Trình diễn dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hội làng nghề Bình Định 2008
Bình Định là một trong những địa phương ở miền Trung thực hiện tốt công tác khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống, bước đầu vực dậy một số làng nghề và sản phẩm truyền thống vốn nổi tiếng một thời như rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, nem chợ huyện Tuy Phước, thảm xơ dừa Tam Quan...Trong những ngày này, cả tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị cho " Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực", một trong những hoạt động chính của lễ hội Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, sẽ diễn ra vào đầu quý III năm nay. PV Tạp chí Cộng sản đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu khái quát về "Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực" trong Lễ hội Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 và cho biết thêm vài nét về những đặc điểm của làng nghề và phát triển làng nghề ở Bình Định?

Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là hoạt động văn hóa tập trung thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật nhằm giới thiệu truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, bản sắc văn hóa Bình Định với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời giới thiệu về tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch của Bình Định; thu hút các doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư; qua đó thu hút đầu tư, thu hút du lịch vào tỉnh. Thông qua hoạt động Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 nhằm phát huy truyền thống lịch sử phong trào Tây Sơn, truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, huy động mọi tiềm năng, trí tuệ, lao động của mọi người dân, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

"Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực" là một trong những hoạt động chính của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, nhằm thể hiện bản sắc văn hóa Bình Định thông qua các hoạt động trình diễn sản xuất sinh động một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu và trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các đơn vị sản xuất trong các làng nghề truyền thống. Chương trình ẩm thực nhằm giới thiệu những món ăn, thức uống mang đậm phong vị đặc sản của quê hương Bình Định và một số địa phương khác trong khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Về đặc điểm của làng nghề và phát triển làng nghề ở Bình Định:

- Làng nghề ở Bình Định phát triển chưa nhiều. Theo số liệu thống kê, hiện có 54 đơn vị (làng nghề hoặc vùng nghề), trong đó có 46 làng nghề truyền thống. Các làng nghề sản xuất các loại sản phẩm theo các nhóm ngành: chế biến nông lâm sản, chế biến hải sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các loại dụng cụ và hàng tiêu dùng khác. Các làng nghề phân bố không đều trên địa bàn 8/11 huyện, thành phố; có gần một vạn hộ trong các làng nghề, với trên 4,6 vạn lao động; thu nhập của người lao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/người/một tháng; giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng còn nhỏ (3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).

- Tổ chức sản xuất còn phân tán, quy mô sản xuất nhỏ và phần lớn còn khép kín trong từng hộ gia đình; sản phẩm hàng hóa còn đơn điệu, chưa đa dạng phong phú; lực lượng nghệ nhân và lao động có tay nghề cao chưa nhiều; chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; thị trường còn hạn hẹp, sản phẩm xuất khẩu còn nhỏ bé.

- Một số sản phẩm đặc sắc ở các làng nghề riêng có của Bình Định, như nem chợ huyện Tuy Phước; rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, An Nhơn; nón ngựa Phú Gia, Phù Cát; sản phẩm tiện gỗ và chạm khảm mỹ nghệ Nhạn Tháp, Nhơn Hậu, An Nhơn; thảm xơ dừa Tam Quan, Hoài Nhơn; gạch ngói Phú Phong, Tây Sơn... đã đi vào lòng khách hàng gần xa. Các làng nghề này có triển vọng phát triển tốt. Đặc biệt có 5 làng nghề được quy hoạch và từng bước đầu tư phát triển để khai thác du lịch làng nghề, đó là làng Rèn Tây Phương Danh, (thị trấn Đập Đá, An Nhơn), làng Nón ngựa Phú Gia, (Cát tường, Phù Cát), làng Dệt thổ cẩm Hà Ri (Vĩnh Thạnh), làng Tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp (Nhơn Hậu, An Nhơn), làng Rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn).

PV: Qua thực tiễn ở địa phương, nhất là thời gian sau khi nước ta gia nhập WTO, ông rút ra những bài học kinh nghiệm gì về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề ở địa phương?

- Trước hết phải tuyên truyền, giáo dục về nhận thức, làm cho các cấp, các ngành hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề ở địa phương; nâng cao niềm tự hào đối với những người dân trong các làng nghề, chính họ là những người góp sức xây dựng phát triển và bảo tồn nghề truyền thống.

- Cần thực hiện một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của cơ sở sản xuất và cả của sản phẩm làng nghề.

