Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường - kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất đối với Việt Nam
Một thuật ngữ xuất hiện cách đây chưa lâu nhưng được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường được hiểu là việc cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước kéo dài suốt nửa thế kỷ qua. Mặt khác, xã hội hóa còn đồng nghĩa với việc người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn...
Đặc biệt, xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường còn là việc tính đến những chi phí và đảm bảo công bằng xã hội. Trong đó, có chi phí về đói nghèo mà người dân phải gánh chịu trong công cuộc bảo vệ môi trường. Với tinh thần đó, xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường là một quá trình tất yếu khách quan, xuất phát từ đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống (dịch vụ cho cộng đồng phải do cộng đồng cùng tham gia thực hiện, nhưng không phải theo kiểu tự cung, tự cấp, khép kín), từ yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện chất lượng sống của nhân dân và đáp ứng các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cả hiện tại, lẫn tương lai.
1. Từ kinh nghiệm quốc tế đầu tư trong thu gom, xử lý rác thải…
Xin-ga-po là một nước được đô thị hóa 100% và cũng được coi là một trong những đô thị sạch nhất trên thế giới. Để làm được việc này, Xin-ga-po đã chú trọng đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đồng thời xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm khắc làm tiền đề cho quá trình xử lý rác thải tốt hơn. Rác thải ở Xin-ga-po được thu gom và phân loại bằng túi ni-lon. Các chất thải có thể tái chế được đưa về các nhà máy tái chế lại, còn các chất thải khác được đưa về các nhà máy để thiêu hủy.
Ở Xin-ga-po có hai thành phần tham gia chính vào đầu tư cho thu gom và xử lý rác thải là: tổ chức thuộc Bộ Khoa học công nghệ và môi trường chủ yếu thu gom rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư và các công ty; và hơn 300 công ty tư nhân của Xin-ga-po chuyên thu gom rác thải công nghiệp và thương mại. Tất cả các công ty này đều được cấp giấy phép hoạt động và chịu sự giám sát, kiểm tra trực tiếp của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường.
Ngoài ra, các hộ dân và các công ty ở Xin-ga-po được khuyến khích tự thu gom và xử lý rác thải để có thể giảm được chi phí. Bộ Khoa học công nghệ và môi trường quy định cụ thể phí thu gom và vận chuyển rác thải cho các hộ dân và các công ty. Chẳng hạn đối với các hộ dân, thu gom rác trực tiếp tại nhà phải trả phí 17 đô-la Xin-ga-po/ tháng, thu gom rác gián tiếp tại các khu dân cư thì chỉ phải trả phí 7đô-la Xin-ga-po/tháng.
Nhật Bản có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm trong quản lý chất thải: chất thải từ hộ gia đình thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước, còn chất thải từ các công ty, nhà máy thì giao cho tư nhân đấu thầu hoặc các công ty do chính quyền địa phương chỉ định xử lý; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về rác thải của mình... nên việc xử lý rác thải ở nước này rất nhịp nhàng.
Luật Bảo vệ môi trường của Nhật Bản bắt buộc các công ty sản xuất các sản phẩm đồ dùng điện tử phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm hư cũ của mình; còn người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm chi trả việc vận chuyển và tái chế cho các sản phẩm điện tử do họ thải ra. Khi mua sản phẩm mới, nếu có đồ cũ, người tiêu dùng sẽ được công ty trả tiền cho khoản rác thải điện tử họ có. Vì thế, hầu hết các công ty sản xuất đồ dùng điện tử như Sony, Toshiba... của Nhật Bản đều có nhà máy tái chế riêng.
Tại các thành phố lớn như Tô-ky-ô, Ô-sa-ka, Kô-bê v.v.., chính quyền mỗi quận đều đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến rác thải có công suất chế biến từ 500-1000 tấn rác/ngày, với kinh phí từ 40-60 triệu USD/nhà máy. Ở thành phố nào rác thải cũng được phân loại triệt để đến mức nhỏ nhất. Dọc 2 bên đường ở Nhật Bản, các thùng rác được đặt hai bên vệ đường. Trên các thùng rác này có vẽ hình những loại rác được phép bỏ vào đó. Mỗi thùng rác có màu sắc riêng, ký hiệu để người đi đường dễ phân biệt khi bỏ rác vào thùng.
