Ngày nay, trong quá trình phát triển và kiện toàn hệ thống chính trị, các tổ chức của hệ thống chính trị có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thể chế chính trị và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, hưng thịnh của từng quốc gia. Cấu trúc của hệ thống chính trị rất đa dạng nhưng cơ bản bao gồm ba bộ phận chính: Đảng cầm quyền, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân. Trong đó, Đảng cầm quyền có vai trò lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, lãnh đạo đất nước và toàn xã hội.

Từ khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, yêu cầu và nhiệm vụ hoàn thiện hơn nữa và đổi mới hệ thống chính trị đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Trong nhiệm vụ này, với tính chất là hạt nhân của hệ thống chính trị, chúng ta đã thấy được sự cần thiết phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, cũng như việc cải cách hệ thống hành chính nhà nước sao cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của bộ máy chính trị của nước ta.

Để tổng kết công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn quá trình đổi mới hệ thống chính trị của nước ta từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đổi mới do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý làm chủ biên. Đây là công trình tổng kết, đánh giá hiện trạng, những thành tựu và hạn chế của hệ thống chính trị nước ta hơn 20 năm qua. Đồng thời, dự báo xu hướng vận động, phát triển của hệ thống chính trị nước ta trong những thập niên tới và các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong tình hình mới.

Cuốn sách là kết quả của đề tài khoa học: “Thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay)”, thuộc chương trình khoa học cấp Nhà nước: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” (mã số KX.10). Đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu với kết quả xuất sắc.

Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Hệ thống chính trị Việt Nam khái niệm và đặc điểm

Chương 2: Thực trạng hệ thống chính trị nước ta từ năm 1986 đến nay - những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân

Chương 3: Sự vận động của hệ thống chính trị nước ta trong những thập niên tới và các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính trị trong tình hình mới./.