- Đối với công tác quản lý nhà nước, trước hết, trên cơ sở quy hoạch, tập trung các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư có trọng điểm về kết cấu hạ tầng; xây dựng và triển khai thực hiện các dự án khuyến công gắn với các làng nghề phải mang tính khả thi cao, thiết thực, không đầu tư tràn lan, dàn trải, tránh lãng phí và chậm phát huy hiệu quả. Xây dựng các chính sách phù hợp với pháp luật Việt Nam, đồng thời phù hợp với các thông lệ quốc tế, bảo đảm tính minh bạch, ổn định và nguồn lực để thực hiện chính sách.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; thu hút nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, nâng cao tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ của các cơ quan nhà nước của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, lành mạnh. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin. Tăng cường quan hệ hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thu hút đầu tư cả chiều sâu và trên diện rộng đối với làng nghề nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có kỹ thuật công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị tăng thêm đối với sản phẩm công nghiệp; đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh trong sản phẩm thủ công, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa với kỹ năng tay nghề, sản phẩm tinh xảo, tiến tới xuất khẩu.

- Xây dựng hệ thống thông tin về làng nghề; chương trình phát triển toàn diện theo từng nhóm sản phẩm; chương trình bảo tồn giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề; xây dựng hệ thống phát triển mẫu mã sản phẩm, các dự án phát triển sản phẩm, đặc biệt chú trọng những nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số; chương trình xây dựng hạ tầng và cải thiện cảnh quan môi trường làng nghề; chương trình phát triển doanh nghiệp làng nghề

- Đối với cơ sở sản xuất, cần quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng trên cơ sở lựa chọn những ngành hàng, những sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhằm phát huy mọi tiềm năng. Đổi mới cung cách quản lý tiên tiến, cùng với các giải pháp cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả chương trình thương mại điện tử. Có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và các cơ sở làng nghề. Luôn chủ động cập nhật thông tin và nắm chắc về cơ chế chính sách của Nhà nước, những quy định của WTO và các thông lệ quốc tế, thông tin về thị trường để tránh rủi ro, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh nhằm duy trì sự phát triển ổn định. Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư lớn, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, phương pháp và kinh nghiệm quản lý của các đối tác đầu tư ngoài nước. Chủ động và gia tăng sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua từng hiệp hội ngành nghề để nâng cao tiềm lực, sức cạnh tranh và bảo vệ sự phát triển ổn định.

- Thực hiện đồng bộ các chương trình: khôi phục sản phẩm truyền thống và nâng cao giá trị truyền thống; phát triển sản phẩm mới; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; đào tạo, tập huấn nghề thu hút lực lượng lao động ở nông thôn; nâng cao hàm lượng kỹ thuật công nghệ trong sản phẩm, bảo đảm chất lượng, giá trị sử dụng, giá thành hợp lý đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng và phát triển thương hiệu, thực hiện tốt chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tạo sự tin tưởng và ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách hàng nhằm nâng cao uy tín phát triển thị trường.

PV: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ như thế nào, thưa ông?

Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm: Phát triển làng nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm và phát triển du lịch; phát triển làng nghề phải gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Phát triển ngành nghề gắn với thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nông thôn.

PV: Tỉnh còn có những giải pháp cơ bản nào để nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương ngày càng phát triển hiệu quả và bền vững?

Đó là công tác quy hoạch; hỗ trợ về kỹ thuật công nghệ; bảo vệ môi trường; phát triển hạ tầng nông thôn; hỗ trợ "nhân cấy" nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới, hỗ trợ đào tạo lao động nâng cao tay nghề; quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ vốn tín dụng; hỗ trợ xúc tiến thương mại khai thác các thị trường tiềm năng. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quy định tiêu chí công nhận làng nghề để có cơ sở cho các địa phương phấn đấu xây dựng các làng nghề trên địa bàn và chính sách khuyến khích phát triển làng nghề nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các làng nghề phát triển. Thông qua các chương trình khuyến công hằng năm, tỉnh và trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tổ chức trình diễn kỹ thuật sản xuất, du nhập nghề mới, nhân cấy nghề, phát triển nghề nhằm phát triển lực lượng lao động có tay nghề ở nông thôn, miền núi góp phần phát triển làng nghề. Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, như Chương trình bê-tông hóa giao thông nông thôn, thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống điện nông thôn, tạo điều kiện tốt cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn. Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu (mây, cói, dừa, gỗ rừng trồng...) phục vụ cho phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

PV: Xin cảm ơn ông.