Do chính phủ Nhật Bản chính thức khuyến khích tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải tái chế, nên dù mỗi năm thải ra khoảng 55-60 triệu tấn rác, nhưng từ năm 1991, chỉ khoảng 5% trong số đó phải đưa tới bãi chôn lấp, còn phần lớn được đưa đến các nhà máy để tái chế. Nhà nước cũng khuyến khích người dân sử dụng rác như một nguyên liệu sản xuất. Chính phủ từng hỗ trợ 30 USD/máy để người dân mua máy tự xử lý rác thải hữu cơ làm phân composit bón cho cây trồng.
Tại Bỉ, công tác thu gom và xử lý rác thải được các công ty tư nhân đầu tư, hình thành ngành công nghiệp thu gom và xử lý rác thải. Chính phủ chỉ kiểm tra và giám sát. Sita Belgium là công ty quản lý và xử lý rác thải lớn nhất của Bỉ, thuộc Tập đoàn quốc tế Suez về năng lượng, môi trường và nước. Phạm vi hoạt động của Sita Belgium rất rộng: Thu và chọn lọc rác, tái sinh, xử lý rác hữu cơ, thu năng lượng từ rác xử lý, làm sạch môi trường đất, lọc nước, xử lý chất a-mi-ăng..., nghĩa là làm trọn các khâu từ A đến Z trong công nghiệp xử lý rác thải.
Các nhà máy của Sita Belgium có mặt khắp các tỉnh thành của Bỉ, mỗi năm xử lý tới gần 2 triệu tấn rác. Ở đây, để tiết kiệm chi phí đầu tư mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong thu gom và xử lý rác, các gia đình ở Bỉ được khuyến khích phân loại rác tại nhà trước khi nhà máy của Sita Belgium thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý. Theo lịch hàng tuần, các gia đình ở từng khu phố đem các túi rác đặt trước cổng vào lúc chiều tối thứ hai và thứ năm, chờ các xe chở rác đến thu mang đi.
Chương trình bảo vệ môi trường của Bỉ coi vấn đề quản lý và xử lý rác thải là một tiêu chí tiến tới phát triển bền vững. Những chỉ tiêu được tính toán tỉ mỉ, ví dụ phấn đấu giảm lượng rác thải trung bình từ 300 kg/người/năm xuống 240 kg/người/năm. Kế hoạch cho từng nhà máy xử lý rác sinh hoạt, rác công nghiệp, hay tái sinh các chất thải nhựa, sắt thép, máy móc điện tử... và vốn đầu tư cho từng nhà máy cũng được hoạch định rất cụ thể.
Có thể nói, Bỉ là một trong những nước đi đầu trong việc bảo vệ môi trưởng ở châu Âu. Việc xử lý rác một cách triệt để ở Bỉ không chỉ nhằm hạn chế tối đa các nguồn gây ô nhiễm, mà còn là một cách thức hiệu quả để tiết kiệm các nguồn tài nguyên, gắn phát triển kinh tế với cải thiện môi trường sống.
2…đến thực tế xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý rác thải ở các nước thông qua sử dụng các hình thức cạnh tranh thị trường và sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân được coi là biện pháp hiệu quả nhất để khuyến khích việc đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật của ngành này theo hướng hiện đại, đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc giảm giá đối với việc cung cấp dịch vụ này.
Ở Việt Nam, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường chưa thực sự có sự thống nhất, mà ở nơi này, nơi kia còn có sự cắt xén, lệch lạc, thậm chí bóp méo và lạm dụng trong cách hiểu, cách làm... Trong khi có địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường với lý do không có kinh phí nhà nước cần thiết hoặc tư nhân không muốn đầu tư... thì cũng có địa phương đã triển khai xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường nhưng lại có sự đối xử chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động xã hội hóa, bảo vệ môi trường.
Cùng hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, song các doanh nghiệp nhà nước hay đơn vị sự nghiệp nhà nước thì có nhiềuthuận lợi hơn về kinh phí ngân sách nhà nước, mặt bằng, địa điểm hoạt động, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp..., còn doanh nghiệp hay hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tham gia xã hội hóa thì vẫn phải tự bươn chải, chậm cấp bù kinh phí, phải thuê ngoài diện tích hoạt động cần thiết, tự đối diện với các loại khó khăn, trong khi môi trường luật pháp cho xã hội hóa dịch vụ bảo vệ môi trường còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và tính hiệu lực pháp lý trên thực tế chưa cao.
