi hỏi của mỗi thời kỳ cách mạng.

Từ việc toàn Đảng đang triển khai đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ có chức, có quyền hiện nay, thì những gì thuộc về “công việc gốc” của Đảng mà Đảng bộ tỉnh Ninh Bình chú trọng, chăm lo xây dựng trong những năm qua hoàn toàn có căn cứ để tiếp tục xây dựng Đảng bộ tỉnh Ninh Bình vững mạnh ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà trong những năm tiếp theo./.

-------------------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XII, Xí nghiệp in Nam Hà, tr. 21, 20

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV, Xí nghiệp in Ninh Bình, tr. 33