3. Và những giải pháp cần thiết
Từ kinh nghiệm thực tế của thế giới cũng như những kết quả thu được tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lạng Sơn v.v., có thể thấy, việc xã hội hóa chỉ đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành phần kinh tế và sự tham gia rộng rãi của nhân dân... Để công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường có được thành công, thiết nghĩ cần đến sự hợp thành của tổng hòa những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và thống nhất nhận thức chung về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Điều này là cần thiết để tạo sự đồng thuận xã hội cao, cũng như để ngăn chặn những lệch lạc và lạm dụng trong quá trình triển khai các hoạt động xã hội hóa cung cấp dịch vụ đô thị. Nội dung thông tin, tuyên truyền không chỉ xoay quanh việc giải thích chủ trương, đường lối, chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường có liên quan, mà quan trọng hơn là cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (trong đó cần quy định cụ thể một số kênh, ấn phẩm thông tin chính thức bắt buộc...) về các quy hoạch, kế hoạch, dự án xã hội hóa các dịch vụ đô thị, để cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư ngoài khu vực kinh tế nhà nước tiếp cận thuận lợi, đầy đủ, cập nhật các thông tin này, từ đó hình thành các quyết định đầu tư cần thiết, đúng định hướng.
Cần có quy định bắt buộc các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ngành (hiện vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là cơ quan chủ quản một số doanh nghiệp nhà nước đang cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường) cung cấp thông tin theo yêu cầu cho các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước có nhu cầu tham gia công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường.
Thứ hai, mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ môi trường và cổ phần hóa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đang và sẽ tham gia xã hội hóa các dịch vụ đô thị.
Có thể nói, ở một mức độ nhất định, kết quả hoạt động xã hội hóa phụ thuộc chặt chẽ với mức độ tự do hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ môi trường. Theo xu hướng chung của thế giới, khu vực kinh tế tư nhân tham gia ngày càng sâu, rộng hơn vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có các dịch vụ đô thị.
Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh, thành phố của nước ta, cũng cần ngày càng mở rộng cửa, thực hiện tự do hóa kinh doanh trong các dịch vụ bảo vệ môi trường (trong toàn bộ hoặc trong một số quy trình, công đoạn, khâu của hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ). Tuy nhiên, cần có cơ chế quản lý để tránh việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường diễn ra theo kiểu mạnh thành phần kinh tế nào thì bên ấy làm, cạnh tranh tự do, tự phát, thiếu sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế.
Thực tế quốc tế và trong nước đã chỉ ra rằng, các công ty cổ phần đa sở hữu là loại hình tổ chức có hiệu quả các hoạt động kinh tế, có lợi thế cho phép đáp ứng nguyên lý chia sẻ rủi ro kinh doanh, vượt qua các hạn chế về nguồn lực và thị trường của từng nhà kinh doanh đơn lẻ, độc lập, cũng như cho phép sự tham gia của xã hội ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua sự tham gia cổ phần của các cổ đông. Vì vậy, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang cung ứng dịch vụ môi trường và thành lập các công ty cổ phần mới (thậm chí các tập đoàn) tham gia cạnh tranh cung cấp các dịch vụ môi trường là một khuynh hướng cần được xem xét lựa chọn trong cách thức tổ chức xã hội hóa các dịch vụ bảo vệ môi trường trong thời gian tới của nước ta. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa, mà còn đưa xã hội hóa lên một tầm cao và sắc thái mới, đầy đủ, trực tiếp hơn.
Thứ ba, hoàn thiện môi trường pháp lý, điều chỉnh chính sách, nâng cấp các ưu đãi tài chính và tạo thuận lợi cao nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Các chủ trương, chính sách về xã hội hóa bảo vệ môi trường nhất thiết phải được thể chế hóa bằng các quy định, quy phạm pháp luật cụ thể và có hiệu lực, đi kèm với các công cụ chế tài nghiêm khắc cả về tài chính, lẫn hành chính, đối với các hành vi vi phạm từ các phía có liên quan.
Trong số các khuyến khích tài chính và ưu đãi khác cần thiết để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cần đặc biệt coi trọng việc giảm thiểu các nghĩa vụ tài chính như thuế, phí và các chi phí tham gia thị trường của doanh nghiệp tham gia xã hội hóa; mở rộng quyền thu và phạt tài chính của doanh nghiệp gắn với chất lượng dịch vụ môi trường do mình cung cấp; áp dụng rộng rãi và nghiêm túc hình thức đấu thầu công khai và bình đẳng việc cung cấp các dịch vụ môi trường theo đơn đặt hàng ổn định có thời hạn của nhà nước, cũng như sự tiếp cận với các điều kiện đảm bảo kinh doanh khác, mà trước hết là về mặt bằng, địa điểm, kết cấu hạ tầng...
Điểm cần nhấn mạnh là, các cơ quan quản lý ngân sách nhà nước cần chủ động sử dụng công cụ ngân sách hoặc các quỹ tài chính có nguồn gốc ngân sách để trực tiếp hỗ trợ có thời hạn và điều kiện cho doanh nghiệp, như hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ bù giá chênh lệch trong kinh doanh và hỗ trợ sắp xếp lao động trong các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa hoặc chịu ảnh hưởng bất lợi trực tiếp từ xã hội hóa (ví dụ, để giải quyết việc làm hay bù thu nhập ban đầu bị giảm sút cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước không trúng thầu hợp đồng bảo vệ môi trường theo phương thức xã hội hóa).
Thứ tư, thể chế hóa sự tham gia giám sát của xã hội và dân chủ hóa quá trình xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường.
Quy chế Dân chủ ở cơ sở và thực tế cũng đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của việc tăng cường dân chủ hóa, mở rộng sự giám sát trực tiếp của người dân, báo chí và các cơ quan giám sát xã hội các cấp khác như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các đoàn thể thành viên Mặt trận tổ quốc và cơ quan báo chí, thông tin đại chúng đối với các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Thể chế hóa việc giám sát xã hội, đảm bảo dân chủ và xử lý kịp thời các phát hiện sai phạm quy định về xã hội hóa là một trong các điều kiện và động lực mạnh mẽ và quan trọng hàng đầu để quá trình xã hội hóa bảo vệ môi trường phát triển đúng hướng, đúng mục tiêu...
Thứ năm, thực hiện phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích bảo vệ môi trường.
Các chế tài về môi trường phải được cân nhắc hài hoà giữa sức chịu đựng của môi trường với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động qua lại giữa môi trường - tài nguyên thiên nhiên - kinh tế - dân số.
Trước hết, cần bảo đảm yêu cầu: người sản sinh ra phế thải và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm tài chính về hậu quả do mình gây ra, theo mức lũy tiến tương ứng với sự gia tăng các hậu quả đó; người được hưởng lợi từ việc sử dụng những sản phẩm và dịch vụ bảo vệ môi trường thì phải trả tiền, cũng với mức lũy tiến theo mức thụ hưởng. Đồng thời, các biện pháp tài chính được đưa ra cũng phải khuyến khích hạn chế tiêu dùng tài nguyên không có khả năng tái tạo, tăng áp dụng công nghệ cao không có chất thải hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên nhiên liệu không gây ô nhiễm (chẳng hạn dùng xăng không chì thay cho xăng pha chì).
Thứ sáu, lồng ghép giải quyết vấn đề môi trường với công tác xoá đói, giảm nghèo, gắn kết lợi ích công tác bảo vệ môi trường với lợi ích và cuộc mưu sinh hàng ngày của người dân, nhất là dân nghèo.
Không thể cô lập và tách rời việc bảo vệ môi trường với các hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xoá đói, giảm nghèo. Điều cần lưu ý là các công cụ tài chính phải được sử dụng mềm dẻo, hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất mặt trái của chúng dẫn đến kìm hãm phái triển kinh tế, làm gia tăng đói nghèo hoặc buộc người dân vi phạm chúng do những bức bách của nhu cầu mưu sinh. Đồng thời, cần tránh cả đến những tác động trái chiều của chúng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như: nếu đánh thuế gas quá cao sẽ khiến người tiêu dùng nghèo phải chuyển sang đun than hoặc phá rừng lấy củi đun, do đó làm tăng ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, cần có kế hoạch dài hạn chủ động rà soát, điều chỉnh, thay thế, nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường, cụ thể hoá cho từng nhóm tác nhân, hành vi gây ô nhiễm môi trường; cho từng loại ô nhiễm; cho từng đối tượng chấp hành cụ thể trong quá trình thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm và giám sát, bảo vệ môi trường. Quy định rõ cả những tiêu thức, chỉ tiêu, định mức, định lượng và định tính cho các vi phạm bảo vệ môi trường và mức xử phạt tương ứng. Cần khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh và công khai hoá các quy định pháp lý cho sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, kể cả công ty nước ngoài) vào các hoạt động trên, cũng như các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ môi trường.
Các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường cho các quận, huyện, xã, phường và cơ sở trực tiếp hoạt động trên địa phương. Sự phân cấp nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ môi trường trên từng địa bàn cần được khép kín, tập trung và bao quát, tạo thuận lợi cho sự chủ động của địa phương, cơ sở, cũng như phát huy sức mạnh, lợi thế, năng lực, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ sở được phân cấp trong tổng thể mạng lưới, guồng máy hoạt động bảo vệ môi trường của thành phố; đồng thời, cần gắn với sự phân cấp đầy đủ, đồng bộ về kinh phí, về quyền hạn, quyền lợi (kể cả về thu và xử dụng phí môi trường) trong tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường được phân cấp tương ứng.
Ngoài ra, cần có những quy định cụ thể về yêu cầu, nội dung, phương thức, chế độ kiểm tra, giám sát, kế toán và kiểm toán thích hợp nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả của các hoạt động quản lý môi trường, xã hội hoá và phân cấp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần thành lập và phân bố thuận lợi, đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân biết và tiếp cận dễ dàng với các cơ quan tiếp nhận và xử lý các tranh chấp, khiếu kiện và tố giác về các hành vi xâm hại môi trường diễn ra hàng ngày trên từng khu phố, quận, huyện, xã, phường, khu vực dân cư và các khu chức năng, khu, cụm công nghiệp tập trung và làng nghề ở địa phương. Các cơ quan này phải có trách nhiệm và đủ quyền hạn tiếp nhận, giải quyết theo chế độ "một cửa" tất cả các khiếu kiện và nguyện vọng bằng miệng trực tiếp, điện thoại hoặc đơn thư về các hoạt động quản lý môi trường của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
Cần thành lập các tổ thanh tra - cảnh sát môi trường chuyên trách từ cấp trung ương xuống tới các cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện ở địa phương với quyền hạn lớn, kèm theo các chế tài được quy định rõ ràng, cụ thể để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm các quy định về quản lý môi trường trên địa bàn. Dùng cơ chế thưởng tiền xứng đáng cho các tổ này theo phương châm "lấy kinh phí hoạt động của tổ thanh tra chủ yếu từ nguồn thu tiền phạt mà tổ thu được, giảm thiểu bao cấp và ngăn ngừa lạm dụng, nhũng nhiễu". Giao cho Ủy ban nhân dân các địa phương trực tiếp thành lập, quản lý các tổ này trên địa bàn của mình phụ trách.
Cần củng cố lại Quỹ môi trường các cấp cả về tổ chức, quy mô vốn và các quy chế hoạt động, để Quỹ thực sự trở thành một mắt khâu có vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống thể chế bảo vệ môi trường và xoá đói giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc và địa phương. Bổ sung quy định pháp lý về các nhiệm vụ thu - chi và quản lý tài chính của Quỹ có liên quan đến công tác xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho các đối tượng có liên quan trực tiếp với mục tiêu bảo vệ môi trường. Ví dụ, tăng thu của các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ các dự án và các hoạt động bảo vệ môi trường để tăng chi từ Quỹ cho các đối tượng người nghèo và chịu thiệt thòi (phải di dời đi nơi khác…) gắn với triển khai các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ môi trường
Để góp phần kiềm chế lạm phát  (06/06/2008)
Thành lập quỹ gạo quốc gia để bình ổn thị trường  (06/06/2008)
Phụ nữ Việt Nam hội nhập và phát triển  (05/06/2008)
Vài nét về quan hệ Việt Nam - Na Uy  (05/06/2008)
Gạo được mùa, xuất khẩu có thể đạt 4,5 triệu tấn  (05/06/2008)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay